Khai Phi's Website

Vương Miện Cho Em

“Tưởng nhớ phu quân tôi!
Sau 100 ngày anh vĩnh viẽn ra đi”

Vương miện trắng anh tặng em ngày cưới,
Nét trang đài cài trên tóc cô dâu
Dưới bầu trời xanh lung linh nắng mới.
Bạn bè: “…Chúc hai bạn sống… bạc đầu”.

Trong hạnh phúc anh rạng ngời ánh mắt,
Em mỉm cười e thẹn nép vào anh.
Đôi chim én lượn trời xuân ấm mát,
Muôn hoa tươi thắm sắc nở đơm cành.

Sau trăng mật anh ra đi biền biệt.
Cờ Đỏ (*), Tháp Mười, Châu Đốc, U Minh.
Là lính chiến trên “Bốn Vùng Chiến Thuật”
Có sá gì trong gian khổ tử sinh…

Những đêm đen ánh hỏa châu vàng võ,
Tiếng súng đì đùng… vọng lại từ xa,
Thương con thơ dại nằm nôi bé nhỏ
Cả năm cha chưa trở lại thăm nhà.

Những chiếc trực thăng tải thương lên xuống,
Xe cứu thương hụ còi chạy ngược xuôi…
Nghe tiếng khóc than, lòng em luống cuống
Chị hàng xóm chồng lính mới lìa đời!

Cô đồng nghiệp chồng ra đi vĩnh viễn
Mấy hôm trước trong trận chiến Chợ Bưng.
Đến thăm bạn cõi lòng nghe đau điếng
Bên quan tài, chị khô mắt lệ rưng.

Nhìn nỗi khổ người tâm tư xao xác,
Thấy cảnh thương đau chợt nghĩ đến ta.
Giặc gây chiến tranh, quê hương tan tác.
Cầu an bình cho lính trận miền xa…

Quê hương vẫn dằng dai trong cuộc chiến.
Thương cô phụ héo hắt nỗi chờ mong,
Những chàng trai bôn ba ngoài giới tuyến,
Vợ chiến binh luôn thấp thỏm, phập phồng.

Đoàn quân anh về giải tỏa An Lộc.
Mấy tháng ngóng trông vắng bặt tin thư.
Tiếng súng xa xa, rầu lo em khóc!
Con vô tư nhìn mẹ nhoẻn miệng cười.

Bình Long vẫn còn trong cơn ác chiến.
Trực thăng lên xuống bệnh viện Cộng Hòa
Đã bao tuần anh bị thương chuyển đến…
Trầm trọng hôn mê ngày lại ngày qua.

Gần cả năm trị thương, anh giải ngũ
“Cấp độ tàn phế bảy chục phần trăm!”
Hai phần thân… gởi chiến trường năm cũ.
Mấy mươi năm, cố quán chẳng về thăm.

Xứ người tự do, nhân quyền, hạnh phúc,
Nuôi dạy các con nối nghiệp cha ông,
Tội dân Nam vẫn còn trong tù ngục.
Mang kiếp tha hương… không thẹn với lòng.

Ngày anh đi, tóc em cài vương miện!
Không bằng hoa trắng, phủ chiếc khăn sô!
Vĩnh viễn biệt ly nghẹn ngào đưa tiễn.
Vương miện cho em, anh liệm dưới mồ!

Dư Thị Diễm Buồn

(*) Cờ Đỏ là một huyện vùng ven thuộc tỉnh Cần Thơ, địa danh chịu nhiều tang tóc trước 1975.

Màu Hoa Tôi Yêu

“Tưởng nhớ phu quân tôi vĩnh viễn ra đi
Ngày 16 tháng 11 nam 2021”

Anh đến thăm em một chiều nhạt nắng
Bước quân hành theo cuộc chiến dằng dai.
Trong việc làm đồng phục em màu trắng,
Đóa bạch hồng anh cài lên tóc mây…

Từ dạo đó em yêu màu hoa trắng
Còn biển, rừng, sông, núi… anh thiết tha
Yêu vườn ruộng mênh mông vàng hoa nắng,
Yêu trời xanh rực rỡ dãy ngân hà…

Anh mãi yêu thiên nhiên nên lỗi hẹn!
Để cho em thờ thẫn nỗi chờ mong
Hỏi gió, trăng, mây… bao giờ anh đến?
Bóng dáng em, anh còn có trong lòng!

