Khai Phi's Website

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương VIII Mối Tình Thứ Ba_Khai Phi Hạnh Nguyên

Tôi đã nghe nhiều lần quản giáo nói tại lớp học trong Trại Tập Trung:
_Các anh sẽ phải ba đời đầu hàng làm giai cấp công nông.
Nhưng ra tù, tôi không phải đi kinh tế mới mà được làm Bác Sĩ Ngoại Chẩn tại một Phòng Khám Khu Vực ở Bình Thạnh. Việt Cộng không tin tôi nên không cho tôi làm giải phẫu như trước trong bệnh viện. Tôi không được mở phòng mạch, được trả lương tám mươi lăm đồng một tháng và được mua thực phẩm tại hợp tác xã như mọi người. Ly cà phê sữa lúc đó giá một đồng. Tôi nghĩ tôi không phải làm nghề công nông vì trong nước thiếu bác sĩ. Thỉnh thoảng trong xóm có người mời tôi đến nhà chữa bệnh nên tôi kiếm thêm được chút tiền.
Đào đưa tôi tám lạng vàng Cúc gửi Đào giữ cho tôi. Số tiền này bằng giá vé của một người lớn lên tầu tốt nhất đi vượt biên. Một lạng vàng khi đó giá năm trăm dollars Mỹ.
Tôi mua một chiếc xe đạp để đi làm.
Sau một thời gian ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, sức khỏe tôi khá lên. Tôi đem chiếc Lambretta đã ba năm không dùng đến ra lau chùi và chạy thử. Chiếc xe cũ nhưng máy còn tốt và không bị trầy móp. Tôi sửa soạn đi Mỹ Tho gặp Hường tại tiệm may để hỏi thăm tin tức về Khoa, Dì Ba và gia đình Anh Chị Tám. Đường Sài Gòn Mỹ Tho nhiều nơi có lính Việt Cộng đứng gác cổng.
Tôi đến Tiệm May Như Ý chín giờ sáng Chủ Nhật. Hường thấy tôi liền chạy ra:
_Trời ơi Anh Khánh. Anh được thả hồi nào vậy?
_Mới đây thôi. Cô và con khỏe không? Khoa được ra chưa? Có tin tức gì về Dì Ba và gia đình Anh Chị Tám không?
_Em và con khỏe. Anh Khoa và Anh Tám ở cùng một Trại Tập Trung và chưa được thả. Dì Ba ở bên Pháp vẫn binh thường. Bé Tân con trai Anh Chị Tám đã sang Pháp năm 1970 và hiện còn ở đó.
Tôi bàn:
_Như vậy Khoa và Anh Tám có thể giúp đỡ lẫn nhau vì ở gần.
Hường lăng xăng đi pha cà phê cho tôi. Tôi lấy làm lạ nàng cứ ngó tôi rồi cười.
Chờ tôi uống cà phê xong, Hường đề nghị:
_Anh chở em đi chợ được không? Bữa nay phải nấu ăn đãi anh thật lớn mới được.
Chở Hường chạy qua những con đường xưa đã chở Lan, tôi bỗng nhớ nàng. Tôi nói cho Hường biết chuyện vợ con tôi đã vượt biên sang Mỹ trong khi tôi ở tù và vợ tôi đã có chồng khác. Tôi dành trả tiền chợ nhưng Hường không cho nói hôm nay nàng đãi. Tôi hỏi thăm tiệm may hồi này khá không. Hường nói khá vì có thêm khách hàng là vợ con cán bộ và vợ con sĩ quan Việt Cộng. Nàng cho biết thêm:
_Bây giờ nhiều người làm nghề mua bán quần áo cũ trở nên giàu anh à. Họ mua quần áo cũ của nhà giàu xưa rất rè rồi bán cho nhà giàu mới và vợ con Việt Cộng lời lắm. Quần áo cũ nhà giàu xưa đem đi bán còn mới và sạch nên đắt khách.

