Khai Phi's Website

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương VI Sinh Ly_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG VI
Sinh Ly

**************************************************

Tôi bỗng lại nhớ tới câu nói của Khoa: Tính cẩn thận của mày rất hay trong việc đưa Lan về nhà nhưng trở thành nhút nhát trong việc “đổ bộ tiệm may”. Hắn nói đúng và tôi đã nhút nhát thêm một lần nữa khi lo ngại rằng Dì Ba cảm thấy lẻ loi vì hai cô gái cùng Khoa và tôi càng ngày càng thân nhau.
Lần này tôi sắp bảo hắn vài chuyện chẳng biết hắn có nghĩ rằng tôi nhút nhát không.
Khoa đã chỉ cho tôi bảy bí quyết dựa vào đó mà làm cho người khác nghe theo lời mình.
Thứ nhất phải biết người ta thích cái gì.
Thứ hai phải biết người ta muốn cái gì.
Thứ ba phải biết người ta cần cái gì.
Thứ tư phải biết người ta ghét cái gì.
Thứ năm phải biết người ta sợ cái gì.
Thứ sáu phải biết tình trạng nội tâm của người ta lúc mình nói với họ: vui (hỷ), giận (nộ), yêu (ái), ghét (ố), buồn (ai), sợ (cụ), muốn (dục).
Thứ bảy nên “Tiên hạ thủ vi cường” nghĩa là ra tay trước lấy thế mạnh.
Trong một bữa ăn vặt, khi Khoa uống hết nửa chai Larue, tôi nói với hắn:
_Dì Ba một lần đã nói những đường liên tỉnh an ninh về vấn đề trộm cướp nhưng khi trời tối là nơi Việt Cộng hoạt động. Vậy từ nay mình sẽ khởi hành đi Mỹ Tho khi trời vừa hết tối và về tới Sài Gòn khi trời sắp tối.
_Mày nhắc tao mới nhớ, làm như thế đi. Khoa nói.
_Còn nữa, tôi nói tiếp, bỏ luôn việc mua bia để sẵn trong tiệm may vì như thế Dì Ba có thể thành nghiện rượu. Chỉ mua bia đủ uống trong ngày Chủ Nhật và mua thức ăn đầy đủ luôn cho ngày Thứ Hai là cùng vì thức ăn để lâu thành không ngon. Tao không tiếc tiền đâu mà chỉ cân nhắc lợi hại thôi.
Khoa suy nghĩ và đồng ý:
_Phải đó, như thế tốt hơn.
Rồi hắn nhìn tôi và cười hỏi:
_Hôm nay tại sao mày lại nghĩ ra được mấy điều hay như vậy?
Tôi im không trả lời vì không biết tại sao.
Tôi vẫn còn lo ngại Dì Ba cảm thấy le loi, Dì có thể thành nghiện rượu . Ngoài ra, Dì không muốn chúng tôi tốn tiền nhiều vô ích nên đã cản tôi gọi năm ly cà phê sữa đá sau khi ăn hủ tíu. Dì nói:
_Uống trà được rồi, về nhà uống cà phê thoải mái hơn.
Những gì ba người đàn bà Tiệm May Như Ý làm, những gì họ không làm và cách kiếm ăn của họ hấp dẫn đối với tôi làm tôi cảm động rồi dần dần mến thương họ mặc dầu dưới mắt người đời họ chỉ là một bà chủ tiệm may nhỏ và hai cô thợ may. Tôi sau này kiếm ăn chắc chắn sẽ không lương thiện như Tiệm May Như Ý. Một thí dụ nhỏ nhất: tôi sẽ phải kê vào đơn thuốc ít nhất một thứ thuốc hiệu thuốc tây chỉ được phép bán nếu có đơn của bác sĩ. Như thế để bệnh nhân mỗi khi đau ốm phải trở lại phòng khám bệnh của tôi trong khi bệnh của họ nhiều trường hợp chỉ cần dùng những thứ thuốc ai cũng được phép mua. Ôi, nói về lương thiện tôi sẽ kém xa Dì Ba, Hường và Lan. Những người quyền hành, giàu sang, họ như thế nào tôi xin miễn nói đến vì tôi không muốn làm đổ nồi cơm của bất cứ ai.
Tình yêu của tôi đối với Lan có lẽ khác tình yêu của Khoa đối với Hường. Tôi cảm động khi mới gặp Lan, mến thương rồi mới yêu nàng.
Khoa gặp Hường có lẽ yêu Hường ngay rồi sau đó thương yêu nàng.
Có lẽ không ai có thể nói tình yêu của mình sâu đậm tới bao nhiêu mà phải để thời gian trả lời. Tôi bỗng mỉm cười, thầm đổi câu “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng người có nhân” thành “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng ai thương nhiều”.
Bây giờ Khoa và tôi giống như con cháu trong Tiệm May Như Ý. Chúng tôi tự nhiên mở tủ lạnh rót nước sôi để nguội uống, chỉ khi uống gì khác hoặc ăn gì mới mời mọi người cùng uống cùng ăn. Chúng tôi tự động làm sạch gọn trong nhà, nhưng không bao giờ lên lầu nếu không ai bảo lên hoặc gọi lên. Chúng tôi chăm sóc chiếc Mobylette màu beige và nếu có thể sửa chữa những gì cần trong nhà.
Lại một mùa Hè trôi qua, Khoa lên Năm Thứ Hai Trường Luật, tôi lên Năm Thứ Nhất Trường Y Khoa, đóng lon Chuẩn Úy Sinh Viên Quân Y.
Khoa vẫn kiếm nhiều tiền dạy học còn tôi chỉ kiếm được vừa đủ như cũ vì ít rảnh.
Mùa Đông đến, Hường đan cho Khoa một chiếc áo len chui hở cổ sát nách rất đẹp và vừa vặn. Áo màu cà phê đậm, hợp với mái tóc màu nắng úa của hắn. Lan cũng đan cho tôi một chiếc áo len cùng kiểu, cũng rất đẹp và vừa vặn. Áo màu xám hợp với màu đen tóc tôi.
Dì Ba cho mỗi đứa tôi một đôi giầy Bata thứ tốt. Giầy của Khoa màu nâu đậm, của tôi màu xám.
Chúng tôi biếu Dì Ba một nồi cơm điện National lớn và một cái lẩu điện lớn thứ tốt.
Hai đứa tôi tặng Hường và Lan mỗi người một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Seiko mạ vàng thứ đắt tiền.
Những khi học trò được nghỉ lễ lâu và ngày Tết, Khoa và tôi cách một ngày lái xe đi Mỹ Tho.
Chúng tôi không bao giờ ngủ đêm tại tiệm may. Mỗi đứa tôi không bao giờ chở Hường hoặc Lan đi đâu một mình. Hai tình trạng này được duy trì một cách tự nhiên một phần vì Khoa và tôi chưa thấy mong muốn gì hơn, một phần cũng vì thì giờ eo hẹp. Nhưng tôi bỗng thấy hai lý do này không đứng vững khi nhớ ra tôi chỉ làm giống theo ý của Khoa. Hắn đã nêu ra vấn đề trách nhiệm và bảo rằng nếu vì một lý do nào đó hắn không kết hôn được với Hường thì mọi người vẫn hiểu rằng Hường còn trăm phần trăm là một cô gái. Phải chăng đây là trường hợp khi yêu, người ta tránh hết sức làm những gì có thể có hại cho người mình yêu? Hay vì chúng tôi bị ảnh hưởng của hai câu Tiếng Anh và Tiếng Pháp chúng tôi rất ưa thích “Bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn miễn là bạn không làm cho người khác đau khổ hoặc tức giận” (87) và “Con người là kẻ yêu thích những gì tốt và biết ghét những gì xấu” (88). Dù vì lý do gì, chúng tôi cứ thế đối xử với hai cô gái một cách tự nhiên và vui vẻ. Tôi cũng nghĩ không có gì gấp gáp cần phải tỏ tình yêu và xin kết hôn với Lan, tôi mới mười chín tuổi và nàng mười tám. Tôi tự hỏi nếu Khoa và tôi không kết hôn được với Hường và Lan thì hai cô gái này sẽ ra sao. Có lẽ hai nàng không thiệt hại gì mà có thể được tiếng tốt đã là bạn khá lâu với hai sinh viên trên Sài Gòn và mặc dầu không đi đến hôn nhân nhưng vẫn còn là con gái không ai có thể nói xấu điều gì. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng Khoa và tôi chắc chắn sẽ cưới Hường và Lan. Tôi giữ chiếc áo len rất sạch và chỉ mặc đi Mỹ Tho khi trời lạnh, dọc đường tôi bận thêm một chiếc sơ mi rộng bỏ ngoài quần để che bụi.

(87) Bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn miễn là bạn không làm cho người khác đau khổ hoặc tức giận: You can do whatever you want provided that you do not hurt anyone.
(88) Con người là kẻ yêu thích những gì tốt và biết ghét những gì xấu: Un homme est celui qui aime le bien et sait haïr le mal.

Ba đưa một tờ giấy cho Lan rồi nói:
_Vậy ăn xong, con về nhà liền đi.
Lan đưa tờ giấy cho tôi xem. Thì ra là một cái điện tín Dì Ba trả lại cho Lan. Tôi đọc: “Lan về gấp, mẹ đau nặng”.
Tôi đưa Khoa tờ điện tín để hắn đọc rồi truyền đi cho Hường.
Lan nhận lại điện tín Hường đưa, mặt không vui và lo.
Mọi người ăn trưa chậm lại, nói chuyện ít đi và nhỏ hơn.
Sau khi Khoa và tôi cùng hai cô gái dọn dẹp xong bữa cơm trưa, tôi đưa Lan ra bến xe. Xe Khoa chở Hường chạy trước, xe tôi và Lan chạy sau như thường lệ. Tôi có trong túi ba nghìn rưởi đồng, mượn Khoa được ba nghìn đồng. Tôi đưa Lan chiếc phong bì dán kín đựng sáu nghìn đồng:

(89) Một tô phở, một tô mì, hoặc một tô hủ tíu giá 5 đồng.

_Cô Lan, cô bỏ bóp ngay chiếc phong bì này kẻo rớt xuống đường.
Thấy Lan còn lưỡng lự, tôi nói tiếp:
_Đó là sáu nghìn đồng tôi tặng cô để chữa bệnh cho bác gái.
_Anh cho em nhiều tiền quá, em cám ơn anh. Nói xong Lan bật khóc.
Tôi chưa kịp vui vì giúp được Lan, bỗng buồn khi thấy đôi mắt đầm lệ của nàng trong kính xe chiếu hậu. Tôi đằng hắng nói:
_Cũng may là tôi đang kiếm được nhiều tiền. Có hãy dùng hết số tiền để chữa bệnh cho bác gái.
Trên đường về Sài Gòn, khi xe Khoa và xe tôi chạy song song, hắn hỏi:
_Khánh, mày nghĩ sao về bệnh của Má của Lan.
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
_Từ trước đến nay không nghe nói Má của Lan có bệnh gì. Vậy tình trạng bây giờ là bệnh mới có phát nặng. Má của Lan chắc cũng chỉ ba mươi chín hoặc bốn mươi tuổi như Dì Ba, nghĩa là còn trẻ nên sức chống bệnh mạnh mẽ. Tao nghĩ bác sĩ ở Bến Tre sẽ chữa hết bệnh cho bà ấy.
_Tao cũng tin như vậy. Khoa đưa ý kiến rồi nói tiếp:
_Bến Tre là tỉnh có nhiều người giỏi. Nhiều Người Bến Tre làm lớn kể cả bên quốc gia lẫn Việt Cộng. Vậy bác sĩ Người Bến Tre ít nhất cũng phải lành nghề.
Tôi vui lên nhưng chẳng bao lâu thấy không yên tâm khi nhớ tới lúc Lan khóc trên đường ra bến xe. Nàng khóc vì cảm động khi nhận tiền tôi tặng hay vì cái điện tín? Có lẽ vì cả hai.
Tôi lái chiếc Lambretta của tôi chậm lại để xe Khoa đi trước, rồi chúng tôi phóng nhanh về Sài Gòn.
Nắng chiều bắt đầu yếu dần hai bên ruộng. 

Sáng sớm trước khi lên đường đi Mỹ Tho, tôi mua hai mươi cái bánh rán (90) còn nóng để uống trà hoặc uống cà phê – Lan và Dì Ba rất thích.

(90) Bánh rán: bánh “cam” Hà Nội.

Khi Khoa và tôi tới Tiệm May Như Ý, chỉ có một mình Hưởng ngồi may. Chào nhanh Hường, tôi đi thẳng vào nhà trong, đặt gọi bánh xuống bàn ăn. Rồi khát nước, tôi lấy một cái ly, tiến tới tủ lạnh.
Bỗng Khoa gọi giật tôi lại rồi nói:
_Hường mới cho biết Má của Lan mất rồi.
Tôi lắp bắp hỏi:
_Thật không? Tại sao lại mất rồi? Bệnh gì mà mất rồi?
Khoa hạ thấp giọng:
_Bà đã treo cổ tự tử sau khi bị tên xã trưởng hãm hiếp.
Tôi bỗng hoa mắt, toàn thân run lên rồi tuột tay đánh rơi chiếc ly một cái “xoảng” trên sàn nhà gạch bông.
Hường vội chạy vào mặt buồn bã quét dọn các mảnh vỡ thủy tinh cho tôi.
Dì Ba trên lầu đi xuống.
_Thưa Dì Ba. Tôi và Khoa cùng cất tiếng chào.
_Chào hai con. Mới tới phải không. Dì Ba run giọng nói rồi làm như trả lại một tờ giấy cho Hường.
Đó là lá thư của Lan tôi được Hường cho xem như sau:
“Thưa Dì Ba,
Con xin phép Dì Ba cho con nghỉ làm việc ít ngày để lo xong chuyện nhà.
Kính mến,
Lan”
Tôi bỗng nói như la lên:
_Cô Hường, cô làm ơn viết ra giấy cho tôi địa chỉ của Lan và đường đi từ đây tới Bến Tre. Tôi phải gặp Lan ngay bây giờ.
Hường đưa mắt nhìn Khoa hỏi ý kiến, Khoa lắc đầu.
Dì Ba khuyên tôi:
_Khánh à, theo thư của Lan, sau ít ngày lo xong chuyện nhà, Lan sẽ trở lại tiệm may làm việc và con sẽ gặp nó. Nếu con có gì gấp muốn nói với Lan thì viết ra giấy Dì sẽ đem tới bưu điện đánh điện tín cho Lan ngay bây giờ. Bến Tre có nhiều Việt Cộng nằm vùng để gián điệp, tuyên truyền kiếm đảng viên mới và khủng bố. Việt Cộng không ưa người di cư, con có thể là mục tiêu của đảng viên cộng sản quá khích.
Tôi thở dài, tìm giấy bút rồi gieo mình ngồi xuống ghế viết:
“Cô Lan, cô hãy tìm ngay luật sư để truy tố tên xã trưởng đó ra tòa. Tôi sẽ trả hết tiền luật sư.
Khánh”.
Chở Dì Ba ra bưu điện, tôi thỉnh thoảng nhìn kính xe chiếu hậu thấy Dì lấy khăn tay lau nước mắt. Tôi buồn, buồn hơn lúc thấy đôi mắt đẫm lệ của Lan.
Tới nơi, Dì Ba bảo tôi:
_ Con đứng đây chờ Dì vô trong gởi điện tín.
_Dạ. Tôi nói và làm theo vì biết Hường và Dì Ba không ai muốn cho tôi địa chỉ của Lan.
Bầu không khí có vẻ trở lại gần như bình thường tại tiệm may. Khoa và tôi pha cà phê và sửa soạn bánh rán để đem ra cho Dì Ba và Hường đang ngồi may. Bốn ly cà phê nóng trên bốn cái đĩa và bốn cái bánh rán đựng trong bốn cái đĩa ny lông lớn để hứng vụn bánh rơi xuống khi ăn.
Dì Ba nói:
_Có cà phê và bánh đây rồi. Giỏi thiệt, cám ơn hai con nghen.
Khoa cười toe miệng, tôi cười gượng. 

Hường hỏi Khoa:
_Anh đưa em gói gì đây?
_Hai con vịt quay và hai mươi cái bánh bía Khánh và tôi mua sáng nay ở Sài Gòn. Khoa đáp.
Quay sang tôi Hường nói:
_Anh Khánh, Dì Hai của Lan trên Sài Gòn đã xuống Bến Tre gặp Lan.
Nhà vườn Má của Lan ở một nửa là của Dì Hai.
Tôi hỏi:
_Lan đã tìm được luật sư chưa?
Hường đáp:
_Chuyện này em không rõ nhưng nghe Dì Hai nói người dân thấp cổ bé miệng thưa kiện viên chức chánh phủ khó mà thắng lắm. Má của Lan đã được mai táng nên lại càng khó hơn.
Đã hai Chủ Nhật không gặp Lan, tôi hơi bồn chồn. Nghe Hường cho biết tin về Lan, tôi thấy yên tâm nhưng vẫn tức giận về tai nạn xảy ra cho Má của Lan. Nghe kể chuyện Dì Hai nói về dân thấp cổ bé miệng và viên chức chính phủ, tôi phừng lên và muốn nổi điên. Tôi thầm tự nói “Thảo nào cộng sản nổi lên khắp nơi và Nước Pháp đã rút khỏi Việt Nam một cách mất mặt tại bờ Sông Sài Gòn, cuốn cờ về nước một cách thê thảm và gần như phần đông người tiễn đưa là các bà lấy chồng Pháp. Tình trạng bây giờ không biết sẽ ra sao đây?” Tôi muốn uống một chút bia để phừng lên tối đa mà vỗ tay xuống bàn nhưng nể sợ Dì Ba và ngại Hường nên chỉ tới tủ lạnh lấy nước sôi để nguội uống và thở dài.
Mưa đâu bỗng rơi xuống làm tôi dịu lại nhưng buồn thêm khi nghĩ tới Lan.
Tôi cố gắng tìm hiểu thật đúng tâm trạng của Lan bây giờ bằng cách dùng phân tâm học (psychanalyse, psychanalysis) (91). Lan thuộc loại người thích can thiệp (interventionniste, interventionist): nàng đã tình nguyện dẫn đường cho tôi và Khoa (xem Chương V Gặp Gỡ, trang 25). Ngoài ra, Lan còn có tính ăn thua đủ, nghĩa là theo “Luật một là tối đa hai là không có gì cả” (Loi du tout ou rien, law of all or nothing) khi nàng nói “Tên dân vệ mà còn sống đem giết nó cho rồi” (xem Chương V Gặp Gỡ, trang 84). Vậy thì Lan hiện đang hận thù và căm hờn muốn giết tên xã trưởng.
Nhưng cũng có thể tôi nghĩ không đúng về Lan mà chính tôi mới là kẻ muốn giết tên xã trưởng và tôi đang bị “projection” (92) (“sự suy bụng ta ra bụng người”).
Có lẽ đúng ra là cả Lan và tôi đều đang muốn giết tên xã trưởng.

(91) Psyche (âme, soul) nghĩa là tâm hồn, analyse (analysis) nghĩa là phân tích; psychanalyse (psychanalysis) nghĩa là phân tích tâm hồn, nói một cách dễ hiểu là phân tích tâm lý tức là phân tâm học (môn học về phân tích tâm lý).
(92) Projection nghĩa đen là sự phóng ra đằng trước, nghĩa bóng trong phân tâm học là “sự suy bụng ta ra bụng người”.

Tôi bỗng giật mình vì thấy vấn đề đã trở thành quá lớn một cách ghê sợ nên vội tới tủ lạnh rót uống một ly nước sôi để nguội thật lớn.
Tôi thở dài nằm xuống chiếc sofa (93) và nhắm mắt lại.

(93) Sofa: ghế đệm dài ba người ngồi.

Tôi nghĩ trước hết tôi phải tìm gặp Lan và giúp nàng kiếm luật sư thật giỏi để truy tố tên xã trưởng ra tòa.

Tôi hỏi Hường được biết nhà của Dì Hai là Tiệm May Thời Trang ở Đường Trần Quang Khải (Paul Bert cũ) trên Sài Gòn do Chị Tâm, con gái một của Dì Hai, làm chủ.
Dì Ba cũng nói như vậy và còn cho biết thêm số nhà.
Tôi đậu xe trước Tiệm May Thời Trang rồi đi vào, cúi đầu chào hỏi người đàn bà khoảng ba mươi tuổi đang ngồi may:

_Em xin chào chị, xin hỏi đây có phải là nhà của Chị Tâm không? Em là Khánh, bạn của Lan Tiệm May Như Ý dưới Mỹ Tho. Em xin được gặp Dì Hai.
_Chào cậu, tôi là Tâm con của Dì Hai đây. Nghe nói về cậu nhiều nay mới gặp. Người đàn bà trả lời rồi nhìn tôi như e ngại không biết tôi có thật là Khánh không.
Thấy vậy, tôi đưa tấm Thẻ Sinh Viên Y Khoa có dán ảnh của tôi ra:
_Đây là Thẻ Sinh Viên Y Khoa của em để chị xem.
Xem thẻ xong, Chị Tâm bảo tôi:
_Má tôi có nhà, cậu theo tôi lên lầu gặp bả.
_Má, cậu này là Khánh, bạn của Lan dưới Mỹ Tho, muốn gặp Má. Chị Tâm giới thiệu.
_Con xin chào Dì Hai. Con tới đây để hỏi thăm về cô Lan. Con muốn gặp cô ấy để đưa tiền mướn luật sư truy tố tên xã trưởng ra tòa.
_Truy tố tên xã truởng ra tòa? Dì Hai nói, rồi lắc đầu rơi nước mắt, nắm lấy tay tôi:
_Cám ơn con có lòng tốt. Những hiện nay Dì không biết Lan ở đâu. Nói xong, Dì Hai khóc, ôm lấy tôi.
Tôi sững sờ, bối rối, thất vọng cáo từ ra về.

Tôi đau buồn nằm suy nghĩ liên miên.
Lan đã bị tên xã truởng hãm hiếp và thủ tiêu? Thủ tiêu để làm gì cho rắc rối, hãm hiếp xong, tên xã truởng lơ luôn như đã từng làm là thượng sách. Vậy chuyện này không thể xảy ra.
Lan đã bị tên xã trưởng hãm hiếp và nàng đã bỏ đi lánh mặt một thời gian vì quá đau đớn không muốn gặp mặt họ hàng bè bạn. Nếu thế thì sau này, khi nàng trở về Tiệm May Như Ý hoặc nhà Dì Hai, tôi sẽ cưới nàng liền để nàng biết rằng đối với tôi chuyện nàng bị hãm hiếp chỉ là tai nạn, nàng hoàn toàn không có lỗi gì đối với tôi, mặc dầu tôi đau đớn, buồn tiếc. Tôi sẽ tìm cách giết chết tên xã truởng. Tôi đã học mấy khóa quân sự và tôi bắn súng rất trúng và nhanh. Nhưng dù cho ám sát hắn xong, tôi vẫn không thoát tội được vì sẽ là kẻ bị tình nghi số một. Tôi sẽ bị tra hỏi khi xảy ra vụ ám sát tôi ở đâu, làm gì lúc đó. Vậy tôi sẽ giết tên xã trưởng sau khi có bằng bác sĩ rồi tập sự trong bệnh viện để có khả năng chuyên về giải phẫu và sau khi Lan có bằng y tá. Việc này cần vài năm và hy vọng tên xã truởng còn sống. Khi đó tôi và Lan sẽ theo cộng sản vào bưng. Tôi sẽ tập luyện về ám sát để lập thành tích dâng đảng. Việc này tôi nghĩ sẽ chắc chắn làm được và sau đó Lan cùng tôi sẽ sống bên nhau trong bưng, hành nghề y khoa giải phẫu là thứ cộng sản rất cần.

Nhưng hỡi ơi, sau vài tháng vắng mặt, Lan đã giết chết tên xã truởng.
Nàng đã cùng với một gã cộng sản ám sát tên xã truởng và đang bị truy nã rất gắt. Theo lời khai của gã hộ vệ tên xã truởng thì cả hai đều bị trúng đạn súng lục một cách bất ngờ khi vừa quẹo quanh một rặng cây rậm rạp và bị thương nặng không phản ứng được. Một người đàn ông bắn tên hộ vệ và một cô gái bắn tên xã truởng. Cô gái tiến tới tên xã truởng và bắn tiếp một phát vào giữa trán hắn.
Nghe Hường thuật lại như vậy, tôi vui mừng được vài giây đồng hồ, rồi bỗng hoa mắt, bủn rủn tay chân và ngã xuống vì biết tôi đã mãi mãi mất Lan.
_Anh Khánh xỉu! Anh Khánh xỉu! Hường kêu lên thật lớn.
Khoa vội chạy tới vực tôi lên chiếc sofa.
Dì Ba cạo gió cho tôi.
Tôi nói:
_Con cám ơn Dì Ba. Con khỏe lên rồi, con sẽ lái xe về Sài Gòn như thường.
Tôi bỗng tê tái hiểu ra chuyện: gia đình Dì Hai theo cộng sản và đã giúp Lan ra bưng để rồi trở lại ám sát tên xã trưởng theo ý muốn của nàng. Tôi đã bị Chị Tâm nghi ngờ là một kẻ lạ đến để dò la về gia đình chị, Dì Hai đã nói dối tôi Dì không biết Lan ở đâu nhưng rồi cảm động òa khóc, ôm lấy tôi. Anh Lực, chồng Chị Tâm làm chủ một chiếc xe vận tải lớn và cũng là tài xế lái xe này khứ hồi đường Sài Gòn Bến Tre. Anh vừa chở khách và hàng kiếm tiền vừa tiếp tế tiền cộng sản kinh tài cũng như thực phẩm và thuốc men cho họ trong bưng. Tài xế xe vận tải tiếp tế cho Việt Cộng ban đêm đậu tại nơi quốc gia không kiểm soát được, dựng nắp xe lên hoặc tháo bánh xe ra làm như xe đang bị hư hỏng. Việt Cộng sẽ ra nhận tiếp tế.
Tôi dấu kỹ chuyện hiểu ra này, không để cho bất cứ ai biết nhlà Dì Hai.
Tôi không còn biết làm gì hơn ngoài việc tìm cách gửi tiền, thuốc men và vải cho Lan vì nàng chắc chắn thiếu thốn những thứ này.

Một buổi tối, tôi lái xe trở lại nhà Dì Hai. Tôi biếu Dì một gói cà phê lớn thử đắt tiền và mười hộp sữa Nestle’, rồi kể chuyện về Lan y như Hường đã nói cho tôi biết, làm như báo tin cho Dì Hai. Dì bỗng òa khóc.
_Dì Hai, con muốn gửi tiền, thuốc men và vải cho cô Lan những chưa làm được.
Dì Hai khóc lớn nói:
_Khánh, con tốt quá, nghe Lan nói về con nhiều bây giờ mới biết. Căn nhà trước kia mẹ của Lan ở một nửa là của Dì. Dì sẽ bán căn nhà này, một nửa số tiền bán được dùng để gởi cho Lan. Nếu cần, Dì sẽ dùng tất cả số tiền bán nhà gởi cho Lan.
Tôi nói liền:
_Vậy khi nào Dì gửi được cho con biết để con gửi ké. Chuyện này chỉ có Dì và con biết mà thôi. Con sẽ chịu mọi tiền cước phí.
Rồi mỗi tuần tôi đến thăm Dì Hai, biếu Dì bánh rán, hoặc heo quay, gà quay, vịt quay, giò lụa, chả lợn, chả quế, vân vân. Dì nhận, cám ơn tôi một cách vui vẻ nhưng rồi trầm ngâm nhìn tôi cho đến một hôm Dì lại khóc nắm lấy tay tôi:

_Dì đã tìm được chỗ gởi tiền cho Lan. Con có thể gởi tiếp tế cho nó được rồi. Việc này rất nguy hiểm vậy chỉ hai Dì con mình biết thôi nghen.
Tôi nghĩ Dì Hai phải tối đa cẩn thận về việc Dì tiếp tế cho cộng sản. Việc này tự nó đã nguy hiểm nên ngoài gia đình, Dì không thể để cho ai biết được. Tôi cố gắng làm như không biết gì trong khi nhờ cậy Dì giúp tôi tiếp tế cho Lan.
Tôi vui mừng lên một chút, có ý định sau khi tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu tổng quát, tôi sẽ trốn vào bưng theo Lan. Nghĩ vậy nên khi Khoa rủ tôi theo hắn mỗi tuần đi Mỹ Tho như trước, tôi đồng ý.
Tai Tiệm May Như Ý, thỉnh thoảng Dì Ba bỏ đi vào trong bếp. Tôi nghĩ có lẽ Dì sắp rơi lệ, rơi lệ vì thương Lan, thương cho mối tình của chúng tôi, hay thương tôi; Dì thương cả ba và thương Lan nhất. Tôi cũng vào nhà tắm dùng bàn tay sạch hứng nước lạnh trong vòi cho chảy qua đôi mắt lấy bình tĩnh.
Sau mỗi lần tiếp tế, tôi đều nhận được một miếng giấy nhỏ bằng bàn tay Dì Hai đưa, nói là của Lan gửi cho tôi. Trên miếng giấy chỉ có ghi chú chi tiêu tiền chợ. Tôi nhận ra chữ của Lan và suy nghĩ xem nàng muốn nói gì. Tôi cộng tất cả chi phí tiền chợ lại được một con số bỏ dấu phẩy đi thì bằng số tiền tôi đã gửi.

Ít lâu sau Dì Ba bị bệnh phụ khoa nhờ tôi đưa lên Sài Gòn chữa. Dì bị ung thư cổ tử cung tại chỗ (cancer du col utérin in situ). Bác Sĩ Jacques Tavernier giải phẫu cho Dì và một năm sau kết hôn với Dì. Ông đã ly dị vợ và không có con. Khi hết giao kèo làm việc, ông về Pháp, Dì Ba đi theo sống tại Paris.
Tiệm May Như Ý do Hưởng làm chủ. Nàng mướn thêm hai cô thợ may về làm việc.

May mắn đến với Dì Ba và Hường thì xui xẻo nhất xảy ra cho tôi.
Khi còn hai năm nữa thành Bác Sĩ Giải Phẫu Tổng Quát, tôi được Dì Hai cho biết là mất tin tức của Lan và không biết nàng ra sao. Tôi đau đớn sắp ngã nhưng gượng lết được tới chiếc sofa và nằm xuống nghỉ. Sau khi được Dì Hai cạo gió, tôi run run lái xe về nhà.
Hai điều đã có thể xảy ra. Một là Lan chết, suy nghĩ như vậy đã làm tôi sắp ngã xuống. Hai là Lan đã lấy chồng có lẽ là anh chàng cộng sản đã bắn tên hộ vệ bị thương nặng; vì vậy nàng không muốn nhận tiếp tế của tôi nữa. Tôi không muốn Lan chết vì như vậy tôi đau đớn hơn.

Hai năm sau, tôi thành Bác Sĩ Giải Phẫu Tổng Quát và nỗi đau đớn của tôi thành một vết sẹo trong hồn. Tôi không nghĩ tới đàn bà con gái nữa và xem họ giống như đàn ông.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương V Gặp Gỡ_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG V
Gp G

**************************************************

Khoa hỏi:
_Mình mặc gì cho hợp với buổi đi chơi đây?
Tôi đáp:
_Tao nghĩ nên mặc quần tây dài màu đậm, đi đôi Bata (22) cao cổ cũng màu đậm.
_Thế còn áo mũ? Hắn hỏi tiếp.
_Áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ra ngoài và mũ kết (23) trắng. Tôi nói.
_Vậy là mình giống Công Tử Lục Tỉnh rồi. Khoa giỡn.
Tôi cười:
_Áo trắng, nhất là mũ kết trắng, có vẻ Công Tử Lục Tỉnh, nhưng công tử nghèo và hơi anh chị.
Chúng tôi suýt chút nữa thành đồng phục chỉ khác là tôi bận quần xám đậm, giầy xanh đậm, còn Khoa quần màu cà phê đậm, giầy nâu. Ra khỏi nhà hắn nói:
_Tao ăn no quá.
_Tao cũng vậy, cơm ngon nhà giàu mà. Tôi phụ hoa.
Khoa phê bình:
_Ba món món nào cũng ngon và nhiều. Thịt ngan (thịt vịt Xiêm cổ lùn) luộc chấm nước mắm gừng bỏ tí đường thật khéo thì cũng như Hà Nội. Nhưng hai món kia đặc biệt.
Tôi nói theo:
_Đúng thế! Canh chua thơm (dứa) tôm; tôm lột vỏ, tươi và nhiều; canh chua ngọt vừa đúng, không mặn không nhạt. Cá lóc chiên ngoài vàng thơm ròn, trong vừa chín tới, chấm nước mắm pha chua ngọt cay rất dịu. Sau này chắc tao thuê người giúp việc Miền Nam. Tao sẽ ăn món Nam và món Bắc vợ nấu.
Khoa cười:
_Vậy nếu vợ mày Người Nam thì mày sẽ thuê Người Bắc giúp việc phải không?
Tôi nhún vai hạ giọng:
_Ơ … cũng có thể như vậy. Ăn là một cái thú mà. Que sera, sera … (24)
Hắn bỗng đằng hắng rồi chậm bước dừng lại:
_Tao hỏi mày một câu, nghĩ kỹ rồi hãy trả lời.
_Câu gì? Tôi cũng dừng bước nhìn vào mắt hắn lắng nghe.
_Mày muốn có vợ như thế nào?
Tôi hơi giật mình vì câu hỏi về một chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
_Để tao nghĩ xem … Ơ … mày cũng như tao quen nhiều cô đẹp ở trường và hàng xóm nhưng chỉ là người quen có cảm tình hoặc bạn, phải chưa?
Khoa gật đầu cười, hỏi tiếp:
_Đúng. Rồi sao nữa?
_Vợ tao hả … đừng nhỏ quá, đừng thấp quá, đừng béo quá … không béo không gầy thì tốt nhất …
_Rồi sao nữa? Hắn phì cười.
_Ơ … trong toàn thể cân đối, không có khuyết điểm đáng kể, không cần giàu, không cần đẹp. Tôi kết luận.
_Không cần đẹp, nhớ câu này nghe chưa. Nói xong Khoa lắc đầu cười hinh hích làm tôi hơi ngượng phản ứng liền:
_Tao nói không cần đẹp nghĩa là đẹp cũng được.
_Ơ cái thằng này ăn nói lanh quanh … Nói xong hắn tiếp tục cười hinh hích.
Tôi hơi không bằng lòng, im lặng rồi bắt sang chuyện khác:
_Mày định ngày nào về Sài Gòn?
Khoa trả lời:
_Không mấy khi đi chơi như thế này, ở đến chiều Chủ Nhật tới rồi về. Anh Tám là Xếp Ông Bô tao, thương Ông Bô tao lắm và thích tao. Tao biết tính anh ấy, không sao đâu.
Tôi nói:
_ Như vậy không được đâu. Anh Tám nói một tuần là một tuần. Mình phải co rếch (25). Tao thấy trưa Thứ Sáu tới nên về, để nguyên Thứ Bảy và Chủ Nhật cho anh chị ấy riêng tư.
Khoa suy nghĩ rồi đồng ý nói:
_Được, sẽ làm theo mày. Bây giờ để tao nói về chương trình những ngày mình ở Mỹ Tho.

(22) Đôi Bata cao cổ: đôi giầy chơi bóng rổ.
(23) Mũ kết: casquette: cap: mũ vải lưỡi trai.
(24) Que sera, sera … : whatever will be, will be … : biết ra sao ngày sau …
(25) Co rếch: correct: đúng, đúng đắn, đàng hoàng.

