Khi Nào Được Sửa Thơ Của Mình
Tượng Nguyễn Trung Trực trước đền thờ chính , Rạch Giá .
Nguyễn Trung Trực (1838-1868)
Sinh tại tỉnh Long An , mất tại tỉnh Kiên Giang .
Đọc hai câu thơ của Huỳnh Mẫn Đạt tôi thấy hay và thích quá:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa .
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần .
Huỳnh Mẫn Đạt
Hỏa: lửa. Hồng: màu hồng. Oanh : nổ vang. Thiên: trời. Địa: đất.
Kiếm: thanh kiếm. Bạc: màu trắng như bạc. Khấp: khóc.
Dịch hai câu thơ chữ Hán ở trên ra văn xuôi tiếng Việt :
Màu hồng của lửa ở Nhựt Tảo nổ vang trời đất .
Màu trắng bạc của lưỡi kiếm ở Kiên Giang làm cho quỷ thần khóc .
(Ý nói Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu quân Pháp ở Nhựt Tảo lửa hồng nổ vang trời đất và ngày quân Pháp đem chém nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang , lưỡi kiếm màu trắng bạc lóe lên làm cho quỷ thần khóc) .
Lại nhớ ra tỉnh Long An có tỉnh lỵ (chef-lieu – capital of a state) là Tân An cũng là quê ngoại của mấy đứa con tôi.
Rồi lại thấy được ảnh tượng Nguyễn Trung Trực, ngồi suy nghĩ trong đêm tôi buồn quá, có thể nói muốn khóc, tôi viết:
Ai về Nhựt Tảo, Kiên Giang
Cho tôi nhắn gửi đôi dòng lệ tim.
Ít lâu sau trở lại chuyện này, tôi sửa hai câu thơ này thành:
Ai về Nhựt Tảo Kiên Giang
Cho tôi nhắn gửi đôi hàng lệ tim.
Năm ngoái 79 tuổi, trở lại chuyện này nữa, tôi rơi nước mắt trong đêm và sửa hai câu thơ này một lần nữa như sau:
Ai về Nhựt Tảo, Kiên Giang
Nói dùm tôi đã đôi hàng lệ rơi.
(Ai về Nhựt Tảo, Kiên Giang
Nói dùm tôi đã … khóc.)
Như vậy là diễn tả thật nhất lòng mình.
Nếu tôi đã xuất bản thành sách hai câu thơ này, có lẽ tôi không thể sửa được. Nhưng tôi đã không xuất bản thành sách thì tôi sửa không sao cả.
Khai Phi
Cước chú
Có vài Email Friends gửi thơ sáng tác đến chúng tôi, chúng tôi thấy có một hai khuyết điểm nhỏ làm bài thơ giống như một giai nhân bị vết lọ lem trên mặt nên đem ra công cộng không được.
Các bạn có thể sửa lại thơ của mình để đăng lên website.