Tôi và một cô thợ may đang giúp Hường nấu ăn thì bỗng một người đàn bà dắt một đứa con gái khoảng mười tuổi đi vào. Nhìn ra người đàn bà là Lan, tôi giật mình và bàng hoàng thốt lên:
_Lan, ơ …
Tôi định nói “Lan, em Lan” nhưng nghĩ đứa con gái mười tuổi là con Lan nên tôi liền trớ ra như trên.
_Anh Khánh, anh khỏe không? Lan nhìn tôi hỏi.
Tôi chưa kịp trả lời thì Hường bỗng xen vào:
_Chị Lan và Mai con chị bây giờ là gia đình liệt sĩ. Bà xã Anh Khánh cùng Bé Hiền con hai người đã lên tàu vượt biên sang Mỹ khi Anh Khánh còn ở trong tủ. Bè Hiền đã có Ba mới rồi.
Tôi bỗng thấy vui trả lời Lan:
_Tôi khỏe. Cô và con khỏe chứ?
_Em và con khỏe. Anh lên nhà nghỉ đi để em giúp Hường nấu ăn. Như vậy được rồi.
Tôi sắp xếp cho gọn mọi thứ trong bếp rồi lên phòng khách ngồi nghỉ.
Tôi chợt hiểu ra tại sao Hường đã nhìn tôi cười hoài và nhờ tôi chở đi chợ mua các thứ về nấu ăn đãi tôi. Đúng ra nàng đãi luôn hai mẹ con Lan.
Hường nói riêng cho tôi biết thêm chồng của Lan tên Huỳnh, chính là anh chàng Việt Công đã bắn gã hộ vệ tên xã trưởng. Huỳnh người Bến Tre, cha bị trúng đạn chết trong một cuộc hành quân của lính Ngụy (ngụy nghĩa là gian, thí dụ ngụy biện – biện luận gian), chị bị lính Ngụy hãm hiếp. Huỳnh theo Việt Cộng thành đảng viên, chi huy một đơn vị ám sát. Huỳnh tử trận năm 1975 khi là Đại Úy. Sau khi bắn chết tên xã trưởng, Lan được Việt Cộng cho học nhiều khóa chính trị, nhưng nàng không vào đảng và chỉ làm thợ may như cũ.
Tôi đang ngồi uống trà nói chuyện với Lan và Hường thì Mai,
con gái của Lan đi tới:
_Ngày mai còn phải nộp bài. Có chỗ khó con không làm được, Má lên chỉ cho con đi.
_Má sắp phải may xong chiếc áo cho khách đến lấy. Thôi để Chú Khánh giúp con.
Chỉ cho Mai làm bài xong, tôi nói:
_Giầy của con cũ rồi. Chú sẽ mua đôi giầy mới tặng con. Chủ Nhật sau chú chở con đi mua nhé.
_Cám ơn chú nhưng để con hỏi Má đã.
Hôm ấy tôi uống bia hơi nhiều và về Sài Gòn trễ.
Từ đó, mỗi Chủ Nhật tôi lái xe đi Mỹ Tho thăm Lan.

Sáu tháng sau tôi cưới Lan. Tiệc cưới món ăn ngon, nhưng đơn giản và ít người tham dự. Lan mặc chiếc áo cưới màu hồng rất đẹp, tôi bận bộ com lê (complet) may năm năm trước nhưng còn mới.
Một năm sau tôi được viên chức Mỹ phỏng vấn để sang Mỹ định cư.
Tiễn đưa tôi với mẹ con Lan lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất có gia đình tôi, Hường cùng Thanh, con gái nàng, và Chị Tám. Chị cho biết Tân, con trai chị, đã đậu Kỹ Sư Điện bên Pháp.
Tôi xin định cư tại cùng tiểu bang với Cúc để được ở gần Bé hiền, con gái tôi.
Hiền sau về ở với tôi.
Lan sinh một bé gái đặt tên là Trúc.