Bởi hờn dỗi… em không thèm đợi nữa!
Không nhớ anh, dù sen trắng nở hoa,
Chẳng chút vui, ông phát thư gõ cửa,
Ghét ánh trăng thanh nhẹ trải quanh nhà…

“… Anh về rồi em ơi đừng hờn dỗi…
Yêu quê hương, yêu đời lính, yêu em…
Trót lỡ hẹn chưa về, anh chịu lỗi!
Sau hôn phối… ta chung sống lâu bền…”

Hai mươi, tháng mười hai, sáu mươi chín,
Vương miện trắng anh cài tóc cô dâu.
Hạnh phúc bên nhau niềm tin thánh thiện
Nguyện “Cùng cam cộng khổ” đến bạc đầu…

Giáng Sinh nay, em khóc màu hoa trắng!
Màu trắng khăn sô phủ tóc buông dài…
Ngày vui trở lại! Sao anh xa vắng?
Hoa tang chồng… em cài lên tóc mây!

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
California, Thu vũ Đông phong

Dư Thị Diễm Buồn

Phụ Nữ Miền Nam Trong Thời Khói Lửa

Phụ Nữ Miền Nam trong thời khói lửa
Đáng được vinh danh “Tiết Hạnh Khả Phong”.
Chăm sóc Mẹ già, con dại thay chồng
Để chinh phu yên lòng lo chống giặc .
Đêm cô đơn, nhớ chồng rơi nước mắt .
Nhìn đám con thơ, ruột thắt gan bào .
Lo lắng cho chồng khi nghe tiếng pháo .
Cầu xin Phật Trời che chở chinh phu .
Kẻ đón chồng về chân cụt, mắt mù .
Người đổ lệ, nhận xác chồng tử trận .
Vợ tù cải tạo vô cùng lận đận
Lặn lội thăm chồng ngàn dậm xa xôi .
Quằn đôi vai gánh vác cuộc đổi đời
Cùng con trẻ đi vùng kinh tế mới .
Trồng sắn, trồng khoai, mẹ đào, con xới .
Thiếu áo cơm, đời chẳng thấy tương lai .
Phải cùng con vượt biên ra hải ngoại .
Biết bao người nạn nhân quân cướp Thái
Chết trên biển Đông bỏ lại con thơ .
Lạc lõng quê người, bọn trẻ bơ vơ .
Phụ Nữ Miền Nam trong thời khói lửa
Đã góp công giữ đất nước non sông .
Dù không cầm súng ra ngoài chiến tuyến
Nhưng công lao chẳng kém chi chồng .

Lão Mã Sơn Trần Công

Nỗi Đau Của Lá


Rừng ươm nguồn sống tràn đầy.
Khi mùa Thu tới, hàng cây đổi mầu.
Quặn lòng, lá chịu nỗi đau,
Từ xanh biến dạng, đỏ au cực hình!

Máu hồng, gân lá chuyển mình,
Tách rời cành mẹ, dứt tình bay đi!
Tiếng kêu nhẹ lúc phân ly
Nào ai nghe biết… cực kỳ đau thương!


Lá rơi phủ kín mặt đường
Dưới chân lữ khách thập phương giang hồ
Tan vào cát bụi hư vô.
Thu về, muôn triệu lá khô lìa cành.

Rừng Thu đẹp tựa bức tranh
Muôn hồng ngàn tía, long lanh ánh vàng.
Khách du ngắm cảnh huy hoàng
Biết chăng xác lá hàng hàng dưới chân?

Trần Quốc Bảo

You Say You Love …_Nghi Ngờ

You Say You Love …

You say you love rain, but you use an umbrella to walk under it.
You say you love sun, but you seek shelter when it is shining.
You say you love wind, but when it comes you close your windows.
So that’s why I’m scared when you say you love me.

Bob Marley

 

Nghi Ngờ

Em rằng em rất thích mưa.
Sao khi mưa đổ che ô vội vàng.
Em rằng em thích nắng tràn.
Lại tìm bóng mát chói chang nắng về.
Em rằng thích ngọn gió se.
Nhưng nhanh đóng cửa những khi gió luồn.
Giờ nghe em nói yêu thương,
Lòng tôi lo sợ nỗi buồn tình xa.

Trầm Vân dịch

Để Râu Làm Gì

Cha mẹ nghèo
Không vàng ròng để lại.
Để cho ta một cái hàm râu
Suốt phần đời còn lại ta giữ mãi.

Bạn bè hỏi:
Dể râu làm gì,
Trông già quá mày ơi.
Gìa thì già
Việc chi phải sợ?