Hắn thao thao bất tuyệt đưa ý kiến bằng giọng chỉ huy và chăm sóc cho tôi – đây là thói quen của hắn, thường là hay và gần như luôn luôn có lợi cho tôi bởi vậy tôi khó mà không theo, chỉ thỉnh thoảng nói vào một chút khi hắn cao hứng hoặc muốn quá nhiều như chuyện tính ở quá hạn nhà Anh Tám, ỷ vào mối quan hệ tốt giữa Anh Tám với Ông Bô hắn và hắn.
Khoa bảo rằng thật ra việc chúng tôi đi chơi trong vùng quê Mỹ Tho chỉ là phụ. Anh Tám lo ăn ở và cho chúng tôi gặp bà con cùng người quen của anh mới là chính. Tôi gật đầu đồng ý ngay hai điểm này, nói rằng ý Anh Tám là cho chúng tôi ăn ở sướng và gặp những người tử tế trước khi đi chơi.
_Nãy giờ tao nói ra ngoài đề hơi nhiều. Mình còn đúng năm ngày nữa là trưa Thứ Sáu tới về Sài Gòn phải không?
_Ơ … chiều Chủ Nhật hôm nay và sáng Thứ Sáu tới là một ngày. Thứ Hai, Ba, Tư, Năm bốn ngày nữa là năm ngày. Mày tính nhanh thật. Tôi trả lời.
Khoa nói tiếp:
_Năm ngày gồm hai phần là ở nhà Anh Tám và đi chơi. Ở nhà Anh Tám đã được hai mươi bốn tiếng nên mình thạo hết lối sống và đối xử đúng tốt với mọi người.
Tôi nói:
_Đúng rồi. Các nơi trong nhà mình đã giữ sạch gọn y như trước khi xử dụng, những lúc tiện dịp đã phụ giúp Bà Tư một số việc. Mày nhớ không, sau bữa cơm trưa nay, trước khi mình đi chơi, Bà Tư đã hỏi mình có muốn uống cà phê không để bà ấy pha. Tao nghĩ bà ấy có cảm tình với mình. Ăn uống thì mình đã ăn sạch sẽ gọn ghẽ và không bao giờ ăn miếng ngon nhất, phong tục Việt Nam mà.
Khoa khoe:
_Mày chưa bao giờ biết miền quê trong Nam vì mới ở Sài Gòn một năm và phải học thi. Tao vào Nam là ở ngay Sài Gòn đã được bốn năm. Mấy thằng bạn Người Nam đã cho tao về quê bọn nó ở chơi Thứ Bảy và Chủ Nhật. Mỹ Tho chắc cũng không khác gì nhiều những nơi đó. Vậy tao có thể là hướng dẫn viên du lịch cho mày.
Tôi tiếp lời:
_Ngày xưa đầu tiên Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông Nam Việt trong đó có Mỹ Tho. Tao tin nhiều phần tao nhớ không sai là Mỹ Tho bị chiếm trước bởi vì cứ theo sự suy nghĩ thông thường thì tiện nhất là cho tầu chạy từ biển vào ngược dòng Cửa Đại hoặc Cửa Tiểu mà tới Sông Mỹ Tho rồi lên đất liền chiếm tỉnh này. Cửa Đại và Cửa Tiểu là hai nhánh của Sông Mỹ Tho và đổ ra biển, con sông này là nhánh của Sông Cửu Long chia ra tại Nam Việt. Kết luận mình đang ở tại một địa danh của lịch sử mất nước một trăm năm mươi hai năm (1802-1954).
Khoa hỏi:
_Mày nghĩ thế nào về tội ác của những nước đã cai trị Việt Nam bằng cách này hoặc cách khác.
Tôi đáp một tràng sau khi im lặng suy nghĩ tới câu của Sidonie Gabrielle Colette, nữ sĩ Pháp (femme de lettres française) mới qua đời khoảng bốn năm nay,
Liberte’, comme des crimes on commet en ton nom!
(Tự Do, nhân danh ngươi, người ta đã phạm tội ác biết bao!):
_Người Pháp cũng đã làm nhiều điều tốt cho mình. Mày với tao Pháp đào tạo chứ ai, trong Chính Sách Khai Hóa của họ. Này, thế mình đi chiếm đất của Chàm và Cao Miên, lính mình có phạm những tội ác như lính Pháp không và mình đã làm được những gì cho hai nước này. Tao nghĩ khi chuyện đã qua nên tha thứ cho tất cả những tội ác của các quân ngoại xâm và những âm mưu thâm độc của họ, tha thứ nhưng không quên. Tao thấy chính trị nào mà không chia rẽ, gian dối, lường gạt, phản bội, tàn nhẫn và độc ác. Nhìn lịch sử thì biết điều này và đó là định luật của lịch sử. Ba tao đã bảo tao không nên nói về chính trị, tôn giáo và phong tục bởi vì sẽ mất bạn và chuốc lấy kẻ thù.
Hôm nay tao đã không nghe lời cha nhưng có lẽ không sao vì dù thế nào mình vẫn còn là bạn thật với nhau. Thôi tới đây chấm dứt câu chuyện này.
Chúng tôi bỗng im lặng một lúc, rồi Khoa lên tiếng trước:
_Đi kiếm hủ tíu ăn, tao đói bụng rồi.
_ Tao cũng đói bụng – tôi nói – nhưng biết tiệm nào ngon mà ăn đây.
Khoa đáp:
_Bây giờ đi hỏi nhiều người, nếu đa số nói tiệm nào ngon thì mình tìm tiệm đó. Kiểm soát lần chót là khi tới nơi, nhìn xem tiệm có đông người ăn không.
_Đúng rồi. Tôi đồng ý nói.
Chơi với nhau, chúng tôi có một thói quen về tiền bạc. Mua vé và mua sắm mạnh ai nấy trả tiền. Ăn uống có hai trường hợp. Thí dụ Khoa uống nước mía, tôi không uống vì không khát, Khoa tự trả tiền. Còn nếu cả hai đều uống, Khoa móc tiền trả hết rồi tôi hoàn lại hắn nửa tiền, không kể ai uống nhiều uống ít. Ăn tiệm cũng vậy, Khoa trả hết rồi tôi hoàn lại hắn nửa tiền, không kể ai ăn nhiều ăn ít.
_Ngon quá. Khoa thốt lên khi ăn tô hủ tíu.
Tôi cũng nói:
_Ngon thật.
Hắn hơi lim dim đôi mắt nhìn vào tô của hắn rồi nói:
_Nước lèo, bánh và tôm thịt đều ngon hơn Tiệm Thanh Xuân cạnh Chùa Ấn Độ Sài Gòn.
Rời quán ăn, chúng tôi tiếp tục trở lại cuộc hành trình vào cánh đồng xanh bát ngát.
Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời trong. Kìa là làng mạc, thôn xóm với những bóng dừa dưới nắng, những con rạch giữa những lùm cây. Trên cao vài cánh chim mòn mỏi bay xa. Có tiếng chim gáy “cúc cù cu” đượm buồn tắt dần vào cô tịch.
Trên cánh đồng không mông quạnh, tôi chợt nhớ quê nhà với những hình bóng thân yêu nào biết ra sao bây giờ. Đã gần hai năm, những kẻ ra đi và người ở lại bặt vô âm tín. Những tấm bưu thiếp màu trắng thô sơ và ngắn ngủi nhất trong lịch sử loài người, trên đó chỉ được viết mạnh khỏe hay đã mất vào ngày nào, không còn được phép gửi cho nhau.
Ôi, cảnh vật hôm nay bỗng dưng sao mà buồn vậy!
Tôi hơi chúm miệng lại, thở phào ra một cái.
_Mày mệt hả Khánh. Khoa hỏi.
Tôi trả lời:
_Không.
Hai câu “Tất cả ở trong quyển sách. Ô tô nhà lầu vợ đẹp con khôn đều ở trong quyển sách” đã mười năm vẫn còn ở trong tôi. Ngày đó mới tám tuổi tôi không hiểu câu thứ hai này nghĩa là gì và ngượng quá khi nghe bốn chữ “vợ đẹp con khôn”. Hôm nay với chút kinh nghiệm đời, tôi thấy câu này là một sự thật. Đọc giữa những dòng chữ (26) như Người Pháp nói, tôi còn thấy đây là tình thương. Khi người ta chẳng làm gì được cho người thân yêu thì người ta bày tỏ sự có lòng, lòng mong ước những gì tốt đẹp cho nhau.
Câu đầu trong lời nói năm xưa mới là hay vì nó là một sự thật mà cho tới bây giờ tôi chỉ được nghe một lần, một lần thốt ra từ miệng một người quê mùa không biết chữ. Phải rồi, quyển sách là đời người được hình dung lại vì ngoài khoa học kỹ thuật, nó có lịch sử, văn và thơ. Những gì là nét tuyệt vời của tình người có ở trong hai môn chót này, đời đời kiếp kiếp còn làm rung động đến thổn thức những trái tim yêu. Khi mười lăm tuổi hiểu được thơ hay, tôi thích vô cùng, tôi tự động thuộc lòng những bài cổ thi hay, những bài thơ mới hay. Đến khi tập tễnh làm thơ thì tôi ngừng lại vì nguy hiểm quá, sẽ mất hết thì giờ và thi rớt. Thường sau khi học Trung Học được bốn năm, học trò có đủ vốn văn thơ nên thích làm thơ hoặc viết văn và đa số không đậu được Tú Tài hoặc bị dở dang trên Đại Học, nhất là khi đeo đuổi ngành Y Khoa, Dược Khoa hoặc Nha Khoa.
Tôi vừa đi theo Khoa vừa thầm đọc một số thơ hay.
Bài thơ Tấm Lịch Đời của Tô Tân:
Tôi muốn đem ngày tươi
In thành một bản lịch
Để tôi gỡ tờ đời
Tùy theo hồi sở thích …
Tôi sẽ để thật lâu
Những tờ ghi hạnh phúc
Và vội bỏ tờ sầu
Không theo giờ đợi lúc .
Khi vắng mặt người yêu ,
Thì giờ không muốn biết ,
Tôi sẽ gỡ thật nhiều
Để chỉ ngày cách biệt .
Những đoạn thơ của Thanh Tịnh, thi sĩ Người Huế:
Em ơi, nhẹ cuốn bức rèm tơ.
Nhìn thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ …
Hoặc
_Rồi một hôm nếu về cha hỏi
Mẹ đâu rồi con biết nói sao?
_Con hãy bảo trông cha mòn mỏi,
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.
_Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng,
_Con hãy chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên.
Một đoạn của thơ Đông Hồ, thi sĩ xứ Hà Tiên:
Yêu đương đâu phải thề non biển.
Khăng khít cần chi đến tất giao.
Một sợi tóc tơ huyền rủ buộc
Ngàn năm người thật với chiêm bao.
_Mày buồn ngủ hả Khánh? Khoa hỏi, có lẽ sau khi nhìn mắt tôi.
Tôi đáp:
_Không.
_Buồn ngủ thì kiếm tiệm cà phê uống cần gì mà phải gượng gạo. Khoa đề nghị.
_Tao đã nói không mà. Tôi nhấn mạnh.
Tôi bỗng thấy hết buồn và vui lên quay sang hỏi Khoa:
_Mày còn nhớ bài thơ Lời Cuối Cùng của Thanh Tịnh không, là lời của người mẹ lúc sắp qua đời nói với đứa con khi chồng đi xa chưa trở về.
_Nhớ, bài thơ đó hay, Khoa trả lời liền, rồi nói tiếp:
_Tao nghĩ bài đó Thanh Tịnh cảm hứng từ bài thơ Et S’il Revenait Un Jour (Nếu Một Ngày Kia Chàng Trở Lại) của Maurice Maeterlinck.
_Có lý lắm. Tôi đồng ý nói.

(26) If faut lire entre les lignes: phải đọc giữa những dòng chữ, nghĩa là đọc hết những dòng chữ rồi từ đó tìm ra những gì những dòng chữ không nói đến. 

Khoa bỗng đề nghị:
_Chỗ này hơi mô nô tôn (27), mình hãy tới dưới kia có nhà và cây cối nhiều.
Tôi đồng ý ngay vì muốn xua đuổi hẳn nỗi nhớ quê còn vương vấn.
Không bao lâu chúng tôi tới đó, một khu rộng lớn với nhiều nhà cửa và đường đi quanh co hai bên có cây hoặc bụi che khuất.
Nghĩ tới bốn câu thơ của Đông Hồ, tôi lên tiếng:
_Kể cũng hay thật, đời đời và nơi nơi trong văn thơ, cứ có những mối tình tuyệt vọng hoặc đau khổ. Tại sao vậy?
Khoa đáp:
_Mối tình đau khổ là do tử biệt, sinh ly. Hai kẻ yêu nhau có một kẻ chết, hoặc vì hoàn cảnh phải xa nhau mãi mãi.
_Điều này dễ hiểu. Thế còn những mối tình tuyệt vọng? Tôi hỏi tiếp.
_Ơ … cũng giống như bị oọc giơ (28) thôi. Khoa cắt nghĩa.
Tôi thắc mắc:
_Oọc giơ, ý mày muốn gì?
Khoa cười, nói như giảng bài:
_Thì giống như mày chơi túc cầu, đứng ra ngoài vị trí của mình, nên không được chấp nhận và bị phạt.
Kẻ thất tình vì quên đi thân phận của mình nên yêu lầm người.
Chàng dung mạo kém hoặc ngay cả đẹp trai, viết văn, làm thơ, ca hát, đánh đàn, hoặc viết bài hát, yêu người đẹp chỉ mơ cảnh trai tài gai sắc kiểu khác, chẳng hạn như đẹp trai con nhà giàu học giỏi hoặc bằng cấp, địa vị và giàu có.
Vì thế cho nên chàng ôm mối tình tuyệt vọng để rồi âm thầm đau khổ, và nếu có tài thật sự thì sẽ thành văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, nhạc công, hoặc nhạc sĩ, để lại trong văn nghệ thuần túy những tác phẩm bất hủ cũng như giọng ca hoặc ngón đàn tuyệt vời.
Tôi nói:
_Đúng, nhưng tại sao có người đã biết thân phận mình còn đâm đầu vào mà yêu để rồi thất vọng?
_Dễ hiểu thôi, bởi vì con tim vừa mù lòa, vừa không biết suy nghĩ và vì “Làm người ai cũng có hy vọng, như kẻ làm ruộng mong cho đến ngày gặt lúa, kẻ đi đường mong cho đến chỗ nghỉ chân”. Khoa cười trả lời, trích ra một câu trong tân văn.
Tôi cũng cười:
_Không sai. Nhưng tại sao rất hiếm có tác phẩm văn nghệ thuần túy nói về những mối tình tuyệt vọng hoặc đau khổ của phái nữ?
Khoa vẫn còn cười:
_ Cái này để tao suy nghĩ … Ơ …, ơ phải rồi, đàn ông thất tình nói ra cho bớt đau khổ. Còn đàn bà thất tình nói ra càng đau khổ thêm.
_Tại sao lại càng đau khổ thêm? Tôi hỏi tiếp.
Khoa lại cười đáp:
_Nói ra sợ bị ế vì đàn ông nó ghen sẽ không vời tới nữa.
Tôi hơi thấy buồn cười nhưng nín lại được:
_Thôi đi, người ta đã đau khổ, mày còn ngạo nữa.
Khoa hết cười đằng hắng:
_Biết rồi, tao đùa chơi một chút thôi.
Tôi ngẫm nghĩ như vậy có lẽ đàn bà khôn hơn đàn ông trong vấn đề yêu đương vì họ biết thân phận hơn nên ít yêu lầm người và biết im lặng chịu đau khổ chứ không trút bầu tâm sự ra cho đỡ bất hạnh để rồi sau đó đau khổ hơn. Tôi cũng nghĩ rằng một chuyện khi kết quả đã quá xấu hoặc thê thảm thì chẳng còn gì nữa để mà phê bình đúng sai, tốt xấu, trách nhiệm vô trách nhiệm. Lúc đó, làm được cái gì giúp cho đương sự thì làm, lời nói nếu không là tàn nhẫn, độc ác thì vẫn còn ở trong không khí.
_Mày hay thật, đáng là hướng dẫn viên du lịch – tôi nhìn xung quanh rồi nói – chỗ này vui hơn hẳn, có người qua lại, nhiều cô gái có duyên và không thiếu chàng đẹp trai.
Khoa toe miệng cười:
_Lúc nãy chỗ kia là chút địa lý hình thể, bây giờ ở đây là chút địa lý nhân văn của Mỹ Tho. Mày có vẻ thích Mỹ Tho rồi.
Tôi cũng cười vui vì thấy hắn “lên” quá.
Câu “Mày có vẻ thích Mỹ Tho rồi” làm tôi trở lại thực tế, tôi đang là một kẻ du lịch. Tôi bỗng nhớ tới bài hát Sombreros et Mantilles (Mũ Vành Rộng và Khăn Choàng Đăng Ten) nhạc của Vaissade, lời của Chanty. Toàn ca khúc là lời kể chuyện của một Người Pháp nói về vài địa danh đã du lịch tại Nước Tây Ban Nha. Tôi tự hỏi rồi đây tôi sẽ có gì để hồi tưởng lại những ngày ở Mỹ Tho? Que sera, sera …

(27) Mô nô tôn: monotone: đều đều một thứ giống nhau không có gì khác lạ.
(28) Oọc giơ: hors-jeu.

Mặt trời đã xuống thấp dưới đỉnh đầu từ bao giờ. Những tia nắng vàng ấm còn ánh trên những cành dừa đang lay mềm trước gió. Tôi nhìn đồng hồ và hơi giật mình thấy cần phải về nhà vì sợ Anh Chị Tám chờ chúng tôi về ăn bữa cơm chiều. Anh chị sẽ có thể không vui, còn tôi mới quen Anh Tám chưa được ba ngày và đang hưởng một đặc ân. Chuyện này không nên để xảy ra.
_Mình về thôi, chiều rồi. Tôi bảo Khoa.
_Khoan đã, ở chơi thêm tí nữa, gấp gáp gì. Khoa đang ngồi nhìn rặng dừa trả lời.
Tôi nói nhanh:
_Phải về tới nhà trước bữa ăn, không thể trễ được. Anh Tám thích mày tao biết. Dù anh ấy có là ông vua đi nữa, nhưng còn Chị Tám, bà hoàng hậu đó. Làm sao biết được ông vua to hơn hay bà hoàng hậu to hơn.
_Được rồi, về. Khoa đồng ý đứng dậy rồi nhìn quanh các ngả đường.
Tôi cũng nhìn quanh các ngả đường và lắc đầu:
_Tao chịu, không biết đường ra rồi. Mình đã vào sâu khu rộng lớn này lúc nào không hay. Đường quanh co quá lại thêm nhiều cây và bụi che khuất.
_Để tao tìm đường ra. Khoa bình tĩnh lên tiếng.
Nghe hắn nói “tìm đường” tôi biết ngay hắn cũng mù tịt, nhưng tôi vẫn làm theo ý hắn, để hắn dẫn đường.
Sau khoảng mười lăm phút mò đường thất bại, Khoa dừng lại thở dài. Tôi thấy không yên nhìn quanh quất, rồi quyết định tới căn nhà gần nhất kia hỏi đường ra.
_Để tao đi hỏi đường. Đường ở trong miệng chứ đâu. Tôi bảo Khoa rồi tự động rảo bước, hắn theo sau.
Căn nhà tôi tìm đến đằng trước có treo một tấm bảng lớn với bốn chữ Tiệm May Như Ý, một cái cửa sổ lớn hơn bình thường và cửa ra vào đều mở toang. Bước hai bậc lên tới hành lang, tôi gõ cửa. Ba người nhìn ra. Người khoảng ngoài bốn mươi tuổi là một bà khá đẹp diện nhất, ngồi cạnh hai cô gái trạc tuổi tôi, đẹp nhưng diện đơn giản hơn. Người đàn bà lên tiếng:
_Mời vô.
Tôi đi vào và nói:
_Thưa Bà, chúng tôi ở xa đến Mỹ Tho thăm người quen bị lạc đường. Bà làm ơn chỉ cho cách ra ngoài đường chính.
_Được rồi, tôi giúp cậu, nhưng có chỉ hai cậu cũng khó mà đi đúng đường. Từ đây tới đó đường mòn quanh co không có tên, lại thêm nhiều cây và bụi che khuất. Ơ …
Một cô gái tiếp lời:
_Dì Ba, hay để con đưa hai ảnh ra đó.
_Ờ Lan, con giúp họ đi.
Lan đứng lên khỏi ghế, dẹp ly chè đã ăn xong rồi nói:
_Hai anh theo em.
Tôi quay mặt về phía người đàn bà:
_Xin cám ơn bà rất nhiều, chúng tôi thật là may mắn.
Nhìn cô gái ngồi bên cạnh tôi nói tiếp:
_Chào cô.
Ra khỏi nhà, tôi nói với Lan:
_Cám ơn Cô Lan. Không có cô hôm nay, không biết chúng tôi sẽ về đâu.
_Anh nói quá lời. Đưa đường hai anh một chút có chi đâu. Lan đáp.
Khoa lên tiếng:
_Chúng tôi nói thật đấy. Xin lỗi cô là gì Lan, Thanh Lan, Hoàng Lan, hay Hương Lan.
Lan cười trả lời liền:
_Nguyễn Thị Lan thôi anh à. Hai anh ở đâu đến đây?
_Chúng tôi từ Sài Gòn. Tôi là Khoa, người bạn tên Khánh.
Nhìn Lan nói chuyện với Khoa đằng trước, tôi bỗng nghĩ tới lúc cô gái này một mình trở về nhà trên đường vắng.
Nếu rủi ro có kẻ bất lương nấp đâu đó xông ra chặn đường nàng …
Tưởng tượng tới đây, tôi quyết định phải làm một cái gì để tránh cảnh đó xảy ra, nếu không, chắc tôi và cả Khoa sẽ sống bị ám ảnh: một cô gái giúp không hai đứa tôi, chẳng được một cái gì kể cả tiếng tốt, để rồi …
Tôi để ý tìm kiếm hai bên đường …
Một lúc sau, tôi mừng quá vì nhặt được một tay đòn băng ca (29) bị gẫy còn dài khoảng hơn thước rưỡi.
_Anh Khánh, anh lượm cái tay cáng gẫy đó làm chi vậy. Lan hỏi.
_Để rủi có con gì trong bụi nhảy tới. Tôi trả lời rồi nhìn vào đôi mắt nàng.
Lan cười tin lời tôi nói:
_Anh khéo lo xa.
Chẳng bao lâu chúng tôi đã ra tới đường chính. Tôi nói với Khoa:
_Về trước di. Nếu tao về trễ, nói Anh Chị Tám ăn cơm trước đừng chờ. Tao phải đưa Cô Lan về nhà. Trời đã gần chiều rồi, một mình cô ấy đi trên đường vắng nhiều chỗ quẹo và cây, bụi che khuất, có thể gặp nguy hiểm.
_Cần thêm tao không. Khoa hỏi.
_Không. Tôi trả lời.
Đi được một quãng trên đường về, Lan lên tiếng.
_Anh Khánh, cám ơn anh và cả Anh Khoa đã có ý tốt.
_Không có gì, chỉ là chúng tôi giúp cô khi cần cũng như cô và bà chủ tiệm may đã giúp chúng tôi.
_Cô biết không – tôi nói tiếp – kẻ bất lương thường nấp sau gốc cây, bụi rậm, bức tường, hoặc trong bóng tối để nhảy ra tấn công người đi bộ, nhất là đàn bà con gái. Chúng tay không hay có dao, súng. Vậy nếu cần đi đâu cô phải luôn tránh xa những chỗ đó.
_ Anh nói làm em thấy sợ. Ở đây yên lắm, không có như vậy đâu.
_Dù sao cũng nên để phòng. Cô hãy đi trước tôi hai ba bước để tôi có thể lo phía trước, hai bên và đằng sau cô.
_Bộ anh có võ biết đánh roi (30) hả.
Tôi nói:
_Nếu xảy ra kẻ bất lương đông, có dao và tôi bị thua, lúc đó cô hãy xa chạy cao bay và la làng cầu cứu.
_Anh làm như tiểu thuyết. Em đã nói ở đây yên ổn mà.
_Mong là mọi chuyện luôn như vậy.
Tới đây, tôi thấy nên đổi hướng câu chuyện:
_Cô là cháu bà chủ tiệm may phải không?
_Không, em chỉ là thợ. Bả tốt với Hường và em nên xưng hô với nhau như vậy.
Tôi hiểu ra cô gái ngồi cạnh bà chủ lúc nãy tên là Hường.
Lan hỏi:
_Hai anh làm gì trên Sài Gòn?
_Chúng tôi còn đi học, xuống Mỹ Tho chơi vì được ăn ở miễn phí nhà Thầy Tám làm cùng sở với Ba của Khoa tại Sài Gòn.
_ À thì ra vậy, vui quá há. Lan nói.

(29) Băng ca: brancard, stretcher: cái cáng để khiêng bệnh nhân.
(30) Roi: cây côn.

Tôi trả lời rằng vui rồi hỏi:
_Cô Người Mỹ Tho phải không?
_Không. Em và Hường cùng quê ở Bến Tre.
_Vậy hai bác hiện ở Bến Tre?
_Chỉ còn mẹ em ở đó. Ba em mất cách đây bảy năm khi em mười tuổi. Em ở với mẹ đến khi mười hai tuổi thì em và Hường thi đậu Tiểu Học. Nhà không được khá giả nên hai đứa em tới Mỹ Tho học may rồi ở luôn với Dì Ba, thỉnh thoảng về thăm nhà.
Tôi im lặng nhìn nắng chiều tàn rơi trên tóc Lan.
Đi thêm một quãng, Lan nói:
_Sắp tới nhà rồi, chỉ quẹo một lần nữa thôi. Anh thuộc đường kỹ chưa.
_Kỹ rồi, tôi trả lời, sau khúc quẹo này, khoảng năm mươi thước nữa là cô về đến nhà.
_ Đúng vậy, anh hay thật.
_Cô đậu Tiểu Học thì hiểu và đọc Tiếng Pháp đúng lắm rồi, có thể làm việc văn phòng.
_Tiếng Pháp em đọc trúng nhưng hiểu thì không nhiều. Việc văn phòng đồng lương không khá và có thể cố định. Làm nghề may khá hơn và có thể sau này mở tiệm.
_Đúng như vậy. Chúc cô nhiều may mắn.
_Cám ơn anh.
Sau khi quẹo một chút, chúng tôi dừng lại vì đã tới nhà.
Lan hỏi:
_Hai anh còn ở Mỹ Tho bao lâu?
_Còn năm ngày nữa chúng tôi về Sài Gòn. Tôi trả lời và trong khi nàng ngập ngừng tôi nói tiếp:
_Thôi cô vào nhà. Cám ơn cô và cho tôi gửi lời cám ơn Dì Ba. Mong sẽ có dịp gặp lại.
Khi Lan vào khuất trong nhà, tôi quay lưng rảo bước ra đường chính.
Tôi về đến nhà Anh Chị Tám đúng sáu giờ hai mươi, còn mười phút nữa là giờ cơm chiều.
Khoa và tôi đều mừng. Hẳn hỏi:
_Mọi việc tốt chứ.
Tôi đáp:
_Tốt. Chỉ là phòng xa thôi mà.
Bữa cơm chiều nay không có Bé Tân, con trai Anh Chị Tám. Bé đau răng phải uống sữa và Aspirine chờ ngày mai Thứ Hai đi nha sĩ.
Anh Tám có vẻ vui nhìn tôi nói:
_Nghe Khoa nói hai em đi chơi bị lạc đường nhưng vui phải không?
_Dạ vui. Tôi trả lời.
_Nghe nói em đưa cô dẫn đường trở lại nhà phải không? Anh Tám hỏi.
_Dạ phải. Khoa cũng muốn đi theo em nhưng em nói không cần.
_Mọi chuyện tốt chứ hả?
_Dạ tốt, cô ta về nhà an toàn không có chuyện gì xảy ra.
Anh Tám cười rót bia vào ly:
_Hay. Hai đứa em làm hay. Nào mình ăn!
Tôi nói:
_Bọn em phải làm cho yên tâm anh ạ. Bởi vì nếu có gì xảy ra cho cô ấy, bọn em sẽ sống bị ám ảnh. Một cô gái giúp không mình, chẳng được gì kể cả tiếng tốt, để rồi gặp nạn kinh khủng nhất.
Chị Tám lên tiếng:
_Ăn thịt quay đi Khánh. Thịt mới ngon lắm.
Tôi nhìn đĩa thịt quay rồi gắp để vào bát:
_Trông biết là ngon rồi. Da nở vàng dầy cùng với mỡ và nạc, cả ba còn dính vào nhau.
Chờ tôi ăn xong miếng thịt quay, Chị Tám tươi cười hỏi:
_Cô gái ấy đẹp không?
_Em nghĩ đẹp. Tôi đáp.
Anh Tám hớp một ngụm bia cười hỏi:
_Nếu cô ấy xấu, có đưa về nhà không?
Tôi hơi giật mình, nghĩ rồi nói:
_Bọn em cũng đưa về nhà vì có thể kẻ bất lương chỉ muốn cướp tiền của và thường đánh nạn nhân trước hay sau khi cướp.
Chị Tám hỏi tiếp:
_Biết vậy mà em không sợ à?
Tôi trả lời:
_Khi cần phải làm một việc gì người ta quên sợ. Ngoài ra, em lượm được một tay đòn băng ca bị gẫy nhưng còn dài, láng trơn và vừa tay cầm như một cây côn.
Anh Tám xen vào:
_Cũng giống như cô gái đó không nghĩ tới nguy hiểm khi dẫn đường giúp người.
Nói xong Anh Tám đứng dậy, mở tủ lạnh lấy thêm một chai bia 33 khui uống rồi nói:
_Ăn xong mình vô phòng âm nhạc chơi.
Tôi nghe rõ ràng ba chữ “phòng âm nhạc” chứ không phải “phòng nghe nhạc”, như vậy phòng này không những để nghe nhạc mà còn chơi nhạc. Nghĩ vậy tôi thấy thích thú và tò mò chờ đợi.
Bữa cơm chiều nay mọi người cười nói nhiều hơn và có lẽ ăn mạnh hơn. Khoa it nói nhưng mắt hắn mở to nhìn mọi người mà cười phụ họa.
Ngoài món thịt quay, món canh cà chua rau răm thịt bò huyết heo có vẻ hấp dẫn vì chan vào nửa bát cơm còn lại đã nguội bớt, ăn rất ngon. Anh Chị Tám không chan vào cơm mà chỉ múc vào bát đã hết cơm rồi ăn cái và uống canh không. Món mực tươi xào hành tây điểm hành xanh cũng ngon. Mực chỉ xào vừa chín tới nên dai mềm chứ không dai chai. Món cá kho múc ra bàn ít, nhưng mọi người ít ăn, còn một khúc đuôi nhỏ, tôi nghĩ bà Tư thật là khéo.
Cà phê, nước ngọt, bánh trái xong, mọi người vào phòng âm nhạc. Phòng rộng rãi hình chữ nhật 4×6. Trên cái bục gỗ ở đầu phòng có một cây ghi ta điện để trên giá và hai máy vi âm (31) nối với hệ thống âm thanh Hi Phai (32). Một dẫy ca na pê (33) đệm bọc si mi li cuya (34), hình chữ u kê sát tường và hai đầu dài gần tới bục gỗ. Song song với dẫy ca na pê là những bàn nhỏ chữ nhật cho ba người, mặt chỉ là một tấm gỗ đánh vẹc ni (35), bốn chân bằng sắt đầu bọc cao su và có thể xếp lại.
_Trời ơi, tối tân quá! Khoa thốt lên.
Sau khi nhìn hết căn phòng, tôi hỏi Anh Tám:
_Như vậy anh có mướn ban nhạc.
Anh Tám trả lời chỉ có bà con và bạn đem nhạc cụ tới chơi.
Khoa nói:
_Chắc có luôn ca nhạc cải lương.
_Có chứ. Anh Tám đáp và bảo rằng miền quê thích cải lương hơn tân nhạc.
Tôi hỏi anh Tám có đánh đàn cải lương không, anh nói chỉ biết chơi ghi ta.
Sau khi nghe đĩa những bản nhạc hay, anh Tám nói:
_Giờ mình đờn ca chơi nghe.
Khoa nói:
_Như vậy hay lắm.
Khoa biết nhạc và hát hay.
Trong khi Anh Tám so giây đàn, Chị Tám thử hai ống vi âm “A lô, a lô” tiếng nghe vang và trong làm tôi thấy hào hứng.
_Hai em ca bài gì nào? Anh Tám hỏi.
Tôi nói:
_Anh đàn và Chị Tám hát trước, bọn em hát sau.
Chị Tám hát bài Bến Cũ của Anh Việt.

Bên ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly …

Tiếng hát và đàn đệm hay tôi thật không ngờ. Ngoài ra đây là người ăn học hát nên ca không sai một chữ nghe tưởng là tiếng một bà Hà Nội chính cống có học.
Vỗ tay cùng Khoa xong, tôi nói với anh Tám:
_Anh à, em không hiểu tại sao ca sĩ thường hát sai lời của bài ca mà thính giả vẫn thích như thường, chẳng ai nói gì.
_Thí dụ như bài nào? Anh Tám hỏi.
Tôi trả lời:
_Bài Dư Âm của Nguyễn Văn Tý. Bản nhạc viết là “Yêu ai em nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời” nhưng ca sĩ hát “Yêu ai em nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa xôi”.
_Đây có thể là trường hợp ban nhạc khi chơi cố ý sửa nốt nhạc của chữ “vời” cao lên một chút nghe vẫn hay và hợp với chữ “xôi” đổi vào có nghĩa cũng vẫn hay. Làm như vậy để có chút thay đổi trong bản nhạc và lời ca. Cũng có thể là ca sĩ hát đúng và bản nhạc em xem chép lại sai. Anh Tám nói tiếp:
_Còn những trường hợp khác ca sĩ hát sai lời không cắt nghĩa được là do ca sĩ sức học kém.
Tôi còn thắc mắc:
_Ca sĩ hát sai như thế tại sao cả ban nhạc không ai biết?
Anh Tám cười:
_Họ có biết cũng im thôi vì sợ làm mất lòng ca sĩ đang nổi tiếng, nhất là nữ ca sĩ có thể là cục cưng của ông bầu.
_Thế còn tác giả tại sao không nói gì? Tôi hỏi tiếp.
Anh Tám lại cười:
_Tác giả cũng đành ngậm miệng vì phải lấy lòng ông bầu. Ngoài ra, nếu lên tiếng thì show mất uy tín và đĩa ngoài thị trường sẽ khó mà bán được. Khi đó ông bầu có thể điên lên.
Anh Tám cười nữa tiếp tục:
_Ca sĩ hát sai lời nghe chịu không nổi mà thỉnh giả vẫn cứ thích như thường, chẳng ai nói gì là vì trình độ văn chương của thính giả thấp.
Tôi hỏi câu chót:
_Thế còn ông bầu?
Anh Tám lắc đầu:
_Có hai trường hợp. Ông bầu sức học cũng kém như ca sĩ hoặc tánh cẩu thả, khi biết ca sĩ hát sai lời thì chuyện đã rồi, show đã trình diễn và đĩa đã tung ra thị trường.
Tôi hiểu ra bàn thêm:
_Vậy ca sĩ Âu Mỹ luôn hát đúng lời ca vì trình độ văn chương của thính giả cao nên không nghe show, và không mua đĩa, có ca sĩ hát sai lời.
Anh Tám nói: “Không sai” rồi quay sang Khoa:
_Em hát bài gì?
_Trương Chi của Văn Cao. Khoa cười nói.
Tôi còn nhớ Khoa nổi tiếng trong trường với bài hát này.
Khi hắn hát, cả ăm phi tê át (36) im phăng phắc có lẽ con ruồi bay cũng nghe thấy.
Tiếng ngân của hắn vừa dứt câu

Đâu bóng thuyền Trương Chi?

Thì cả đại thính đường đầy tiếng vỗ tay như một trận mưa rào ào ạt đổ xuống kèm theo tiếng huýt gió và “bis” “bis” …
Tàn cuộc vui, thầy giáo lớp chúng tôi cười nhìn hắn, vỗ vai hắn liên tiếp; các nữ sinh chạy theo hắn khen ngợi hỏi han. Tôi đi bên cạnh cũng thấy vui lây.
Hôm nay, với tiếng đàn đệm bay bướm và có hồn của Anh Tám cộng thêm hệ thống âm thanh tuyệt vời, tôi nghĩ Khoa như trúng mối. Hắn cười đầy tự tin, còn tôi thích thú chờ đợi sự ngạc nhiên của Anh Chị Tám.
Anh Tám nói:
_Bài hát này rất hay những dài và khó.

(31) Máy vi âm: microphone.
(32) Hi phai: HiFi: hệ thống âm thanh nổi.
(33) Ca na pê: canape’: sofa: ghế tựa dài bọc đệm ba người ngồi chung.
(34) Si mi li cuya: similicuir: hàng dệt giống da hoặc plastic ép nóng, mỏng mềm giống da, gọi tắt là da giả.
(35) Vẹc ni: vernis.
(36) Am phi tê át: amphithéâtre: đại thính đường.

Khi Anh Tám vừa hết dạo đàn, Khoa cất tiếng hát vang êm lả lướt với giọng ngân rung truyền cảm:

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ,
Trầm trầm không gian mới rung đường tơ,
Vương vất heo may hoa yến mong chờ,
Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ.

Với bốn câu mở đầu, tiếng đàn ca đã lôi cuốn được Chị Tám ngồi dán người vào chiếc ghế lắng nghe. Tôi đã nghe Khoa hát bài Trương Chi nên chỉ chú ý xem lần này hắn có gì đặc biệt.
Anh Tám tay lướt trên phím tơ, vừa buông những tiếng nhặt khoan, vừa thả hồn theo ý nghĩa của mỗi câu ca.
Tới đoạn sau đây, tiếng đàn như mưa rơi, quấn quít và réo rắt theo giọng ca nức nở:

Ngoài sông mưa rơi trên bao cung đàn.
Còn nghe như ai nức nở và than.
Trầm vút tiếng gió mưa cùng với tiếng nước róc rách, ai có buồn chăng?
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
Về phương xa ai nức nở và than.
Cùng với tiếng gió vương, nhìn xuống ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.
Đò ơi, đêm nay dòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà.

Bài hát kết thúc với tiếng đàn đệm quyện theo giọng ngân rồi cùng tắt đi vào khoảng không gian vô tận:

Đâu bóng thuyền Trương Chi?

Anh Tám buông cây đàn, vừa vỗ tay cùng với Chị Tám và tôi vừa không ngớt thốt lên:
_Parfait, parfait … (37)
_Tuyệt vời! Chị Tám khen.
Trong khi Khoa nhoẻn miệng cười tươi, tôi nói:
_Hôm nay đàn ca kỳ phùng địch thủ. (38)
Chị Tám đi ra ngoài rồi một lát sau trở lại với Bà Tư bưng một khay bốn ly nước đá chanh muối đường.
Sau khi nhắp ly nước hai lần Anh Tám nói:
_Giờ tới phiên thằng Khánh.
Tôi khẽ lắc đầu:
_Đáng lẽ em phải hát trước. Hát sau mấy người hát hay em kẹt quá.
_Bài gì? Anh Tám nhìn tôi và nói.
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
_Ơ … ơ bài …
Anh Tám cắt ngang:
_Thôi được rồi, em thích hát bài nào hoặc đoạn nào nhất.
Nghe chữ đoạn nào nhất, tôi nói:
_Đoạn cuối bài Bóng Chiều Xưa của Dương Thiệu Tước, bắt đầu từ câu

Lâng lâng chiều mơ, một chiều bâng khuâng đâu nguồn thơ.

_Được rồi, anh lo phần đệm đàn và hát phần đầu cho đến câu này.  Anh Tám nói.
_Bài này hát hai lần, vậy lần sau một mình anh vừa đàn vừa hát hết bài. Anh chơi điệu Slow đi cho đúng ý của tác giả. Em quen hát điệu này.
Anh Tám cầm đàn lên nói:
_Nào, bắt đầu nghe.
_Khoan khoan. Cho em uống chút nước đã. Khô cổ quá. Tôi chặn anh Tám lại rồi nói tiếp:
_Anh à, bài này một người hát hai lần. Sau khi ngân chữ “mờ” ba nhịp của câu chót

Tình như mây khói, bóng ai xa mờ.

Thì hát ngay lại bài một lần nữa. Đó là một người hát. Nhưng ở đây anh hát lại lần thứ hai, vậy em đề nghị khi em vừa ngân dứt chữ “mờ” thì anh đệm đàn tám nhịp nữa rồi anh mới hát lần thứ hai. Mình đổi như vậy có được không?
_Được được, xém chút nữa anh quên chỗ này.
Anh Tám im lặng nghiệm một chút, tôi chắc anh suy nghĩ cách dạo đàn và đệm đàn tám nhịp vừa khi tôi hát xong.
Anh Tám bắt đầu vừa đệm đàn vừa hát:

Một chiều ái ân
Say hồn ta bao lần …
Một trời đắm duyên thơ cho đời bao phút ơ thờ.
Ngạt ngào sắc hương,
Tay cầm tay luyến thương.
Đôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng nào thấy đâu sầu vương.
Một chiều bên nhau, một chiều vui sống quên phút tang bồng.
Em ơi nhớ chăng xa em anh hát khúc ca nhớ mong.
Một chiều gió mưa, anh về thăm chốn xưa,
Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân, lòng xót xa tình xưa.

Tôi hát tiếp:

Lâng lâng chiều mơ, một chiều bâng khuâng đâu nguồn thơ.
Mây vương sầu lan.  Gió ơi đưa hồn về làng cũ, nhắn thầm lời nguyện ước trong chiều xưa.
Thương nhau làm chi, âm thầm lệ vương khi biệt ly.
Xa xôi còn chi!  Vô tình ai nhắc mối duyên hờ, tình như mây khói, bóng ai xa mờ. 