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương VII Mối Tình Thứ Hai_Khai Phi Hạnh Nguyên

Mỗi khi vết sẹo trong hồn của nỗi đau đớn vì không còn gặp được Lan sưng lên, tôi buồn tê tái. Tôi uống rượu, ngủ hoặc ra quán uống nước hay cà phê.
Hôm ấy, tôi đang ngồi trong quán, vô hồn nhìn ra đường. Người đi lại lố nhố đối với tôi chỉ là những vật chuyển động. Bỗng có tiếng đàn bà hét lớn trong quán:
_Ăn cướp! Ăn cướp!
Tôi giật mình nhìn về phía có tiếng hét, thấy một gã đàn ông cầm chiếc ví xách tay từ bàn của một khách hàng phụ nữ, tháo chạy ra đường.
Tôi liền rượt theo tên cướp. Khi tới sát đằng sau hắn, bàn tay trái tôi móc sâu xuống cổ áo hắn, vừa kéo hắn lại vừa ghì xuống. Hắn hơi ngửa người, tay phải dấu chiếc ví về đằng trước, để hở nguyên sườn bên phải. Tôi đấm móc một cú thật mạnh vào sườn non bên hông phải của hắn. Sau một tiếng hự, hắn ngã xuống hai tay ôm lấy chỗ bị đấm, chiếc ví trở nên lỏng lẻo trong bàn tay phải. Tay phải tôi giật lấy chiếc ví, tay trái tôi sờ các túi và vòng quanh thắt lưng hắn xem có khí giới gì không. Thấy không có gì, tôi quay lưng trở lại quán nước.
Tôi đưa chiếc ví cho nạn nhân bị cướp đang đứng chờ trước quán:
_Cô kiểm soát lại xem có mất gì không.
Nàng cám ơn tôi và trả lời không mất gì cả. Tôi nói:
_Chúng ta rời khỏi chỗ này ngay bây giờ đi. Nếu cô không có xe, để tôi chở cô về nhà.
Lái xe được một quãng ngắn, tôi quay đầu hỏi:
_Xin lỗi, quý danh cô là gì?
_Em tên là Cúc.
_Là gì Cúc, Thu Cúc, Bạch Cúc hay Hoàng Cúc?
_Nguyễn Thị Cúc thôi anh à.
Tôi giật mình nhớ tới câu trả lời trước kia của Lan “Nguyễn Thị Lan thôi anh à”.
_Hân hạnh được biết cô. Còn tôi tên là Khánh.
Cúc nói tôi ngừng xe trên đường Trần Quý Cáp, trước cổng một ngôi nhà ba tầng rất lớn, quét vôi màu gạch non.
_Thôi cô vào nhà đi. Tạm biệt, tôi sẽ tới thăm cô sau. Tôi vừa nói vừa móc trong ví ra một tấm danh thiếp, đưa cho Cúc. Xem danh thiếp xong, nàng nói:
_Anh Bác Sĩ Khánh, nhờ anh mạo hiểm mà hôm nay em khỏi mất hai ngàn đồng. Vậy mời anh vào nhà để em giới thiệu với gia đình. Hôm nay Chủ Nhật, mọi người ở nhà.
Tôi lưỡng lự một chút rồi dựng xe, theo Cúc vào nhà. Nàng giới thiệu tôi với gia đình gồm cha mvà một cậu em khoảng mười lăm tuổi:
_Đây là Anh Bác Sĩ Khánh, người đã mạo hiểm lấy lại được chiếc bóp đựng hai ngàn đồng của con bị cướp giựt.
Tôi hơi cúi đầu, nhìn Ba Má Cúc nói:
_Cháu xin chào hai Bác, hân hạnh được biết hai Bác. Ba của Cúc giơ tay cho tôi bắt.
Má của Cúc nhìn tôi cười, chỉ chiếc ghế bành:
_Mời Cậu Bác Sĩ ngồi.
_Xin Bác gọi cháu là Khánh. Cháu là Bác Sĩ của bệnh nhân, nhưng ở đây là bạn của Cô Cúc nên cháu cũng như con cháu trong nhà thôi. Nói xong tôi ngồi xuống ghế.
Ba của Cúc cười:
_Cậu dùng trà ăn bánh nghen.
_Dạ. Xin cám ơn bác.
Trà Tầu rất ngon, bánh bía tươi mới làm, loại đắt tiền.