Tẹt thì tẹt
Việc chi phải nong mũi sửa môi??
Sửa cho nhiều
Rồi cũng vậy thôi.
Chết đi rồi
Đâu có được mang theo.

Chỉ mang theo nghiệp lực.
Vậy ta nên hãy
Tu thân tích đức,
Làm lành lánh ác.
Đừng bận tâm vẻ đẹp bên ngoài.

Bạn ơi
Râu quí hơn vàng.
Có tiền mua được hột xoàn,
Có ai mua được một lần bộ râu???

Hoàng Long

Chuyện Lòng

“Dòng đời trôi đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng”.
(Trích trong bài hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay).

Chuyện lòng năm ngoái năm xưa
Đêm qua trong mộng vẫn chưa đổi dời.
Dây tơ ai buộc, ai mời,
Đầm Long Môn * đính ước thời đã xa.
Quê ta ngày ấy hiền hòa.
Tình ta thuở ấy mặn mà dễ thương.
Đời như giấc mộng thiên đường,
Ta đâu nhớ được hoa hường lắm gai.
Tương lai anh gắng miệt mài.
Em tương tư đợi chờ ngày phượng loan.
Thói đời hay hợp rồi tan,
Tình ta cũng thế dở dang nửa đàng.
Lệ tuôn lã chã hai hàng.
Anh đau em khổ đôi đàng rẽ chia.
Sáu mươi năm sống chia lìa.
Đêm nay ngồi khóc đầm đìa nhớ anh.
Chẳng nên duyên lúc đầu xanh,
Nhưng em vẫn giữ hình anh trọn đời.
Nếu anh còn sống phương trời,
Xin anh ấp ủ khoảng đời có nhau …

Las Vegas, September 14, 2020

“Anh ơi anh ở phương nào,
Có hay em vẫn lệ trào nhớ anh?”
(Gửi Nguyễn Minh Hoàng)

*Đầm Long Môn: Điển Tích Chọn Lọc của Mộng Bình Sơn.
Ngày xưa có một cái đầm nước rất đẹp, các trai tài gái sắc thường dạo chơi trong dịp cuối thu. Vào mùa này, các cây cối đều rụng lá, riêng có hai loại cây Mai và Trúc lá vẫn xanh tươi, làm chú ý mọi du khách đi thưởng ngoạn, trong số đó có nàng Hoàng Kỳ Mai và chàng Lâm Bá Trúc, một người bẻ một cành Mai, người kia bẻ một cành Trúc rồi thề nguyền “Hai cành Trúc Mai là đôi chúng ta. Nếu quả lương duyên trời định, chúng ta nên vợ chồng, thì sau khi chúng ta cùng nhau ném cành mai và cành trúc này xuống mặt hồ, mỗi nơi một vật, nếu gió đưa nước cuốn hai cành trúc mai hòa hợp, chúng ta sẽ về thưa lại với song đường tác hợp lương duyên”. Kết quả là hai cành trúc mai hiệp nhau một chỗ nên Lâm Bá Trúc và Hoàng Kỳ Mai được tác thành chồng vợ.

Cao Minh Nguyệt

Nghìn Thu Vương Vấn

Đây là một lá thư tình cuối cùng không gửi, cũng là một chuyện tình đẹp dang dở, đă nói lên được tất cả tấm lòng chân thành của một thiếu nữ đối với người yêu. Lý do phải sinh ly (sống xa cách nhau không bao giờ gặp lại) tác giả không nói ra mà để độc giả có thể đoán, như vậy hay hơn.

Bài này giúp tôi biết được một tâm hồn đẹp và cao quý trong một con người (personalite’) tình (coeur) và lý (raison) cân bằng một cách tuyệt vời.

Khai Phi

Nghìn Thu Vương Vấn

Anh thương,

Đây là lá thư duy nhất và cũng là lá thư cuối cùng em gởi cho anh từ khi chúng mình xa cách. Cách gởi cũng dị thường hơn bao nhiêu trăm thư trước mình gởi cho nhau, qua bưu điện hay nhờ tay người đưa tin; mà cũng không như huyền thoại cổ tích, cậy lá thắm, chim xanh. Em không có cách nào hơn là đặt tin tưởng mãnh liệt vào thần giao cách cảm (1), hy vọng anh sẽ thông đạt tâm tư em qua không gian và thời gian, bằng quả tim đã từng đập hàng triệu nhịp cho em, rung động, sung sướng, hy vọng, khổ đau cùng em

Đã hơn nửa thế kỷ xa nhau, trong anh và em, mỗi người có hai nhân vật rất lạ lẫm cùng nhau, một của trước ngày mình chia cách, và một của nửa đời còn lại. Thế nên, để thoải mái chuyện trò, em đề nghị với anh là ta hãy tạm quên đi rằng anh và em là hai kẻ bằng xương thịt; mà là hai tâm hồn ma của liêu trai (2), vì nợ tình chưa dứt, trở về thế gian, âu yếm tâm sự cùng nhau một đêm mưa gió. Có được không anh?