Sau khi Anh Tám hát bài ca lần thứ nhì, Chị Tám vỗ tay cùng với Khoa và tôi rồi nói:
_Hay. Hát kiểu liên ca này vui, cho có sự thay đổi.

(37) Parfait: hoàn toàn. Hoàn là tròn, toàn là tất cả. Hoàn toàn là tất cả tròn, ý nói không khuyết điểm.
(38) Đàn ca kỳ phùng địch thủ: kỳ là lạ, phùng là gặp, nghĩa là cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa hai địch thủ là đàn và ca, ý nói đàn hay gặp hát hay, không bên nào thua bên nào. 

Sáng sớm thấy Khoa đã thức nhưng chưa dậy, tôi nằm trên giường nói với sang hắn:
_Hôm qua nói chuyện với Lan, tao biết được cô gái kia trong tiệm may tên là Hường.
_Cô ấy đẹp chứ hả? Khoa hỏi.
_Ba người đều đẹp, đều diện. Hai đẹp trẻ, một đẹp ngoài bốn mươi, diện hơn. Tôi trả lời một hơi, rồi hỏi:
_Chương trình hôm nay có những gì đây?
_Ơ … mình ghé tiệm may được không? Khoa đề nghị.
_Mày định làm phóng viên viết về nữ thợ may Mỹ Tho hay sao đây? Lấy lý do gì để trở lại đó? Coi chừng người ta, nhất là bà chủ tiệm may, có thể nói mày với tao đi dụ dỗ gái quê. Nói xong tôi cười.
Chờ tôi ngưng cười, Khoa nói:
_Ghé để cám ơn không được sao?
_Hôm qua trước khi Lan vào nhà tao đã cám ơn cô ấy và gửi lời cám ơn bà chủ.
Khoa vẫn chưa thôi:
_Vậy ghé biếu quà cám ơn bà chủ, như thế được chưa?
_Cũng tạm được. Tao trả một nửa tiền quà nhưng đứng sau, mày đưa quà và nói cám ơn.
Tới đây tôi nghĩ Khoa thích Cô Hường, thích ra sao tôi không biết. Mà cũng có thể chỉ là hắn làm quen nói chuyện cho vui trong những ngày ở Mỹ Tho. Điều tôi hơi lấy làm lạ là hắn chưa từng có dịp nói với Hường một câu mà đã thế.
Khoa đưa thêm ý kiến:
_Đứng sau mày hôm qua tao thấy có hai ly cà phê trên bàn, một của bà chủ, một của Hường. Vậy biếu cà phê ngon xay sẵn và sữa hộp mới là xong. Một gói cà phê lớn và mười hộp sữa. Nhà người ta ba người mà.
Tôi nói:
_ Mày nên dè dặt. Tao thấy bà chủ là người tốt chu đáo nhưng có vẻ khó. Mày nhớ không, bà ấy nói: “Ờ Lan, con giúp họ đi.”. Dùng chữ “họ” bà ấy có vẻ giữ khoảng cách với mình.
Khoa cười tươi:
_Tao đưa quà cho Hường nhờ Hường đưa bà chủ. Bà ấy thế nào cũng đi ra, lúc đó tao nói cám ơn.
_Tao phải mượn lời Anh Tám tối hôm qua mà nói mày parfait. Tôi lắc đầu cười theo.
Khoa nói tiếp:
_Lát nữa ăn sáng tao sẽ nói với Anh Chị Tám mình đi chơi đến chiều mới về.
Tôi đồng ý:
_Được rồi, mọi thứ mày tính và làm hết, tao chỉ theo thôi. Thật là sắp xếp kỹ như Mỹ đổ bộ Triều Tiên.
Khoa giỡn:
_Mình “đổ bộ tiệm may”.
_Nhưng này, tôi thắc mắc, nếu vào nhà gặp bà chủ thì mày phải biếu quà nói cám ơn bà ấy, không thể nhờ Hường làm trung gian như đã tính. Như vậy có vẻ không tự nhiên.
_Dễ lắm, mình đã nghe Lan gọi bà ấy là Dì Ba, thì mình cũng gọi bà ấy là Dì Ba và xưng con rồi biếu quà nói cám ơn, có gì khó đâu.
Tôi lắc đầu:
_Nịnh quá.
_Có ai bất lỗi kẻ nịnh mình có lý bao giờ đâu. Khoa cười.
Trái với sự lo ngại của tôi, khi chúng tôi đến Tiệm May Như Ý khoảng hai giờ rưỡi trưa, chỉ có Hường đang ngồi may. Khoa mừng ra mặt.
Hắn tươi cười đưa món quà cho Hường:
_Chào cô. Hôm qua chúng tôi bị lạc đường, may nhờ Dì Ba và hai cô giúp cho, xin có chút quà để cám ơn Dì Ba và hai cô.
_Mời hai anh ngồi. Hai anh quý danh là gì để em vô trong nói với Dì Ba. Hường hỏi.
_Tôi tên là Khoa, còn anh bạn tôi đây là Khánh.
Bà chủ nét mặt vui đi ra với Lan, Khoa và tôi cùng đứng dậy khẽ cúi chào.
Bà nhìn chúng tôi và gói quà, chưa kịp nói gì, Khoa đã lên tiếng:
_Hôm qua bị lạc đường nhờ Dì Ba và hai cô giúp cho, con và bạn con đây thật may mắn, xin có chút quà để cám ơn Dì Ba và hai cô.
_Mời hai cậu ngồi. Bà chủ ngồi xuống nói:
_Chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ thông thường mà được cho quà nhiều như vậy, chúng tôi phân vân quá.
Tôi nói vào:
_Không có gì nhiều, Dì Ba hãy nhận dùm cho. Nhờ được dẫn đường, hai đứa con đã về kịp bữa ăn không làm phiền Thầy Tám Cô Tám là người cho ăn ở không một tuần lễ.
_Thì ra vậy. Cám ơn hai cậu nhiều đã cho quà. Hai cậu từ đâu đến Mỹ Tho?
Khoa đáp:
_Dạ từ Sài Gòn. Con tên là Khoa, còn bạn con đây là Khánh.
Tôi nói sau khi nhìn vải vụn la liệt trên bàn và dưới gạch bông:
_Tiệm may của Dì thật nhiều uy tín, bảng hiệu đề đơn sơ mà vẫn đông khách.
_Chúng tôi may mắn. Tiệm mở khá lâu và may đủ thứ áo dài, đồ bộ, đồ bà ba và py da ma nên mới được đông khách. Trong số khách hàng có vài Cô Tám, chẳng biết có ai là Cô Tám chủ nhà hai cậu đang ở không.
Khoa nói:
_Hai đứa con đang ở nhà Thầy Cô Huỳnh Văn Tám có đứa con trai năm tuổi.
_Vậy đúng rồi, họ là khách may đồ tiệm này. Người chồng hay chở vợ và con trên chiếc Vespa đến đây.
_Dạ phải đó, Khoa nói, Thầy Tám có bằng Cử Nhân Luật, làm việc trên Sài Gòn và là Xếp của Ba con. Thầy đi làm bằng Vespa.
Bà chủ cười vui nhìn chúng tôi với vẻ thân thiện:
_Thì ra vậy. Bây giờ tôi mới được biết thêm về gia đình Cô Tám. Cổ tử tế, ít nói, có vẻ kín đáo.
Tôi nghĩ bà chủ đáng lẽ nói: “Bây giờ tôi mới được biết thêm về gia đình Cô Tám và hai cậu” nhưng bà đã bỏ ba chữ “và hai cậu”. Thì ra sự thân thiện của bà do khéo léo biết được thêm về chúng tôi. Ôi, phải chăng nữ giới kín đáo và tò mò hơn nam giới và khi họ muốn biết một cái gì thì nam giới khó mà tránh khỏi không khai ra như hai câu nói vừa rồi của Khoa.
Lan bưng lên một khay trà.
Bà chủ nói:
_Mời hai cậu dùng trà.
Mọi người cầm ly lên chờ bớt nóng uống.
Tôi thấy trà ngon.
_Hai cậu còn ở chơi Mỹ Tho bao lâu?
_Dạ bốn ngày. Khoa đáp.
_Về Sài Gòn hai cậu sẽ làm gì?
_Bọn con sẽ thi Ô Ran. Khoa trả lời.
_Ô Ran Tú Tài Hai đó hả. Bà chủ đoán hỏi, có lẽ thấy chúng tôi đã thành người lớn.
Hường xen vào hỏi Khoa:
_Em nghe nói thi Ô Ran Tú Tài Hai ai cũng đậu phải không anh?
_Thường thường là như vậy. Khoa đáp.
_Vậy đậu xong cậu sẽ học gì. Bà chủ hỏi Khoa.
_Con tính học Luật. Khoa trả lời.
_Còn Cậu Khánh, cậu sẽ học gì ? Bà chủ quay sang hỏi tôi.
_Con tính thi vào Quân Y để có tiền học Y Khoa. Tôi đáp.
_Hay quá há. Mong hai cậu sẽ tốt nghiệp. Bà chủ nói.
_Dạ cũng hy vọng được như vậy. Khoa và tôi cùng lên tiếng.
Chúng tôi thấy ngồi đã hơi lâu nên từ giã nói rằng có chút việc và phải về nhà trước giờ cơm chiều.
Bà chủ cười tươi:
_Cám ơn hai cậu. Khi nào có dịp ghé đây nghe. Tôi còn muốn biết về Sài Gòn.
Khoa cũng cười tươi nói rằng trước khi về Sài Gòn sẽ trở lại thăm Dì Ba với Hường và Lan.
Ra khỏi tiệm may được chừng ba chục thước, hắn lên tiếng:
_Bây giờ gần bốn giờ rồi, mình đi chơi cho hết vùng này rồi về. Như vậy chắc chắn sẽ tới nhà trước giờ cơm chiều nửa tiếng.
Tôi nói:
_Không ngờ Dì Ba lại mời mình sau này đến chơi.
Khoa cắt nghĩa:
_Dĩ nhiên là mời rồi trừ phi mình bị ghét.
_Ờ phải, mình có gì đáng ghét đâu. Tôi đồng ý.
Khoa nói thêm:
_Tính cẩn thận của mày rất hay trong việc đưa Lan về nhà nhưng trở thành nhút nhát trong việc “đổ bộ tiệm may”.
Tôi nói sau một lúc im lặng chịu thua lý:
_Mày hay thật, kết quả tốt không ngờ.
Khoa cười luôn miệng, đi tung tăng, nhìn trời đất thiếu điều muốn làm thơ. Hắn lại “lên” nữa rồi, lần này cao độ.
Tôi hỏi:
_Vậy khi nào sẽ trở lại Tiệm May Như Ý?
_Ơ … ngày mốt và ngày chót còn ở lại Mỹ Tho. Tất cả sẽ hai lần nữa. Khoa đáp.
_Hường chắc thích mày. Tôi nói.
_Nói bậy, làm gì có chuyện đó. Khoa bác.
Tôi đằng hắng:
_Bây giờ tới tao tính nhé.
_Tính như vậy được rồi, còn ý kiến gì nữa. Khoa cản.
Tôi cười:
_Mình đi mua đồ chơi để trước khi về cho Bé Tân, con Anh Chị Tám. Một khẩu súng lục bắn đạn pháo liên thanh chỉ nổ và xẹt tia lửa. Một khẩu súng lục khác bán tên đầu bằng cao su giống như chén giác hơi. Tên bắn dính vào mục tiêu phẳng láng.
_Khoa nói:
_Vậy thì hôm nay đi mua, dấu không để ai biết tới lúc đem cho Bé Tân.
Mây trắng dật dờ trôi trên bầu trời xanh ngát. Có tiếng chim kêu ríu rít hòa cùng tiếng gió rì rào trên đồng lúa. Nhìn nắng rực chiếu trên hàng dừa và cỏ cây xanh mướt, tôi hít mạnh mùi thiên nhiên vào người rồi thở nhẹ ra. Để xua đuổi sự ái ngại vô lý về Lan và Hường, tôi tự bảo: “Có biết bao người phải sống lẻ loi trong khó khăn hoặc gian khổ, đâu phải chỉ riêng hai cô gái này”.
_Cảnh ở đây đẹp quá! Khoa bỗng thốt lên.
Một đôi chim ríu rít bên nhau rồi cùng đậu trên cành lá xanh.
Tôi hỏi Khoa:
_Về nhà, nếu Anh Chị Tám hỏi hôm nay mình đã đi chơi những đâu, thì có nói luôn việc tới tiệm may biếu quà cám ơn không?
Hắn cười:
_ Tao đã làm xong việc “đổ bộ tiệm may”. Bây giờ tới phiên mày trả lời Anh Chị Tám.
_Tao sẽ nói luôn việc tới tiệm may biếu quà cám ơn. Tôi nói.
_Mày sẽ nói về phẩm và lượng của món quà không? Khoa hỏi.
_Không, chỉ nói là biếu cà phê và sữa hộp. Tôi đáp.
Khoa nói:
_Không trả lời đầy đủ câu hỏi của Anh Chị Tám là không thành thật đối với anh chị ấy vì còn dấu điếm.
_Tao cũng nghĩ vậy. Tôi đồng ý.
Khoa cao hứng nói tiếp:
_Trong đối thoại, nói thật và nói dối là vấn đề đầu tiên và cũng là một trong những vấn đề khó nhất. Nói thật mà không có hại cho ai và không mất lòng ai thì nên nói thật. Nói dối ai mà có lợi cho người đó, không có hại cho ai và không mất lòng ai, thì nên nói dối. Như vậy có lẽ bao gồm câu tục ngữ Toute vérité n’est pas bonne à dire (39) và “Sự thật mất lòng”, hoặc câu ca dao
Xưa nay thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Chúng tôi về đến nhà đúng ba mươi phút trước giờ ăn chiều. Khoa xem đồng hồ tay xong bảo tôi “Thấy chưa?” ý nói hắn tính đúng boong giờ giấc trong cuộc đi chơi.
Trong bữa cơm, mọi người nói chuyện vui vẻ và cởi mở có lẽ nhờ ảnh hưởng của tối hôm qua vui chơi âm nhạc.
Khoa nói với Anh Tám:
_Em sẽ học Luật, chắc sẽ phải hỏi anh cách học cho hay cho nhanh và cách áp dụng những gì đã học.
_Được rồi. Bây giờ chỉ có thể nói là em hãy tiếp tục làm theo câu Il faut lire entre les lignes (40). Anh Tám trả lời rồi nói tiếp:
_Tình cờ mình có đề tài để nói chuyện rồi, Il faut lire entre les lignes và Toute vérité n’est pas bonne à dire.
Tôi hỏi anh Tám:
_Anh nghĩ thế nào về lịch sử nói rằng người Việt Nam là Con Rồng Cháu Tiên và người Nhật Bản là con của Nữ Thần Mặt Trời?
Anh Tám cười:
_Đó là dã sử của hai nước.
Tôi hỏi tiếp:

_Có phải anh đã đọc lịch sử của hai nước và đọc được giữa những dòng chữ một cái gì mà anh không nói ra vì cái đó có hại cho người khác và làm mất lòng người khác?
Anh Tám vẫn cười và nhắc lại:
_Đó là dã sử của hai nước.
Tôi suy nghĩ và bỗng hiểu ra rằng nói thêm nữa là dại nên Anh Tám chỉ nhắc lại câu trả lời.
Tôi hỏi tiếp:
_Em chắc anh đã thấy nhiều điều giữa những dòng chữ của lịch sử Việt Nam. 
Anh Tám nói:
_Dĩ nhiên thấy, chẳng hạn Trung Hoa cả ngàn năm cứ có dịp là đem quân đánh chiếm Việt Nam, lịch sử kể lại như vậy và không nói lý do. Nhưng nếu nhìn lên bản đồ sẽ biết tại sao. Nước Việt Nam chạy dài theo bờ biển nối liền với bờ biển Trung Hoa nên là miếng mồi ngon nhất đối với Nước Tầu. Lý do thứ hai là Việt Nam nhỏ bé nhất vì thời đó chỉ có tới tỉnh Hà Tĩnh.
Khoa xen vào hỏi:
_Tại sao chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng Văn Hóa Trung Hoa trong khi Lào và Miến Điện (Burma) cũng giáp ranh với Tầu như Việt Nam lại bị ảnh hưởng Văn Hoá Ấn Độ?
Anh Tám đáp:
_Trung Hoa chiếm miếng mồi ngon nhất là Việt Nam không xong nên Lào với Miến Điện được yên và chỉ bị ảnh hưởng Văn Hóa Ấn Độ. Việt Nam bị ảnh hưởng Văn Hóa Trung Hoa vì đã bị Trung Hoa chiếm một ngàn năm. Thái Lan và Miên cũng được yên nhờ Việt Nam không bị mất vào tay Tầu.
Khoa hỏi tiếp:
_Tại sao xưa Pháp chiếm Việt Miên Lào, nay Mỹ cũng lại nhảy vào ba nước này?
Anh Tám trả lời:
_Phải chiếm luôn ba nước này, nếu không quân chống đối Việt Nam có thể dùng Miên Lào làm sào huyệt, quân chống đối Miên có thể dùng Việt Lào làm sào huyệt và quân chống đối Lào có thể dùng Việt Miên làm sào huyệt. Bởi vậy ba nước này mới được gọi chung một tên là Indochine (Indochina), Indo ám chỉ Miên Lào bị ảnh hưởng Văn Hóa Ấn Độ và Chine (China) ám chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng Văn Hóa Trung Hoa.
Anh Tám đứng dậy, mở tủ lạnh lấy một chai bia Larue, rồi cười nói:
_Hai em mỗi đứa uống một ly nhỏ còn bao nhiêu anh uống.
Khoa và tôi im không dám từ chối, sợ làm Anh Tám mất hứng.
Khoa đề nghị:
_Anh cho bọn em uống với nước đá cho nhẹ bớt chất rượu.
_Được, Anh Tám trả lời, boire jusqu’à la lie (41) nghe.
Rồi bất chợt anh hỏi sau khi nhắp chút bia:
_Vậy ai đã giữ Việt Nam khỏi mất vào tay Tầu kể từ bây giờ 1958 về trước?
Khoa trả lời:
_Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Chúa Trịnh và các vua trước Chúa Trịnh.
Tôi nói:
_Nước Việt Nam Chúa Trịnh cai trị nhỏ bé trở lại vì chỉ còn từ Nam Quan đến sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình, như vậy việc giữ nước khó khăn hơn các thời vua trước.
Anh Tám hỏi tiếp:
_Cái gì đã làm cho vua Quang Trung, Chúa Trịnh và các vua trước giữ nước?
Thấy Khoa và tôi im không trả lời được, Anh Tám cắt nghĩa:
_Vua Quang Trung, Chúa Trịnh và các vua trước tự tạo ra ngôi vị của mình sau khi vượt gian khổ và nguy hiểm nên họ biết quý những gì họ có được. Do đó để giữ ngôi vị, họ hết sức cố gắng giữ nước và làm cho nước giàu mạnh. Nhưng cái thật sự khiến cho họ giữ và làm nước giàu mạnh là sợ chết và sợ dòng giõi bị tàn sát nếu bị cướp mất ngôi vị. Thí dụ cuộc tàn sát dòng giõi Vua Vhà Lý, thí dụ nữa là dòng giõi Vua Nhà Minh bên Tầu sợ bị Nhà Thanh tàn sát tiếp nên phải chạy sang cư trú tại Hội An, đất Chúa Nguyễn cai trị.
Tôi kêu lên:
_Trời ơi, dễ như vậy mà bây giờ mới biết!
Anh Tám cầm ly lên cười bảo:
_Uống, uống. C’est facile mais il fallait y songer (42).
Tôi uống một cách “ngon lành” mặc dầu hơi sợ bị say ói ra trông quá tệ và uổng bữa cơm ngon. Tôi thầm hiểu thêm lời Anh Tám là cai trị mà được kẻ xâm lăng đưa lên và bảo đảm ngôi vị thì sẽ không sợ chết và không sợ dòng giõi bị tàn sát, do đó sẽ chỉ nghĩ đến ngôi vị, tiền của và bậy bạ tình dục, đâu có gì buộc phải lo cho dân cho nước.

(39) Toute vérité n’est pas bonne à dire: bất cứ sự thật nào nói ra đều không tốt.
(40) Il faut lire entre les lignes: phải đọc giữa những dòng chữ, nghĩa là đọc hết những dòng chữ rồi từ đó tìm ra những gì những dòng chữ không nói đến.
(41) Boire jusqu’ à la lie: uống tới cặn, ý nói uống cạn ly.
(42) C’est facile mais il fallait y songer: dễ nhưng đã phải suy nghĩ nhiều.

Tôi bảo Khoa:
_Theo chương trình của mày, ngày mai mình sẽ trở lại tiệm may thăm Dì Ba với Hường và Lan. Họ sẽ phải vừa may vừa nói chuyện với mình. Họ có thể mời mình ăn cơm hoặc đi mua gì về cho mình ăn uống, tao sẽ từ chối đó vì họ giàu có gì đâu. Họ làm như vậy chẳng qua vì đã nhận món quà của mình và cũng có thể vì cái mã Tú Tài của mình.
Khoa nói:
_Mày sao suy nghĩ lung tung. Lần trước biếu quà, tao đã sắp đặt và mình đến hai giờ rưỡi trưa là cố ý tránh bữa cơm. Lúc đó mọi người đã làm việc nửa ngày, ăn trưa và có thể ngủ trưa một giấc ngắn. Lần này mình cũng lại đến vào giờ đó.
Rồi hắn giỡn:
_Đến sáng sớm tiệm ế khách có thể sẽ bị đốt phong lông (43).
_Tao hiểu ra rồi, tôi đồng ý nói, nhưng đến tay không thì có thể họ sẽ đi mua cái gì cho mình ăn hoặc uống.
Khoa cười:
_Khó gì đâu, mua mười lăm cái bánh bía mới đem tới. Mỗi người ăn nổi ba cái không?
Tôi nói:
_ Tao nghĩ mình chỉ uống trà hoặc cà phê, từ chối uống nước ngọt tốn tiền.
_Đúng vậy, Khoa nói, mày có vẻ lo cho tiệm may quá, làm như muốn cưới cháu gái của Dì Ba.
Tôi trả lời:
_Tao chỉ nghĩ cho đầy đủ để tránh khuyết điểm thôi.

Trở lại tiệm may lần này, Khoa đem bánh bía và sẽ nói vài câu khi trao bánh, còn tôi nhớ từng quãng đường và đi như dẫn đầu.
Khoa bảo:
_Mày nhớ đường ghê.
__Tao đi hơn mày hai lần mà. Tôi giải thích
_Ờ nhỉ. Khoa nhớ ra nói.

Im lặng một lát hắn nói tiếp:
_Mình đến tiệm may hôm nay rồi hai ngày nữa là Thứ Sáu sẽ đến lần nữa. Lần chót này phải đến vào buổi sáng bởi vì trưa còn về ăn cơm với gia đình Anh Chị Tám và sau đó đi bộ ra ga xe lửa về Sài Gòn.
Tôi nói:
_Như vậy ăn cơm trưa xong sẽ cho Bé Tân hai món đồ chơi. Tao nghĩ hôm nay về nhà nên cho Bà Tư một chút tiền, đừng để Anh Chị Tám thấy.
Khoa đồng ý:
_Phải rồi, Ne remets pas à demain ce que tu peux faire aujourd’hui (44).
_Mày tính cho Bà Tư bao nhiêu? Tôi hỏi.
_Tao tính mỗi đứa mình cho bà ấy bảy chục đồng. Khoa đáp.
Tôi ý kiến:
_Như vậy cũng được nhưng hơi có vẻ răng rắc vì bà ấy sẽ biết mình ở bảy ngày, mỗi ngày mỗi đứa mình cho bà ấy mười đồng.
Khoa suy nghĩ rồi kết luận:
_Vậy mỗi đứa cho bà ấy một trăm.
Tôi tán thành:
_Phải đó. Một người đàn bà gần năm mươi tuổi, còn phải đi giúp việc nhà cho người ta để có tiền sống. Đó đâu phải là điều con người mong muốn.
Khoa nói:
_Mọi thứ đã sắp đặt xong, tao thấy thoải mái quá và cuộc đi chơi này thật hoàn toàn.
Tôi hỏi:
_Thứ Sáu chắc mình sẽ mua năm ổ lớn bánh mì thịt thứ ngon đem đến tiệm may nhưng không biết mấy giờ họ ăn sáng.
Khoa đồng ý:
_Như vậy được đó. Lát nữa tới nơi tao sẽ hỏi khéo về giờ giấc này.
Tôi cười:
_Hôm đó đến sáng sớm coi chừng bị đốt phong lông.
_Không có chuyện đó đâu. Khoa bác.

(43) Đốt phong lông: đốt vía.
(44) Ne remets pas à demain ce que tu peux faire aujourd’hui: đừng để đến ngày mai cái gì ngươi có thể làm hôm nay.

Gặp Anh Tám tại nhà Khoa hôm Thứ Sáu và bây giờ Thứ Tư, tính ra mới có năm ngày mà tôi đã trải qua khá nhiều sự việc thật hay khi đến gia đình Anh Tám và Tiệm May Như Ý. Tôi bỗng nhận ra tôi cũng thich biết về người ta và địa phương giống như Anh Tám. Trong cuộc nói chuyện với Lan trên đường đưa nàng trở lại nhà, ngoài chuyện gia đình Lan, tôi nghe được một chút về gia đình Hường và chưa biết gì về gia đình Dì Ba.
Tôi bảo Khoa:
_Sau khúc quẹo kia chừng năm mươi thước là đến nơi.
Gần tới tiệm may, hắn reo lên:
_Hường ngồi may trong khung cửa sổ kìa!
Vào nhà thấy Lan cũng đang ngồi may, Khoa và tôi cùng cất tiếng:
_Chào hai cô.
Hắn đặt gói quà xuống bàn:
_Chúng tôi mua được chút bánh mới để Dì Ba và hai cô uống trà.
Hường nói cám ơn, mời chúng tôi ngồi, rồi cho biết Dì Ba đi công chuyện chưa về.
Lan nhìn tôi nói:
_Vậy chỉ còn đôi ngày nữa hai anh về Sài Gòn, chắc sẽ bận lắm.
_Đúng vậy. Tôi đáp rồi nhớ ra hôm Chủ Nhật vừa qua trên đường đưa Lan trở lại nhà, tôi đã trả lời câu hỏi của nàng là còn năm ngày nữa Khoa và tôi về Sài Gòn.
Khoa nói thêm:
_Bận nhưng có dịp chúng tôi sẽ trở lại Mỹ Tho.
Quay sang Hường hẳn hỏi:
_Cô Người Mỹ Tho phải không?
_Em Người Bến Tre. Hường đáp.
Khoa hỏi tiếp:
_Thỉnh thoảng cô về Bến Tre thăm hai bác chứ?
_Em có về thăm nhưng chỉ còn mẹ em ở đó. Bả thôi Ba em rồi vì ổng có vợ bé.
Tôi hỏi Hường:
_Những lần chúng tôi đến đều trong giờ làm việc và không gặp chồng của Dì Ba, chắc Dượng Ba làm việc văn phòng trên tỉnh.
_Dì Ba cũng thôi Dượng Ba rồi vì ổng có vợ bé. Hường trả lời.
Thấy mình vụng về vì đã hỏi câu khơi ra chuyện không vui lần thứ nhì sau câu hỏi của Khoa, tôi quay sang nói với Lan:
_Cô Lan, ở đây mấy giờ mở cửa tiệm?
Lan đáp:
_Sáu rưỡi sáng anh à, nửa giờ sau là điểm tâm, mọi người vừa ngồi ăn trong nhà vừa nhìn ra cửa. Buổi chiều hôm anh đến hỏi đường, mọi người cũng đang ngồi ăn chè, uống cà phê, nhìn ra cửa.
_Ăn chung như vậy vui.
Tôi mừng nói vì thấy câu chuyện đã trở lại bình thường.

Hường đứng dậy đem gói bánh vào nhà trong rồi quay ra bưng một khay trà:
_Mới hai anh dùng trà.
Tôi nghĩ tiệm may này phép tắc thật, bánh biếu nhận xong đem cất đi chờ Dì Ba mở ăn mới dám ăn.
Mọi người uống trà được một lát, Hường nói:
_Không biết Lan nghĩ sao chứ em, dĩ nhiên em không ám chỉ hai anh, em thấy ngán đàn ông quá.
Tôi hỏi tại sao, Hường đáp:
_Thì chuyện Ba em, chuyện Dượng Ba đó và con biết bao nhiêu chuyện xấu khác đàn ông đã gây ra cho phái nữ cũng như vợ con họ.
_Cô thấy ngán đàn ông là phải, như vậy cô sẽ cẩn thận trong việc lập gia đình. Chúc cô may mắn. Tôi nói.
Lan bỗng lên tiếng hỏi tôi:
_Anh Khánh, anh nghĩ sao về vấn đề ly dị?
_Ơ … để tôi suy nghĩ … Tôi đằng hắng, rồi trả lời tiếp:
_Bây giờ là năm 1958, vậy trước đây gần 1958 năm có người hỏi Chúa Giê Su: “Ngài nghĩ sao về vấn để ly dị?”. Chúa đáp: “Kẻ nào ly dị vợ không phải vì vợ ngoại tình thì kẻ đó phạm tội ngoại tình”.
Ý Chúa Giê Su nói: “Kẻ nào ly dị vợ không phải vì vợ ngoại tình rồi lấy vợ khác hoặc sống với người đàn bà khác thì kẻ đó phạm tội ngoại tình”.
Mọi người nghĩ sao về câu này?
Sau một lúc im lặng, Hường là người đầu tiên lên tiếng:
_Ba chữ “tội ngoại tình” ý nói ngoại tình là một cái tội. Điều nầy áp dụng cho cả nam và nữ.
Khoa nói:
_Đúng, ngoại tình là một cái tội đối với Đạo Thiên Chúa, nhưng Việt Nam lại có câu tục ngữ “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. và câu ca dao “Trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ phải thương cho đồng”. Tôi cho rằng hai câu này đàn ông Việt Nam đặt ra để che đậy những hành động xấu xa của mình đối với phái nữ và vợ con. Phái nữ Việt Nam rất ghét hai câu này là những áp bức họ vì thất thế nên đành im lặng mà chịu.
Tôi ý kiến thêm:
_Phái nữ Việt Nam bị thất thế chẳng qua vì họ không làm ra tiền bạc mà chỉ là nội trợ.
Hường nói tiếp:
_Trong câu trả lời, Chúa Giê Su không có ý kiến về trường hợp người vợ ngoại tình, như vậy đàn ông có thể một là ly dị vợ hai là tha thứ vợ, không ly dị. Chúa Giê Su cũng không có ý kiến về trường hợp người chồng ngoại tình, như vậy đàn bà có thể một là ly dị chồng hai là tha thứ chồng, không ly dị.
Lan xen vào:
_Câu trả lời của Chúa Giê Su cũng ý nói rằng nếu người vợ không ngoại tình thì người chồng phải ở với vợ suốt đời và ngược lại nếu người chồng không ngoại tình thì người vợ phải ở với chồng suốt đời. Cuối cùng Chúa Giê Su ý nói nếu người vợ hoặc người chồng chết đi, thì người còn lại có thể ở vậy hoặc tục huyền hay tái giá.
Tôi bàn:
_Khi người vợ hoặc người chồng chết đi, người còn lại ở vậy là vì họ còn yêu thương quá nhiều người hôn phối đã chết, hoặc họ không gặp được người vừa ý. Kết luận vấn đề ly dị coi như thông qua.
Lan hỏi:
_Anh Khánh, anh Đạo Thiên Chúa phải không?
_Không, tôi đáp, tôi chỉ xem bốn bản Kinh Thánh Tân Ước (45) của Đạo Thiên Chúa nên biết được câu trả lời nói trên của Chúa Giê Su.
_Vậy anh đạo gì? Lan hỏi tiếp.
Tôi trả lời:
_Tôi hiện không có đạo gì.
Hường hỏi:
_Anh Khoa, anh đạo gì?
_Tôi hiện cũng không có đạo gì. Khoa đáp.

(45) Kinh Thánh Tân Ước: Nouveau Testament, New Testament.

Hường nói:
_Vậy là hai anh và ba người nhà này đều không có đạo gì. Ngoài ra, Dì Ba, Lan và em mỗi người như bị thương nửa hồn, người thì thôi chồng, người thì cha mất sớm, người thì cha bỏ đi mất lúc còn nhỏ, cả ba tụ họp lại với nhau đúng như câu Ceux qui se ressemblent s’assemblent tức là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (46).
Khoa nói:
_Có thể thêm bọn tôi vào nữa là năm người bởi vì mẹ tôi mất lúc tôi bảy tuổi và mẹ của Khánh mất lúc Khánh được hơn hai năm.
Lan lên tiếng:
_ Có lẽ vì vậy mình nói chuyện có vẻ hạp. Dì Ba có bằng Đíp Lôm xưa, Dì nói chuyện cũng vui và hay lắm.
Khoa ý kiến:
_ Với người lạ hoặc khác tính nết, nói chuyện không được tự nhiên vì sự thật mất lòng nên chỉ nói thật khi nào sự thật không có hại cho ai và không làm mất lòng ai.
Hường hỏi Khoa:
_Anh nêu lên vấn đề nói thật và không nói thật, vậy chắc phải có trường hợp nói dối và không nói dối.
Khoa đáp:
_Dĩ nhiên nói dối là không tốt rồi, nhưng nếu nói dối ai mà có lợi cho người đó, không mất lòng ai và không có hại cho ai thì nên nói dối.
Lan cười nói:
_Vậy bọn em phải cẩn thận vì hai anh có thể nói dối.
Tôi lên tiếng:
_Bọn tôi từ trước tới giờ toàn nói thật với hai cô và nói thật đến nỗi thành dại vì đã khai ra khi nào không nên nói thật và khi nào nên nói dối. Rốt cuộc hai cô khôn quá, nhưng cũng không sao vì nữ khôn hơn nam là thường.
Hường cười.
Lan bảo nàng nói giỡn và đề nghị uống cà phê, mọi người đồng ý. Nàng đi vào nhà trong, lát sau bưng ra một khay bốn ly cà phê thơm nóng.
Khoa khen:
_Cà phê tới đúng lúc và ngon quá.
Hường nói:
_Cà phê và sữa hai anh đem tới đó.
Lan nói:
_Nãy giờ nói chuyện về câu trả lời của Chúa Giê Su. Mọi người chỉ tìm hiểu nhưng chưa thấy ai cho biết quan niệm của mình về ly dị và hôn nhân. Vậy nếu ai không đồng ý với lời của Chúa Giê Su thì lên tiếng.
Mọi người im lặng.
Khoa vỗ tay, tôi vỗ tay, Lan và Hường vỗ tay.

(46) Ceux qui se ressemblent s’assemblent: những kẻ giống nhau tụ họp với nhau.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu: thanh là âm thanh, khí là tính nết; cùng một âm thanh thì hợp nhau, thí dụ hai nhạc cụ cùng tấu lên một nốt nhạc thì hai âm thanh phát ra ứng với nhau, nghĩa là hợp nhau; người cùng tính nết thì tìm đến nhau (cầu là tìm).