Tôi về nhà, bâng khuâng nghĩ tới những gì đã xảy ra hôm nay.
Tôi bỗng nhớ tới Anh Chị Huỳnh Văn Tám là gia đình trí thức giàu sang ở Mỹ Tho. Ba Má Cúc cũng là người giàu sang nhưng ở Sài Gòn. Ba của Cúc là Kiến Trúc Sư kiêm thầu khoán gia. Nhà của ông có tường cao hai thước bao quanh. Trên bờ tường là cọc sắt nhọn. Vòng quanh nhà là sân gạch rộng. Sát tường trồng hoa. Trước khi tới nhà bếp là căn nhà nhỏ dành cho bà giúp việc khoảng năm mươi tuổi ở. Má của Cúc là nội trợ. Cúc học hết Trung Học Pháp nhưng chỉ đậu Bờ Rơ Vê (Brevet) là Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp của Pháp. Em Cúc tên Cường mới đậu Brevet.
Đối với kẻ ganh ghét thì Cúc là gái già vì nàng hai mươi lăm tuổi, kém tôi một tuổi. Nhưng đối với tôi nàng là một cô gái đẹp trí thức con nhà giàu Sài Gòn. So với Lan, tôi thấy không ai đẹp hơn ai, một đằng vẻ đẹp Sài Gòn, một đằng vẻ đẹp Lục Tỉnh.
Vết sẹo tình ái trong hồn lâu lâu đau nhức làm tôi không dám nghĩ gì thêm. Cúc vẫn chỉ là một bạn gái dịu dàng và tốt. Tôi tỏ ra sẵn sàng hữu ích cho Cúc và gia đình nàng.
Tôi đến thăm Cúc vào những chiều Chủ Nhật. Tôi đưa nàng danh sách bác sĩ chuyên
môn giỏi tại Sài Gòn. Ba Cúc mời tôi đi ăn với gia đình một lần ở Nhà Hàng Đồng Khánh, một lần ở Nhà Hàng Bát Đạt. Tôi biếu ông rượu Martell, bia Hamm’s. Má Cúc thỉnh thoảng mời tôi ăn cơm chiều. Tôi biếu bà những món giò chả và bánh Hà Nội. Tôi để ý thấy người giàu sang im lặng ăn uống những gì ngon bán trên thị trường do bất cứ ai làm và không lên tiếng khoe món địa phương của mình.

Sáu tháng sau khi gặp Cúc, tôi ôn lại tình trạng của Lan: Lan đã chết hoặc lấy anh chàng cộng sản bắn trọng thương gã hộ vệ để nàng có dịp chính tay bắn chết tên xã trưởng. Có chồng, Lan không muốn nhận tiếp tế của tôi vì nàng không có tính lợi dụng mà cũng là để đề phòng người chồng ghen. Kết luận như vậy, tôi thấy nhẹ người, nhẹ người không phải vì sự có mặt của Cúc mà vì “Thời gian là thuốc nhiệm mầu” và cũng vì đúng như Khoa Học Về Cách Xử Sự (Behavioral Science) đã nói trong bài “Diễn Tiến Tang Chế” (Mourning Process): sau hai năm chồng hay vợ chết, con người trở lại bình thường.
Tôi thấy nếu tôi chấm dứt quan hệ với Cúc, tôi sẽ là người
đối xử không tốt với người tốt với mình. Ngoài ra, Cúc không có điểm gì khiến tôi không thể chọn nàng làm vợ.

Sau đám cưới, Cúc theo tôi ra đơn vị. Nàng sống trong một căn phòng mướn ở Huế và tôi làm việc tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn là một Căn Cứ Hỏa Lực đóng trên núi. Ba bốn tuần tôi được nghỉ phép hai ngày. Tôi đi trực thăng Mỹ về Huế thăm vợ.
Một năm sau Cúc về Sài Gòn sinh con. Nàng ở Sài Gòn ít tháng rồi trở lại Huế sống với tôi. Ba Má Cúc giữ nuôi Bé Hiền, con gái đầu lòng của chúng tôi. Cúc được cha mẹ cho sáu chục ngàn dollars Mỹ làm của hồi môn nàng gửi trong Ngân Hàng Anh Chartered Bank. Khi đó một dollar Mỹ giá một trăm năm mươi đồng Việt Nam. Vậy sáu mươi ngàn dollars Mỹ bằng chín triệu đồng Việt Nam. Mấy tháng sau tôi đổi về Sài Gòn và mướn một căn nhà nhỏ vừa để ở vừa mở phòng mạch.
Cuộc sống cứ thế kéo dài cho đến khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn.