Đêm nay em chỉ là hồn ma, người yêu thuở trước của anh. Em đang ở một thế giới huyền ảo, đầm đìa châu lệ thương nhớ anh, và gọi tên anh thảm thiết. Anh có nghe không? Em còn nhiều ẩn tình chưa được kể hết với anh lần mình gặp gỡ chia tay cuối cùng. Hồn em còn thổn thức, muốn sống lại với anh những ngày qua trong giây lát quý báu hữu hạn này.

Anh còn nhớ xưa mình yêu nhau đến độ nào và ra sao không? Thư mình gởi cho nhau mỗi ngày trong mấy năm em còn ở quê nhà và sau khi em sang Pháp là hơi thở, là nguồn vui, là lẽ sống, là hạnh phúc của nhau, mặc dù cũng có lúc chúng chỉ mang lại một nỗi buồn tê tái vì ta yêu nhiều và thiếu vắng nhau. Trong những thư dài não ruột cho em anh đã viết những câu thơ như: “Năm dài thương nhớ cũng triền miền. Đời cách xa nhau, rét vạn miền”. Có lúc anh mượn ý của một văn hào Pháp để nói với em “Anh muốn hôn tất cả những bước đường em đi”. Đất rộng vô biên, biển sông không bến đỗ, trời mây mênh mông, núi cao vời vợi, sông Tương chia rẽ đôi ta bên nớ, bên này, mà anh vẫn mỗi ngày theo dõi thời tiết ấm lạnh và tin tức thời sự ở Paris, vì đó là nơi em ở.

Anh có nhớ lúc em còn ở bên nhà, anh thường đến chơi với anh Hạnh, bạn thân của anh ở cạnh nhà em, nhìn trộm em lúc em đi học về? Anh còn nhớ không, thuở ấy Vương, em trai anh, và Phương, em họ em là cánh chim đưa thư cho hai chúng mình? Nay Vương đã mất ngoài chiến trận để gìn giữ quê hương, để lại đàn vợ yếu con thơ, và Phương cũng lìa trần vì bệnh đái đường. Phương cũng bỏ lại một gia đình đơn chiếc. Lúc ấy anh đã ra tú tài tòan phần, mà em vẫn còn trung học, cùng lớp với Vương. Nên khi Vương mang tập thơ ảnh của em về nhà, anh đã ngang nhiên viết vào dưới hình em, lúc đó tóc dài quá nửa lưng và hay khóc khi đọc tiếu thuyết buồn, bốn câu thơ sau “Có nghĩa gì đâu mớ tóc dài. Mà sao ràng buộc cánh chim bay? Những là suối mắt khi dâng lệ. Dìm đắm lòng trai xuất ải ngoài” Dễ ghét làm sao!

Hai con đường chúng ta ở cắt ngang nbau. Anh và em có thể nhìn hình bóng nhau qua balcon của mỗi nhà. Anh viết thơ trách em “Đó đây cách một con đò. Xa xôi chi đó mà chờ không sang? Chiều nghe gió lộng cuối làng. Nghe lòng dìu dịu nhớ thương khôn cùng. Đó đây cách mấy con sông, Cách bao nhiêu bến mà lòng cách xa? Chiều nay nắng đổ bóng tà. Trên con sông cũ hay là về đâu? Nhớ nhau biết nhớ phương nào. Buồn không sao hiểu vì sao mà buồn. Chỉ duy biết có một hôm. Gặp em thấy đỡ cô đơn rất nhiều. Thế thôi rồi dáng diễm kiều. Xa tôi tôi thấy những chiều nhớ thương”.

Trước buổi em lên đường, anh có viết một bài trường thi cho em, và gởi một đoạn đến đài Pháp Á nhờ cô Giáng Hương ngâm tặng em. Ta gặp nhau đêm trước để từ giả nhau. Anh không có mặt sáng hôm sau ở phi trừơng Tân Sơn Nhứt để đưa tiễn em, vì có ba má em và nhiều người khác. Nhưng trong thư cho em, anh viết “Tiễn đưa dù phải theo nghìn dặm. Thì cũng cùng nhau một phút lìa”.