Hường hỏi:
_Nếu bị vợ ngoại tình, hai anh ly dị hay tha thứ vợ và không ly dị?
Khoa và tôi đều trả lời là ra tòa xin ly dị.
Lan lên tiếng:
_Tại sao hai anh ly dị và hai anh cảm thấy thế nào về người vợ ngoại tình của mình?
Khoa đáp:
_Ly dị thứ nhất vì không muốn bị vợ sang bệnh phong tình bà ta bị lây, thứ nhì vì không muốn “Có con không phải của mình”, thứ ba vì không muốn chịu sự bất công phải tốn kém tiền bạc, công sức cho vợ trong khi người đàn ông vợ mình ngoại tình chỉ hẹn là vợ mình đến và có khi còn làm tiền vợ mình nữa. Lý do thứ tư của ly dị là để muốn nói lên rằng thiên hạ lén lấy vợ mình là lấy đồ mình đã xài và khi chuyện bị bại lộ thì mình quăng món đồ đó đi không xài nữa. Lý do thứ năm của ly dị là sẽ có được bà vợ mới. Tôi cảm thấy bà vợ ngoại tình của tôi giống như một món ăn của tôi nhưng tôi biết người khác đã lén ăn một chút rồi bỏ lại.
Khoa nhắp thêm cà phê rồi nói tiếp:
_Khi biết vợ ngoại tình, tôi có thể chỉ tức giận và buồn một chút bởi vì ngay từ bây giờ tôi đã tính sẽ làm gì khi bị vợ ngoại tình.
Tôi vui nghe Khoa trả lời và vui thêm khi để ý thấy Lan và Hường giữ khuôn phép đối với Dì Ba vì từ đầu đến giờ hai cô vừa may vừa nói chuyện.
Tôi lên tiếng:
_Tôi hoàn toàn đồng ý với Khoa và xin nói thêm là người chồng bị vợ ngoại tình thường có con không phải của mình, việc này khiến xã hội chỉ trích đàn bà ngoại tình nặng nề hơn đàn ông ngoại tình. Theo khoa học hiện nay 1958, nếu người đàn ông vợ mình ngoại tình có cùng một loại máu với loại máu của mình thì thử máu không thể biết đứa con của vợ ngoại tình là con của ai, nhưng nếu người đàn ông vợ mình ngoại tình có loại máu khác với loại máu của mình thì thử máu có thể biết được đứa con của vợ ngoại tình không phải là con của mình (47). Bây giờ về vấn đề ly dị hai cô còn hỏi gì không?
Lan và Hường đều lắc đầu cười.
Câu chuyện tưởng đã tàn thì Lan bỗng hỏi tiếp:
_Bọn em chỉ đậu Tiểu Học, nhưng cũng biết rằng không nên nói về chính trị, tôn giáo và phong tục vì nói ra đều không đi đến đâu và có thể làm mất lòng người khác. Ở đây mọi người hiện không có đạo gì, Anh Khánh đọc sách về tôn giáo, vậy anh có thể nói một chút về tôn giáo không?
Tôi trả lời:
_ Cùng học Chương Trình Tú Tài Quốc Tế của Pháp như chúng tôi, các cô cũng thi đậu Tiểu Học khi mười hai tuổi, chỉ sau bọn tôi một năm, rồi phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, vậy các cô cũng là người có học vấn tốt, chỉ không có nhiều thì giờ đọc sách mà thôi. Ba tôi đã dặn tôi rằng không nên nói về chính trị, tôn giáo và phong tục vì có thể mất bạn và chuốc lấy kẻ thù. Tôi đã một lần có ý kiến chỉ một chút về chính trị với Khoa. Nay lại một lần nữa không nghe lời dặn dò đó mà nói về tôn giáo. Vậy tôi chỉ nói về lịch sử và sơ lược các tôn giáo thôi nhé.
Lan dục:
_Anh cứ nói đi đừng ngại.
Tôi đằng hắng:
_Moïse là Người Do Thái, sinh tại Ai Cập và vào khoảng năm 1250 trước Chúa Giê Su giáng sinh, đã giải phóng Dân Do Thái thoát khỏi làm nô lệ cho Ai Cập, dắt dân đi đến một nơi lập thành Nước Do Thái. Moïse đặt ra pháp luật cho Dân Do Thái và được gặp Yahve’ đọc sai thành Je’hovah, Trời của Dân Do Thái, nhưng không được nhìn thấy Yahve’ mà chỉ nghe tiếng nói. Khi tiếng nói đứt, thì sấm sét nổi lên đánh vào những tảng đã lớn thành Chữ Viết Do Thái. Moïse ghi lại những gì nghe được và những chữ viết trên đá. Ghi chép này là những thành phần căn bản của Kinh Torah của Đạo Do Thái. Kinh Torah còn gọi là Cựu Ước của Đạo Thiên Chúa. Vào thế kỷ thứ III, Kinh Torah được dịch ra Tiếng Hy Lạp (Version des Septante) và được dùng vào thời kỳ đầu của Đạo Thiên Chúa. Vào thế kỷ thứ IV, Thánh Je’ro^me đã dịch Cựu Ước và Tân Ước ra tiếng La Tinh gọi là La Vulgate trở thành bản Kinh chính thức của Đạo Thiên Chúa.
Hường lên tiếng:
_Vậy Cựu Ước xưa gọi là Torah.
Lan nói tiếp:
_Vậy Đạo Do Thái và Đạo Thiên Chúa có cùng một quyển Kinh, Người Đạo Do Thái gọi là Torah, còn Người Đạo Thiên Chúa gọi là Cựu Ước.
_Đúng như vậy. Hai cô thông minh đã hiểu thật nhanh. Tôi cười và tiếp tục:
_Kinh Torah của Đạo Do Thái tức là Cựu Ước của Đạo Thiên Chúa nói rằng loài người đã phạm những tội ác đáng phải bị tiêu diệt, nhưng Yahve’ (Je’hovah), Trời của Đạo Do Thái tức là Đức Chúa Cha của Đạo Thiên Chúa, thương xót loài người nên đã gửi con của Ngài giáng trần để chịu tội chết thay. Đạo Do Thái bảo rằng việc giáng trần này chưa xảy ra, nhưng Đạo Thiên Chúa nói rằng Chúa Giê Su chính là con của Yahve’, đã giáng sinh và chịu bị đóng đinh trên Thập Tự Giá để chết thay cho loài người.
Tân Ước gồm bốn quyển sách viết về lịch sử Chúa Giê Su và những lời Chúa nói. Tân Ước viết bởi Matthieu, Jean, Luc và Paul, một người trước kia đã hô hào ném đá người theo Đạo Thiên Chúa và đứng giữ áo cho những kẻ ném đá; Paul sau được Thánh Linh nhập vào nên theo Đạo Thiên Chúa. Matthieu và Jean là tông đồ, tức là đệ tử của Chúa Giê Su.
Đạo Thiên Chúa có nhiều dòng khác nhau.
Cựu Ước và Tân Ước của Đạo Tin Lành và của Đạo Thiên Chúa là một, nhưng Đạo Tin Lành hành đạo khác Đạo Thiên Chúa. Người giảng đạo (Mục Sư) của Đạo Tin Lành có vợ, Đạo Tin Lành chỉ dùng một hình ảnh là Thập Tự Giá và không thờ Maria, xem Maria chỉ là Mẹ Đồng Trinh của Chúa Giê Su.
Đạo Tin Lành cũng có nhiều dòng khác nhau.
Đạo Hồi do Mahomet lập ra vào thế kỷ thứ VII tại Ả Rập. Mohamet viết ra Kinh Coran vì được Allah, Trời của Đạo Hồi, tiết lộ cho biết. Theo Kinh Coran, chỉ có một Trời là Allah.

(47) Đã từ lâu trước năm 2015, người ta có thể thử DNA (DeoxyriboNucleic Acid) của đứa con của vợ ngoại tình và DNA của người chồng để biết đứa bé và người chồng có phải là cha con hay không.

Nước Ai Cập: E’gypte.
Người Do Thái: Juifs, xưa gọi là He’breux.
Nước Do Thái: Iraël.
Chữ viết Do Thái: He’breu.
Đạo Do Thái: Judaïsme.
Cựu Ước: Ancient Testament.
Đạo Thiên Chúa: Catholicisme thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đổi tên là đạo Công Giáo (la Justifiable Religion).
Tân Ước: Nouveau Testament.
Thập Tự Giá: la Croix.
Thánh Linh: Esprit Saint, là Tinh Thần Thánh hay Thánh Linh của đạo Thiên Chúa và Đạo Tin Lành. Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su (Chúa Con) và Thánh Linh là một vì Chúa Giê Su và Thánh Linh đại diện cho Đức Chúa Cha, từ Đức Chúa Cha mà ra..
Đạo Tin Lành: Protestantisme.
Đạo Hồi: Islam.
Nước Ả Rập: Arabie.
Đạo Ki Tô (đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành): Christianisme (Catholicisme et Protestantisme).

Lan hỏi:
_Nghe nói Đạo Phật có trước Đạo Thiên Chúa, sao anh lại kể Đạo Thiên Chúa ra trước Đạo Phật.
Tôi đáp:
úng vây, Đạo Phật có trước Đạo Thiên Chúa, nhưng tôi kể Đạo Thiên Chúa ra trước Đạo Phật bởi vì Đạo Thiên Chúa dính tới Đạo Do Thái là đạo có trước tiên của loài người. Ngoài ra tôi kể tiếp Đạo Tin Lành và Đạo Hồi. Đạo Do Thái, Đạo Thiên Chúa, Đạo Tin Lành và Đạo Hồi có những tương quan với nhau.
Xin lưu ý là lời tôi kể lấy từ những tài liệu tôn giáo Khoa và tôi đã đọc.
Hường nói:
_Vậy anh hãy tóm tắt về Đạo Phật và Đạo Khổng.
Tôi kể:
_ Vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Chúa Giê Su giáng sinh, Gautama (Tất Đạt Đa), con trai của Tiểu Vương Dân Sakya (Thích Ca) tại Ấn Độ, đã bỏ tất cả để đi tu với triết lý rằng sống là đau khổ và đau khổ do ham muốn – tham – samsara – de’sir – mà ra.
Vì vậy, Tất Đạt Đa đã được tôn lên là Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca là phiên âm của chữ Sakya, Mâu Ni là phiên âm của chữ muni nghĩa là nhà hiền triết. Thích Ca Mâu Ni nghĩa là Nhà Hiền Triết của Dân Sakya. Tất Đạt Đa cho rằng chỉ từ bỏ chính mình (renoncement a`soi-me^me) nghĩa là đừng nghĩ tới mình, quên mình đi, mới có thể tránh khỏi ham muốn. Đừng nghĩ tới mình, quên mình đi thì mình không còn nữa trong tâm trí nên không ham muốn. Tất Đạt Đa tu hành người phát ra hào quang (illumination) và thành Phật (Bouddha), nghĩa là chết đi linh hồn không còn đầu thai (re’incarnation) mà về một nơi gọi là Niết Bàn (Nirvana). Con người vì ham muốn nên không bao giờ vừa ý thành ra gây tội ác rồi phải trả ngay trong cuộc đời (quả báo nhãn tiền) và linh hồn phải đầu thai sang kiếp khác mà trả tiếp. Khi trả quả hết rồi thì con người có thể giác ngộ (se re’aliser, devenir re’el) mà tu thành Phật. Những điều tôi nói ra đây lấy trong Tự Điển Bách Khoa (Dictionnaire Encyclope’dique) của Pháp. Các nhà biên khảo Pháp học Tiếng Ấn Độ rồi sang Ấn Độ đọc những bản ghi chép của đệ tử của Tất Đạt Đa mà về viết vào Bách Khoa Tự Điển.
Có người hỏi Khổng Tử (551- 479 trước Chúa Giê Su giáng sinh): “Ngài nghĩ sao về Trời”. Tử đáp: “Kính nhi, viễn tri”. Kính là kính nể, nhi là như thế, viễn là xa, tri là biết; “Kính nhi, viễn tri” nghĩa là “Cứ kính nể Trời như thế, biết Trời từ đằng xa” hay là “Cứ kính nể Trời như thế, đừng tìm hiểu Trời là gì”.
Khoa xem đồng hồ tay rồi nói:
_Khánh vừa tóm tắt đúng theo tài liệu tôn giáo chúng tôi đã xem. Bây giờ bọn tôi xin cáo từ phải về nhà cho kịp bữa cơm chiều.
Lan và Hường cho biết muốn hỏi thêm về tôn giáo.
Tôi trả lời để lần sau và kết luận:
_Những gì tôi kể chỉ là từ trường học, sách vở; nhận xét ngoài đời và kinh nghiệm bản thân còn rất ít. Lần sau nếu có Dì Ba, mọi người có thể được biết thêm nhiều vì Dì Ba có bằng Đíp Lôm xưa và tuổi đáng cha mẹ.
Lan lên tiếng:
_Nhưng các anh sắp về Sài Gòn.
Khoa cười:
_Đúng như vậy, sau bữa cơm trưa Thứ Sáu tại nhà Thầy Tám, chúng tôi sẽ đi bộ ra ga xe lửa rồi lên tầu về Sài Gòn. Vậy nhờ hai cô giúp cho một việc đừng để Dì Ba biết. Sáng sớm Thứ Sáu, tiệm may vừa mở cửa là có bọn tôi đem món ăn điểm tâm đến để Dì Ba và hai cô dùng. Hôm đó, hai cô làm ơn đừng để tiệm may sửa soạn bữa ăn sáng như thường lệ.
Lan và Hường cười cám ơn, hứa sẽ làm đúng như Khoa đề nghị.

Abraham: patriarche biblique (XIXe` S. avant J.-C.). Originaire d’Our, en basse Me’sopotamie, il s’e’tablit avec son clan en Palestine. Ance^tre des peuples juif et arabe par ses fils Isaac et Ismaël, il est aussi revendique’ par les chre’tiens, qui se conside`rent comme ses he’ritiers spirituels.

Abraham (thế kỷ thứ XIX trước Chúa Giê Su giáng sinh) là một tổ tiên theo như kinh Đạo Ki Tô nói. Abraham người gốc Our, thuộc miền hạ Me’sopotamie ở Á Châu, định cư cùng với con cháu và bộ hạ tại Palestine. Abraham là tổ tiên của các Dân tộc Do Thái và Ả Rập, sinh ra hai con trai Isaac là tổ tiên của Dân Do Thái và Ismaël là tổ tiên của Dân Ả Rập. Abraham cũng được người Đạo Ki Tô xem như là tổ tiên tinh thần của họ.

Moïse: libe’rateur et le’gislateur d’Iraël (XIIIe`S. avant J.-C.). La Bible le presente comme le chef charismatique qui a donne’ aux He’breux leur patrie, leur religion et leur loi. Ne’ en E’gypte, il fut l’a^me de la re’sistance a` l’oppression que subissait son peuple. Mais il ne fut pas seulement le guide qui fit sortir les He’breux de l’E’gypte (Exode vers 1250 avant J.-C.), il fut aussi le chef qui unit les divers groupes en un me^me peuple autour du culte de Yahve’(Je’hovah) et qui posa les e’le’ments de base de la Loi (Torah, cing premiers livres de la Bible, ou Pentateuque) dont vit encore le peuple juif.

David: deuxie`me roi he’breu (1015?-975? avant J.-C). Il succe’da a` Saül, vinquit les Philistins et prit Je’rusalem dont il fit sa capitale. Il fut conside’re’ comme un grand poe`te, et on lui attribua la composition de chants religieux et psaumes. De sa vie on rappelle souvent son combat avec le ge’ant philistin Goliath.

David: vua thứ nhì (1015?-975? trước Chúa Giê Su giáng sinh) của Dân Do Thái, làm vua tiếp theo Vua Saül, đánh thắng quân Philistins và chiếm Je’rusalem lập làm thủ đô. David được xem như một thi sĩ vĩ đại, đã soạn những bài hát đạo. David thường được nhắc đến là đã giết chết tướng khổng lồ Goliath của người Philistins.

La Bible (l’Ancient Testament et le Nouveau Testament): l’Ancient Testament, la Loi (Torah) en He’breu, traduit en Grec au IIIe`S. (version des Septante utilise’e au de’but du christianisme). Au IVe`S., saint Je’ro^me donne une traduction latine des deux Testaments, la Vulgate, qui deviendra la version officielle de l’E’glise d’Occident.

Tất Đạt Đa: Gautama: fils du chef de la tribu des Sakya, qui cre’a le bouddisme et fut appele’ Bouddha ou Sakyamuni, le sage des Sakya. Conside’rant que vivre, c’est souffrir et que la souffrance re’sulte du desir, Gautama posa en principe que le renoncement a` soi-me^me e’tait le seul moyen de s’affranchir de ce dernier.

Đầu Thai: re’incarnation.
Thích Ca Mâu Ni: Sakyamuni, Bouddha.
Phật: Bouddha.
Tượng Phật: bouddha.
Ham muốn (Tham): samsara: de’sir.
Niết Bàn: Nirvana: extinction de la douleur.

Đạo Phật: Bouddhisme: Une des plus grandes religions du monde (Inde, Chine, Japon, etc.) fonde’e par le Bouddha (Sakyamuni). La doctrine bouddiste se forme a` partir du VIe` S. avant J.-C. et se fixe au de’but de l’e`re chre’tienne. Elle affirme notamment la permanence de la douleur humaine cause’e par le samsara et cherche a` la faire cesser par le nirvana. Il existe deux grands courants bouddistes: celui du Petit Vehicule (hinayana) et celui du Grand Vehicule (mahayana).

Khổng Tử (551-479 trước Chúa Giê Su giáng sinh): Confucius (551-479 avant J.-C.).

Trên đường về nhà Anh Chị Tám, tôi bảo Khoa:
_Mày hay quá, đã sắp đặt bữa ăn sáng Thứ Sáu tại tiệm may một cách hoàn toàn, tao thật không ngờ.
Khoa nói:
_Kể cũng vui. Nhưng bây giờ bình tĩnh nghĩ lại đối với hai cô gái này, tao và mày đã dại. Tao dại đã khai ra khi nào không nên nói thật và khi nào nên nói dối, còn mày thì nổi hứng nói về tôn giáo cũng là điều không nên. Mai đây Lan và Hường còn hỏi nhiều câu về đề tài này, vậy liệu hồn mà trả lời.
Rồi hắn bỗng cười nói tiếp:
_Nhưng dại với hai nàng này cũng đáng!
Tôi cười theo, lắc đầu:
_Tao hết biết rồi, tới đâu hay tới đó!
Về tới nhà, chúng tôi được Bà Tư cho biết Anh Chị Tám với Bé Tân đi chơi không ăn cơm chiều, đến tối mới về.
Khoa móc ra tờ một trăm đồng đưa Bà Tư:
_Thứ Sáu này hai đứa tôi về Sài Gòn, biếu bà chút tiền ăn trầu. Bà tốt với chúng tôi và nấu ăn rất ngon, cám ơn bà nhiều.
Tôi cũng đưa Bà Tư tờ một trăm đồng và nói theo: “Cám ơn Bà Tư nhiều”
Bà Tư cầm hai trăm đồng, có vẻ cảm động:
_Cám ơn hai cậu còn đi học mà cho tôi nhiều tôi thiệt lấy làm ngại.
Khoa nói:
_Không nhiều đâu. Bọn tôi buổi tối đi kèm trẻ con nhà giàu học nên có tiền, bà đừng ngại.
Tôi cầm đĩa sườn xào chua ngọt trên bàn lên đưa Bà Tư:
_Hai đứa tôi ăn món canh chua cá lóc và thịt bò xào cải đủ rồi.
Cầm đũa lên, Khoa nhìn theo Bà Tư đi khỏi phòng ăn.
Bắt gặp đôi mắt chạnh lòng của hắn, tôi bỗng thấy hơi quyến luyến người đàn bà nghèo hiền gần năm mươi tuổi.
Khi sự quyến luyến dâng cao trong lòng, tôi bỗng cảm thấy mình vô lý. Thôi đúng rồi, sắp trở về Sài Gòn, tôi quyến luyến Bà Tư và còn quyến luyến nặng một người khác, đó là Lan mặc dầu nàng không có mặt ở đây. Tôi bâng khuâng, ăn chậm lại rồi dựa người vào ghế.
Khoa hỏi:
_Mày nghẹn hả Khánh?
_Ờ, tại tao đói nuốt vội một miếng to. Tôi nói dối.
Hắn tin tôi, đưa ý kiến:
_Uống chút canh là hết.
_Không cần, tao đỡ rồi. Tôi lại nói dối trả lời.
Ôi, một lời nói dối dẫn tới lời nói dối khác cũng như một tội ác gây ra tội ác khác, đời đời kiếp kiếp và nơi nơi.
Tôi nghĩ tới Lan lúc nàng đứng dậy nói: “Dì Ba, hay để con đưa hai ảnh ra đó”, lúc ánh chiều tàn rơi trên tóc nàng khi tôi biết Lan là một cô gái mười tuổi mồ côi cha, học khá, rồi hai năm sau phải bỏ học đi xa làm nghề may kiếm tiền phụ giúp mẹ nơi quê nhà.
Cuộc đời tôi chỉ trong một tuần lễ thay màu hẳn rồi, tôi đã thành một kẻ yếu đuối rõ ràng. Nghĩ tới đây tôi hít một hơi thật dài rồi từ từ thở ra, tôi phải thành Bác Sĩ Y Khoa trong bảy năm để chữa bệnh kiếm tiền sống như đã ước nguyện từ lâu.
Khoa lại hỏi:
_Hết nghẹn rồi à?
_Hết rồi. Tôi đáp.
Mặt trời lặn, phòng dần dần tối. Để xua đuổi bóng tối có thể làm tôi suy sụp, tôi bảo Khoa:
_Bật đèn lên đi.
Khoa vừa bật đèn vừa nói:
_Ơ cái thằng này hôm nay thành lười, bật đèn cũng không chịu làm, ngồi sai người khác.
Tôi bỗng thấy buồn cười trả lời:
_Tại tao bị nghẹn còn đau cổ mà.
Tôi vẫn còn nghĩ tới Lan, nhưng vui lên nói tiếp:
_Hai ngày nữa phải về để thi Ô Ran rồi. Đi chơi kể cũng vui. Tao thấy cô Hường thích mày.
Khoa hơi lắc đầu, toe miệng cười.

Khoa và tôi đến Tiệm May Như Ý đúng sáu giờ hai mươi sáng Thứ Sáu.
Hắn tươi cười ôm bịch giấy đựng năm ổ lớn bánh mì thịt thứ ngon.
Tôi nói:
_Mười phút nữa không biết ai ra mở cửa tiệm đây.
_Chắc là Hường. Khoa đoán
Mười phút sau gặp chúng tôi, Hường cười chào. Khoa vừa trao nàng bao bánh mì vừa nói:
_Nhờ cô lo dùm vụ này.
Hường nhìn gói quà rồi dặn:
_Cám ơn hai anh. Hai anh ngồi đây chờ một chút để em vô nói với Dì Ba.
Tôi lơ đãng nhìn khắp cửa hàng. Khi thấy rất nhiều vải vụn đủ màu trên sàn đá hoa còn sạch bóng, tôi khẽ bảo Khoa:
_Hôm qua tiệm đông khách, mọi người ở đây vui, vậy là mình có thời.
Hắn gật đầu cười.
Một lát sau Lan đi ra:
_Anh Khánh, Anh Khoa, chờ lâu không ? Dì Ba mời hai anh vô nhà trong.
Khoa và tôi vừa vào tới nơi, Dì Ba cười lên tiếng:
_Lại cho quà nữa. Cám ơn hai con nghe.
_Dạ không có chi, Khoa cũng cười đáp, chỉ là hôm nay hai đứa con đến thăm Dì Ba và hai cô. Trưa nay hai giờ bọn con lên tầu về Sài Gòn.
Dì Ba chỉ chỗ cho hai đứa tôi rồi mọi người ngồi xuống để ăn sáng.
Dì ngồi đầu bàn nhìn được khắp nhà trong. Hường ngồi bên phải Dì, Lan bên trái. Khoa ngồi cạnh Hường, tôi cạnh Lan.
Trên chiếc bàn sáu người ăn trải khăn ni lông dầy ca rô màu cà phê sữa đậm nền màu cà phê sữa nhạt, có năm cái đĩa lớn trắng đựng ổ bánh mì thịt cắt xéo làm hai xếp song song tréo trả. Bên phải mỗi đĩa là một ly cối nước đá chanh đường và bên trái là một chiếc khăn lông lau tay trắng nhỏ sạch xếp làm tư.
_Nào mời mọi người. Dì Ba nói.
Mọi người ăn uống vui vẻ. Dì Ba cười lên tiếng:
_Nghe nói lần trước các con có buổi nói chuyện vui và hay. Dì có câu hỏi. Khánh nói Gautama tức là Tất Đạt Đa, người sáng lập ra Đạo Phật, bảo rằng muốn thoát khỏi sự ham muốn, chỉ có cách renoncer a` soi-me^me Tiếng Việt là từ bỏ chính mình. Như vậy nghĩa là sao?
Tôi đáp:
_ Từ bỏ chính mình, tức là đừng nghĩ tới minh, quên mình đi.
Thí dụ:
Con gặp một cô gái đẹp trong một căn phòng. Nếu chỉ biết rằng trong phòng có cô gái đẹp mà thôi, không có con, nghĩa là con đã quên mình đi, thì con không ham muốn cô gái.
Nếu gặp một cô gái đẹp với nhiều người khác, con chỉ biết rằng có cô gái đẹp và người xung quanh mà thôi, không có con, nghĩa là con đã quên mình đi, thì con không ham muốn cô gái.
Dì Ba nói tiếp:
_Lan và Hường đã thuật hết cho Dì buổi nói chuyện của các con hôm Thứ Tư vừa qua. Khoa và Khánh bây giờ có thể đã thành bạn của gia đình này. Vậy Dì hỏi thêm. Thí dụ một cô gái nói với người yêu hỏi cưới mình rằng đã mất trinh. Nếu Khoa và Khánh là người đàn ông nghe câu nói của cô gái, hai con sẽ tính sao?
Khoa đáp:
_Con sẽ buồn tiếc nhưng vẫn cưới cô gái đó như thường.
Dì Ba quay sang nhìn tôi chờ đợi.
Tôi nói:
_Con cũng sẽ buồn tiếc nhưng vẫn cười cô gái đó như thường.
_Tại sao? Dì Ba hỏi.
Tôi trả lời:
_Lời nói của cô gái chứng tỏ cô thành thật, thẳng thắn và khi làm vợ, cô sẽ trung thành với chồng, không còn quan hệ với người tình cũ. Do đó, con không ghen nên vẫn cưới cô như thường. Con buồn tiếc vì dù sao cô dâu còn trinh vẫn quý giá hơn cô đâu mất trinh.
Dì Ba cười:
_Hay lắm, Khoa và Khánh là người hiểu chuyện và rộng lượng.
Khoa cười theo nói:
_Cám ơn Dì Ba đã có lời khen nhưng nghĩ cho cùng hai đứa con vẫn thua các cô gái vì các cô lấy chồng mất tân mà không buồn tiếc.
Dì Ba, Lan và Hường nhìn nhau cười làm tôi cũng cười luôn.
Thuận dịp Dì hỏi tiếp:
_Nếu phát giác được trong đêm tân hôn cô dâu đã mất trinh trước, hai con sẽ quyết định thế nào?
Tôi đáp:
_Con sẽ nói với cô dâu của con là cô đã mất trinh trước và nếu cô trung thành với con, không còn quan hệ với người tình cũ thì con sẽ bỏ qua hết. Con không ghen vì cô ấy đã bỏ người tình cũ mà lấy con, nhưng con buồn tiếc vì cô dâu còn trinh luôn quý giá hơn cô dâu mất trinh.
_Con không trách cổ đã dấu diếm con về sự mất trinh của cổ à? Dì Ba thắc mắc.
_Không, tôi trả lời, bởi vì nhiều phần có thể là cô ấy sợ mất con nên đã dấu diếm.
Thấy Dì Ba quay sang nhìn mình, Khoa nói:
_Con hoàn toàn đồng ý với Khánh.
Lan và Hường nhìn hai đứa tôi với đôi mắt tò mò được thỏa mãn.
Dì Ba cười nói:
_Lấy món tráng miệng.
Lan đứng lên đi vào bếp, một lát sau đem ra cho mỗi người một đĩa đựng đu đủ xẻ sẵn và một cái muỗng.
Ăn uống xong, bọn tôi phụ dẹp bàn. Hai cô gái rửa chén, pha cà phê rồi mỗi người bưng phần cà phê của mình ra phòng may. Lan, Hường và Dì Ba vừa may vừa nói chuyện vì công việc nhiều.
Trong khi dọn dẹp, Khoa theo Hường không rời.
Hai đứa tôi ngồi nhấm nháp cà phê, im lặng nghe tiếng chạy đều đều của ba chiếc máy may vì không muốn làm rộn công việc của Dì Ba và hai cô gái. Tôi bâng khuâng mỗi lần gặp ánh mắt của Lan lúc nàng xoay đường chỉ. Khi Dì Ba ngừng may để uống tiếp cà phê, Lan nói:
_Dì Ba, lần trước không có Dì, mọi người tình cờ nói chuyện về hôn nhân và đạo. Bữa nay mình vẫn chưa ra ngoài hai mục đó.
Dì Ba hỏi:
_Hôn nhân và đạo thứ nào quan trọng hơn?
Mọi người đều trả lời là hôn nhân quan trọng hơn.
Hai cô gái bảo đạo là trừu tượng không thấy được, hôn nhân là thực tế trong đời sống nên quan trọng hơn.
_Con người ta bị sanh ra. Dì Ba nói rồi im lặng nhìn mọi người.
Tôi lên tiếng:
_Điều Dì Ba nói đúng quá, thật là dễ hiểu mà bây giờ con mới biết. Như vậy có nghĩa là cha mẹ có trách nhiệm phải lo cho con cái về ăn mặc, sức khỏe, an toàn và học hành cho tới khi con cái khôn lớn. Ngoài ra, cha mẹ thường thương yêu con cái vô cùng.
Hường bỗng tiếp lời:
_Và mẹ cũng phá thai, cha mẹ lạm dụng ngồi không sai bảo con cái. Lại có người bỏ vợ con theo gái, bỏ chồng con theo trai, bỏ đứa con mồ côi mà tục huyền hoặc tái giá. Còn có người tục huyền hoặc tái giá hành hạ đứa con ghẻ có khi tệ hại đến nỗi cha ghẻ xâm phạm tiết hạnh con gái riêng còn vị thành niên của vợ. Sau cùng, có những cha mẹ dùng thủ đoạn hoặc ngay cả lường gạt để lấy tiền của của đứa con này cho đứa con khác.
Khoa nói:
_Nhưng có biết bao trường hợp người chồng bỏ đi mà người vợ vẫn một mình nuôi con rồi đứa con khi vừa đủ lớn đã lo lắng giúp đỡ lại mẹ. Có lẽ nên nghĩ đến những gì tốt thì hay hơn một khi chuyện không tốt đã thành quá khứ.
Dì Ba lắc đầu cười:
_Bây giờ mình uống trà.
_Để con pha cho. Lan nói rồi đứng dậy đi vào nhà trong.
Một lát sau, nàng bưng trà ra cười nói:
_Trà này ngon, Má của Hường cho đó Dì Ba.
_Biết rồi. Dì Ba nói xong uống trà.
Khoa khen:
_Trà ngon quá.
Hường cười:
_Anh Khoa, anh nói thật không đó.
_Tôi có nói dối cô bao giờ đâu. Khoa trả lời.
Hường nhìn Khoa hơi lắc đầu cười tiếp.
Tôi uống thấy trà ngon thật.
Nắng sáng vàng ấm chiếu chéo vào nhà từ bên trái sang. Tôi thầm nói: “Lại nhà hướng Đông Nam”, rồi lơ đãng nhìn quanh và xao xuyến khi gặp lại đôi mắt Lan.
Dì Ba quay sang nhìn tôi:
_Sao Khánh, trà uống được không?
Tôi đáp:
_Con uống thấy ngon thật. Trà thơm ngon mùi vị nếp và dư vị ngọt không hơi đắng như trà Tầu, có lẽ vì thế mà phổ thông hơn trà Tầu. Người Bến Tre uống trà như vậy chắc phải có nhiều món ăn ngon.
_Vậy ngoài Bắc uống trà gì. Dì Ba cười hỏi.
Tôi nói:
_Trà rẻ nhất ngoài đó là trà tươi, là lá trà non tươi đem nấu lên, chứ không pha, rồi uống. Trà này phổ thông ở miền quê và trong giới lao động. Đắt tiền hơn một chút là trà nụ vối toàn là nụ. Trà nụ vối cũng phổ thông ở miền quê và trong giới lao động. Người giàu ở thành phố có khi uống trà nụ vối vì đã nghiện lúc ở nhà quê. Đắt tiền hơn nữa là trà mạn gồm lá trà non và phổ thông trong giới trung lưu. Đắt tiền nhất là trà Tầu và trà mạn ướp sen trong đó có trà mạn ướp sen giả vì chỉ thơm mùi sen khi ngửi lúc chưa pha nhưng pha ra uống không có mùi vị sen mà chỉ như trà mạn.
Lan hỏi:
_ Người Miền Bắc gọi trà là chè phải không anh?
Tôi cười:
_Ngoài đó người miền quê và giới lao động gọi trà là chè. Người thành phố, người giàu và người ăn học gọi trà là trà; đôi khi một số những người này gọi trà là chè vì họ mới lên thành phố hoặc mới giàu. Trong văn thơ, người ngoài đó bắt buộc phải viết trà là trà.
Thí dụ tả một cô gái mời trà, người ngoài đó phải viết:
Em đã mời trà, đôi mắt nhung.
Không thể viết
Em đã mời chè, đôi mắt nhung.
Vì có thể hiểu là cô gái mắt nhung mời ăn chén chè.
Mọi người rũ ra cười kẻ cả Khoa và tôi.
Cười xong, khẽ lắc đầu, Dì Ba hỏi:
_L’enfer, c’est les autres, ai nói câu này, nói như vậy có đúng không?
Tôi đáp:
_ Jean-Paul Sartre nói: L’enfer, c’est les autres hay “Địa ngục là những kẻ khác”. Câu này khó hiểu vì có vẻ như quá đáng nhưng Khoa và con khi bàn nhau đã tìm hiểu được vì chợt nhớ ra những ngày cuối cùng ở Hà Nội năm 1954.
Khi đó Quân Đội và Cảnh Sát Pháp cũng như Quân Đội của Cựu Hoàng Bảo Đại đã rút đi, Cộng Sản Việt Nam chưa đến, ban đêm cướp tìm cách vào nhà dân có thể nói tại hầu hết các khu phố. Mỗi nhà đều trữ sẵn bình đựng cát và xăng để sẵn sàng mở ra châm lửa rồi từ trong nhà, trên cửa sổ lầu hoặc ban công, ném vào cướp đang cạy cửa. Ngoài ra, thanh niên sẵn sàng dao dài và gậy gộc để xông ra đánh cướp. Một nhà xông ra, các nhà hàng xóm xông đến đánh giúp. Một phần khá lớn bọn cướp là lính Việt Nam đào ngũ không di cư, đúng với câu tục ngữ “Bạc như dân, bất nhân như lính”. Đây là một thí dụ về L’enfer, c’est les autres.
Khoa phụ thêm:
_Những thí dụ cô Hường vừa kể cũng là bằng chứng của L’enfer, c’est les autres và có thể nói đó là L’enfer est dans la famille – Địa ngục ở trong gia đình.
Dì Ba nói:
_Tình cờ mình vừa ra ngoài mục hôn nhân và đạo mà nói về người ta. Ba đề tài này nói không bao giờ hết đâu.
Lan hỏi:
_Theo nhận xét “Con người ta bị sanh ra” của Dì Ba và câu của Jean-Paul Sartre Dì đưa ra cùng với những gì Hường và Anh Khánh dẫn chứng, con người ta đa số xấu kể cả những người ruột thịt trong gia đình. Như vậy làm sao biết được người tốt.
Dì Ba đáp:
_Dù là ai đi nữa, người ta tốt hay xấu là do những gì họ làm và không làm. Ngoài ra không có gì khác có thể chứng minh họ tốt hay xấu. Người giúp mình công lao, tiền của mà chẳng mong được gì là người tốt với mình. Người thấy mình buồn thì buồn theo, thấy mình vui thì vui theo và muốn cho mình được thành công, hạnh phúc, nhưng chẳng mong được gì là người tốt, có lòng với mình.
_Làm sao biết được người xấu? Hường lên tiếng.
Dì Ba trả lời:
_Bất cứ ai dùng quyền thế, sức mạnh, tính toán, mánh khóe, hoặc lường gạt để có được công lao, tiền của, hoặc xác thịt của mình là người xấu với mình.
Lan than:
_Đối xử với người ta thật khó quá.
Dì Ba nói:
_Đúng vậy. Đối xử với mọi người là một trong những điều khó nhất. Nói chung nên đối xử tùy theo trường hợp. Nhưng có điều rõ ràng là yêu thích ai, chưa chắc người đó sẽ yêu thích mình; ngược lại ghét ai, người đó sẽ ghét mình hơn, và xấu với ai, người đó sẽ xấu với mình hơn.
Khoa khen:
_Hay quá!
Tôi nhịn không nổi buột miệng nói theo:
_ Quá hay! Dì Ba có thể dạy Dissertation Morale (Essay, Luận Đề Luân Lý).
Hường nói:
_Đối xử với người ta tùy theo trường hợp nghe thấy khó quá.
Dì Ba giải thích:
_Nghĩa là đối xử với mọi người sao cho thích hợp để có kết quả tốt nhất hoặc đỡ xấu nhất.
Khoa bàn:
_Như vậy ý của Dì Ba giống như Thuyết Trung Dung của Khổng Tử Người Pháp và Người Anh gọi là The’orie du Vrai Milieu và Theory of The Right Middle.
Dì Ba bảo hắn:
_Con hãy tóm tắt Thuyết Trung Dung cho mọi người biết.
Khoa nói:
_Khổng Tử sinh năm 551 trước Chúa Giê Su, là một học giả Trung Quốc đã biên khảo được bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh của Trung Quốc và phát minh ra Thuyết Trung Dung cũng như khám phá ra Minh Triết của con người.
Thuyết Trung Dung chính yếu để xử thế hay xử sự, nói một cách dễ hiểu là để giải quyết vấn đề. Lấy Đại Số Học (Alge`bre) mà cắt nghĩa Thuyết Trung Dung có lẽ rõ ràng và dễ hiểu nhất.
Một vấn đề có vô số cách giải quyết, từ trừ vô cực, moins infini (-∞), ze’ro, đến cộng vô cực, plus infini (+∞). Phải tìm ra cách giải quyết thích hợp nhất cho vấn đề để kết quả tốt nhất hay đỡ xấu nhất.
Không giải quyết gì cả là giải pháp ze’ro, tức là chờ đợi để cho vấn để tự nó giải quyết hoặc vấn đề sẽ thay đổi rồi từ đó tìm ra giải pháp thích hợp nhất.
Giải quyết vấn đề bằng cách mạnh mẽ nhất (giải pháp tối cường) là giải pháp plus infini , thí dụ Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản năm 1945.
Giải quyết vấn đề bằng cách mềm dẻo nhất (giải pháp tối nhu) là giải pháp moins infini , thí dụ Đức, Ý và Nhật đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh cầm đầu là Mỹ.
Giải pháp từ +1, +2, +3, … đến plus infini là những giải pháp mạnh mẽ (cường).
Giải pháp từ -1, -2, -3, … đến moins infini là những giải pháp mềm dẻo (nhu).
Sau khi đọc sách, Khánh và con đã hiểu được Thuyết Trung Dung như vậy.
Ngoài ra có những câu:
“Cường nhu đúng lúc” tức là “Mạnh mẽ và mềm dẻo đúng lúc”.
“Quân tử nhu nhi bất nhược, cường nhi bất cương” tức là “Quân tử gentilhomme mềm dẻo như thế mà không yếu vì yếu sẽ bị thua, mạnh mẽ như thế mà không cứng vì cứng sẽ bị gãy”.
Dì Ba nói: “Hay!” rồi quay sang hỏi tôi:
_Còn Minh Triết của con người là thế nào?
Tôi đáp:
_Theo Khổng Tử, con người thường xuyên bị quấy rối bởi những gì bên ngoài gọi là ngoại cảnh đập vào năm giác quan nhìn, nghe, ngửi, sờ, nếm và vào cảm xúc trong đó có tình cảm. Ngoài ra con người còn bị quấy rối bởi những gì chất chứa trong lòng cũng như bởi sự mỏi mệt hoặc đau ốm của thân xác. Những quấy rối này làm mờ ám sự hiểu biết. Khi không còn bị những quấy rối đã kể, thì sự hiểu biết của con người trở thành cao nhất, có thể biết thẳng sự việc từ đời nào, sự việc mới đây, sự việc hiện tại và sự việc tuong lai ngay lập tức mà không cần lý luận. Sự hiểu biết cao nhất này sáng tỏ và gẫy gọn nên được gọi là Minh Triết minh là sáng tỏ, triết là gẫy gọn.
Dì Ba bảo:
_Vậy Minh Triết giống như intuition của Tây phương và Zen của đạo Phật.
Tôi nói:
_Dạ đúng vậy. Nhưng Tây phương chỉ định nghĩa intuition Việt Nam dịch là trực giác, còn Minh Triết vừa được định nghĩa vừa được giải thích tại sao mà có trong khi Zen thì nói đến phương pháp tĩnh dưỡng thân xác và tâm thần để có sức khỏe tốt và để đạt được trực giác. Zen là Chữ Nhật Bản. Zen xuất xứ từ Trung Quốc và được lan truyền tại Nhật vào cuối thế kỷ thứ XII. Khổng Tử sinh 551 năm trước Chúa Giê Su, sinh sau Thích Ca Mâu Ni khoảng mười lăm năm, vậy Minh Triết có trước rồi đến Zen và intuition. Ngoài ra Khổng Giáo, còn gọi là Nho Giáo, và Phật Giáo có cùng một thời.
Lan hỏi:
_Anh Khánh, anh đã bao giờ có được Minh Triết chưa?
_Có – tôi trả lời – đó là lúc nửa đêm tôi thức giấc sau khi ngủ ngon nhất. Giấc ngủ say, liên tục và không mộng mị này đã giúp cho thân xác và tâm thần tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Ngay khi tôi vừa thức giấc đó, chưa kịp bị ảnh hưởng của ngoại cảnh và những gì chất chứa trong lòng tôi chưa kịp nổi dậy, tôi bỗng biết ra liền, không cần suy nghĩ, cách giải quyết tốt nhất cho một vấn đề trong quá khứ hay hiện tại, hoặc biết được liền, không cần suy nghĩ, bí mật của một chuyện đã qua hay hiện tại. Nhưng tôi chưa bao giờ có được Minh Triết về tương lai.
Dì Ba bàn:
_Như vậy có lẽ nhiều người đã có được cái Minh Triết như của Khánh mà không để ý.
Quay sang Khoa Dì hỏi:
_Khoa, con có không?
_Dạ có. Khoa nghiêm túc đáp.
Hai cô gái nhao nhao lên tiếng: “Con cũng có”, “Con cũng có” làm mọi người bật cười.
Lan đi vào nhà trong, đem ra bình thủy hai lít đựng nước trà còn nóng nguyên, rồi châm thêm cho mọi người.
Dì Ba bảo Hường vào lấy hộp bánh Champagne của Pháp ra cho mọi người ăn.
Cầm bánh lên ăn, Dì nói:
_Tiếc rằng không còn chai Champagne nào.
Tôi ngẫm nghĩ trong vòng một tuần lễ, tôi đã gặp hai gia đình trí thức ở Mỹ Tho, một thượng lưu, một trung lưu. Đó là gia đình Anh Tám và “gia đình” Dì Ba.
Nghe Lan nhắc: “Ăn bánh thêm đi anh Khánh!”, tôi trở về hiện thực và bỗng thấy mọi người vui quá, nhất là Dì Ba.
Dì cười:
_Coi như mọi người đã bàn tạm đủ về đạo và người ta. Về hôn nhân thêm một chút nữa là cũng tạm đủ. Câu tục ngữ “Cái răng, cái tóc là góc con người” ý nói gì?
Hường đáp:
_Răng là một góc và tóc là một góc khác của con người, ý nói răng và tóc là quan trọng. Vậy phải giữ cho răng và tóc lúc nào cũng sạch đẹp.
Khoa tươi cười nhìn Hường.