Sau một thời gian ngắn, tôi phải đi trình diện Việt Cộng để vào Trại Cải Tạo, đúng ra là vào tù trong Trại Tập Trung. Thế là tôi phải xa cha mẹ, các em và nhất là vợ con với một tương lai thật là mờ mịt.
Lao động tại Trại Tập Trung không có gì nặng nhọc trừ khi
đào giếng và cầu tiêu.
Chỉ phải đào giếng cho khu Trại Tập Trung mình bị giam nên chỉ đào một cái giếng. Nhưng đào giếng có thể chết người trong ba trường hợp: (1) trong khi được kéo lên bằng dây thừng, hộp sắt đựng đất đào rơi xuống trúng người đào giếng dù hắn đội mũ sắt, (2) người đào giếng bị rơi xuống trong khi được thả xuống giếng bằng dây thừng, (3) người đào giếng bị rơi xuống trong khi được kéo lên khỏi giếng bằng dây thừng. Tai nạn này không xảy ra nơi tôi bị giam.
Mỗi Đội Trại Tập Trung (gồm khoảng hơn ba mươi người) có một tốp anh nuôi (tốp làm bếp) gồm bốn người tình nguyện. Tốp anh nuôi được miễn lao động, chỉ phải đi lĩnh thực phẩm, nấu ăn trưa và chiều, chia cơm và thức ăn cho mọi người, dọn dẹp bàn ăn, quét sạch đất dưới bàn ăn và rửa dụng cụ nấu ăn. Mỗi anh nuôi bị ba anh nuôi kia và Đội Trại Tập Trung để ý theo dõi xem có ăn cắp thực phẩm không. Đây là một “cách chống tham nhũng” rất hay của Việt Cộng.
Hay thứ nhì là cách thả tù Trại Tập Trung. Xen kẽ vào những buổi học tập nghe quản giáo thuyết giảng là những buổi làm bài trả lời câu hỏi quản giáo đọc ra. Mỗi người làm xong bài trả lời phải đọc lớn lên cho mọi người xung quanh nghe rồi nộp cho quản giáo. Bài được gửi về cơ quan Việt Cộng khác chấm điểm và quyết định thả tù Trại Tập Trung. Bằng chứng là khi thân nhân sắp được thả, có nhiều gia đình bị quản giáo tới làm tiền khéo. Đa số gia đình không đưa tiền mà hai ba tháng sau thân nhân vẫn được thả. Đây là một “cách rất hay để dò xét từng cá nhân tù” và “tránh được tham nhũng tại trại tù” đưa tới việc thả tù bừa bãi. Thời gian bị giam tại Trại Tập Trung ngắn nhất là ba năm.
Tù nhân phạm kỷ luật sẽ bị nhốt trong con nếch (connex) là thùng sắt vuông chứa đồ của Mỹ để lại cao hai mét, dài hai mét và rộng hai mét. Thùng có cửa sổ to bằng cửa sổ quầy bán vé xi nê ma (cinema). Tù nhân có lời nói hoặc thái độ chống đối sẽ bị đánh đập và có khi bị bắn vào chân. Trốn tù bị bắt sẽ bị đánh đập rồi đem đi nơi khác, hoặc bị bắn chết trong khi bị rượt bắt.
Tù nhân có thể có bạn tù tốt, ngoài ra không có gì đáng nói.
Ngày học tập dài tám tiếng đồng hồ. Bài giảng được lê lết trong tám tiếng, nhưng nếu thuyết giảng một cách ngắn gọn rõ ràng và đầy đủ thì chỉ mất một giờ.
Quản giáo ghét tù nhân nhưng chỉ tìm cách sỉ nhục họ khi thuyết giảng trong giờ học tập. Thí dụ quản giáo nói:
_Các anh là lính đánh thuê cho Mỹ, là tay sai của những kẻ phản quốc.
_Vợ các anh làm đĩ cho Mỹ.
_Ngô Đình Diệm muốn dâng miền Nam Việt Nam cho Mỹ làm một tiểu bang của Mỹ để dòng họ Ngô đời đời làm Thống Đốc Tiểu Bang.
_Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu Quân Đội Mỹ vào Miền Nam.
_Nguyễn Ánh là kẻ mãi quốc cầu vương.
__Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tiến Sĩ Đời Nhà Mạc) không phải là nhà tiên tri mà là kẻ chia cắt đất nước và chia rẽ dân tộc vì đã xúi dục Nguyễn Hoàng làm phản, chiếm đất từ nửa tỉnh Quảng Bình vào suốt phương Nam và như vậy sẽ hoàn toàn vững bền vì Trịnh Kiểm sợ Trung Hoa đem quân sang chiếm Việt Nam nên Trịnh không thể đem đại quân vào đánh dẹp Nguyễn Hoàng.
_Các anh sẽ phải ba đời đầu hàng làm giai cấp công nhân.
_Vân vân …