Rồi một năm kia em nghe một cha công giáo giảng thuyết thật hay. Sau đó em lại đọc quyển Les Pense’es của Pascal. Em bị chấn động mạnh, chỉ muốn bỏ hết tình yêu riêng tư của mình để sống cho nhân loại. Em quyết định sẽ học các ngành chuyên môn y khoa, rồi ra trường, đi tới những nơi hẻo lánh, có dân cư khốn cùng để giúp thí công cho họ. Nên dù hai đứa lúc ấy vẫn yêu nhau tha thiết, em van anh nên quên em để em lo tròn mộng ước của mình.

Anh yêu ơi, em đã muôn vàn lỗi ước với anh, mà rồi cũng không tròn nguyện vọng thanh cao của mình. Anh lấy vợ. Em lập gia đình với người khác. Cả anh và em đều tròn bổn phận của người chồng và vợ tốt trong gia đình, nhưng trong tim vẫn không quên được hình bóng người xưa.

Có một lần một bạn của em thoáng thấy bài thơ Paris Chiều Nay, Ngồi Nhìn Mưa Bay của một tác giả trùng tên với anh trên số 54 của tạp chí TRẺ ở Virginia, chị ấy cắt gởi cho em với câu hỏi “Có phải là người của chị không?” Em lặng người trong hai phút, hơi thở loạn nhịp, hoang mang giữa hy vọng và ngờ vực. Em tự hỏi “Trời ơi, có phải là anh chăng?” Văn phong, ý và ngữ vựng của bài fhơ sao rất giống như của anh thường dùng khi viết thư cho em mỗi ngày khi xưa. Em đặt câu hỏi bao nhiêu lần “Đây là mộng hay thật? Ta đang mơ hay ta đang tỉnh?”. Nhưng rồi sau một đêm đắn đo em quyết định họa lại thơ ấy bằng bài Có Phải Là Anh, rồi gởi cho tạp chí TRẺ đó. Sau những ngày chờ đợi, em nhận được số 68 của tạp chí TRẺ gởi tặng em với bài Paris Chiều Nay, Ngồi Nhìn Mưa Bay đăng lại bên cạnh bài Có Phải Là Anh của em. Em thấp thỏm mấy tuần dài lê thê chờ mong tin nhạn mỗi ngày một bặt. Thì ra đó chỉ là một trường hợp trùng cả tên, họ và chữ lót.

Thế là tình mình chỉ có thế thôi. Em đã khóc thầm mấy ngày đêm và ghi trong quyển tạp ký của mình “Anh ơi anh ở nơi nào, Có hay em vẫn lệ trào nhớ anh”. Em nhớ đoạn thơ sau anh viềt cho em ngày nọ mà đoạn trường đứt ruột “Nhiều thương để có ngày tan vỡ. Đừng nói là không chuyện hững hờ. Ôi những ngày xưa, ngày tiễn biệt. Ngày sau ai nhớ lại bao giờ. Bao giờ lại gặp trên đường đời. Hay một lần là một thuở thôi?”. Em đã cãi lẽ với anh khi ấy. Nhưng bây giờ phải nhận thức là chung cuộc tình mình đã dở dang.

Nhưng mọi khổ đau rồi cũng dịu với thời gian. Bây giờ em đã đỡ xót xa nhiều. Đã gặp và yêu nhau như chúng mình yêu cũng đã là một ân huệ lớn trời ban cho. Vì không phải ai cũng gặp được người tri kỷ và có mối tình tuyệt vời như của chúng mình. Tình anh cho em đã mang lại hoa gấm vàng son cho tâm hồn em thuở còn con gái. Nên anh ơi, dù sau hơn nửa thế kỷ hạnh phúc bên chồng con, ngàn thu em vẫn yêu anh và ầp ủ bóng hình anh trong tim đến ngày nhắm mắt. Em tạ ơn trời phật đã cho anh đến với đời em từ buổi ban đầu. Em tri ân anh đã là người yêu lý tưởng của em, và em thành tâm khấn nguyện cho anh cũng hạnh phúc như em.

Nhưng đã quá trễ rồi. Đã đến lúc chúng mình phải vĩnh viễn rời nhau. Em đi đây nha anh. Xin anh đừng ngoái lại nhìn em nữa để cho lòng kẻ này bớt vấn vương.