Ngày đi Mỹ Tho, lòng tôi nhẹ nhàng trong sáng.
Trên con tầu Mỹ Tho – Sài Gòn trở về, tim tôi bâng khuâng nặng đầy kỷ niệm.
Gia đình Anh Chị Tám là một bức tranh đẹp.
Hường, Dì Ba và Bà Tư, mỗi người là một hình ảnh cảm động.
Còn Lan, nàng như một bài thơ hay.
Một bài thơ hay ngoài lời thơ, vần thơ và âm điệu hay, còn có những tình tiết chân thật cảm động. Phải chăng dung nhan Lan là lời thơ, vần thơ và âm điệu đó. Cuộc đời Lan cũng như sự gặp gỡ giữa nàng và tôi có khác gì những tình tiết chân thật cảm động của bài thơ.
Lần này tôi thấy, chứ không còn cảm thấy, tôi thành một kẻ yếu đuối trong khi có biết bao việc phải làm trước mặt. Tôi ngồi đờ người, nghe những tiếng xình xịch và tiếng hú của con tầu càng lúc càng xa dần Mỹ Tho. Tôi bỗng muốn trở lại Tiệm May Như Ý sớm chừng nào hay chừng nấy. Trở lại để gặp Lan và nghe Dì Ba cùng hai cô gái nói chuyện.
Khoa lên tiếng:
_Tao tính sau khi đỗ Ô Ran, nộp đơn xin học Đại Học và kiếm được việc làm tốt hơn, mình sẽ trở lại Mỹ Tho.
Tôi nói:
_Được lắm, nhưng trở lại Mỹ Tho mà không ghé nhà Anh Chị Tám là không phải, mà ghé cũng kẹt.
_Tại sao kẹt? Khoa hỏi.
_Mày nghĩ xem, ăn ở sướng và vui chơi hay nhà người ta cả tuần lễ, rồi trở lại tay không là thế nào? Trở lại biếu cặp rượu hoặc một món quà khác làm sao so được với sự tốn kém rộng rãi và tiếp đãi tử tế của chủ nhà. Làm như vậy chẳng khác nào cám ơn kiểu ăn con tôm hùm, trả con tép. Tôi lắc đầu trả lời.
Khoa cười:
_Hồn vía mày để đâu mà nghĩ không ra. Mình sẽ ghé nhà Anh Chị Tám. Tao cho Bé Tân một khẩu súng trường bắn đạn nút chai, mày cho bé một chiếc ô tô chạy bằng pin. Sau đó từ giã nói là phải đi công chuyện. Cũng như lần trước, cho quà Bé Tân ý nói mình chưa có gì biếu Anh Chị Tám để cám ơn những ngày mình ở nhà anh chị ấy.
Tôi thắc mắc:
_Như vậy hay lắm. Nhưng mình phải có xe Vespa hoặc Lambretta (48) và chỉ có thể đến Tiệm May Như Ý ngày Chủ Nhật vì những ngày khác còn phải dạy hoc kiếm tiền ở Sài Gòn. Nếu khi mình đang ngồi chơi ở tiệm may, bỗng Anh Tám chở Chị Tám trên chiếc Vespa xịch tới để may đồ, anh chị ấy sẽ tự hỏi mày với tao làm cái gì ở tiệm may đây?
Khoa hạ thấp giọng:
_Thôi được, tao sẽ suy nghĩ tiếp và lo chuyện này.
Tôi nghĩ hắn bí rồi cũng như khi lạc đường ở Mỹ Tho, hắn bình tĩnh bảo sẽ tìm được lối ra đường chính.
Bỗng có tiếng người hỏi:
_Nè cậu! Còn nhớ tôi không?
Tôi ngước mặt lên nhìn sang bên trái, thì ra là bà buôn hàng chuyến quen trên tàu đi Mỹ Tho tuần trước.
Tôi cười nói:
_Chào bà. Nhớ chứ, tuần trước bà đã giúp tôi, bà nhắc cho tôi biết còn mười lăm phút nữa tàu tới Mỹ Tho.
_Hai cậu đi Mỹ Tho vui không?
_Dạ vui.
Ngập ngừng, bà buôn hàng chuyến nói tiếp:
_Cậu cảm phiền cho tôi hỏi, hai cậu là sinh viên phải không?
Tôi đáp:
_ Bọn tôi tuần tới còn phải thi đậu Ô Ran nữa mới thành sinh viên.
Bà bạn đồng hành cười:
_Hai cậu sẽ đậu mà, có khi còn đậu cao nữa lận. Mấy đứa con tôi nói thi Ô Ran Tú Tài Đôi không ai rớt.
_Cám ơn bà nhiều. Vậy ông bà được mấy cô cậu?
_Ông nhà tôi thứ chín. Chúng tôi có một trai một gái. Thằng con trai tôi mười bốn tuổi, năm tới thi. Em gái nó nhỏ hơn một tuổi, học dưới một lớp. Cậu cho tôi qua bển ngồi cho dễ nói chuyện được không?
_Được chứ, bà qua đi, băng (49) bên này còn trống nhiều.
Ngồi cạnh tôi, bà buôn hàng chuyến, tức là Bà Chín vì có chồng là người con thứ chín, mở ví lấy ra một tấm ảnh đưa tôi xem.
Nhìn tấm ảnh gia đình bốn người của bà, tôi nói:
_Ảnh chụp đẹp, mọi người đẹp, cười cũng đẹp và vui. Tấm ảnh thật hay.
Bà Chín cười:
_Cám ơn cậu khen. Tại tiệm chup nên thấy vậy.
_Hai cô cậu con bà tên gì. Tôi hỏi.
_Thằng anh tên Nhơn, con em tên Hiền. Bà Chín đáp.
_Tôi tên là Khánh, người bạn tôi là Khoa. Tôi tự giới thiệu.
Bà Chín quay sang Khoa cười nói:
_Chào Cậu Khoa.
_Dạ chào bà. Khoa đáp.
Tôi hỏi:
_Bà Chín, vậy ông Chín đi làm ở đâu?
_Ổng có tiệm sửa và bán đồ phụ tùng xe gắn máy.
Tôi nói:
_Như vậy thì khá lắm rồi, bà còn đi hàng chuyến làm gì cho mệt.
_Mới khá đây thôi cậu à. Trước kia ông nhà tôi làm thợ sửa xe gắn máy, may được cha mẹ ổng cho căn phố và thêm tiền của tôi dành dụm nên mới mở được tiệm.
_Tiệm ở đâu? Tôi hỏi.
_Ở Đường Đề Thám, Sài Gòn.
_Vậy không xa nhà tôi ở Đường Bùi Viện.
Bà Chín bỗng nhìn tôi, hai mắt mở to:
_Nhà cậu và nhà tôi ở cùng một khu rồi, đi bộ tới nhau cũng gần.
Bà ngập ngừng nói tiếp:
_Cậu Khánh, nếu cậu có thể giúp cho hai đứa con tôi, gia đình tôi không bao giờ quên ơn.
_Tôi bận, nhưng bà muốn tôi giúp gì? Tôi hỏi, nhìn vào đôi mắt chờ đợi của người đàn bà buôn hàng chuyến còn khá đẹp.
_Thằng Nhơn và con Hiền nhà tôi ham học nhưng mới chỉ đậu Tiểu Học. Còn phải thi ba bằng cấp nữa rất khó, chẳng biết chúng có đậu nổi không. Nếu được cậu giúp, chỉ cho bài vở và đường đi nước bước, hai đứa mới có hy vọng thành công.
Tôi suy nghĩ rồi chậm rãi trả lời:
_Thành công hay không là do hai con của bà. Phải muốn và ráng hết lòng hết sức mới được. Hai em Nhơn và Hiền ham học là đã muốn, bây giờ cần cố gắng như tôi vừa nói. Tôi bận, chỉ có một số lúc rảnh, khi đó hai em qua, tôi sẽ giúp.
Bà Chín nắm nhẹ cổ tay tôi:
_Cậu cho tôi xin địa chỉ của cậu đi.
Tôi gấp một tờ giấy trắng của quyển sổ tay, dọc theo đường gạch đỏ chia lề (50), xé lìa tờ giấy theo nếp gấp, rồi viết lên địa chỉ của tôi và trao cho Bà Chín.
Bà có vẻ cảm động:
_Bữa nay tôi thiệt hên gặp cậu tử tế quá, gia đình tôi không bao giờ quên ơn.
Tôi nói, nhìn người đàn bà chịu khó và tốt với chồng con:
_Không có gi, tôi sẽ giúp con bà cũng như bà đã giúp tôi.
Con tầu cứ thế lướt đi càng lúc càng gần Sài Gòn và càng xa Mỹ Tho.
Tôi lại nhớ đến Lan. Không biết nàng đang làm gì giờ này, có lẽ vừa ngồi giải khát với Hường và Dì Ba, vừa nhìn ra cửa giống như ngày tôi bị lạc đến hỏi đường.
Chẳng bao lâu, tầu cũng hú lên một tiếng thật dài rồi thở phì phì, từ từ ngừng tại ga, nhưng không phải Ga Mỹ Tho mà là Ga Sài Gòn.
Chúng tôi và Bà Chín chia tay nhau, kẻ lưng đeo túi hành lý, người gánh gánh không, ai về nhà nấy.
Trở lại căn phòng riêng nhỏ xíu của mình, tôi cất hành lý, tắm rửa xong thì trời sập tối. Mệt mỏi, tôi lên giường nằm suy nghĩ miên man rồi ngủ lúc nào không hay.

(48) Lambretta: xe động cơ hai bánh, đẹp và lịch sự, có bánh xe trừ bị để thay bánh xe bị xẹp. Xe do nước Ý chế tạo.
(49) Băng (banc, bench): ghế dài nhiều người ngồi sát cạnh nhau.
(50) Lề: marge, margin: cột giấy trắng hẹp bên trái mỗi trang, thường ngăn bởi một đường kẻ dọc thẳng đứng suốt từ trên xuống dưới.

Sau khi thi Ô Ran, tôi đậu cao như những lần thi trước, Mention Assez Bien, gọi là Hạng Bình Thứ, với số điểm trung bình từ 12/20 đến 13,75/20 trong khi điểm đậu chỉ cần 9,75/20.
Khoa nói:
_Tiên hạ thủ vi cường, ra tay trước lấy thế mạnh. Mày đi đăng báo ngay bây giờ, trước mọi người, để có nhiều hy vọng tìm được việc làm, lần này tốt hơn trước nhiều.
Tôi hỏi:
_Đăng báo nào?
_Báo Lẽ Sống.
_Ờ phải rồi, báo Lẽ Sống người Miền Nam đọc nhiều nhất. Tôi bàn rồi hỏi tiếp:
_Có đăng báo Ngôn Luận dân di cư đọc nhiều nhất không?
_Đăng luôn, nhớ đăng cái Mention Assez Bien, Tú Tài Toán Toàn Phần và cả tuổi 21 và 18 của tao với mày.
Tôi thắc mắc:
_Đăng Tú Tài Toán Toàn Phần, Mention Assez Bien đã đành, nhưng đăng cả tuổi vào làm gì?
Khoa cắt nghĩa:
_Trời ơi, có thế mà không biết. Đăng tuổi vào vì hai lý do. Thứ nhất, người ta cho rằng thi đậu lâu rồi thì thầy giáo có thể mù mờ vì quên bài vở. Thứ hai, cha mẹ giàu muốn gả con gái cho người có bằng cấp Đại Học, vì vậy thích mướn Tú Tài Đôi trẻ tuổi nhất.
Tôi nói: “Ờ, ờ tao đi đây”, rồi ra cửa nhảy lên xe đạp, phóng đi làm theo lời Khoa.
Tôi nghĩ Khoa nóng lòng trở lại Mỹ Tho hơn tôi nhiều nên “hăng” và “lên” như vậy. Ý kiến hay của hắn quả thật tôi đã không nghĩ ra.
Đăng báo xong, tôi đạp xe trở lại nhà Khoa cho hắn biết mọi sự. Hắn khen rồi nói như ra lệnh cho tôi sau khi xem lời rao vặt tôi đăng cùng biên lai và trả tôi nửa tiền đăng báo cộng thêm năm cắc (hào), đó là thói quen của bọn tôi, không trả tiền lẻ mà trả thêm lên cho tròn đồng bạc:
_Được lắm. Đăng địa chỉ nhà trọ của mày và tên mày là đúng. Như thế tiện hơn vì tao ở chung với gia đình. Chỉ đăng tên Khánh, không đăng tên tao cũng đúng vì không cần thiết và đỡ tốn tiền. Còn nữa, mày đi hớt tóc ngay bây giờ.
Tôi hỏi:
_Tao sao tao phải đi hớt tóc ngay bây giờ?
Khoa đáp một tràng:
_Người mướn thầy dạy học luyện thi cho con cái cũng tiên hạ thủ vi cường. Có thể ngay trong ngày xem báo, họ tìm đến liền khi thấy kẻ đăng rao vặt vừa ý họ. Vậy sau khi hớt tóc về nhà, mày cần dọn ngay phòng trọ của mày cho gọn sạch không rác bụi, không mùi hôi. Bắt đầu từ ngày mai, mày phải ngồi nhà chờ người đến mướn, phải đánh răng, gội đầu chải tóc, ăn mặc như khi ngồi trong lớp học, chỉ khác là không đi giầy mà đi dép.
Tôi lắc đầu cười:
_Tao hiểu rồi và sẽ làm như vậy. Thôi tao đi kẻo trễ.
Ngày hôm sau, tôi ăn sáng xong được khoảng một giờ thì có người bấm chuông. Tôi đoán là Khoa và đúng như vậy. Hắn cười nói sau khi quan sát căn phòng trọ của tôi và nhìn tôi từ đầu đến chân:
_Mọi việc đã hết sức chuẩn bị, hy vọng kết quả tốt.
Tôi hỏi Khoa sáng giờ uống cà phê chưa.
Hắn nói: “Chưa”.
Tôi vừa pha cà phê vừa nghĩ tới kế hoạch dạy học luyện thi kiếm tiền Khoa vạch ra với hy vọng mỗi đứa chúng tôi có thể mua được một chiếc Lambretta để Chủ Nhật đi Mỹ Tho. Trong ba tháng hè rảnh rỗi, chúng tôi sẽ chia nhau ngày tối dạy luyện thi. Tiền kiếm được sẽ chia đôi, nếu chưa đủ mỗi đứa sẽ mượn tiền gia đình mua xe càng sớm càng tốt để đỡ mất thì giờ đi đến các chỗ dạy học. Sau đó mỗi tháng chúng tôi sẽ trả góp số tiền nợ gia đình. Việc này đối với Khoa có thể dễ dàng, nhưng là cả một vấn đề cho tôi. Ba năm học luật ít mất thì giờ nên sau hè này, Khoa có thể vừa học vừa tiếp tục dạy luyện thi kiếm tiền. Còn tôi trong khi học PCB (51), không dư thì giờ nhiều nên tiền kiếm được sẽ ít đi. Sau đó, để có tiền học Y Khoa, tôi sẽ đành phải thi vào Quân Y và sẽ trang trải tiền nợ gia đình nếu còn thiếu.
Khoa rất tự tin vào lời đăng rao vặt nhưng tôi hơi lo bởi vì đối với tôi cái gì có trong tay mới chắc. Tôi nghĩ nếu kế hoạch Khoa vạch ra thất bại thì số tiền bọn tôi kiếm được trong ba tháng hè sẽ đưa Khoa hết và như thế hắn nợ tôi một nửa. Chỉ hắn sẽ mua xe và nếu thiếu tiền, hắn sẽ mượn gia đình. Chủ Nhật Khoa sẽ chở tôi trên chiếc Lambretta của hắn đi Mỹ Tho.
Tôi bỗng thấy vui lên nói:
_Chắc chắn mình sẽ có xe Lambretta để Chủ Nhật đi Mỹ Tho. Tao thấy Lambretta tiện hơn Vespa vì ngồi sau có thể để hai chân hai bên một cách thoải mái.
_Có lý lắm. Khoa cười đồng ý, không hiểu câu “Chắc chắn mình sẽ có xe Lambretta để Chủ Nhật đi Mỹ Tho” còn có nghĩa là có thể hai đứa chỉ có một xe.
Hắn cao hứng nói tiếp:
_Khi nói: “Con người ta bị sanh ra”, Dì Ba ám chỉ trách nhiệm làm cha mẹ. Suy nghĩ rộng ra, khi làm một việc gì người ta phải có trách nhiệm, chẳng hạn khi chơi với bạn gái.
Tôi hỏi:
_Ý mày muốn nói gì.
Khoa nghiêm lại trả lời:
_Có lẽ tao sẽ chỉ chở Hường trên chiếc Lambretta đi chợ và khi đó tao muốn sẽ có mày chở Lan hoặc Dì Ba đi theo. Thế thôi và như vậy sau này nếu vì một lý đó nào đó Hường và tao không kết hôn được thì mọi người sẽ vẫn hiểu rằng cô ấy còn trăm phần trăm là một cô gái.
Tôi đồng ý nói:
_Hay lắm, như vậy không ai có thể nói mình là vilains (52) và mình hoàn toàn vô hại cho hai cô gái này.
Chúng tôi uống cà phê và tán dóc đến gần mười một giờ thì có người bấm chuông.

(51) PCB: Physique (Vật Lý Học), Chimie (Hóa Học), Biologie (Sinh Học).
(52) Vilain: kẻ xấu làm hại người khác, kẻ bất lương, kẻ lưu manh, thằng hèn.

Khoa cười, nháy mắt nhìn tôi ý bảo tôi ra mở cửa vì có người đến mướn chúng tôi dạy học.
Tôi mở cửa và chỉ thấy hai đứa trẻ, một trai một gái, mỗi đứa xách một cái giỏ đi chợ.
_Anh làm ơn cho em hỏi thăm đây có phải nhà Anh Khánh không ? Đứa con trai hỏi.
Tôi cười đáp:
_Khánh là tôi đây. Hai em hỏi có chuyện chi.
Đứa con trai nói tiếp:
_Chúng em là Nhơn và Hiền, con của Bà Chín. Má em biếu anh và Anh Khoa chút trái cây.
_Mời hai em vô nhà. Tôi nói.
Nhơn lấy trong giỏ ra bốn cục tròn lớn có giấy mềm bao ngoài, để lên bàn, Hiền đem ra hai.
Mở một bao giấy ra xem, tôi nhìn Nhơn và Hiền:
_Bọn anh cám ơn Ba Má hai em. Anh chưa bao giờ thấy trái vú sữa nào lớn như vậy, bưng cả hai tay vẫn không hết.
Hiền nói:
_Dưới quê em mới đem lên hai lố (tá) đó.
_Quê em ở đâu? Tôi hỏi.
_Ở Vũng Liêm. Hiền đáp.
Nhon cắt nghĩa:
_Vũng Liêm ở Vĩnh Long.
Tôi cười vui:
_Vậy à. Nếu em không nói anh tưởng Vũng Liêm gần Vũng Tầu.
Hai đứa trẻ cười lớn, Khoa và tôi cũng cười theo.
Khoa lên tiếng:
_Hai em uống xá xị Phuơng Toàn nhé.
Nhon từ chối:
_Cám ơn hai anh, bọn em phải về liền. Ba Má em mời hai anh nếu rảnh tối nay đến nhà Ba Má em.
Nói xong, cậu bé móc trong túi ra một mảnh giấy đưa tôi:
_Đây là địa chỉ nhà em.
Tôi nói:
_Tối nay chỉ mình anh đến nhà em, Anh Khoa phải ở đây chờ khách tới mướn hai anh dạy học các con họ.
Nhơn và Hiền đi được nữa tiếng thì Khoa cũng ra về.
Sau đó rải rác đến sáu giờ chiều, có năm người đi xe hơi đến nhà tôi, ba đàn ông hai đàn bà, mướn chúng tôi dạy luyện thi trung học đệ nhất cấp cho con trai. Xem danh thiếp để lại, tôi thấy họ là thương gia ở quanh trung tâm Sài Gòn nên không xa nhà tôi.
Ăn cơm chiều xong, tôi đến nhà Ông Bà Chín. Lúc đó tiệm sửa và bán đồ phụ tùng xe gắn máy vẫn còn mở cửa. Tôi nói chuyện với hai người tại cửa hàng có mặt Nhơn và Hiền. Sau đó tôi được dẫn lên lầu vào phòng lớn nhất của căn phố. Đó là phòng học của Nhơn và Hiền có cửa sổ trông ra đường. Phòng có một tấm bảng đen to và tốt như của trường học. Trước bảng đen là một cái bàn học và một cái ghế dài cho bốn người ngồi, cũng giống như của trường học.
Tôi nói với ông Chín:
_Bà Chín có cho tôi hay hai em Nhơn và Hiền ham học. Nay tới đây, tôi thấy hai em quả đúng như vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng dạy để năm tới Nhơn thi đậu và năm sau đó Hiền cũng thi đậu.
Nhơn lên tiếng:
_Em có bốn người bạn học cũng đang tìm nơi học luyện thi.
Hiền nói:
_Em cũng có mấy người bạn học muốn học thêm.
Tôi nói với Ông Bà Chín:
_Chúng tôi còn có thêm học trò nữa. Nếu ông bà cho tôi mướn căn phòng này thì tốt quá.
Ông Chín nhìn Bà Chín. Bà trả lời:
_Được chớ, chúng tôi cho cậu mướn.
Tôi mừng nói:
_Nếu vậy ông bà làm ơn cho biết đã đóng bộ bàn ghế học trò này tại đâu, tôi sẽ tới đó đặt thêm hai bộ.
Sau khi thoả thuận giá tiền mướn nhà, Ông Chín lục lọi tìm kiếm rồi viết ra địa chỉ tiệm mộc đưa cho tôi.
Tôi cám ơn và uống trà nói chuyện thêm khoảng mười phút rồi cáo từ ra về.
Tôi đạp xe lẹ về gặp Khoa báo tin mừng.
Hắn rất vui, cười hoài kết luận:
_Vậy là có được phòng học có thể chứa ít nhất mười hai học trò. Có được mười học trò lớp luyện thi và năm học trò lớp học thêm. Mày hãy tiếp tục đăng rao vặt như cũ cho đến ngày không còn nhận được thêm học trò. Để tránh bị lấy lại nhà trong khi đang phát tài, phải làm một cái hợp đồng mướn nhà. Ông Bô tao có Chứng Chỉ Luật cấp cho auditeur libre (53) sẽ viết dùm cái hợp đồng một cách dễ dàng nhanh chóng.
Tôi nói:
_Mình đã may mắn. Kỳ trước đem cà phê và sữa hộp tới Tiệm May Như Ý, không gặp Dì Ba trước mà gặp Hường trước đang ngồi may. Bây giờ kế hoạch Lambretta của mày đang trên đà thành công.
Khoa cười nói:
_Mới hai lần may mắn ăn thua gì.
Tôi tiếp tục đăng rao vặt liên tiếp tổng cộng chín ngày gồm hai Thứ Bảy, hai Chủ Nhật và năm ngày làm việc, kiếm thêm được sáu học trò học luyện thi. Vậy chúng tôi có năm học trò học thêm trong đó có Hiền và mười sáu học trò học luyện thi trong đó có Nhơn chia làm hai lớp mỗi lớp tám người.
Ngày khai giảng mỗi lớp học luyện thi đều có mặt Khoa và tôi.
Khi chúng tôi vào lớp, tất cả học trò đứng dậy. Khoa nói, tôi đứng cạnh:
_Chào các em. Các em ngồi xuống.
Khi tất cả học trò vừa ngồi xuống, hắn tiếp tục:
Chúng tôi có vài lời với các em trước khi chúng ta bắt đầu lớp học.
Nếu các em cùng chúng tôi một lòng cố gắng phối hợp chặt chẽ, chúng tôi tin rằng tất cả các em sẽ thi đậu.
Các em gồm học sinh trường công và học sinh trường tư đến đây học.
Đây chính là điểm làm chúng tôi có vài lời hôm nay.
Học sinh trường công và học sinh trường tư đều học cùng một bài học, giáo sư trường tư vì muốn có việc làm tốt nên đua nhau dạy rất hay, nhưng tại sao học sinh trường tư đa số thi rớt trong khi học sinh trường công ào ạt thi đậu?
Đó là vì giáo sư trường tư không dám kiểm soát đàng hoàng việc học của học sinh, để mặc học sinh muốn học thế nào thì học bởi sợ làm mất lòng học sinh, học sinh sẽ bỏ đi học trường khác.
Vì vậy chúng tôi sẽ kiểm soát thật đàng hoàng việc học của các em để tất cả các em sẽ thi đậu.
Tới đây tôi xin nhường lại lớp học cho Thầy Khánh.
Khoa nói xong đi ra.
Tại lớp học Khoa dạy, Khoa nói xong, tôi đi ra.
Về nhà, tôi bảo Khoa:
_Mày nói hay lắm, đôi mắt nhìn và giọng tự nhiên thành thật giống như nói với lũ em trong nhà. Lời ngắn gọn, rõ ràng và đầy đủ về những gì người nghe muốn nhất và cần nhất. Tao chắc học trò thích và tin tưởng, có thể sẽ về khoe lớp học với cha mẹ và bạn bè.
Khoa cười tới mang tai:
_Như vậy chắc sẽ có thêm học trò lớp luyện thi. Mình đã thu được một số tiền lớn chưa từng có. Ngày mai mày tiếp tục đi đăng quảng cáo như trước.
Tôi nhanh nhẹn làm theo lời Khoa và sau đó, chúng tôi may mắn không thể tưởng, số học trò lớp luyện thi tăng lên hai mươi tám, số học trò Lớp Đệ Ngũ học thêm tăng lên mười.
Tôi phải đi đặt thêm hai bộ bàn ghế dài học trò để tất cả có năm bộ cho hai mươi người ngồi. Tổng cộng chúng tôi có hai lớp luyện thi, mỗi lớp mười bốn học trò và một Lớp Đệ Ngũ học thêm mười học trò.
Dạy học được một tháng, chúng tôi thu tiền học lần thứ nhì. Khoa đòi mua xe Lambretta, nhưng tôi cản nói rằng các lớp học mới được một tháng chưa có gì chắc chắn, hơn nữa địa điểm dạy học gần nhà Khoa và nhà tôi.
Sau hai tháng, thu tiền học lần thứ ba, Khoa lại đòi mua xe, tôi nói hãy chờ thêm một tháng nữa, khi đó các lớp học sẽ một trăm phần trăm chắc chắn và mỗi đứa có thể mua xe không những không phải vay tiền gia đình mà còn dư nhiều tiền. Hắn đồng ý.
Thu tiền học lần thứ ba được một tuần thì Ông Bô của Khoa cho hắn biết Anh Chị Tám đã bán nhà ở Mỹ Tho và dọn lên cái villa (54) mới mua tại Đường Chi Lăng Phú Nhuận, Sài Gòn.
Tôi nói:
_Như vậy mình phải đến thăm Anh Chị Tám. Đến để chúc mừng, để xem mình có thể làm gì cho cái nhà mới của anh chị ấy, và cũng để biết phòng khách và phòng ăn của anh chị ấy bao lớn.
Khoa gật đầu:
_Hay lắm, nhưng biết phòng khách và phòng ăn bao lớn để làm gì?
Tôi đáp:
_Để mua biếu anh chị ấy hai chiếc quạt máy đứng quay vừa đủ lớn cho phòng khách và phòng ăn. Tao tính sẽ mua quạt màu trắng loại tốt nhất và mua càng sớm càng tốt để “Tiên hạ thủ vi cường” như mày đã nói, nghĩa là biếu trước mọi người cho khỏi bị trùng với cadeau (55) của người khác.
Khoa đồng ý cười lớn:
_Thật may quá, thế là mình có thể đi Mỹ Tho không sợ gặp Anh Chị Tám tại Tiệm May Như Ý.
Tôi cười theo:
_Mình may mắn lần thứ ba rồi đó. Lần thứ nhất đến biếu cà phê và sữa hộp chỉ gặp Hường ngồi may ở cửa tiệm. May mắn lần thứ nhì là kế hoạch Lambretta của mày thành công.
Khoa bỗng xoa hai tay vào nhau rồi đứng dậy nói:
_Trong lúc đợi tao về, mày ở nhà lo món sa lat cà chua hành tây dầu dấm đường.
Tôi làm theo lời hắn vì không muốn hắn bị mất hứng.
Khoảng một giờ sau, Khoa đạp xe về với một giỏ thức ăn gồm phá lấu, củ kiệu chua ngọt, thịt quay, bánh mì và một chai bia Larue. Như thường lệ, tôi trả hắn nửa tiền.
Đặt hai ly cối đầy nước đá cục xuống bàn, tôi lên tiếng:
_Còn nhiều nước đá và nước sôi đã để nguội trong tủ lạnh. Thứ này cùng bánh mì, sa lat sẽ làm bia loãng ra và ngấm từ từ vào máu. Như vậy để khỏi bị say. Ngày mai dạy học mà còn say rượu học trò biết được là lớp học sẽ tan hàng và mày với tao sẽ thất nghiệp.
Khoa lắc đầu bảo:
_Làm gì có chuyện đó.
Tôi nói:
_Hy vọng như vậy. Lúc say rượu có khác gì kẻ kiêu căng ngạo nghễ vì quên suy nghĩ. Angry people don’t think enough and arrogant people forget to think (56).
Chúng tôi ăn uống thật ngon miệng và tôi chỉ hơi lâng lâng say. Đêm tôi ngủ rất êm và trong giấc chiêm bao tôi thấy Lan tươi cười ngồi lên chiếc xe Lambretta để tôi đèo đi chợ. Giấc mơ rất ngắn vì tôi chợt nhớ ra mình chưa mua xe.
Dạy học được ba tháng, chúng tôi lĩnh tiền học lần thứ tư và nghỉ hè chấm dứt. Khoa học năm thứ nhất bên Faculte’ de Droit (57) còn tôi học PCB tại Faculte’ des Sciences (58). Hắn mua chiếc Lambretta nền trắng, giữa mặt trước bửng có trang trí một cột màu xanh lá cây thật nhã, giữa hai bên hông có hình vẽ tam giác dài tượng trưng chiếc cánh và cùng màu xanh lá cây. Tôi mua chiếc Lambretta cũng nền trắng, trang trí giống như xe của Khoa nhưng là màu xám rất tiệp với trắng, thay vì là màu xanh lá cây. Chúng tôi dùng xe đi học và cảm thấy rất tiện nghi.

(53) Chứng Chỉ Luật cấp cho auditeur libre (bàng thính viên): người dự lớp Luật Khoa Pháp Văn tại Đại Học Đường Luật Khoa hết khóa học được cấp chứng chỉ không cần thi.
(54) Villa: nhà ở lịch sự có vườn.
(55) Cadeau: món quà (present, gift).
(56) Angry people don’t think enough and arrogant people forget to think: người tức giận thiếu suy nghĩ và kẻ kiêu căng quên suy nghĩ.
(57) Faculte’ de Droit: Đại Học Luật Khoa.
(58) Faculte’ des Sciences: Đại Học Khoa Học.
(59) Rodage (điều chỉnh động cơ mới): sau khi đổ loại xăng được chỉ dẫn trong mode d’emploi (cách dùng xe) vào chiếc xe scooter Lambretta, trừ khi khẩn cấp, luôn luôn phải chạy xe với vitesse de rodage (vận tốc điều chỉnh động cơ mới được chỉ dẫn), tránh phanh (thắng) bất thình lình để máy khỏi bị nóng – trừ trường hợp khẩn cấp, chỉ phanh lúc xe chạy rất chậm hoặc sắp ngừng. Chạy như vậy cho hết millage de rodage (số cây số điều chỉnh động cơ mới xe phải chạy được chỉ dẫn) hiện ra trên đồng hồ tại tay lái.

Chạy xong rodage (59), Khoa bảo:
_Chuẩn bị Chủ Nhật đi Mỹ Tho mày!
Tim đập mạnh, tôi hỏi:
_Chủ Nhật nào?
_Chủ Nhật sắp tới chứ còn Chủ Nhật nào nữa! Khoa nóng ruột đáp.
Tôi hỏi tiếp:
_Vậy chương trình ra sao?
Khoa nói nhanh:
_Ăn sáng và trưa tại tiệm may Như Ý rồi hai giờ về Sài Gòn.
Tôi bàn:
_Hay lắm, nhưng muốn ăn điểm tâm tại nhà Dì Ba thì phải khởi hành ban đêm tại Sài Gòn. Phải lái xe thật cẩn thận vì mới đi đường lần đầu chưa quen. Sau cùng, phải mua năm chiếc mũ an toàn cho Hường, Lan, Dì Ba, mày và tao. Để tiệp với màu xe, mũ tao màu xám, mũ mày có lẽ màu xanh lá cây, mua tại Sài Gòn. Tới Mỹ Tho sẽ đưa Dì Ba và hai cô gái đi chọn mua mũ.
Khoa đồng ý:
_Đúng vậy. Trước khi đi sẽ bơm bánh xe nếu cần và đổ đầy xăng.
Tôi lăng xăng đi pha hai ly cà phê, còn Khoa, hắn ngồi ghế chờ đợi, mặt vui thấy rõ …
Hắn và tôi như sắp sửa vào Thiên Thai Hạ Giới có hai tiên cô và một … tiên bà.
Khoa nói thêm:
_Đi Mỹ Tho ban đêm, mình phải tránh lái song song vì vô ích và có thể nguy hiểm. Vậy xe đi trước sẽ dò đường và để đèn pha (60) nếu trước mặt không có xe nào. Xe đi sau sẽ theo vết xe trước mà chạy. Như vậy sẽ an toàn phải không?
Tôi đáp:
_Đúng vậy. Ngoài ra, chỉ mua bánh bía và bánh rán (61) tại Sài Gòn. Nếu tới Mỹ Tho kịp giờ để ăn điểm tâm tại nhà Dì Ba, thì lúc đó mới đi mua bánh mì thịt như lần trước. Ăn sáng xong, mình sẽ đèo hai trong ba người ở tiệm may đi chợ và mua luôn cà phê, sữa hộp.
Khoa không phản đối mà ý kiến thêm:
_Ít nhất trong chín tháng tới, mình còn kiếm được nhiều tiền như bây giờ, nghĩa là sẽ thu được tiền học gấp ba lần tiền thu từ trước đến nay. Vậy có nên tặng Hường và Lan hai chiếc xe Mobylette mới màu beige (62) không?
Tôi giật mình nhìn Khoa:
_Tặng Mobylette mới à? Tám nghìn rưởi đồng đó! Tao cũng không tiếc tiền đâu, nhưng mày cao hứng quá rồi! Coi chừng Tout excess est nuisible! (63).
Khoa im không trả lời.

(60) Pha: phare: để đèn trước của xe chiếu sáng rõ và xa.
(61) Bánh rán: bánh rán (chiên) ngọt nhân đậu xanh, ngoài là một cái bao tròn kín bằng nếp và vừng (mè).
(62) Mobylette màu beige: xe gắn máy của Pháp hiệu Mobylette màu nâu nhạt gần như vàng, giá tám nghìn rưởi đồng khi phở, hủ tíu, mì, mỗi tô giá năm đồng.
(63) Tout excess est nuisible: bất cứ cái gì quá đáng đều có hại.