Hai việc quan trọng là (1) chúng tôi chỉ được ăn cơm trưa và cơm chiều,
thường phải sớt cơm chiều để dành ăn sáng, có khi phải bớt cả cơm trưa và cơm chiều mỗi bữa một chút mới đủ để dành ăn sáng. Mỗi bữa được một miếng thịt hoặc cá bằng một ngón tay. Phải tự trồng rau mà ăn. Ai cũng gầy đi rất nhiều và yếu, nếu có bệnh sẵn hoặc bị bệnh nặng sẽ chết. (2) chỉ được điều trị tại Bệnh Xá (Dispensary) hoàn toàn thiếu thốn về thuốc men và y cụ nên bị bệnh khẩn cấp hoặc bệnh nặng vào bệnh xã sẽ chết. Như vậy nhiều tù nhân đã chết trong Trại Tập Trung. Tôi bị bệnh lở cuống dạ dầy (ulce`re duode’nal) năm hai mươi lăm tuổi. Mười năm sau tôi vào Trại Tập Trung và ở đó ba năm may bệnh không tái phát.
Tình nguyện làm Bác Sĩ Điều Trị tại Bệnh Xá Trại Tập Trung cũng được miễn lao động.
Tôi không làm anh nuôi và Bác Si Điều Trị tại Bệnh Xá.

Cúc cùng Bé Hiền và cậu em Cường khi đó hai mươi mốt tuổi vào thăm nuôi tôi sau một năm tôi bị giam. Cường theo chị phụ xách thực phẩm đem cho tôi. Bé Hiên sáu tuổi cười chạy đến tôi gọi:
_Ba.
Tôi nửa vui nửa buồn tay phải ôm lưng Cúc, tay trái ôm vai con. Nói chuyện một lúc Cúc bỗng khóc làm Bé Hiền khóc theo. Tôi gượng cười hỏi chuyện hai mẹ con và Cường. Một lát sau, bầu không khí trở lại bình thường. Sau buổi thăm nuôi, gia đình tù nhân rời trại về nhà. Tù nhân vui mừng mở xem thực phẩm được tiếp tế. Cúc đem cho tôi rất nhiều đồ ăn: heo khô, vịt khô, cá khô, tôm khô, thịt heo quay mới và kho, trái cây tươi và khô, bánh ngọt ăn liền và bánh ngọt để lâu được, rất nhiều mắm ruốc xào xả ớt với thịt ba rọi sắt hột lựu, bánh mì tươi và khô, xôi, cơm mới nấu và cơm nắm. Trại không cho tiếp tế gạo, ngầm tung tin vì sợ anh nuôi có thể ăn cắp gạo do trại cung cấp rồi nói là gạo gia đình đem vào, nhưng tôi nghĩ lý do chính là muốn tù nhân không đủ cơm ăn.
Tôi thật không ngờ sau lần thăm nuôi hôm đó tôi không bao giờ gặp lại Cúc.