Người xưa,

Cao Minh Nguyệt.

Chú thích của Khai Phi

(1) thần giao cách cảm: telepathy (the direct communication of thoughts or feelings from one person to another without using speech, writing, or any other normal method), te’le’pathie (transmission extrasensorielle de sensations et de pense’es a` grande entre deux ou plusieurs sujets): truyền trực tiếp từ một người sang người khác những ý nghĩ và cảm giác trong khi xa cách nhau không cần nói, viết, hoặc bằng bất cứ một phương pháp bình thường nào khác; vậy thì tác giả tưởng tượng nàng và người yêu xưa mỗi người thành một (2) tâm hồn ma của liễu trai mà gặp nhau.

Example of telepathy:
Two people dream the same thing at the same time.
Explication:
Telepathy: a person dreams and immediately communicates with another one who sleeps in another place what he/she experiences in the dream.
Thí dụ về thần giao cách cảm:
Hai người chiêm bao thấy cùng một chuyện cùng một lúc.
Giải thích:
Thần giao cách cảm: một người chiêm bao lập tức truyền những gì mình trải qua trong chiêm bao cho người kia nằm ngủ chỗ khác.

Đưa Thu Vào Mộng

Trăng trắng ngà giữa ngàn sao lấp lánh .
Sương mơ màng trên đỉnh núi xa xa …
Cúc nở nụ cười chúm chím vàng hoa .
Tường vi đỏ như môi cô hàng xóm .

Nắng hồng trên cỏ , chớp lia đom đóm ,
Ấy là Thu !… Thu đã tới trước nhà !
Chào đón Nàng , có giọng hát sơn ca ,
Đàn bướm nhỏ bay chập chờn khiêu vũ …

Cả rừng phong , áo muôn mầu quyến rũ .
Liễu nghiêng đầu hong mái tóc xanh lơ .
Mây lưng trời bỗng dừng lại ngẩn ngơ …
Gió mơn trớn đa tình hôn trên má .

Chao ôi ! Thu dịu hiền … yêu Thu quá !
Một trời Thu … hay tất cả là Thơ ?
Ánh trăng thanh nhuộm vũ trụ huyền mơ .
Đêm buông xuống , Thu đưa ta vào mộng …

Đành đã biết Thu ôm tròn lẽ sống ,
Nhưng xá gì … lá rụng với mây bay !
“Thu ẩm hoàng hoa tửu” (*) ngất ngây say …
Há phải đợi Đông về ngâm Bạch Tuyết !

Rót tự trái tim , những dòng trác tuyệt
Đưa Tình Thu lên Cung Nguyệt mơ màng
Xa chốn trần ai ô nhiễm , hỗn mang .
Thu nhập hồn Thơ … lênh đênh Trời Mộng !

Trần Quốc Bảo

 

Chú thích của Khai Phi
Xin mời click link trên để xem ảnh lớn của thi sĩ Trần Quốc Bảo, 91 tuổi, và nghe bài hát Thu Ca của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương do nữ ca sĩ Ngọc Hạ trình bày.
Khai Phi xin chúc Đại Huynh Đại Thi Sĩ Trần Quốc Bảo khi thành người cao niên nhất thế giới … vẫn làm thơ và … còn đẹp trai.

Sợi Tóc Em

Sợi tóc em buông rơi trên thảm cỏ
Có con chim nhỏ sà tới tha đi .
Nó luồn vào trong khóm lá tường vi ,
Đan cái tổ nhỏ tiện nghi xinh xắn !

Sợi tóc em thành chỉ tơ chắc chắn ,
Đính vòng tròn những cánh lá vào nhau .
Con chim trống dùng cái mỏ để khâu .
Trời dạy nó xây lâu đài tình ái !

Rồi trong tổ ấm êm , con chim mái
Đẻ trứng , ấp đàn chim bé xinh xinh …
Sợi tóc em rơi chẳng phải vô tình ,
Mà thụ ứng bởi chương trình Thượng Đế !

Em yêu ơi ! Sợi tóc xưa cũng thế !
Tại vì đâu ? Vương vít bám vai anh !
Sợi tóc của em hóa sợi tơ lành ,
Cột chặt chúng mình vào nhau mãi mãi !

Chẳng phải vô minh mà sinh tình ái ,
Nguyệt Lão làm mối lái đấy em ơi !
Ta bước đi trên mầu nhiệm đường đời .
Sợi tóc em rơi cũng Trời sắp đặt !

Trần Quốc Bảo

1 2 3 11