Chúng tôi lái Lambretta bình an vô sự đến Mỹ Tho lúc năm giờ bốn mươi lăm sáng Chủ Nhật, còn bốn mươi lăm phút nữa Tiệm May Như Ý mở cửa.
Tiệm bán cà phê và sữa hộp còn đóng cửa nên chỉ mua được bánh mì thịt.
Ba bao bánh bía, bánh rán và bánh mì thịt bỏ trong túi hành lý gắn sau bửng xe của Khoa.
Dựng xe trước tiệm may, tôi xem đồng hồ tay. Còn mười lăm phút nữa, không biết ai sẽ ra mở cửa đây – tôi hồi hộp tự hỏi.
_Anh Khoa, Anh Khánh ! Hường reo lên khi vừa mở cửa thấy chúng tôi.
Tôi nhìn Hường, cười chào.
Khoa nói:
_Cô Hường, cô khỏe không?
_Em khoẻ, hai anh vẫn khỏe chớ, mời hai anh vô nhà. Hường đáp.
Khoa trả lời: “Chúng tôi khỏe”, rồi gỡ túi hành lý khỏi bửng xe, vừa xách vào nhà vừa nói với Hường:
_Đường xa và sáng sớm, không mua được gì nhiều, chúng tôi có chút quà biếu Dì Ba và hai cô.
Hắn từ từ lấy ra ba bao quà để lên bàn.
Lan đi vội ra lên tiếng:
_Anh Khánh, Anh Khoa, lâu quá mới gặp lại.
Khoa nhìn Lan, cười vui. Tôi nói:
_Cũng khá lâu rồi. Cô vẫn khỏe chứ, Cô Lan?
_Em khỏe. Lan đáp.
Thấy Dì Ba từ từ đi ra, Khoa và tôi vội chào:
_Thưa Dì Ba …
_Khỏe không, khỏe không? Lại có xe mới nữa, hai con giàu quá há! Dì Ba cười nói nhanh.
Khoa trả lời:
_Hai đứa con khỏe, thưa Dì Ba vẫn được khỏe …
_Tôi vẫn khỏe. Hai con đi đường mệt không?
Tôi đáp:
_Bọn con mới lái xe scooter (64) Sài Gòn – Mỹ Tho lần đầu và ban đêm nên nhiều khi bị căng thẳng vì phải hết sức cẩn thận lúc đi đường.
Dì Ba nói:
_Cám ơn hai con lại cho quà, lần này tính ở lại Mỹ Tho bao lâu?
Khoa trả lời:
_Hai đứa con chỉ rảnh ngày Chủ Nhật vì phải vừa học vừa dạy học kiếm tiền, bữa nay đến thăm Dì Ba và hai cô rồi về Sài Gòn trong ngày.
_Vậy ở lại dùng cơm trưa với chúng tôi nghen. Dì Ba hỏi nhanh.
Khoa và tôi cùng đáp một lượt:
_Dạ, cám ơn Dì Ba.
Nói xong, tôi cảm thấy vui nhất kể từ lúc lên xe lái đi Mỹ Tho.
Khoa toe miệng cười, nhè nhẹ đứng lên vào nhà trong phụ giúp hai cô gái sửa soạn bữa ăn sáng. Tôi cũng từ từ đi vào theo hắn.
Tới nhà trong, tôi thấy một chiếc xe đạp phụ nữ của Pháp bằng nhôm, đằng sau có porte-bagages (65) và trước tay lái có gắn một cái giỏ làm bằng nan sắt mạ kền.

(64) Xe scooter: xe Vespa và Lambretta.
(65) Porte-bagages: chỗ mang hành lý ở đằng sau yên xe đạp.

Tôi còn đang nhìn chiếc tay cáng gẫy một đầu tôi nhặt được hôm đưa Lan trở lại nhà, hiện dựng tại góc tường, thì đằng sau tôi, Lan lên tiếng:
_Anh Khánh, anh bưng dùm em năm đĩa bánh mì thịt lên bàn được không?
Tôi giật mình quay lại trả lời:
_Được, được, tôi bưng ngay bây giờ.
Tôi vừa phụ giúp hai cô gái vừa suy nghĩ đủ chiều về chiếc tay cáng được Lan giữ lại.
Tôi tìm ra các lý do tại sao Lan giữ chiếc tay cáng, giữ để dùng, giữ vì thích chiếc tay cáng, vì thích thú việc tôi đưa nàng trở lại nhà, hay vì … ưa thích … tôi? Cuối cùng, tôi chẳng chọn được lý do nào và thắc mắc không ngừng …
Khi ai nấy đã ngồi vào bàn đầy đủ, Dì Ba lên tiếng:
_Mới bữa nào dùng điểm tâm như vậy mà đã hơn ba tháng, mau quá há!
Tôi nói:
_Dạ mau thật và đã hết mùa hè …
Mọi người cười nói vui vẻ trong bữa ăn sáng đơn giản bánh mì thịt, nước đá chanh tươi đường, cùng cam, bánh rán và trà Hường pha.
Khoa và tôi dẹp lau chiếc bàn sau khi ăn, quét hốt sạch chung quanh và dưới gầm. Chúng tôi bưng trà ra đằng trước thấy Dì Ba đã ngồi may.
Một lúc sau, Hường và Lan dắt chiếc xe đạp ra cùng giỏ đi chợ.
Khoa nói:
_Hai cô cất xe đi, để bọn tôi chở đi chợ. Như vậy nhanh và tiện hơn.
Nói xong hắn đứng dậy, tự động gỡ chiếc xe đạp khỏi tay Hường đem cất vào nhà trong.
Lan và Hường cười nói cám ơn, Dì Ba cũng cười theo.
Tôi bỗng cảm thấy vui vì nghĩ thế nào Khoa cũng sẽ chở Hường và tôi sẽ chở Lan.
Tôi nhìn Dì Ba nói:
_Nếu hôm nay không đủ thì giờ, lần sau bọn con sẽ chở Dì Ba và hai cô đi chọn mua mỗi người một chiếc mũ an toàn để đội khi ngồi xe gắn máy.
Dì Ba nhìn tôi cười vui rồi bảo Lan và Hường:
_Hai đứa ngồi sau xe cẩn thận nghe.
Ra khỏi cửa, tôi đưa ý kiến:
_Nhờ hai cô dẫn đường. Trước khi quẹo hoặc ngừng, làm ơn nói trước từ xa để tài xế kịp chuẩn bị. Bây giờ đi chọn mua mũ an toàn trước, rồi tới khu bán thịt quay, sau cùng vào chợ là vừa.
Hường nói:
_Em biết nơi bán mũ an toàn.
Khoa lên tiếng:
_Vậy để tôi chở cô, xe mình sẽ dẫn đường.
Trước khi ngừng tại tiệm mũ, Lan bảo tôi:
_Xe anh tốt quá, lái êm nữa, không bị giựt khi chạy cũng như lúc thắng.
_Cám ơn cô đã khen. Được như vậy vì chở cô nên tôi cố gắng hết sức. Tôi đáp.
Lan cười thành tiếng:
_Anh khéo nói chơi. Bữa nay vui thiệt!
_Vui chứ, hy vọng mỗi Chủ Nhật mỗi vui. Tôi nói.
Chờ hai cô gái soi gương chọn mũ xong, tôi đến quầy trả tiền.
Lan và Hường cám ơn tôi.
Tôi nói:
_Tôi chỉ dám nhận một nửa cám ơn của hai cô vì Khoa sẽ hoàn lại tôi nửa tiền.
_Vậy cám ơn hai anh rất nhiều. Hai cô gái nhìn Khoa và tôi, rồi cười nói.
Tới khu bán thịt quay, tôi mua một ký rưỡi heo quay, một con gà và một con vịt quay.
Lan nói mua nhiều quá sợ ăn không hết để lâu không tốt.
Hường bảo như vậy sẽ ăn luôn cả ba thứ, nhưng ăn nhiều gà và vịt, ăn ít heo quay vì chỗ còn dư có thể kho với tàu hủ.
Lan ý kiến thêm là sẽ chặt thịt để lên bàn vừa phải, khi đĩa gần hết sẽ chặt thêm, như vậy chỗ còn lại sẽ nguyên vì không có thịt ăn dư trên bàn để lại.
Khoa bàn vào:
_Tôi nghĩ không sao đâu, chỗ còn dư sẽ để trong tủ lạnh, cùng lắm sau bốn mươi tám tiếng mà vẫn dư thì sẽ cất vào ngăn làm nước đá, sau đó lấy ra ăn cũng vẫn còn ngon.
Tới chợ, Khoa và Hường đứng bên ngoài cạnh hai chiếc Lambretta; Lan và tôi vào mua tàu hủ, trái vú sữa, cá lóc, thơm, đậu bắp, bạc hà, vân vân. Lan không cho tôi trả tiền bảo rằng Dì Ba đã đưa tiền đầy đủ để đi chợ cho hai bữa ăn trong ngày. Nàng chỉ mua như vậy vì tôi đã mua trước các món thịt quay.
Trên đường về nhà, xe tôi và Lan chạy sau xe Khoa và Hường. Tôi ấp úng nói nhỏ với Lan Khoa và tôi sẽ tặng Hường và nàng mỗi người một chiếc Mobylette mới màu beige.
Lan trả lời liền:
_Em rất cám ơn anh, nhưng em chắc Hường cũng như em không dám nhận món quà lớn như vậy, hơn nữa hai chiếc xe gắn máy thiệt là dư thừa đối với tiệm may, làm tốn tiền hai anh vô ích.
Tôi nói tốn tiền không sao vì Khoa và tôi đang may mắn kiếm được nhiều tiền, Lan cảm động, nhưng nhất định từ chối.
Khi bốn chúng tôi về, Dì Ba còn ngồi may. Dì lên tiếng:
_Đi lẹ quá há, lại còn mua được mũ an toàn nữa.
Lan nói:
_Hai ảnh mua mấy món thịt quay đó Dì Ba.
_Vậy hả, cám ơn Khoa và Khánh nghe. Nói xong, Dì Ba bỏ may theo chúng tôi vào nhà trong.
Nhìn các thứ mua về Lan lấy ra bày trên bàn, Dì Ba bảo cá rất tươi, các món thịt quay mới, và bữa nay thiệt vui, nên uống chút la de.
Tôi đề nghị:
_Để con chở Dì Ba đi mua la de. Tiện dịp mua thêm một chiếc mũ an toàn để Dì Ba đội khi ngồi xe gắn máy.
Dì Ba không từ chối, nói cám ơn.
Tôi để Dì Ba trả tiền la de, nhưng tôi trả tiền chiếc mũ an toàn.
Thế là nội trong buổi sáng mọi việc đã làm xong cho ngày Chủ Nhật chúng tôi đến Tiệm May Như Ý.
Mọi người rất vui vẻ. Khoa và tôi cùng hai cô gái lui cui trong bếp chuẩn bị trước cho bữa ăn trưa. Xong việc, Hường pha cà phê bưng ra ngoài cửa tiệm. Ba người đàn bà vừa may vừa nói chuyện với Khoa và tôi.
Đang uống cà phê, Khoa bỗng đứng lên nói với Dì Ba hắn đã quên mua một thứ, rồi tự động ra xe lái đi.
Khoảng nửa giờ sau, Khoa trở về ôm một bịch hàng. Dì Ba hỏi:
_Con lại mua gì nữa gì đó?
Khoa trả lời chỉ là cà phê xay sẵn và sửa hộp rồi đem thẳng vào nhà trong.
Dì Ba nói vói theo:
_Cám ơn con nghe.
Khi mọi người uống hết cà phê, Khoa bưng ra một khay trà.
Dì Ba cười nhìn hắn:
_Cám ơn con, hèn chi ở trỏng lâu.
_Anh Khoa hay thiệt, mới đây mà như đã thuộc hết mọi thứ trong bếp. Hường khen.
Từ từ uống trà, Dì Ba nhìn Khoa và tôi hỏi:
_Hai con thi đậu được ba má mua cho chiếc xe mới phải không?
_Dạ không, bọn con dạy học nên có tiền mua xe. Tôi trả lời.
Dì Ba hỏi tiếp:
_Giỏi thiệt! Hai con có Tú Tài Đôi, nhưng mới mười tám hai mươi, dạy học cách nào mà kiếm được hàng chục ngàn đồng trong ba bốn tháng?
Tôi nói:
_Bọn con nhờ cố gắng và may mắn. Vừa thi đậu xong, hai đứa con đăng liền quảng cáo dạy học luyện thi và đi mướn chỗ dạy học. Những gia đình giàu có thường bỏ ra rất nhiều tiền một tháng cho con cái học luyện thi đề cuối năm thi đậu. Họ đến xem các bằng cấp của bọn con thấy toàn thi đậu với điểm cao và khi tiếp xúc tin tưởng nên gửi con cái tới học. Họ thích thầy giáo trẻ tuổi vì nghĩ rằng những người đậu Tú Tài đôi đã lâu có thể quên bài vở và không biết rõ về những đổi mới của kỳ thi hiện tại. Ngoài ra, khi học hai đứa con, các em học sinh thấy thích nên rủ bạn đến cùng học.
Dì Ba khẽ gật đầu nói:
_Tôi hiểu ra rồi, hay thiệt! Đây có phải lần đầu, hai con có được nhiều tiền như vậy không?
_Dạ phải. Tôi đáp.
Hường lên tiếng:
_Hai anh cảm thấy thế nào?
Khoa nói:
_Cảm thấy bất ngờ, vui mừng hết sức và thích thú vô cùng.
Lan hỏi:
_Hai anh nghĩ thế nào về tiền?
_Có thêm tiền tốt hơn và tiền làm người ta hạnh phúc, trừ khi vì có nhiều tiền, người ta nhịn không nổi làm những chuyện gây ra kết quả xấu. Tôi trả lời.
Dì Ba hỏi:
_Theo bốn con, thế nào là hạnh phúc?
Lan đáp:
_Hạnh phúc quý nhứt.
_Ai đồng ý? Dì Ba hỏi tiếp.
Hường nói đồng ý, Khoa nói đồng ý và tôi nói đồng ý.
Dì Ba cười, nói cũng đồng ý, nhưng nhắc lại câu hỏi thế nào là hạnh phúc?

Mọi người im lặng, Dì lên tiếng:
_Đầu tiên phải nói tới chữ phúc, tức là hạnh phúc, của Người Hán bên Trung Hoa. Chữ này gồm bên trái là chữ y, tức là quần áo. Bên phải ở trên là chữ nhứt và chữ khẩu, tức là một cái miệng, gồm một gạch ngang và một hình chữ nhật nhỏ nằm ngang; ở dưới là chữ điền, tức là ruộng, gồm một hình chữ nhật lớn nằm ngang chia làm bốn. Vậy chữ phúc ý nói rằng muốn có hạnh phúc, trước hết phải no ấm.
Dì Ba uống một hớp trà, cười hỏi:
_Ai có ý kiến gì không?
Lan nói:
_Con thấy Chữ Hán, tức là Chữ Nho, dễ hiểu nên dễ viết và dễ nhớ vì tự nó đã có ý nghĩa.
Hường than:
_Vậy mà Chữ Hán bây giờ bị bỏ rơi ở nước mình, uổng thiệt.
Khoa cười:
_Vì học Chữ Hán sẽ không kiếm ra tiền như thi sĩ Tú Xương đã viết:
Thôi có ra gì cái Chữ Nho!
Ông Nghè, Ông Cống cũng nằm co.
Sao bằng đi học làm Thầy Phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
Tôi nói:
_Như vậy người ta đi học để kiếm tiền chứ không phải để thành người tốt.
Dì Ba cười lớn:
_Đúng rồi vì cần gì đi học mới thành người tốt. Ai cũng biết rằng muốn thành người tốt chỉ cần đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình. Thôi bây giờ hãy trả lời câu hỏi thế nào là hạnh phúc?
Hường đáp:
_Hạnh phúc là có được người chồng tốt.
Lan tiếp theo:
_Hạnh phúc là có chồng tốt và bạn tốt.
Khoa đồng ý:
_Hạnh phúc là có vợ tốt và bạn tốt.
Tôi nói:
_Hạnh phúc là mạnh khỏe, bình an, có dư tiền để sống và vui sướng.
Dì Ba phê bình:
_Các con nói đều đúng hết và các ý kiến cho thấy hạnh phúc rất khó có nên hạnh phúc quý nhứt. Có được chồng tốt, vợ tốt, bạn tốt, được mạnh khỏe và bình an không phải dễ. Kiếm dư tiền để sống tương đối dễ vì “Tiểu phú do cần, đại phú do Thiên” (66).

(66) Tiểu phú do cần, đại phú do Thiên: giàu nhỏ do siêng năng, giàu lớn do Trời.

Tôi kể:
_ Dì Ba nói: “Con người ta bị sanh ra”, điều này không ai chối cãi được. Có người sinh ra là hoàng tử tuấn tú, công chúa xinh đẹp. Lại có kẻ sinh ra tật nguyền, vậy chỉ để được mạnh khoẻ và bình an, người ta có khi cũng bất lực chẳng làm gì được.
Lan nói:
_Sanh con tật nguyền, cha mẹ đau buồn vì biết rằng sau khi mình chết đi đứa con sẽ rất khổ.
Dì Ba than:
_Hạnh phúc đã khó có, lại còn những điều bất hạnh xảy đến không lường được.
Tôi ý kiến:
_Nếu y khoa sớm biết được bào thai bị tật nguyền và cha mẹ của cái thai đồng ý, có lẽ nên phá thai là hơn.
Mọi người ngạc nhiên im lặng, nhưng sau đó Dì Ba lên tiếng:
_Chắc sẽ phải làm như Khánh nói vì phải giải quyết vấn đề để cha mẹ và đứa con tật nguyền đôi bên khỏi khổ.
Thấy Khoa đi vào nhà trong, Hường hỏi:
_Bữa nay mình ăn cơm trưa sớm nửa tiếng được không Dì Ba.
_Ờ phải đó. Dì Ba đáp.
Thế là Hường bỏ may đi nấu ăn, theo sau là Lan và tôi.
Vì lúc nãy đã sửa soạn trước mọi thứ, nên bây giờ chỉ việc rửa lại nếu cần và sắt nấu.
Khoa theo phụ Hường làm các thứ rau quả cho món canh chua cá lóc.
Tôi chưa có gì làm, ngồi ghế chờ xem có thể giúp được gì cho hai cô gái.
Nhìn ba gói thịt quay để trong chiếc lồng bàn, tôi hỏi:
_Cô Lan, thịt quay để ngoài có sao không?
_Không sao đâu anh vì thịt để trong lồng bàn tại chỗ mát và các gói giấy đã mở. Ăn cơm trưa xong còn dư mới bỏ tủ lạnh. Lan đáp.
Lơ đãng nhìn quanh tới góc tường, tôi hỏi tiếp:
_Cô có muốn tôi cưa bằng cái đầu gẫy của chiếc tay cáng này không?
Lan trả lời:
_Thôi cứ để nguyên như vậy đi anh à.
Tôi muốn hỏi nàng giữ chiếc tay cáng để làm gì nhưng không dám. Tôi sợ câu trả lời vì Lan dù … ưa thích … tôi mà giữ cũng sẽ không nói ra.
Nàng đem cá lóc trong tủ lạnh ra làm.
Tôi nói:
_Cô làm cá hay và kỹ thật. Sắt khúc không cần mổ bụng mà vẫn không cắt phạm vào mật. Lấy đi mang và bộ phận trong bụng xong, lại còn lấy đi luôn mạch máu dưới sống lưng, rồi mới rửa sạch.
Lan cười:
_Nhưng nếu cá có trứng, em vẫn phải mổ bụng để gỡ lấy nguyên buồng.
Hường và Khoa làm xong giao các thứ cho Lan nấu.
Nhìn nàng vớt bọt canh, tôi hỏi:
_Quán ăn chắc không có thì giờ vớt bọt như vậy?
_Có chớ, vì bọt xám là máu nếu không vớt, sẽ tan ra làm tanh nồi canh. Lan trả lời.
Nấu nướng xong, nàng rửa tay lại thật lâu rồi đem gà và vịt quay ra chặt.
Hường múc canh chua cá lóc vào tô, Khoa đứng cạnh chờ. Nàng bảo hắn:
_Anh để dùm lên bàn thôi, em sẽ sắp lại sau.
Tôi thu gọn các thứ, rồi đem những gì cần rửa ra sân xi măng vuông trũng dưới vòi nước. Trở lại quét hốt sạch xong, tôi đứng xem Lan chặt thịt quay.
_Anh bưng dùm đĩa này lên bàn. Lan nói.
Sau khi nàng làm xong mọi việc dưới bếp và tôi đem hết các thứ lên bàn, chúng tôi rửa tay rồi lên ngồi ăn cơm.
Dì Ba lên tiếng:
_Lan và Hường cũng đã thấy những lúc vui như bữa nay, Dì uống một chút la de khi ăn. Vậy Khoa và Khánh cùng uống với Dì.
Khoa nói:
_Kể từ ngày đến Mỹ Tho, bữa nay vui nhất. Khánh và con cũng muốn uống chút la de nhưng đúng ra bọn con chưa uống được la de. Lần đầu hai đứa con thử nhưng chia nhau uống không hết một chai Larue. Lần thứ nhì tại nhà Thầy Cô Tám cũng vậy, Thầy Tám phải uống dùm chút còn lại trong chai. Lần thứ ba vừa rồi sau khi thấy việc dạy học thành công, bọn con chia nhau uống được một chai. Bây giờ, sẽ chia nhau uống một chai 33 thôi.
Hắn cầm chai 33 trước mặt để sang cạnh chai của Dì Ba. Dì cười nói Dì chỉ uống một chai.
Khoa lấy lại chai 33 đem cất tủ lạnh. Thấy vậy, tôi nói với Dì Ba:
_Để con đi lấy thêm chút nước đá.
Tôi nghĩ có lẽ Khoa đã nói với Hường sẽ tặng nàng chiếc Mobylette khi hai người đứng bên ngoài cạnh hai chiếc Lambretta để Lan và tôi vào chợ mua thực phẩm.
Gặp hắn tại tủ lạnh, tôi hỏi nhỏ:
_Chuyện Mobylette tới đâu rồi?
_Hường không dám nhận. Khoa lắc đầu trả lời.
Tôi bỗng có một sáng kiến và tôi sẽ thi hành ngay hôm nay không cần hỏi hắn.
Tôi đem về bàn một cái tô lớn đầy nước đá cục và một cái kẹp nhôm để gắp.
Khoa và tôi vừa ngồi xuống thì Dì Ba khui xong chai la de của Dì rồi trao cho tôi cái mở bia.
Hai cô gái dùng nước đá chanh tươi đường thay vì la de.
Bữa ăn trưa bắt đầu.
Mọi người cụng ly cười nói: “Chúc sức khỏe!”.
Uống xong một ngụm bia lớn, Dì Ba nói:
_Bữa nay vui thiệt. Sự may mắn đã khiến cho cái kêu là “gia đình” ba người này thành năm.
Câu nói làm tôi lần đầu tiên thấy mát ruột khi uống bia.
Khoa bỗng lên tiếng:
_Chắc Dì Ba không tin có số mạng nên chỉ nói tới sự may mắn.
Dì Ba trả lời:
_Số mạng mơ hồ lắm mặc dầu trên thế giới có nhiều người tin. Số mạng chẳng qua là một sự tình cờ may hoặc rủi. Thí dụ năm người mình đây mỗi người hùn một đồng và biên tên mình vào một trong năm miếng giấy trắng giống nhau xong gấp làm tư rồi đem lắc đều trong một cái mũ. Bây giờ rao hẹn rằng một người nào đó bốc ra một miếng giấy trúng tên ai thì người trúng được năm đồng tiền hùn. Theo re`gle de probabilite’ , (67) mỗi người có hai mươi phần trăm được bốc trúng tên. Vậy ai được năm đồng là do sự may mắn chứ không phải người đó có số mạng may mắn. Ngược lại, nếu rao hẹn rằng nếu ai bị bốc trúng tên thì phải lau nhà chẳng hạn thì người đó chỉ vì sự rủi ro mà bị lau nhà chứ không phải có số mạng bị lau nhà. Cái may, cái rủi phần nhiều do chính mình gây ra theo câu nói của Người Pháp On re’colte ce qu’on a seme’ (68). Nhưng cái may, cái rủi có khi đến không vì mình gây ra.
Hường nói:
_Bất hạnh xảy đến không do mình gây ra có biết bao nhiêu là trường hợp.
Thí dụ những đứa trẻ sanh ra bị tàn tật hoặc bị cha mẹ giết chết hay vứt bỏ; những trẻ bị mồ côi sớm, bị sống xa cha hoặc mẹ vì cha mẹ ly dị, bị cha mẹ ruột bỏ rơi hoặc bị hành hạ bởi cha mẹ ruột hay cha mẹ ghẻ; những nạn nhân do thiên tai, chiến tranh hoặc chính trị, vân vân.
Lan bàn:
_Ngoài ra, “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” (69) phải không Dì Ba?
Dì Ba đồng ý:
_Đúng vậy vì câu Chữ Hán này được nói ra từ những kinh nghiệm trong đời sống.
Bất hạnh đến với người ta không biết lúc nào, kéo dài không biết bao lâu và thời gian là thuốc nhiệm mầu. Sự kéo dài của bất hạnh hoàn toàn tùy nạn nhân. Nhận ra được rõ ràng và đầy đủ mình đã gây ra bất hạnh như thế nào sẽ giúp cho đương sự chịu đựng được và mau thoát khỏi bất hạnh. Nhận thức được rằng bất hạnh do thiên tai, chiến tranh hoặc chính trị xảy đến không do mình gây ra cũng sẽ giúp cho mình chịu đựng được và mau thoát khỏi bất hạnh.
Tôi vừa ăn uống vừa lắng nghe mọi người nói chuyện. Nhìn ba người đàn bà, tôi thấy họ hấp dẫn vì những gì xảy ra giữa họ và tôi sau đó mới vì dung nhan. Tôi nghĩ điều tôi đã đoán Dì Ba mới ngoài bốn mươi là không chắc. Dì trẻ hơn thế mặc dầu tuổi đáng cha mẹ. Uống thêm một hớp bia, tôi lâng lâng, lên tiếng:
_Cách đối phó với bất hạnh Dì Ba nêu ra giống như quan niệm của La Mennais (70) về cuộc đời.
_Không sai. Đó là câu Il faut accepter la vie telle qu’elle est non telle qu’elle devrait e^tre của tác giả phải không? Dì Ba xác nhận rồi hỏi.
_Dạ phải. Tôi đáp.
Dì Ba nói tiếp:
_Cuộc đời thật ra nó thế nào thì phải chấp nhận nó như vậy, không được bảo đời phải thế này thế nọ rồi mới chấp nhận. Nói khác di, phải chấp nhận những gì thực tế, những gì controverse’ (71) thì Dans le doute, abstiens-toi. (72).
Khoa nói:
_Dans le doute, abstiens-toi giống như giải pháp ze’ro trong Thuyết Trung Dung của Khổng Tử.
Dì Ba kết luận:
_Phải chấp nhận rằng con người ta bị sanh ra. Rồi bị đau ốm, bị tật nguyền, bị bất hạnh do mình gây ra và không do mình gây ra, rồi cuối cùng phải chết. Chấp nhận những thực tế này để mà sống cũng như được tiêm chủng ngừa để phòng bệnh vậy. Ngoài ra, những gì controverse’ thì Dans le doute, abstiens-toi.
Hường hỏi:
_Như vậy có phải là quan niệm Duy Vật không?
Khoa lên tiếng:
_Những điều Dì Ba nói chỉ là khoa học bởi vì chỉ chấp nhận những gì có bằng chứng, ngoài ra im lặng trước những gì không có bằng chứng hoặc controverse’.
Tôi giải thích thêm:
_Thuyết Duy Vật (Mate’rialisme) nói rằng vật chất có trước rồi trên đó sinh ra linh hồn, trí thông minh và tình cảm. Linh hồn, trí thông minh và tình cảm sống nhờ trên vật chất cho nên khi động vật – gồm có con người – chết đi, nghĩa là vật chất (thân thể) bị tiêu diệt, thì linh hồn, trí thông minh và tình cảm cũng bị tiêu diệt theo.
Thuyết này lý luận rằng bào thai ở trong bụng động vật – gồm có con người – chỉ là vật chất và khi sinh ra mới biết nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy, sờ thấy, rồi có linh hồn, trí thông minh và tình cảm.
Ba người đàn bà bỗng nhìn nhau cười, đôi mắt sáng long lanh và mặt hồng lên vì vui và bị thu hút vào cuộc nói chuyện trong bữa ăn ngon.

(67) Re`gle de probabilite’: qui tắc của sự có thể xảy ra.
(68) On re’colte ce qu’on a seme’: người ta gặt hái những gì người ta đã gieo.
(69) Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí: phúc chẳng đến lại, họa không tới một lần.
(70) Il faut accepter la vie telle qu’elle est non telle qu’elle devrait e^tre – La Mennais: Cuộc đời thật ra nó thế nào thì phải chấp nhận nó như vậy, không được bảo đời phải thế này thế nọ rồi mới chấp nhận – La Mennais (hay Lamennais).
(71) Controverse’: còn đang bàn cãi, chưa biết có hay không, chưa biết đúng hay sai.
(72) Dans le doute, abstiens-toi: hãy khoan khi chưa chắc.

Lan hỏi:
_Vậy còn Thuyết Duy Tâm nói gì?
Tôi đáp:
_Thuyết Duy Tâm (Spiritualisme) bảo rằng tinh thần (esprit) tức là linh hồn, trí thông minh và tình cảm có trước và tạo ra vật chất (thân thể) nên khi động vật – gồm có con người – chết đi, tức là vật chất (thân thể) bị tiêu diệt, thì chỉ có vật chất (thân thể) bị tiêu diệt chứ tinh thần không bị tiêu diệt mà chỉ tách ra thôi. Thuyết Duy Tâm còn nói rằng linh hồn có trước và chỉ huy việc trứng và tinh trùng của động vật – gồm có con người – đậu thai.
Dì Ba cười bàn:
_Làm sao biết được linh hồn có trước và chỉ huy việc đậu thai? Bằng chứng đâu? Vậy thuyết Duy Tâm controverse’.
Làm sao biết được bào thai chỉ là vật chất? Bằng chứng đâu? Vậy thuyết Duy Vật controverse’.
Do đó, chỉ nên chấp nhận những gì có thật, những gì có bằng chứng. Ngoài ra, những gì controverse’ thì Dans le doute, abstiens-toi.
Hai cô gái vỗ tay, Khoa và tôi vỗ tay.
Tôi uống một ngụm bia, rồi nhìn hai cô gái và Dì Ba, chậm rãi nói:
_Ngồi đây như thế này thật là vui. Nhưng muốn mời Dì Ba và hai cô đi ăn sáng hoặc ăn nhà hàng thì chỉ chở được hai người. Vì vậy Khoa và con muốn để một chiếc Mobylette mới tại tiệm may. Ngoài ra, chiếc xe để Dì Ba và hai cô dùng đi chợ hoặc đi công chuyện cho tiện và nhanh. Mong Dì Ba đồng ý.
Dì Ba hơi ngạc nhiên nhưng cười hỏi hai cô gái:
_Lan và Hường nghĩ sao?
_Con có thể nhận và rất cám ơn hai ảnh, nhưng còn tùy ý của Dì Ba. Lan đáp.
__Con cũng vậy. Hường nói theo.
Khoa lên tiếng:
_ Đã có hai phiếu thuận trên ba, mong Dì Ba đồng ý cho.
Dì Ba vừa cầm xoay nhẹ trên bàn ly bia chỉ còn nước đá vừa cảm động nói:
_ Vậy Dì cám ơn Khoa và Khánh rất nhiều. Hai con thiệt tử tế.
Khoa nói liền:
_Chủ Nhật tới con sẽ chở Dì Ba tới tiệm bán mũ an toàn mua chiếc Mobylette mới. Con cần Dì Ba viết tên họ của Dì và địa chỉ tiệm may vào facture (73).
_Mình sẽ tới đó, cám ơn hai con. Dì Ba cười nhìn Khoa và tôi trả lời.

(73) Facture: hóa đơn.

Hường cầm tô đi lấy thêm nước đá.
Lan vào nhà trong bưng ra một bình nước đá chanh tươi đường đã pha sẵn để trong tủ lạnh.
Mọi người tiếp tục ăn uống và cười nói vui vẻ.
Hai cô gái vui nhất, thỉnh thoảng cười nhìn hai đứa tôi …

Mua chiếc Mobylette mới màu beige tại Sài Gòn, rồi thuê chở bằng tầu hỏa tới Mỹ Tho rẻ hơn mua tại Mỹ Tho khoảng hai ba trăm bạc, nhưng xe có thể bị trầy hoặc móp trong lúc chất và dỡ hàng. Tôi đoán vì vậy Khoa muốn mua chiếc xe tại Mỹ Tho. Để khỏi bị thiếu tiền trong chuyến đi, hắn và tôi mỗi người hùn năm nghìn đồng.
Sau bữa cơm trưa Thứ Bảy, tôi chuẩn bị xong mọi thứ, rồi kiểm điểm lại số tiền được khoảng nửa giờ, thì Khoa đến, mặt không vui lắc đầu nói:
_Không xong rồi!
_Cái gì không xong? Tôi hơi giật mình hỏi, tưởng có chuyện xảy ra cho lớp luyện thi.
_Ông Bô tao đêm qua đau bụng vào bệnh viện nằm phòng cấp cứu, rồi sáng nay bị mổ vì sưng ruột thừa (appendicite). Vậy là tuần tới mình mới đi Mỹ Tho được. Khoa trả lời rồi nhăn nhó hỏi sau khi im lặng một lúc:
_Mày xem báo hôm nay chưa?
Tôi đáp:
_Tao bận quá chưa xem. Có gì lạ không?
Khoa kể:
_Mục Từ Thành Đến Tỉnh hôm nay đăng hai vụ tao chưa từng thấy, chưa từng nghe và đọc bao giờ và có lẽ là những chuyện có một không hai trên đời.
Một gã thông dâm với dì ghẻ đã bị cha ruột bắt được đôi lần. Trưa hôm Thứ Năm vừa qua, hắn công khai lấy bà dì ghẻ trong buồng tại nhà người cha. Ông Bố thấy vậy lên tiếng chửi mắng bị hắn đánh mang thương tích phải nằm bệnh viện.
Tôi cắt ngang:
_Trời ơi! Tao cũng chưa nghe chuyện này bao giờ, đúng là có một không hai trên đời.
Khoa nói tiếp:
_Vụ thứ hai là một gã dân vệ vào nhà một thiếu phụ chồng đi lính xa. Thiếu phụ đang nằm cho con bú trên võng mắc ngang qua chiếc giường ván gõ (74). Gã dân vệ bỗng rút chốt một quả lựu đạn, hăm dọa người đàn bà phải cho hắn lấy nếu không hắn sẽ buông tay cho nổ lựu đạn. Trong khi gã dân vệ hãm hiếp thiếu phụ trên giường, thì quả lựu đạn vuột khỏi tay hắn, phát nổ giết chết hắn và thiếu phụ cùng với đứa con thơ nằm trên võng.
Tôi bỗng kêu lên:
_Thật thê thảm quá! Tội nghiệp cho hai mẹ con nạn nhân. Tao nói thật nếu chỉ thằng dân vệ còn sống sót và nếu giết được nó một cách phi tang, tao không ngần ngại đâu.
Khoa hưởng ứng nhanh và than phiền:
_Tao cũng không ngần ngại làm như mày. Hôm nay sao xảy ra nhiều chuyện làm tao buồn bực và khó chịu quá. Đầu tiên là ngày mai Chủ Nhật không đi Mỹ Tho được. Rồi đọc phải bài báo và rồi sáng nay tao đã làm một cái gáp (75).
Tôi ý kiến:
_Mày hỏi hôm nay sao xảy ra nhiều chuyện, tức là mày không muốn những chuyện đó xảy ra, cũng nghĩa là mày không chấp nhận những gì thật đã xảy ra. Vì vậy, theo Dì Ba nói, mày kém chịu đựng nên buồn bực và khó chịu. Và có lẽ cũng do đó mà mày đã làm một cái gáp. Đó là gì vậy?

(74) Giường ván gõ: giường bằng gỗ gụ, một thứ gỗ tốt.
(75) Gáp: gaffe: lời nói hoặc hành động quá vụng về không đáng mắc phải.

Khoa nói:
_Sáng nay tao ra bưu điện đánh điện tín cho Hường nói rằng bọn mình không thể đi Mỹ Tho
ngày mai
Chủ Nhật vì Ông Bô tao bị sưng ruột thừa phải giải phẫu. Đúng ra phải đánh điện tín cho Dì Ba mới phải phép.

Tôi bàn:
_Chuyện này tuy không được hay ho trăm phần trăm nhưng chắc chắn hiệu quả. Sau này làm luật sư cãi cho thân chủ, mày muốn thắng kiện hay muốn được khen cãi rất hay nhưng thua kiện?
Thấy Khoa trầm ngâm, tôi đề nghị:
_Để tao đi mua bia và chút gì ăn.
Nói rồi tôi tự động ra xe lái đi.
Khoảng nửa giờ sau tôi đem về một chai bia Larue, tàu hủ chiên muối xả, nấm hộp của Pháp và hành tây trong khi Khoa đang ngồi xem tạp chí Se’lection du Reader’s Digest.
Xào nấm với hành xong, tôi đem bia và nước đá cùng các thứ ra bàn rồi nói:
_Mai Chủ Nhật không đi Mỹ Tho được tao cũng hơi buồn. Lại buồn thêm khi nghe tin trên báo. Vậy uống chút bia cho vui lên và ăn chay cho thật yên tâm.
_Ăn chay cho thật yên tâm? Khoa hỏi.
Tôi chậm rãi nói:
_Con vật từ to đến nhỏ, trên đất, trên cây và dưới nước vì không làm ra được cái gì để ăn nên phải ăn lẫn nhau mà sống còn. Con người sản xuất ra đồ ăn và có thể ăn chay để sống, bởi thế đôi khi ăn miếng thịt nấu nướng ngon có thể chạnh lòng hoặc không yên tâm vì nghĩ rằng một sinh mạng thú vật đã bị giết chết. Vậy lúc này tao ăn chay cho thật yên tâm.
Khoa lắc đầu cười. Ăn xong miếng tàu hủ, hắn nói:
_Nước tương đậu nành cũng ngon, mày mua ở đâu thế?
Tôi trả lời:
_Tao chỉ bỏ thêm vừa vặn đường với chút dầu mè và ớt, nên nước tương thành như vậy.
Chiều hôm sau Chủ Nhật, Khoa và tôi mua trái cây rồi cùng nhau đem vào bệnh viện thăm Ông Bô hắn.
Chiều Chủ Nhật đã buồn, không đi được Mỹ Tho, buồn thêm và tuần lễ như dài thêm.

Trước khi lên xe Khoa chở đi mua chiếc Mobylette mới màu beige, Dì Ba nói từ khi chiếc Ve’losolex (76) của Dì hư bỏ, Dì đã lâu không đi xe gắn máy nên ngại không muốn lái chiếc Mobylette về nhà.
Tôi đề nghị Khoa chở Dì Ba đi mua xe. Mua xong dắt chiếc xe ra dựng ngoài vỉa hè, khóa lại. Dì Ba ở lại với chiếc xe. Khoa về nhà chở tôi tới tiệm xe rồi chở Dì Ba về nhà, còn tôi lái chiếc Mobylette theo sau. Ba người đàn bà khen ý kiến hay làm tôi vui quá và Khoa toe miệng cười.

(76) Ve’losolex: xe gắn máy đàn bà của Pháp chế tạo, tốt và đẹp lịch sự.
(77) Mode d’emploi: cách dùng.
(78) Thắng: phanh (frein).

Khi tôi tắt máy chiếc Mobylette màu beige mới tinh rồi dựng trước tiệm may, Lan và Hường ùa ra ngắm nghía khen đẹp, Dì Ba cũng nói xe đẹp. Tôi cảm thấy Chủ Nhật hôm nay vui như ngày Tết trong khi Khoa luôn miệng cười.
Hắn nói:
_Bây giờ chỉ cần lên đạp nhẹ như đạp xe đạp là chiếc Mobylette nổ chạy liền vì máy đang nóng. Con đề nghị Dì Ba lên xe chạy thử vòng quanh khu nhà mình. Con lái Lambretta chầm chậm đi trước, Dì lái Mobylette theo sau cách xe con khoảng bốn lần chiều dài chiếc Mobylette.
Sau khi chạy xe được ba vòng, Dì Ba nói:
_Quen lại rồi. Dượt thêm vài lần nữa là quen hẳn và có thể lái xe đi mọi nơi.
Hai cô gái có vẻ hào hứng. Lan đòi thử chạy xe, rồi Hường cũng đòi thử. Mỗi cô cũng chạy xe ba vòng như Dì Ba.
Tôi nói:
_Trong quyển sách nhỏ kèm theo xe, mục Mode d’emploi (77) có nói phải đổ xăng bao nhiêu phần trăm dầu, vận tốc rodage xe không được chạy quá là bao nhiêu, số cây số phải chạy rodage là bao nhiêu. Vận tốc xe đang chạy và xe đã chạy được bao nhiêu cây số hiện ra trên đồng hồ xe trước mặt tài xế. Vậy Dì Ba và hai cô theo đó áp dụng.
Khoa nói tiếp:
_Cũng như đi xe đạp, đi Mobylette tới ngã tư đường cần chạy chậm lại, ngó bốn phía và sẵn sàng thắng (78) gấp nếu cần. Lái Mobylette chậm nếu hai bên đường có cây bụi che vì có thể có người ở trong đó đi ra. Không nên mặc áo dài khi chạy xe gắn máy vì tà áo có thể vướng vào bánh xe sau.
Thấy mọi người có vẻ còn muốn thử Mobylette, tôi tiếp theo Khoa chạy Lambretta dẫn đường cho mỗi người lái thêm được ba vòng.
Mọi người có vẻ mệt nên vào nhà ngồi nghỉ uống cà phê.
Khoa cho tôi xem cái facture (73) để thấy giá tiền xe là tám nghìn tám trăm năm mươi đồng, rồi trao cho Dì Ba.
Lan nói:
_Trưa nay Dì Ba đãi thịt bò nhúng dấm cuốn với bún và rau trong bánh tráng, bíp tếch sa lát bánh mì, do chính Dì làm. Ngoài ra có bia Larue cho hai anh.
Khoa và tôi cùng Lan và Hường vỗ tay.
Vừa ngồi vào bàn ăn, Dì Ba hỏi Khoa:
_Ba con khoẻ lại như thường rồi chớ?
_Dạ, sức khỏe ba con đã khá nhiều, cám ơn Dì Ba. Khoa đáp.
Dì nhìn Lan và Hường cười nói:
_Bữa nay có thể Lan và Hường cùng với Dì chia chai 33 thứ nhì. Còn Khoa và Khánh phải lái xe về Sài Gòn nên mỗi người uống nửa chai Larue như trước.
Lan, Hường, Khoa và tôi cười vỗ tay nữa.
Tôi cảm thấy vui quá, nghĩ rằng buổi nói chuyện hôm nay sẽ cởi mở và thân mật rất nhiều. Khoa vui ra mặt cười luôn miệng.
Lan nói:
_Anh Khánh mới ở Sài Gòn một năm mà cuốn bánh tráng gọn thiệt.
_Đó là nhờ có thầy dạy chỉ bí quyết và cuốn cho xem. Tôi trả lời.
_Người đó là ai vậy? Lan hỏi.
Tôi đáp:
_Bà chủ nhà trọ nấu cơm tháng cho học trò chỗ tôi ở.
Dì Ba nói:
_Thứ Bảy tuần trước, mục Từ Thành Đến Tỉnh có đăng hai vụ cho đến bây giờ ba mươi tám tuổi Dì mới hay lần đầu. Khoa và Khánh chắc cũng đã đọc các tin này.
Tôi bàn:
_Chẳng có một mảy may tình thương cha và là một kẻ vô ơn tồi tệ nhất, đứa con trai mới có thể làm hai chuyện đó.
Khoa tiếp lời:
_Gã dân vệ là một tên ác bá hạ cấp ngu xuẩn chưa từng thấy.
Lan nói:
_Tên dân vệ mà còn sống đem giết nó cho rồi.
Dì Ba uống một chút bia, giải thích:
_L’homme est un animal supe’rieur (79) vì vậy con người có cái thú tánh tình dục tột cùng chẳng những xảy ra trong hai vụ báo đăng mà còn trong lịch sử.
_Trong lịch sử? Tôi hỏi.
_Chớ sao. Dì Ba đáp rồi nói tiếp:
_Cái thú tánh tình dục tột cùng xảy ra trong việc vua có hoàng hậu, quý phi và hàng ngàn cung nữ; quan có vợ lớn, vợ bé, hầu thiếp; dân nghèo cũng vợ lớn, vợ bé. Và đàn bà vì không làm ra tiền chỉ nội trợ nên đã bị áp bức cả ngàn năm. Người ăn học đàng hoàng như các con phải nhận rõ sự thật này và đàn ông nếu không kềm chế được cái thú tánh tình dục tột cùng thì đừng nên lấy vợ. Phụ nữ nếu không tránh được bậy bạ tình dục cũng đừng nên có chồng.
Hường và Lan cùng lên tiếng:
_Dạ đúng vậy.
Khoa hỏi:
_Ý Dì Ba nói nên ly dị người chồng ngoại tình. Điều này phụ nữ tân tiến thời nay làm rất nhiều. Nhưng con chưa hiểu rõ tại sao chồng không ngoại tình, vợ không ngoại tình mà vẫn ly dị nhau để rồi sau đó mỗi người đi lập một gia đình mới và sống bình thường.
Dì Ba nói:
_Câu hỏi hay và muốn trả lời phải dài dòng.
Mọi người im lặng chờ nghe, tôi ngoài ra rất thích thú biết rõ được Dì Ba ba mươi tám tuổi chứ không phải ngoài bốn mươi như tôi đã đoán.

(79) L’homme est un animal supe’rieur: con người là một con thú cao cấp.
(80) Héroïne: diace’tylmorphine: chất nghiện từ morphine (chất á phiện) và độc hơn morphine. Héroïne là một chất bột trắng người nghiện để lên lòng bàn tay mà hít vào.
(81) Guichet: cửa sổ nhỏ trước quầy làm việc của nhân viên.

Dì Ba nói tiếp:
_Sau đây có thể là các lý do ly dị của những cặp vợ chồng không ai ngoại tình.
Thứ nhứt: impuissance e’lective, tức là liệt dương trong một số trường hợp mà thôi. Thí dụ: động phòng xong, chú rể biết cô dâu đã mất trinh từ trước và sau đó liệt dương luôn đối với vợ.
Thứ nhì: lấy lầm phải chồng đào mỏ.
Thứ ba: lấy lầm phải chồng là bác sĩ giả mạo, kỹ sư giả mạo, vân vân.
Thứ tư: chồng lười biếng để gia đình lâm cảnh túng thiếu không thoát ra nổi.
Thứ năm: chồng hoặc vợ ghiền rượu, ghiền á phiện, ghiền héroïne (80), cai không nổi; ghiền cờ bạc không bỏ được.
Thứ sáu: chồng hoặc vợ phá của đem tiền về cho cha mẹ, anh em, hoặc bà con.
Thứ bảy: chồng hoặc vợ xài tiền quá nhiều.
Thứ tám: chồng hoặc vợ tóc gầu, miệng hôi, nách hôi, bàn tọa hôi.
Lan và Hường bỗng cười khúc khích làm Khoa và tôi cười theo.
Dì Ba cũng cười nói tiếp:
Thứ chín: chồng hoặc vợ không chừa được tánh xấu làm nhà cửa bừa bãi và dơ.
Thứ mười: chồng hoặc vợ ít khi ở nhà; ham đàn đúm, hội hè, nhà thờ, hoặc chùa chiền.
Vân vân, nói ra không hết.
Hường vẫn còn cười hỏi:
_Nếu cả hai vợ chồng đều tóc gầu, miệng hôi, nách hôi, bàn tọa hôi thì đúng là nồi nào úp vung nấy, tại sao lại có thể ly dị nhau ?
Dì Ba đáp:
_Vẫn có thể ly dị chớ bởi vì tóc gầu mình hôi, miệng mình hôi, bàn tọa mình hôi người ta không ngửi thấy; nách mình hôi nặng người ta ngửi quen nên thấy không sao. Trong khi đó, người ta vẫn chê vợ hoặc chồng tóc gầu hôi, miệng hôi, nách hôi, bàn tọa hôi rồi chán nản không muốn gần.
Nói xong, Dì Ba cùng mọi người cười rũ ra.
Uống một chút bia, tôi lên tiếng:
_Chỉ trong vòng hơn trang giấy, Dì Ba đã nói ngắn gọn, rõ ràng và gần như đầy đủ về hôn nhân cũng như tìm ra cái thú tánh tình dục tột cùng của con người …
Hường bỗng cắt ngang:
_Người ta, nhứt là đàn ông, làm cách nào để kềm chế cái thú tánh tình dục tột cùng của con người?
Khoa nói:
_ Để có thể kềm chế cái thú tánh tình dục tột cùng của con người, trước hết phải chấp nhận sự thật như hai với hai là bốn Dì Ba đã nói: “Đàn ông nếu không kềm chế được cái thú tánh tình dục tột cùng thì đừng nên lấy vợ, phụ nữ nếu không tránh được bậy bạ tình dục cũng đừng nên có chồng”.
Phải biết rằng ngoại tình là một hành động bất công, vô trách nhiệm.
Bất công ở chỗ tại sao muốn vợ hoặc chồng trung thành mà mình lại đi ngoại tình.
Vô trách nhiệm ở chỗ ngoại tình làm cho gia đình tan nát, đau khổ. Ngoại tình có thể đưa đến án mạng, khiến cho con có thể sẽ thất bại trên đường đời hoặc thành gái thanh lâu, kẻ trộm cướp, buôn lậu, nghiện ma túy, giết người.
Khi một người hết lòng hết sức đối xử tốt với mình mà mình đối xử lại bằng một hành động tồi tệ nhất thì mình không khác một kẻ đểu giả. Vậy ngoại tình giống như hành động của một kẻ đểu giả.
Hường khen:
_Anh Khoa nói đúng quá.
_Và hay nữa. Lan và tôi cùng nói tiếp theo.
Dì Ba cười, chia chai 33 thứ hai với Hường và Lan.
Tôi hỏi Dì:
_Con người ngoài cái bản chất thú tánh tình dục tột cùng, còn có bản chất nào đáng kể ra nữa không?
Dì Ba trả lời:
_Gian tham tiền của cũng là bản chất của con người. Bằng chứng là cây viết rẻ tiền ngay trước mặt nhân viên ngân hàng cũng phải cột vào bàn guichet (81) để khỏi bị mất. Thấy không, khách gửi tiền ngân hàng nếu không giàu thì cũng dư tiền bạc mà vẫn ăn cắp cây viết rẻ tiền, vẫn gian tham tiền của.
Đoạt tiền của, lường gạt, thụt két, buôn lậu, buôn hàng cấm, ăn cắp, ăn trộm, và ăn cướp là những biểu lộ chất phác nhứt của bản chất gian tham tiền của.
Những biểu lộ khác của bản chất gian tham tiền của là nhân viên chánh phủ làm tiền dân chúng, ăn hối lộ, giả mạo giấy tờ đề ăn cắp tiền quốc gia.
_Còn nhiều bản chất của con người nữa có ai biết không? Dì Ba tạm ngưng, uống một chút bia rồi hỏi mọi người.
Cảm thấy vui quá, tôi buột miệng:
_Con người còn có cái bản chất hỗn láo vô cùng. Bởi vậy mới có câu ca dao:
Gần chùa gọi bụt bằng anh.
Thấy bụt hiền lành bế bụt đi chơi.
Mọi người cười rộ, nhất là Lan. Dì Ba vừa lắc đầu vừa cười mãi …
Dì nói:
_Nếu lòng không buồn phiền và đừng mang bất mãn với thù hận, thì người ta sẽ thấy cuộc đời rõ ràng là một hài kịch, có phải vậy không?
Lan, Hường, Khoa và tôi vỗ tay.
Mọi người tiếp tục ăn uống vui vẻ.
Lan nói:
_Người ta có bản chất ganh ghê gớm.
Khoa bàn:
_Ganh đua vui và tốt chứ, giống như Nguyễn Bá Học viết:
Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay.
Ngựa có bầy cùng đua, nước đua mới mạnh.
Hường xen vào:
_Ý Lan muốn nói về bản chất ganh ghét của con người như trong câu tục ngữ “Xú diện ố nga mi”.
Lan tiếp lời:
_”Xú diện ố nga mi” nghĩa là mặt xấu ghét mặt đẹp. Bản chất ganh ghét của con người không phải chỉ có vậy. Nó giống như khi mình lên thang lầu, người ở trên không muốn mình bằng đạp mình xuống, còn kẻ ở dưới không muốn mình hơn níu chân mình lại.
Tôi bàn:
_Như vậy chứng tỏ người ta có cái bản chất muốn hơn người. Ở người tốt, bản chất này là ganh đua. Nhưng ở người xấu, bản chất này thành ganh ghét. Ngoài ra, bản chất muốn hơn người khiến người ta cho rằng cái gì của mình cũng hay, chẳng hạn như tác phẩm của mình trong câu ca dao:
Xưa nay thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Dì Ba nói:
_Sau cùng, có lẽ đáng kể ra nữa là cái bản chất yêu và ghét của con người. Bản chất này ở người tốt là yêu những gì tốt và ghét những gì xấu. Nhưng ở người tầm thường, bản chất này được diễn tả trong câu tục ngữ “Yêu trái ấu cũng tròn, ghét bồ hòn cũng méo”.
Tôi hỏi:
_Có phải ý Dì Ba muốn nói phải chấp nhận rằng con người có những bản chất không tốt để mình ráng đừng như vậy và khi gặp những kẻ như vậy sẽ không lấy làm lạ, do đó thường có được quan hệ thích hợp?
_Đứng vậy. Dì Ba trả lời rồi hỏi món ăn trưa nay mọi người thấy được không.
Ai cũng khen ngon. Tôi nói thêm rằng ở Sài Gòn một năm, đây là lần đầu tiên tôi được ăn mắm nêm không xay còn nguyên con cá cơm nên thấy ngon quá.
Khoa khen thêm:
_Hôm nay Người Pháp nền nếp nếu ngồi ăn chung cũng phải nể vì thấy không có gì vãi hoặc nhiễu xuống khăn bàn trừ vụn bánh mì.
Lan kể:
_ Hường và em tới đây mỗi đứa mới mười hai tuổi được Dì Ba dạy may và các thứ đó.
Hường nói:
_Dì Ba thiệt là hay và đạo đức.
_Thôi, mọi người nói tôi là gì cũng được, tôi ngại hai chữ đạo đức lắm bởi vì Les vertus se perdent dans l’inte’re^t comme les fleuves se perdent dans la mer (82). Dì Ba cười vui đáp lại.

(82) Les vertus se perdent dans l’inte’re^t comme les fleuves se perdent dans la mer –François duc de La Rochefoucauld: Những đức hạnh mất đi trong tư lợi cũng như những con sông mất đi trong biển cả – Công Tước François de La Rochefoucauld.

Ăn uống xong, Khoa và tôi giúp hai cô gái dọn đẹp như thường lệ.
Thấy Lan làm việc hấp tấp, tôi hỏi:
_ Cô có vẻ vội vã, chắc hôm nay có chuyện gì.
_ Bữa nay tới phiên em về quê thăm nhà. Lan trả lời.
Tôi hỏi tiếp:
_Cô ra bến xe bằng cách nào?
_Hường sẽ chở em bằng xe đạp như mọi lần.
_Tôi hiểu rồi, vẫn chở bằng xe đạp vì chưa quen chở bằng xe gắn máy. Thôi để bọn tôi chở hai cô ra bến xe, sau đó Khoa chở Hường về tiệm may.
_Như vậy sợ trễ hai anh về Sài Gòn.
_Không trễ chút nào đâu.
_Vậy em cám ơn hai anh.
Khoa lên tiếng:
_Ý kiến hay đó. Dọn dẹp lẹ lên để còn ngồi nghe Dì Ba nói chuyện tiếp.
Hường nói:
_Dì Ba cũng học giỏi lắm đó, Dì đậu Brevet (83) với Mention Assez Bien nhưng bị cha mẹ theo phong tục xưa không cho con gái học nhiều, Dì phải nghỉ học ở nhà. Tủ sách cửa kiếng trên lầu của Dì đầy sách báo Pháp, Anh.

(83) Đíp Lôm xưa: Brevet: brevet d’e’tudes du premier cycle (B.E.P.C.): Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp của Pháp.
Mention Assez Bien: Hạng Bình Thứ (điểm trung bình từ 12/20 tới 13,75/20 trong khi điểm đậu chỉ cần 9,75/20).

Tôi bỗng suy nghĩ rồi vào phòng rửa mặt kiểm lại phong bì tiền phần tôi đem đi mua xe còn dư Khoa mới đưa trả. Số tiền đúng năm trăm bảy mươi lăm đồng.
Chở Lan đằng sau xe Khoa chở Hường, tôi nói:
_Cô Lan, quen được cô đã khá lâu, hôm nay tôi có món quà để tặng cô mong cô hãy nhận. Tôi nghĩ rằng bác gái sẽ thích thú vì lần này cô mang tiền về nhà nhiều hơn, như vậy tôi vui, thế thôi.
_Anh Khánh, anh đã tốn tiền quá nhiều vì chiếc Mobylette, lại còn cho em tiền, em ngại quá.
_Cô hãy cầm lấy chiếc phong bì này trong đó chỉ có năm trăm bảy mươi lăm đồng là số tiền tôi mang đi còn dư sau khi mua xe.
Lan vẫn ngồi yên hỏi:
_Sao anh không giữ lại làm tiền phòng hờ trên đường về Sài Gòn?
_Không. Vì tôi đã dằn bóp đủ tiền. Tôi đáp.
Lan vừa nhận chiếc phòng bì vừa ấp úng:
_Em … em cám ơn anh rất nhiều.
Nàng nhè nhẹ ngả về đằng trước chạm vào lưng tôi. Qua chiếc kính chiếu hậu, tôi thấy Lan cười, tóc bay trong nắng …
Trên đường về Sài Gòn, Khoa lái chậm lại chờ xe tôi tới gần rồi hỏi:
_Mày vừa tặng tiền cho Lan phải không?
_Sao mày biết? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
_Tao tình cờ nhìn kính chiếu hậu thấy Lan nhận chiếc phong bì mày đưa, chiếc phòng bì tiền còn dư tao trả lại mày phải không?
Tôi đáp:
_Phải.
Khoa ý kiến:
_Hai cô gái nhận tiền tặng của bọn mình không chênh lệch nhau nhiều thì tốt hơn.
Tôi nói:
_Vậy mỗi lần tặng tiền, mày với tao nên cho nhau biết là bao nhiêu.
_Làm như vậy đi. Khoa kết luận.

Lần này từ Mỹ Tho về tới Sai Gòn hơi trễ nhưng không sao, tôi vẫn có đủ thì giờ lau chiếc Lambretta mới của tôi như thường lệ. Tôi lau xe thích thú hơn mọi lần nhiều vì đã làm xong những gì dự tính đối với Lan. Thế là từ nay tôi có thể tặng Lan từ sáu trăm đến một nghìn đồng khi nàng về thăm mẹ mỗi tháng. Đồng bạc giữ giá, một tô phở, mì, hoặc hủ tíu vẫn chỉ năm đồng. Nhiều hơn một nghìn đồng tôi không kham nổi, tôi chỉ kiếm tiền nhiều trong ba tháng hè. Năm nay học P.C.B. tôi rảnh rất ít để dạy học luyện thi. Năm tới bắt đầu học Y Khoa, tôi sẽ không dư thì giờ và lợi tức khi đó chỉ trông vào những tháng hè cộng với tiền lương Quân Đội trả cho tôi nếu tôi thi đậu vào Quân Y. Tôi cho Khoa hay hết chuyện này. Hắn suy nghĩ rồi nói:
_Vậy phải thuê người dạy thế có khả năng trong thời gian mày bận học.
Tôi bàn:
_Thuê sinh viên bên luật khoa có khả năng và là con nhà giàu.
_Tại sao phải là con nhà giàu? Khoa hỏi.
Tôi đáp:
_Sinh viên con nhà giàu dạy học kiếm tiền xài thêm chứ không có ý muốn đoạt lớp học của mình.
Khoa quyết định:
_Vậy tao sẽ làm như mày nói và thuê hai người để có sự ganh đua ai cũng ráng dậy cho hay. Thuê một người, mình có thể bị bắt chẹt đòi tăng lương hoặc làm eo làm sách.
Tôi nói:
_Năm nay chưa phải thuê người dạy thế tao, nhưng học trò của mình thi đậu phải nhiều thì năm tới lớp học mới đông. Tao nghĩ số phần trăm thi đậu phải làm sao cho được bảy mươi lăm trở lên.
Khoa có vẻ đăm chiêu:
_Mày sẽ có lương Quân Y, còn tao chỉ trong cậy vào lớp dạy luyện thi trong suốt thời gian học Đại Học. Nếu lớp này tan rã, tao thật không biết sẽ ra sao.
Tôi bàn:
_Chuyện đó không xảy ra được vì bài học mình đem dạy ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ; học trò bị gọi lên hỏi bài nhiều lần, làm bài tập nhiều; những học trò kém cỏi được theo sát giúp đỡ.
Khoa kết luận:
_ Hy vọng sẽ thành công như mày nghĩ. Tao sẽ để người dạy thế mày phụ trách những phần không quan trọng, ngoài ra sẽ hỏi học trò hay nói để biết họ dạy ra sao.
Tôi bàn thêm:
_Học trò thi rớt hai khóa nếu muốn tiếp tục học sẽ chỉ đóng nửa tiền. Điều này không bao giờ nói ra trước hai khóa thi.
Cuộc đời hai đứa tôi cứ thế êm trôi nhờ cố gắng và có lẽ cả may mắn. Chúng tôi học, kiếm tiền, sống vui và chờ ngày Chủ Nhật đi chơi Mỹ Tho.
Ngày Thứ Hai học và dạy học xong là tôi bắt đầu có niềm vui chờ đợi, chờ đợi để gặp những người tôi thích, những người rất quý giá đối với tôi, trong đó có Lan. Dưới con mắt người đời, Dì Ba, Hường và Lan chỉ là một bà chủ tiệm may nhỏ đông khách và hai cô thợ, tuy cả ba đều nhan sắc, nhưng với một tương lai không có gì chắc chắn để có được chồng cao sang. Tôi nghĩ trăm người trăm ý, ai đúng ai sai kết quả sẽ trả lời.
Khoảng ba giờ trưa Thứ Bảy Khoa thường đến chỗ tôi trọ, có lẽ để chia xẻ niềm vui chờ đợi đang lên cao bởi vì khi chia xẻ một niềm vui, niềm vui lớn lên.
_Mày ngồi xem báo chờ tao đi mua bia và chút thức ăn. Tôi nói với hắn rồi ra xe lái đi.
Mỗi đứa chúng tôi bây giờ uống được một chai Larue.
Có thể nói con đường khứ hồi Sài Gòn – Mỹ Tho chúng tôi đi đầy hoa mộng, xe chúng tôi lướt chạy là dòng thời gian êm đềm của những ngày vui, nhất là khi có hai cô gái ngồi vì đời lúc đó màu hồng và là những bài thơ.
Đôi lúc tôi suy nghĩ nếu Khoa đã không rủ, tôi có trở lại Tiệm May Như Ý để gặp lại Lan không. Câu trả lời là có. Tôi chỉ có ý chậm trở lại tiệm may mà thôi bởi vì khi theo ai rủ mình làm một chuyện gì là trong lòng mình đã muốn làm chuyện đó. Tìm ra điều này, tôi bỗng cảm động vì thấy Khoa đối với tôi thành thật và thẳng thắn hơn tôi đối với hắn. Khoa luôn luôn nói ra với tôi trước những gì hắn nghĩ và sẽ làm.
Tôi lại nghĩ nếu Khoa và tôi cùng thích một cô gái là Hường hoặc Lan thì sao đây. Rắc rối lớn sẽ xảy ra cho hắn và tôi. Hai đứa tôi sẽ có những cơn bão lòng dữ dội nhưng vẫn còn là bạn tốt với nhau bởi vì chúng tôi không chống lại được những gì tự nhiên và Il faut accepter la vie telle qu’elle est non telle qu’elle devrait e^tre (70) như Dì Ba đã nói. Như thế, có lẽ chúng tôi sẽ ít gặp nhau hơn và kẻ thất tình sẽ chỉ gặp vợ chồng bạn khi cần thiết. May thay, đó chỉ là tưởng tượng của tôi. Phải rồi, trong đời đều có may hoặc không may và sai một ly đi một dặm.

(70) Il faut accepter la vie telle qu’elle est non telle qu’elle devrait e^tre – La Mennais: Cuộc đời thật ra nó thế nào thì phải chấp nhận nó như vậy, không được bảo đời phải thế này thế nọ rồi mới chấp nhận – La Mennais (hay Lamennais).

Uống gần hết chai Larue, tôi nói với Khoa:
_Mọi chuyện tốt quá rồi nhưng đang vui đôi lúc tao khựng lại vì thoáng nghĩ tới Dì Ba. Tao sợ dì ấy cảm thấy lẻ loi khi hai cô gái và bọn mình quen nhau càng ngày càng thân. Cũng may mình đã không quá lộ liễu tỏ niềm vui và không săn đón các cô ấy nhiều.
Khoa phân tích:
_Dì Ba là một người tốt phải không nào?
_Phải, qua những chuyện Dì ấy làm và không làm. Tôi đáp.
Khoa tiếp tục:
_Dì học giỏi đậu Brevet cao vậy là người hiểu rõ ràng và đầy đủ những gì học được. Ba năm Trung Học sau Brevet (83) chỉ là học sâu rộng ra những gì đã học về văn học và học một chút triết học, ngoài ra là học khoa học kỹ thuật. Như vậy Dì Ba đủ là người trí thức thật sự. Những phát biểu và hành động của Dì chứng tỏ Dì là người libe’rale (84) nên không bị nhồi sọ bởi những gì không đúng từ bất cứ đâu.

(83) Đíp Lôm xưa: Brevet: brevet d’e’tudes du premier cycle (B.E.P.C.): bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp của Pháp.
Mention Assez Bien: hạng Bình Thứ (điểm trung bình từ 12/20 tới 13,75/20 trong khi điểm đậu chỉ cần 9,75/20).
(84) Libe’ral: tole’rant a` l’e’gard de toutes les tendances et de leurs manifestations: chịu đựng được tất cả các khuynh hướng và biểu lộ của những khuynh hướng này: chịu đựng được tất cả những suy nghĩ, cảm nhận, ý kiến và quan niệm của người khác cũng như những phát biểu và hành động của những suy nghĩ, cảm nhận, ý kiến và quan niệm này.

Tôi đồng ý:
_Đúng lắm.
Uống một chút bia, Khoa nói tiếp:
__Dì Ba không phải là người tầm thường nên không có tính ganh tị hoặc ganh ghét như đa số người ta. Dì lý trí mạnh và không có những tình cảm vụn vặt không đúng chỗ nên đã ly dị ông chồng ngoại tình có vợ bé. Dì ba mươi tám tuổi đáng tuổi cha mẹ mình nhưng không phải là già theo quan niệm của những người vô tư không thành kiến. Vì vậy Dì không có mặc cảm già ế không tái giá được. Dì ở vậy có lẽ vì chưa gặp người vừa ý. Kết luận Dì Ba không cảm thấy lẻ loi chút nào.
Tôi thở phào ra vì trút được thắc mắc:
_Phải đó. Câu ca dao
Trai ba mươi tuổi đang xuân.
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
thật là khôi hài.
Khoa nói liền:
_Chứ sao. Tao nghĩ đàn ông nhìn vào những bà vợ nghèo đông con kém nhan sắc mà đặt ra câu ca dao này để thanh minh cho chuyện có vợ bé.
Tôi tiếp lời:
_Vậy mà người ta tin rầm rầm câu này cả bao thế kỷ. Tao nghĩ đàn bà khôn ngoan không ưa câu này nhưng vì chỉ nội trợ không làm ra tiền nên đành im chịu. Đúng là La raison du plus fort est toujours la meilleure (85).

(85) La raison du plus fort est toujours la meilleure – La Fontaine: Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng – La Fontaine.

Khoa hỏi:
_Mày biết chuyện Lucille Ball tái giá không ?
Tôi trả lời:
_Tao xem nhiều phim Mỹ người đẹp nổi tiếng Lucille Ball đóng nhưng không biết chuyện bà ấy tái giá.
Khoa kể:
_Năm 1940, khi hai mươi chín tuổi Lucille Ball lấy chồng xuất thân là một tay trống đẹp trai trong ban nhạc. Ông chồng Desi Arnaz người Cuba trẻ hơn Lucille sáu tuổi hay lẹo tẹo với gái trong ban nhạc làm Lucille rất đau khổ. Thấy vậy, mẹ Lucille bảo con gái rằng tuổi bốn mươi lăm là tuổi đàn bà còn nhan sắc hấp dẫn, vậy nếu muốn ly dị thì phải tính trước tuổi này (86)
Tôi nói:
_Như vậy là phải. Đàn bà thời nay bốn mươi tuổi tuy không còn trẻ nhưng chưa già và người ta sáu mươi lăm tuổi mới gọi là già.

(86) Lucille Ball ly dị Desi Arnaz năm 1960 khi bốn mươi chín tuổi.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương IV Mỹ Tho_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG IV
Mỹ Tho

**************************************************

Con tầu hỏa làm như hết sức hú lên một tiếng thật dài, rồi thở phì phì, từ từ ngừng tại Ga Mỹ Tho.
_Mình xuống đây đi, tới nơi rồi. Anh Tám bảo Khoa và tôi.
Rời tầu, chúng tôi đi tới một chỗ đất rộng sạch, rồi đặt hành lý xuống đứng nghỉ.
Tôi hỏi:
_Nhà chắc gần đây phải không anh?
_Khoảng một cây số thôi em à. Nói xong, Anh Tám giơ tay xem đồng hồ, rồi lấy ra một điếu thuốc, châm lửa hút. Anh nhìn hai chiều đường, có vẻ tìm xe.
Tôi bàn:
_Nếu vậy mình có thể đi bộ khoảng mười lăm phút là tới nhà. Khoa và em mặc đồ thường thoải mái sẽ thay phiên nhau xách va ly của anh, hành lý bọn em nhẹ chỉ cần đeo lưng.
Khoa phụ họa:
_Đúng rồi, mình làm như vậy tiện nhất. Nói xong, hắn nhấc liền chiếc va ly về chỗ hắn
Tôi cười làm như chuyện đã rồi không cần Anh Tám quyết định:
_Vậy lần này anh về làng oai hơn trước nhiều, mặc bộ com lê mốt (9) lại thêm người tháp tùng.
Anh Tám sặc khói thuốc vì cười:
_Cám ơn hai em. Thằng Khánh nói chuyện vui thật.
Đường chiều Mỹ Tho nắng nhạt dần và khi trời gần hoàng hôn, chúng tôi đến trước cổng nhà Anh Tám, một ngôi nhà gạch hai tầng, mái ngói tây, có sân gạch rộng đằng trước. Hai bên sân là hai giải đất trồng hoa viền gạch đỏ. Quanh nhà có hàng rào tường thấp phia trên cắm cọc sắt nhọn.
Anh Tám bấm chuông, một con chó to đen, lông mượt, bốn bàn chân màu trắng, chạy ra sủa.
Nghe chủ gọi: “Lu, im ngay, người nhà”, con vật ngưng tiếng, rồi vẫy đuôi, chồm hai chân trước lên khe song cổng sắt. Anh Tám xoè tay đỡ lấy bàn chân của nó thò ra.
Một người đàn bà khoảng năm mươi tuổi, bới đầu, ăn mặc gọn ghẽ, từ trong nhà đi vội ra.
_Thầy Tám mới về.
_Bà Tư, ở nhà vẫn bình thường chớ?
_Dạ mọi việc vẫn thường. Bà Tư vừa trả lời vừa mở khóa cổng.
Nghe câu chào chủ của Bà Tư, tôi hiểu thêm Anh Tám vừa tên là Huỳnh Văn Tám vừa là người con thứ tám.
Khi chúng tôi vào đến hành lang thì đèn bật sáng, của từ từ mở. Đi ra với đứa bé trai khoảng bốn năm tuổi là một người đàn bà rất đẹp, uốn tóc, mặc đồ bộ màu tím hoa cà, chân mang dép. Tôi đoán ngay đó là vợ Anh Tám.
_Anh mới về.
_Em. Anh Tám đáp lời vợ xong cúi xuống ẵm con lên nựng, rồi quay liền về phía Khoa, giới thiệu:
_Em à, đây là Khoa, con anh Hoàng làm cùng sở với anh đó.
_Còn đây là Khánh, bạn học của Khoa. Hai đứa là khách của mình một tuần, rồi trở về Sài Gòn thi Ô Ran Bắc Đơ (10).
Khoa hơi cúi đầu:
_Em xin chào Chị Tám, hân hạnh được biết chị.
Tôi cũng làm y như hắn.
Chị Tám nhìn chúng tôi, thong thả lên tiếng:
_Chào hai em. Đi đường mệt không?
_Dạ không. Chúng tôi cùng đáp một lượt.
Chị Tám nói tiếp, vẫn rõ ràng thong thả:
_Bây giờ hai em đi theo Bà Tư về phòng nghỉ. Khoảng nửa giờ nữa tới phòng ăn dùng cơm kịp không?
_Cám ơn chị, nửa giờ sau chúng em sẽ có mặt. Tôi trả lời, rồi cùng Khoa theo gót Bà Tư sau khi bà cất chiếc va ly của Anh Tám.
Bà Tư mở cửa, chỉ căn phòng chúng tôi ở chung, rồi hỏi chúng tôi có cần gì không.
_Không, tất cả tốt quá rồi, cám ơn Bà Tư nhiều. Khoa trả lời.
Nửa giờ sau, Khoa và tôi đến.
Phòng ăn rộng sáng rõ trong ánh đèn vàng của mấy bóng đèn điện tròn trắng đục. Anh Chị Tám ngồi hai đầu bàn. Chị Tám chỉ Khoa và tôi ngồi hai bên bàn đối diện nhau. Chiếc bàn hình chữ nhật khổ 4 x 6 nhưng rộng, Khoa và tôi ngồi không chạm chân nhau, vậy là loại bàn lớn ăn tiệc nhiều người tôi đoán đã được dồn ngắn lại. Anh Tám thoải mái trong bộ py da ma màu xám nhạt, Chị Tám vẫn mặc đồ bộ vừa rồi.
Thấy Khoa và tôi mỗi đứa còn bận sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần kaki, Chị Tám nói:
_Trong nhà hai em có thể bận như Anh Tám cho thoải mái.
Khoa nói:
_Dạ, để lần sau.
Tôi nghĩ vậy là tôi phải để dành py da ma sạch còn nếp để mặc ngồi ăn vì đang ở trong một gia đình trí thức giàu có và nền nếp. Tôi sẽ cho Khoa biết điều này.
Thấy Bà Tư đã bày xong món ăn lên bàn, Anh Tám hỏi:
_Hai em uống la de nhé.
Chúng tôi cám ơn nhưng từ chối nói không biết uống rượu, Anh Tám bảo Bà Tư:
_Lấy la de cho tôi thôi, Bà Tư.
Rót la de xong, Anh Tám cầm đũa lên nói:
_Nào, mời mọi người. Rồi anh nâng ly uống và bắt đầu gắp.
Tôi cầm đũa, nhìn trên bàn.
Hai liễn (11) đựng cơm nóng được đề gần hai góc bàn phía tay trái Anh Chị Tám nhưng không vướng tay ai vì bàn rộng.
Món ăn gồm có tôm khô củ kiệu để uống la de, canh chua cá, gà rô ti nước dừa, xà lách cà chua hành tây trộn dầu dấm muối đường tiêu bột và hai món làm tôi hơi ngạc nhiên là rau muống xào thịt bò và đậu tẩm.
Hai món này thường chỉ phổ thông ở Miền Bắc nhất là Hà Nội.
Đậu tẩm là tầu hủ chiên sơ lấy ra nhúng liền vào nước mắm đường hành xanh sắt nhỏ pha loãng với chút nước sôi để nguội.
Có lẽ thấy tôi nhìn hai đĩa rau muống xào thịt bò và đậu tẩm hơi lâu, Chị Tám cười nói:
_Anh Tám ra Hà Nội học Luật mấy năm, ăn rau muống xào thịt bò và đậu tẩm, rồi về dây nói chị làm hai món này.
Khoa và tôi cùng cười vui, Chị Tám nói tiếp
_Hai em dùng tự nhiên nhé. Món ăn đã được đề dành đầy đủ cho Bà Tư và trong bếp còn rất nhiều. Vì không muốn ăn thức ăn dư trên bàn nên ăn tới đâu múc tới đó vậy thôi.
Ăn được mươi phút Chị Tám hỏi:
_Hai em ăn vừa miệng không?
_Ngon quá! Khoa vừa nuốt xong trả lời liền.
Có lẽ thích câu nói của Khoa, Chị Tám cười nhẹ quay sang tôi:
_Còn em ăn được không?
Tôi nghỉ một giây đồng hồ rồi đáp một tràng :
_Ngon thật đó chị. Hôm nay em mới ăn gà rô ti nước dừa. Gà ướp rất thấm, da ròn ngon, thịt vừa chín tới. Đường và nước dừa bỏ đúng quá. Chắc có gia vị gì thêm và cách rô ti gì đặc biệt.
Món rau muống xào thịt bò và đậu tẩm một chín một mười Hà Nội.
Em thấy hình như cá lóc Mỹ Tho khác cá lóc bán ở Sài Gòn vì ăn béo ngon hơn và nhất là không xảm.
Vợ chồng Anh Tám cùng cười, Chị Tám nói:
_Cá lóc Mỹ Tho cũng như mọi nơi thôi. Mình đang ăn canh chua cá bông lau.
Rồi chị nhắc lại:
_Hai em ăn nhiều đi nghe.
Khoa đáp:
_Ăn nhiều vì thức ăn ngon và nhiều.
Chị Tám cười:
_Vậy món ăn ít ăn ít.
Tôi xen vào:
_Chuyện đó không có ở đây.
Anh Tám lắc đầu cười:
_Hai đứa này nói chuyện vui thật, uống chút la de nghe.
Khoa lên tiếng:
_Bọn em đã thử rồi, uống vào mệt người, ăn không ngon.
Anh Tám nhìn bọn tôi hơi lâu rồi lắc đầu cười nữa, bắt sang chuyện khác:
_Em à, Khoa và Khánh học khá lắm, thi đậu liền. Khoa đậu măng xông (12) chắc xin buộc (13) được.
Khoa cải chính:
_Em không được đâu anh vì em hai mươi mốt, quá tuổi, Khánh nó mười tám nếu xin thì được.
Chị Tám hỏi:
_Đậu Ô Ran xong các em tính học gì?
Khoa nói học Luật, tôi đáp sẽ thi vào Quân Y vì không có tiền học Đại Học.
_À Khánh, nhà em ở đường nào trên Sài Gòn, Ba Má khỏe chứ hả? Chị Tám hỏi tiếp.
Tôi trả lời tôi ở Đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, Ba tôi khỏe, Má tôi mất lâu rồi.
Bữa cơm tối kéo dài hơn nửa giờ, xong Chị Tám nói mọi người ra phòng khách ngồi cho thoải mái ăn tráng miệng.
Tại bàn phòng khách có chuối, cam và bánh bía (14).
Anh Tám uống cà phê ăn bánh bía. Khoa và tôi cũng ăn bánh bía nhưng uống nước đá đường chanh muối. Chị Tám chỉ uống nước trà và ăn cam.
Tráng miệng mất khoảng hơn mười phút, sau đó chúng tôi cám ơn Anh Chị Tám rồi về phòng nghỉ.

(9) Mốt: mode: thời trang.
(10) Thi Ô Ran Bắc Đơ: Thi Vấn Đáp Tú Tài II.
(11) Liễn: hũ dầy lớn có nắp thường bằng sành tráng men dùng để đựng cơm nóng.
(12) Đậu măng xông (mention): đậu hạng cao.
(13) Buộc (bourse): học bổng.
(14) Bánh bía: bánh nướng nhân đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, sầu riêng, vân vân, có rất nhiều lớp bột mỏng bao ngoài.

Phòng có hai giường một người nằm kê song song, đầu gần sát tường; một cái dọc theo gần cửa sổ trông ra hành lang chạy dài suốt nhà. Khoa bảo tôi nằm cái giường kia gần tường.
_Mày sợ lạnh thì nằm cái giường này, xa cửa sổ. Hắn nói và tôi không phản đối. Hắn quen vừa như chỉ huy vừa như chăm sóc cho tôi.
Đèn tắt, phòng tối om, tôi nhìn ra cửa sổ chỉ thấy lờ mờ cây cối và nghe tiếng côn trùng bởi đây là miền quê. Tôi chưa ngủ được vì mới chín giờ tối, tôi thường ngủ từ mười hoặc mười một giờ tối đến sáu giờ sáng.
Tôi hình dung lại căn phòng với hai cái bục gỗ khá rộng dùng để hành lý, đặt tại hai góc dưới mỗi chân giường. Giữa hai bục là một cái khung treo mắc áo i nốc xy đáp (15) bóng loáng trông như khung gôn túc cầu nhỏ, dưới có bốn bánh xe để có thể xê dịch một cách trơn tru trên sàn đá hoa. Cây treo quần áo to và chắc không thể quằn xuống, trên có móc nhiều mắc áo đủ loại. Một cái quạt trần ở giữa phòng dưới có gắn một bóng đèn trắng đục có lẽ một trăm oắt (16) vì tỏa ra ánh sáng đầy đủ để đọc sách. Nút điện bật tắt quạt và đèn ở trên tường giữa hai giường. Mỗi đầu giường có một cái táp đờ nuy (17) có đèn và hộc để đựng sách báo.
Một cái bàn nhỏ hình chữ nhật kê giữa hai giường với hai chiếc ghế đệm ở hai đầu và một cái đèn ở giữa. Như vậy, về khuya một người muốn đọc sách báo hoặc viết lách không làm phiền người kia bởi vì ba cái đèn đều có a ba giua (18) dầy và đậm màu nên ánh sáng chỉ đủ cho người dùng và không chói mắt người kia. Đi ra khỏi phòng dùng cái cửa phía chân giường tôi. Cửa có tới ba bản lề để khỏi bị xệ và có thể mở ra sát tường, cách cái bục gỗ khoảng mười phân.
Nằm ngửa thoải mái trên chiếc giường nệm trắng tinh, tôi cảm thấy thích thú vô cùng và tiếp tục suy nghĩ về những gì thật bất ngờ xảy đến cho tôi trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ vừa qua. Khăn trải giường trắng tinh để bảo đảm sạch sẽ tuyệt đối, điều nầy quan trọng đối với khách phụ nữ. Ghế bọc đệm để ngồi khỏi bị chai mông, điều này cũng quan trọng đối với khách phụ nữ. Bàn ăn bề ngang thật rộng để bày món ăn ở giữa dọc theo chiều dài, với muỗng lớn, nĩa và kẹp gắp sẵn sàng để thực khách lấy thức ăn vào bát hoặc đĩa của mình. Bàn ăn bề ngang thật rộng cũng để nữ thực khách không bị … đụng chân một cách vô tình hay cố ý, đây mới là điều tế nhị nhất.
Hôm nay tôi học được những gì Người Pháp gọi là sự đơn giản lịch sự và tế nhị. Ai ghét người giàu sang, tôi không có ý kiến. Riêng tôi, nói chung tôi ngưỡng mộ sự nền nếp và tế nhị trong cuộc sống gia đình của hạng người này.
Tôi suy nghĩ lung tung như vậy rồi ngủ lúc nào không hay.
Khi tôi rửa mặt đánh răng xong trở về phòng, Khoa nói Bà Tư mới đến cho biết là tám giờ rưỡi dùng điểm tâm với Anh Chị Tám.
Tôi đáp:
_Bây giờ mới bảy giờ, còn sớm chán.
Tôi lục táp đờ nuy tìm ra được hai Tạp Chí Phổ Thông và Se’lection du Reader’s Digest (19). Tôi lược qua các mục lục để chọn bài đọc.
Ngồi bàn tôi thấy ánh bình minh rọi chéo vào cửa sổ, từ trái sang phải. Vậy là nhà Anh Tám Hướng Đông Nam.
Thời chạy loạn sau 1945, tôi ở với người bác ruột tại quê nhà cách Hà Nội mười tám cây số. Tôi thường nghe người lớn ngồi nói chuyện khen nhà Hướng Đông Nam. Thấy nhà bác tôi Hướng Nam, tôi hỏi:
_Bác ơi, nhà Hướng Đông Nam tốt tại sao nhà mình lại chọn Hướng Nam.
Ông nghĩ một chút rồi thong thả đáp:
_Nhà Hướng Đông Nam buổi sáng nắng chiếu chéo vào hai mái nhà, tường bên trái và tường trước. Buổi chiều mặt trời chiếu chéo ngược vào hai mái, chiếu chéo vào tường bên phải và tường sau. Như vậy suốt ngày nắng chiếu chéo vào mọi chỗ bên ngoài nhà, nên mùa Hè đỡ nóng và mùa Đông đỡ lạnh. Ngoài ra người ở trong nhà không bị chói mắt vì ánh nắng không rọi ngay mặt như nhà Hướng Đông hoặc Hướng Tây.
Thấy bác tôi không nói tiếp, tôi nhắc:
_Nhưng sao nhà mình lại chọn Hướng Nam?
_Lấy cho tao một cái đóm đã. Ông trả lời sau khi nhắp một ngụm nước trà.
Tôi nhanh nhẹn xuống nhà ngang là nhà xay lúa và dễ dàng tìm được một cái đóm thật tốt. Đóm khô, đủ dầy và là khúc giữa của lóng tre nên không có mắt. Như vậy ngọn lửa châm sẽ to ngay, cháy đều và từ từ khi người ta dùng đóm hút thuốc lào. Nhả hết khói thuốc, bác tôi cắt nghĩa:
_Nhà mình làm mùa nên phải Hướng Nam để mặt trời buổi sáng từ bên trái mọc lên, chiếu vào sân trước nhà và đứng bóng lúc trưa. Rồi mặt trời xuống và lặn về bên phải là Hướng Tây. Như vậy suốt ngày sân được nóng nhiều, tốt cho việc phơi lúa và phơi rơm rạ cùng các thứ khác.
_Ơ thì ra như vậy. Tôi nói rồi bỏ đi chỗ khác.
_Khoan đã. Bác tôi vẫy tay gọi giật tôi lại rồi ông tiếp tục:
_Sắp sửa lên Hà Nội học rồi. Phải chăm học nghe chưa.
_Vâng. Tôi đáp.
Ông nhấn mạnh:
_Tất cả ở trong quyển sách. Ô tô nhà lầu vợ đẹp con khôn đều ở trong quyển sách, nhớ chưa.
_Dạ nhớ. Tôi lí nhí trả lời vì ngượng quá khi nghe bốn chữ “vợ đẹp con khôn”.
Sau đó đi học tôi xem sách thấy Người Pháp cũng thích nhà Hướng Đông Nam. Họ cũng giải thích như bác tôi, một người nhà quê mù chữ, không biết đọc. Nhưng họ nói thêm rằng nhà Hướng Đông Nam mặt ngoài ít bị vi trùng và rêu mốc vì được nắng trong ngày chiếu mọi chỗ. Giáo dục của Người Pháp là Giáo Dục Tú Tài Quốc Tế (Baccalaure’at International – International Baccalaureate), ngoài việc đào tạo một công dân tốt, còn đào tạo một con người tốt có khả năng, vì vậy luôn luôn cắt nghĩa, tránh học thuộc lòng, và rất kỵ đem những gì sai, không có bằng chứng vào đầu óc, mà họ gọi một cách khinh bỉ là rác rưởi.

Bữa ăn sáng tại nhà Anh Chị Tám gồm có bánh mì, trứng gà ốp la (oeufs au plat), chuối và cà phê.
_Hai cậu dùng mấy trứng. Bà Tư hỏi hai đứa tôi.
_Cho tôi ba, Bà Tư. Khoa nói.
_Tôi cũng ba, cám ơn Bà Tư. Tôi nói theo.
Anh Tám ăn ba hột gà, Chị Tám hai.
Tới cữ cà phê, tôi định uống cà phê đường để xem cà phê nhà Anh Tám ngon tới chừng nào. Nhưng khi thấy hộp cà phê tan liền cùng một thứ như cà phê gia đình tôi dùng, tôi đổi ý uống cà phê sữa, ngon hơn mặc dầu vị cà phê không thấy rõ rệt như trong cà phê đường.
Ăn xong chúng tôi về phòng thay quần áo để Anh Tám dắt đi thăm bà con và người quen của anh.
Cuộc thăm viếng mất khoảng hai tiếng đồng hồ.
Tôi thấy sự thật là Anh Tám nghỉ phép thường niên về quê ở lâu nên tới thăm bà con và người quen, tiện dịp dắt hai đứa chúng tôi đi theo cho vui và cũng để cho chúng tôi biết về người miền quê Nam Việt, chứ không phải như Khoa đã nói rằng Anh Tám đem chúng tôi đi giới thiệu. Chúng tôi là cái gì mà phải đem đi giới thiệu và giới thiệu để làm gì, nghĩ tới đây tôi thấy buồn cười.
Rõ ràng các chủ nhà và Anh Tám ưa thích nhau. Họ cười nói vui vẻ tự nhiên. Ngoài ra, tôi thấy Anh Tám được trọng nể thật sự, nhất là đối với người quen của anh, họ dạ thưa luôn miệng, một điều Thầy Tám, hai điều Thầy Tám, một cách vui vẻ làm như Anh Tám tới thăm là một điều vinh dự.
Tôi thấy vui quá và lại càng vui thêm khi biết hai đứa tôi được để ý vì là hai Bắc Đơ (20) từ Sài Gòn xuống và có giọng nói lạ. Chúng tôi được gọi bằng “Cậu” nhưng sau khi chúng tôi gọi những người lớn tuổi là “Bác”, “Chú”, “Dì” và xưng “Cháu”, các người này đổi liền sang “Cháu Khoa”, “Cháu Khánh”. Họ hỏi thăm về gia đình và gia quyến chúng tôi, họ hỏi về khí hậu ở Hà Nội. Có người lại hỏi tôi về những nơi như Đồ Sơn, Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, vân vân ngày xưa họ đã du lịch bây giờ ra sao. Sau cùng họ hỏi chúng tôi thấy Sài Gòn thế nào, có thích xem cải lương không, nghe Người Sài Gòn nói có hiểu hết không.
Tôi chậm rãi trả lời gia đình Ba tôi, mẹ kế tôi và các em tôi sống ở Nha Trang, tôi vào Sài Gòn trọ học được một năm, mẹ tôi mất khi tôi gần ba tuổi. Tôi chỉ biết Hà Nội và quê tôi cách Hà Nội mười tám cây số, tôi chưa đi Đồ Sơn, Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn bao giờ. Tôi nói Hà Nội đông người hơn Sài Gòn. Tôi không thích mùa Đông ở Hà Nội vì sợ lạnh. Sài Gòn ban ngày đỡ nóng hơn Hà Nội mùa Hè, ban đêm rất dễ chịu vì mát, cùng lắm tôi chỉ cần đắp một cái mền khăn lông là ngủ rất ngon. Sài Gòn các thứ rẻ hơn Hà Nội. Tôi chưa xem hát cải lương. Bây giờ Người Sài Gòn nói gì tôi cũng hiểu. Trả lời câu hỏi tôi có bạn Người Sài Gòn không, tôi nói có chứ vì tôi học Lớp Tú Tài II Trường Pe’trus Ký nên có nhiều bạn Người Sài Gòn, đặc biệt là tôi thường đến nhà một người bạn học ở cùng xóm để học chung. Khi được hỏi tôi thấy Trường Pe’trus Ký thế nào, tôi đáp Trường Pe’trus Ký khá lớn, đẹp, yên tĩnh và kỷ luật nghiêm. Tôi kể một lần tôi đi học trễ bị thầy giám thị dắt tôi vào văn phòng nhận giấy cảnh cáo. Một lần khác đang đứng chờ vào lớp, tôi bị quất một thước kẻ ngay cánh tay phải, tôi giật mình nhìn sang thấy thầy giám thị. Ông hạ cây thước xuống, nói: “Trò đứng ra ngoài hàng, đứng vô cho ngay”. Người hỏi tôi nhiều câu từ nãy tới giờ là một ông đứng tuổi, bà con anh Tám. Ông lắc đầu cười, hàm răng trắng đẹp, hỏi tiếp: “Cháu có ghét ông giám thị này không?”. Tôi đáp: “Cháu thấy các thầy dạy học, các thầy giám học và giám thị đều là những người có bằng cấp, phải thi đậu công cua (21) mới được nhận vào học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, rồi tốt nghiệp sau nhiều năm học tập. Các thầy có khi tức giận học trò nhưng chỉ một lúc, vì học trò lười học hoặc phạm kỷ luật. Các thầy không bao giờ ghét học trò nên cháu không bao giờ ghét các thầy”. Ông cười thành tiếng rồi xoè tay ra chờ trước mặt tôi mà nói: “Bác xưa cũng học trường Pe’trus Ký”. Tôi cười bắt tay ông: “Ơ vậy bác cũng đã học ở đó” Ông đứng dậy vào nhà trong lấy thêm nước ngọt cho tôi và Khoa. Lúc này tôi biết tại sao ông đã hỏi tôi những câu tự nhiên và hay như vậy.
Có thanh niên bằng hoặc hơn tôi một hai tuổi nói chuyện với tôi một cách tự nhiên nhưng có sự nể nang thấy rõ và tự động xưng “em”. Tôi ngại ngùng, hơi cảm động và nhận ra cái Bắc Đơ thật là to lớn. Chính phủ tuyên truyền nói rằng Việt Nam Cộng Hòa mười bảy triệu người, nhưng giáo sư địa lý lớp tôi nói Miền Nam mười triệu dân trong khi tôi thấy thí sinh thi Tú Tài II “toàn quốc” chỉ có khoảng năm nghìn người.
Các cô trạc tuổi tôi có vẻ hiếu kỳ khi thấy hai đứa tôi. Chúng tôi chào hỏi trước, điều này là bắt buộc đối với phái nữ. Vài người đẹp còn quanh quẩn đôi ba phút chỗ chúng tôi nói chuyện với mọi người. Tôi đi tới chào hỏi, các nàng cười tươi bắt chuyện những hơi thẹn thùng và có vẻ e dè.
Tôi tự hỏi các cô gái này tại sao lại phải e dè với hai đứa tôi. Chúng tôi có ăn thịt ăn cá gì các cô đâu, chúng tôi được Thầy Tám dắt về, chúng tôi là dân ăn học.
Rồi tôi được biết sự e dè đây là sự dè đặt về mối tình cảm của các cô cho trai trên Sài Gòn, trai giàu có và trai địa vị. Các cô nghĩ rằng trai trên Sài Gòn và trai giàu có thường không trung thành với vợ; và bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, luật sư nói chung muốn vợ vừa đẹp hoặc hạp nhãn lại vừa giàu.
Sau cuộc viếng thăm, anh Tám nói chúng tôi tự do đi chơi trong vùng quê Mỹ Tho và chúc chúng tôi nhiều vui, may mắn.

(15) I nốc xy đáp: inoxydable: kim loại không rỉ sét.
(16) Oắt: watt: đơn vị công suất của bóng đèn điện, bóng điện càng nhiều watts càng sáng nhiều.
(17) Táp đờ nuy: table de nuit: bàn vuông nhỏ để cạnh đầu giường có đèn với chụp đèn và có hộc đựng sách báo.
(18) A ba giua: abat-jour: cái chụp đèn.
(19) Se’lection du Reader’s Digest: tạp chí tiếng Pháp gồm những bài dịch ra tiếng Pháp từ các bài chọn lọc trong tạp chí Mỹ Reader’s Digest.
(20) Bắc Đơ: Tú Tài II.
(21) Công cua: concours: thi tuyển.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương III Chuyến Tàu Hỏa_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG III
Chuyến Tầu Hỏa

**************************************************

Tôi đến nhà Khoa rồi chúng tôi cùng nhau đi bộ sớm ra ga xe lửa Đường Lê Lai vì Khoa ở Đường Lê Thánh Tôn gần đó. Chúng tôi sẽ gặp Anh Tám tại chỗ bán vé. Trong khi ngồi chờ, Khoa cho biết Anh Tám họ Huỳnh chữ đệm Văn là một công chức khá cao cấp, tính tốt, hay giúp đỡ và rộng rãi. Ngoài ra, Anh Tám thích biết về người ta và địa phương. Tôi đồng ý, bàn thêm:
_Tao đoán Anh Tám mua vé hạng nhì. Diện như anh ấy không ngồi hạng ba như mình đâu. Mày chưa đi xe lửa chắc không biết, tao đã một năm nay từ Sài Gòn về Nha Trang thăm nhà vài lần. Hạng ba là hạng bét ngồi chung với khách đi tầu bình dân và các bà buôn hàng chuyến nên ồn ào và xô bồ.
Anh Tám đến rất đúng giờ và cả ba chúng tôi xách hành lý lên tầu. Anh ngồi toa hạng nhì đúng như tôi nói.
Chúng tôi ngồi trên tầu được một lúc thì Anh Tám từ toa trên xuống hỏi han rồi rủ lên toa restaurant (3) đãi chúng tôi. Chúng tôi cám ơn nhưng từ chối nói rằng đã ăn uống đầy đủ ở nhà, ngoài ra chẳng bao lâu sẽ tới Mỹ Tho.
Thấy Anh Tám đứng nói chuyện hơi lâu, tôi lên tiếng:
_Anh lên toa trên nghỉ đi. Ở đây lâu bộ com lê Orlon của anh có thể bị thủng lỗ bởi những đốm lửa than bay vào vì toa này rất gần đầu máy, em đi tầu ngồi đây vài lần rồi.
_Vậy hả, cám ơn em nghe. Nói xong, Anh Tám cười, trở về toa trên.
Tôi nhìn theo anh trong bộ com lê bốn túi Hồng Kông, hàng Orlon màu trắng, trên đôi giầy hai màu nâu trắng mới đánh kem (4) và xi (5) bóng loáng.

(3) Toa restaurant: toa quán ăn.
(4) Kem: kem trắng để đánh giầy trắng.
(5) Xi: cirage nâu, đen, hoặc trong không màu để đánh giầy, còn gọi là xi ra.

Tầu chạy một hồi lâu, tôi cảm thấy hơi mệt, nhưng không ngủ ngồi được, đành dựa lưng nghỉ. Bên cạnh tôi, Khoa đã ngủ từ bao giờ.
Tôi suy nghĩ miên man và cảm thấy hơi ngượng ngập trong cuộc đi chơi này vì mới quen người lạ chớp nhoáng mà được ngay một đặc ân. Tôi sẽ phải làm gì đây để được tự nhiên và xứng đáng với lòng tốt của Anh Tám khi sống miễn phí một tuần lễ trong gia đình anh. Tôi băn khoăn một lúc rồi bỗng nghĩ ra … Đúng rồi, tôi sẽ làm như thế …
Khoa đã nói cho tôi biết Anh Tám có vợ một con tại Mỹ Tho trong tương lai sẽ bán nhà ở đó và dọn lên Sài Gòn. Hiện mỗi tuần trưa Thứ Bảy Anh Tám lái Vespa về Mỹ Tho thăm gia đình rồi chiều Chủ Nhật lái về Sài Gòn để sáng Thứ Hai đi làm. Mỗi năm anh được nghỉ phép hai lần về ở Mỹ Tho với vợ con. Lần này vì dắt Khoa và tôi về chơi quê anh nên anh phải đi xe lửa với chúng tôi. Khoa nói thêm Anh Tám sẽ dắt bọn tôi giới thiệu với bà con và người quen của gia đình rồi để chúng tôi tự do đi chơi vùng quê. Mục đích chính của anh là cho chúng tôi một cơ hội để hiểu biết về thôn quê Nam Việt. Anh Tám đỗ Cử Nhân Luật Khoa Tiếng Pháp tại Hà Nội.
Tôi lơ đãng nhìn quanh toa tầu và bỗng ngừng lại trước đôi mắt thân thiện của một bà buôn hàng chuyến ngồi gần trước mặt. Tôi khẽ gật đầu mỉm cười:
_Chào bà. Bà làm ơn giúp cho. Khi nào còn mười lăm phút tới Mỹ Tho, xin bà nói cho tôi biết.
_ Được, dễ mà, chừng đó tôi sẽ cho cậu hay. Đi xe lửa Mỹ Tho lần đầu à, đi theo thầy bận đồ trắng hồi nãy phải không?
_Dạ phải.
Tôi tính lúc đó sẽ rủ Khoa lên toa hạng nhì gặp Anh Tám rồi cùng anh xuống tầu. Như vậy không bị lạc và không làm phiền anh phải xuống tìm bọn tôi.

Khoa vẫn còn ngủ. Nhìn tấm thân lâu lâu cựa quậy theo cái miệng chép chép của hắn tôi thấy buồn cười, khẽ lắc đầu. Tôi phải công nhận dễ ngủ như hắn sướng thật.
Chúng tôi quen nhau từ khi tôi mười hai tuổi, hắn mười lăm.
Khi Khoa được bảy tuổi và đứa em trai một tuổi thì mẹ mất vì lao phổi thời đó không có thuốc chữa.
Mẹ tôi cũng bị bệnh này và mất lúc đứa con đầu lòng là tôi được hơn hai năm.
Chúng tôi không muốn bạn phải tốn công, tốn của cho mình khi không cần thiết và chúng tôi sẵn sàng giúp nhau dù bị thiệt thòi.
Khoa và tôi có lẽ không thể thiếu nhau.
Hắn với tôi có khi tranh cãi nhưng không giận nhau và cuối cùng thường đồng ý.
Tranh cãi dường như ít đi và đồng ý nhiều hơn sau khi chúng tôi gặp một thầy bói Tầu già.

Vào một buổi trưa hè nóng nực tại Sài Gòn, sau khi lĩnh lương dạy học tư gia, Khoa và tôi ngồi uống cà phê đá trong nhà, nhìn ra đường. Hắn bỗng đứng dậy đi ra cửa, vẫy tay hô lớn:
_Ông ơi, ông ơi … vô đây!
Bên kia đường, một ông già mù mặc y phục Tầu, cổ như deo vài cái mai rùa, một tay khua gậy, một tay được đứa con gái khoảng mười hai tuổi nắm dắt xuống đường. Cô gái nhỏ này tay kia thỉnh thoảng lắc chuông.
_ A thì ra Khoa gọi thầy bói vào xem. Tôi tự nhủ và lấy làm lạ vì hắn không khi nào tin bói toán.
Hắn thường nói: “Bói cái gì, có thầy bói nào biết được người ta bao giờ chết đâu”.
Bài làm Luận Đề Luân Lý (Dissertation Morale, Essay) Aide-toi, le ciel t’aidera (Ngươi hãy tự giúp ngươi rồi Trời sẽ giúp ngươi) khi xưa của hắn được nhiều điểm nhất lớp và được đọc lên cho mọi người nghe.
Tôi lên tiếng:
_ Mày mới quen được em nào đẹp nên muốn xem bói phải không?
_Không. Khoa trả lời gọn lỏn.
Tôi liền đoán có lẽ hắn vì chạnh lòng, nhất là khi thấy đứa con gái nhỏ dắt ông thầy bói già mù.
Khoa chỉ hai chiếc ghế trống trước mặt rồi bảo ông già và đứa con gái:
_Ngồi xuống đi ông, ngồi xuống em. Ông xem bói lấy bao nhiêu đây.
Ông già trả lời ba chục đồng. Tôi tính ra số tiền này mua được sáu tô phở, sáu tô mì, hoặc sáu tô hủ tíu.
_Được rồi, tôi trả ông ba chục. Uống chút nước rồi hãy bói. Nói xong, Khoa vào nhà trong lấy ra hai cái ly lớn đầy nước đá cục, hai chai xá xị, một ổ bánh mì lớn và một nải chuối.
Tôi hiểu rồi, hắn chỉ muốn cho ông già và đứa con gái một số tiền và chút gì để ăn uống.
Thấy ông già cầm ly lên còn ngại ngùng suy nghĩ chưa uống, tôi nói rõ:
_Nước ngọt, bánh mì và chuối đãi ông đó. Chúng tôi mỗi người vẫn trả ông ba chục đồng. Ông bói hay sẽ được thêm tiền thưởng.
Quay sang đứa con gái, tôi hỏi:
_Em bao nhiêu tuổi?
_Em mười một.
_Ông đây là gì của em?
_Ông Ngoại.
_Mẹ em làm gì?
_Chết rồi.
Tôi đây, Khoa lắc đầu lên tiếng cắt ngang:
_Thôi mày.
Tôi im và ông thầy Tầu già bắt đầu bói.
Ông hỏi ngày và giờ sinh của Khoa, rồi đặt bốn đồng trinh vào giữa một cái đĩa sành trũng, tráng men, vừa đủ lớn và có hình vẽ màu xanh. Một cái mai rùa được úp lên đĩa, phủ kín các đồng trinh. Ông thầy bói cầm đĩa lên, kẹp chắc vào mai rùa, lắc kỹ, sau đó mở đĩa, cầm sờ cẩn thận các mặt đồng trinh ngửa lên. Ông bấm đốt ngón tay, miệng lẩm bẩm, rồi đằng hắng cất tiếng.
Ông bảo Khoa Tuổi Đinh Sửu, cầm tinh con trâu, Mệnh Giản Hạ Thủy. Khoa hỏi Giản Hạ Thủy là gì và được trả lời là nước dưới rạch.
_ Nước dưới rạch chảy bên đường đó mà . Ông cắt nghĩa bằng Tiếng Việt lơ lớ.
Cái vẻ cẩn thận nghĩ rồi mới nói của ông khác hẳn những thầy bói nam hoặc nữ ăn diện bảnh bao hoặc lộng lẫy, thao thao bất tuyệt làm như tài giỏi, nhìn khách hàng bằng đôi mắt ranh mãnh cố đọc tư tưởng của họ mà nói cho vừa lòng, còn chuyện tương lai thì nói chung chung hoặc đầy hy vọng.
Ôi, ông thầy bói Tầu già mù này có khác chi những văn thi nhạc sĩ đầy khả năng, cặm cụi say mê sáng tác, chẳng để ý đến độc giả, khán thính giả thích gì để rồi phải sống một cuộc đời có khi nghèo khổ.
Tôi bỗng để ý đến ông hơn. Trong cái vẻ già nua nghèo khổ, dung mạo ông còn đẹp, nhất là hàm răng còn đủ, đều đặn vừa phải, không móm không hô (6). Ở đứa cháu gái lem luốc của ông, nụ cười đẹp hơn vì tuổi trẻ.
Thấy cô gái nhỏ dốc ly nước đá cục đã hết xá xị lên uống, rồi đặt xuống, nhìn ổ bánh mì, tôi vào nhà trong lấy thêm một chai xá xị, một cái đĩa và con dao. Tôi rót xá xị vào ly của nó, rồi cắt một khoanh bánh mì để vào đĩa bên cạnh một quả chuối tôi mới bẻ khỏi nải. Tôi nói:
_Ăn đi em. Ăn bánh mì với chuối cũng ngon lắm đó.
Đứa con gái nhìn tôi rồi ăn. Có lẽ nó chưa bao giờ ăn bánh mì lò điện đắt tiền hơn bánh mì thường.
Theo lời bói toán, Khoa Tuổi Sửu sinh sáng sớm nên cuộc đời vất vả, nhưng Khoa đứng Chữ Đinh thành rất tốt.
_Đàn ông đứng Chữ Đinh là tốt nhất đó mà.
Ông thầy bói nói.
Khoa hỏi tốt nhất là tốt làm sao và được trả lời ngay:
_Là học cao, làm lớn, có tài, có tiền đó. Nghe tới đây, Khoa phì cười, tôi đoán có lẽ hắn vừa thích vừa không tin lắm. Hắn có vẻ thích hơn và trầm ngâm khi nghe hắn Mệnh Giản Hạ Thủy là người có tình, nghĩa là người thương người khác và được người khác thương lại.
Tôi nhắp ly cà phê đá, nhìn ra đường. Trời nắng to hừng hực. Tôi dựa lưng vào ghế, nghe tiếng nói đều đều của ông thầy bói như nghe tiếng giảng đạo trong nhà thờ hoặc trong chùa. Tôi chẳng có đạo gì, chỉ theo bạn đi nhà thờ và đi chùa.
_Đến lượt mày kìa Khánh. Xem hay không thì bảo. Khoa lên tiếng.
Tôi trả lời sau khi nhìn đứa cháu gái nhỏ của ông thầy bói già mù Người Tầu:
_Xem thì xem.
Cũng như đối với Khoa, sau khi hỏi ngày và giờ sinh của tôi, rồi gieo quẻ, bấm đốt ngón tay tính quẻ, ông thầy bói bảo tôi Tuổi Canh Thìn, cầm tinh còn rồng, Mệnh Bạch Lạp Kim.
Tôi hỏi và được ông giải nghĩa Bạch Lạp Kim là vàng của cây đèn bạch lạp.
Ông nói tôi sinh trễ trong năm Thìn nên cầm tinh nguyên con rồng. Mệnh Kim nguyên con rồng thường suy nghĩ nhiều hơn yêu ghét nên thích chính xác công bằng. Là vàng của cây đèn bạch lạp nên cuộc đời tôi quanh quẩn với những người giàu có, địa vị. Vì có hai điều này nên tôi được người giỏi, người tốt ưa thích.
_Nguyên con rồng Bạch Lạp Kim thì nước da trắng, đào hoa nữa đó. Ông thầy bói cười ròn.
Khoa bỗng cắt ngang:
_Ông ăn bánh mì với chuối nhé. Bánh mì lò điện đó.
Ông già bị ngưng nói chưa kịp trả lời, Khoa quay sang đứa con gái:
_Em cắt bánh mì, bẻ chuối cho ông Ngoại ăn đi.
Rồi hắn cười với tôi:
_Khoái tỉ chưa mày. Dân Bắc Mát (7) vừa được ca tụng vừa được cắt nghĩa không mê sao được. Mày trả thêm tiền thưởng đấy nhé.
Tôi cười, lắc đầu.
Ông già vừa thong thả ăn bánh mì với chuối, vừa bói tiếp:
_Cái này không được tốt, đứng chữ Canh thì mồ côi sớm, hay là dù cuộc đời có tốt đến đâu cũng không được vui hoàn toàn, có khi bị luôn hai thứ đó mà.
Ông ăn hết chỗ bánh mì chuối trên tay, cuộn tròn gọn ghẽ vỏ chuối, cẩn thận đặt xuống bàn, im lặng một lúc rồi nói:
_Hai nị có hỏi gì không?
Khoa lên tiếng:
_Tuổi Đinh Sửu và Tuổi Canh Thìn là bạn với nhau có tốt không?
_Tốt chứ, Kim sinh Thủy, Đinh Sửu nhờ Canh Thìn. Nhưng hai tuổi xung nhau, hay cãi nhau đó mà, cãi nhau trung bình thôi. Thìn Tuất Sửu Mùi tứ hành xung, Thìn cách Tuất rồi mới tới Sửu, cãi nhau không nhiều đâu.
Tôi hỏi làm thế nào khỏi xung tuổi.
Ông Tầu cười lắc đầu:
_Phải chịu thôi. Nhịn nhau một chút thôi đó mà.
Khoa gói bánh mì trong bao gọn lại rồi đẩy tới cạnh nải chuối, bảo đứa con gái cất vào bị.
Hắn móc ra ba chục đồng bỏ lên đĩa, tôi cũng để vào ba chục đồng.
_Trả ông sáu chục đồng tiền quẻ trên đĩa rồi đó. Khoa kết luận.
Chờ ông già thầy bói mù cầm tiền lên, sờ sờ kiểm soát xong, tôi lên tiếng:
_Tôi thưởng ông hai chục đồng này. Rồi tôi dúi tiền vào bàn tay ông.
Ông Tầu xô ghế đứng dậy, bàn tay phải nắm nhẹ lại ngang ngực, lòng bàn tay trái úp lên rồi nói: “Cám ơn, cám ơn, tó chẻ, tó chẻ” (8). Đứa con gái cúi đầu nói theo: “Cám ơn hai anh”.
Chúng tôi chia tay.
Khoa có vẻ cảm động bảo tôi:
_Gặp mấy bà, mấy cô hàng xóm hỏi coi bói hay không, mày nói hay nghe chưa, cho ông già có khách.

Đó là lần xem bói chung duy nhất của Khoa và tôi, lần xem bói có thể nói là lịch sử vì sau đó chúng tôi nhịn nhau. Phần tôi, tôi vương vấn suốt đối với chữ Canh …

(6) Hô là vẩu.
(7) Bắc Mát là Tú Tài Toán.
(8) Tó chẻ là cám ơn.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương II Bất Ngờ_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG II
Bất Ngờ

**************************************************

Hôm ấy, còn gần hai tuần lễ nữa mới đến ngày Thi Vấn Đáp Tú Tài II tại Sài Gòn, không có gì làm, tôi đạp xe đến nhà bạn chơi. Gặp tôi, Khoa nói:
_ Khánh, tao sắp đi chơi Mỹ Tho một tuần.
Tôi hỏi:
_Sướng nhỉ, tiền đâu ra mà đi chơi thế?
_Tiền bạc gì đâu, tao chỉ phải mua vé xe lửa học sinh nửa tiền thôi.
Tôi hỏi tiếp thì Khoa cho biết khi đến Mỹ Tho, Anh Tám, Xếp (Chef, Boss) Ông Bô (1) hắn sẽ cho hắn ăn ở miễn phí để hắn có dịp biết thôn quê Miền Nam.
Tán dóc một lúc lâu hết chuyện, tôi về.
Vừa ra đến cửa, khi tôi đang lúi húi mở khóa xe đạp, bỗng một người lái Vespa (2) xịch tới cách vài bước.
Khoa reo lên:
_Anh Tám!
Tôi nhìn ra thấy một đàn ông dong dỏng cao trạc mới ngoài ba mươi, rất diện, đang dựng chiếc xe bóng loáng, rồi tháo cặp kính mát bỏ bao.
Anh Tám giơ tay bắt tay Khoa:
_Chào em! Mai gặp anh một giờ trưa tại ga xe lửa.
Nói xong Anh Tám nhìn sang tôi.
Khoa nhanh miệng giới thiệu:
_ Đây là Khánh, bạn học em đó Anh Tám.
Tôi tiến tới khẽ cúi đầu :
_Em xin chào Anh Tám.
_Chào em. Vừa nói, Anh Tám giơ tay ra.
Tôi bắt tay :
_ Em hận hạnh được biết anh.
_Hai em bạn học với nhau bao lâu rồi?
Tôi nói Khoa và tôi hoc chung lớp cuối cùng Tiểu Học và hai năm Trung Học ở Hà Nội, sau đó tình cờ ngồi thi Tú Tài II cùng phòng tại Sài Gòn vì hai tên Khánh và Khoa gần nhau theo thứ tự ABC.
Anh Tám nói:
_Hên quá há. Em muốn đi chơi Mỹ Tho không? Rồi thấy tôi chần chừ, anh nói tiếp:
_Em đi chung với Khoa cho có bạn. Ăn ở nhà anh, hai em không tốn kém gì hết. Đi chơi cho biết thôn quê Miền Nam.
_Vậy thì em đi. Anh tốt với chúng em quá, em cám ơn anh rất nhiều.

(1) Ông Bô: tiếng nói trại đi của hai chữ Ông Bố, nghĩa là cha.
(2) Vespa: xe động cơ hai bánh, đẹp và lịch sự nhất, có bánh xe trừ bị để thay bánh xe bị xẹp. Xe do nước Ý chế tạo. Vespa tiếng Ý nghĩa là con ong bầu.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương I Mở Đầu_Khai Phi Hạnh Nguyên

Văn gom những truyện ở ngoài đời,
Tình người và cả chút tình tôi,
Để văn lên tiếng lòng nhân thế
Chẳng nói được ra nét tuyệt vời.
KPHN

Bến Tre

**************************************************

CHƯƠNG I
Mở Đầu

**************************************************

Mối tình thứ nhất của tôi là tình yêu vợ tôi bây giờ. Mối tình thứ hai của tôi là tình yêu nàng khi nàng mười bảy tuổi, tôi mười tám; nhưng tôi chẳng bao giờ có được tấm thân trinh nữ của nàng.

Mối tình thứ ba của tôi là tình yêu vợ cũ đã bỏ tôi khi tôi còn ở trong Trại Tập Trung tại Việt Nam.  

Tình yêu tôi kể ra đây không theo thứ tự thời gian mà chỉ là lần lượt nói ra thôi.

Ba mối tình này vẫn còn ở trong tim tôi và trở nên sống động như thuở nào vào những lần sinh nhật vợ tôi, sinh nhật con của chúng tôi, sinh nhật con của tôi với vợ trước và sinh nhật con riêng của vợ tôi hiện nay.

Tôi định đặt tên truyện này là Định Mệnh hoặc Éo Le, nhưng nghe khuôn sáo quá và không thích hợp với trường hợp riêng biệt của tôi.
Tôi chợt nhớ tới bài hát tiếng Pháp J’ai Deux Amours (Tôi Có Hai Mối Tình) nên tôi chọn tên truyện tôi đang kể là Tôi Có Ba Mối Tình có lẽ đúng nhất.