Sáu tháng sau, tôi được thăm nuôi lần thứ nhì. Tôi vui vì thấy thời gian giữa hai lần thăm nuôi ngắn lại một nửa. Tôi đi ra để đón Cúc với Bé Hiền và đem đồ tiếp tế vào nhà khách. Tôi đang ngạc nhiên vì không thấy vợ con, bỗng nghe tiếng hai người gọi:
_Anh Khánh!
_Anh Khánh!
Tôi thấy em gái và em trai út tôi là Đào và Hùng giơ tay vẫy tôi. Chúng mang đồ thăm nuôi đến cho tôi.
_Ở nhà mọi người khỏe không? Tôi hỏi, rồi hỏi tiếp trong khi đi vào nhà khách:
_Cúc và Bé Hiền đâu?
Đào trả lời:
_Mọi người khỏe. Có tin cho anh đây vào trong em sẽ nói.
Đào cho biết đã lâu không thấy Cúc tới cửa hàng Đào làm việc mua y phục thời trang, Đào đến nhà cha mẹ Cúc để gặp nàng. Hai ông bà cho hay Cúc và Bé Hiền đã lên tầu vượt biên và đang ở Indonesia chờ làm thủ tục đi định cư. Cha mẹ Cúc trao cho Đào mười lạng vàng nói là của Cúc. Cúc cho Đào hai lạng, còn tám lạng nàng gửi Đào giữ cho tôi.
Cha mẹ Cúc cho hay thêm: một tên cán bộ Việt Cộng Xếp (Chef, Chief) Phường Cúc ở tình cờ thấy nàng mua thực phẩm tại hợp tác xã, liền đeo đuổi tán tỉnh. Sau một thời gian không kết quả, hắn liền gửi giấy đòi Cúc đến văn phòng hắn làm việc (làm việc nghĩa là đến trình diện vì một vấn đề gì đó). Vì sợ bị hắn hãm hiếp, Cúc không đến và đem Bé Hiền đi trốn rồi tìm cách lên tàu vượt biên.
Tại Trại Tập Trung, tôi đã nghe bạn tù kể chuyện nhiều về việc vợ ở nhà bị đàn ông trong đó có bạn của chồng đến tán tỉnh dụ dỗ. Tôi không ngờ chính vợ mình cũng bị cái nạn này.
Tôi mở xem lương thực được tiếp tế, thấy ít hơn nhiều so với của Cúc nhưng cũng đầy đủ.
Sáu tháng sau Đào và Hùng vào thăm nuôi tôi. Đào cho biết đã đến nhà cha mẹ Cúc để hỏi thêm tin tức về vợ con tôi, nhưng cửa nhà bị đóng chặt. Đào hỏi thăm được hàng xóm cho hay cha mẹ Cúc đã dọn nhà không biết đi đâu.

Tôi tiếp tục không biết thêm về Cúc và Bé Hiền cho đến khi tôi được thả sau ba năm ở tù Trại Tập Trung. Đào cho tôi xem hai tấm ảnh thật đẹp Cúc gửi cho nó từ Mỹ. Một tấm chụp Cúc và Bé Hiền, một tấm chụp Cúc mặc áo cưới đứng cạnh chồng tôi nhận ra là Dược Sĩ Dương. Tôi bỗng hiểu ra mọi chuyện: hai tấm ảnh gửi cho Đào nghĩa là gửi cho tôi, nghĩa là Cúc tránh trực tiếp nói sự thật cho tôi. Đau buồn rồi quá mệt mỏi, tôi vào giường nằm. Tôi nhớ lại tất cả.
Khi mới quen, tôi đang ngồi nói chuyện với Cúc trong nhà nàng thì có một người đàn ông trạc tuổi tôi bước vào. Cúc đứng lên, tôi cũng đứng lên theo. Nhìn người mới đến rồi nhìn tôi, nàng lên tiếng:
_Xin giới thiệu Anh Dược Sĩ Dương, Anh Bác Sĩ Khánh.
Dương và tôi bắt tay nhau làm quen. Tôi chỉ gặp lại Dương thêm hai lần tại nhà Cúc.
Sau này Cúc cho tôi biết Dương là con một, nhà giàu. Sau khi đậu Dược Sĩ, Dương được cha mẹ dùng tiền lo lót nên không bị động viên. Tôi hiểu ra vì không bị động viên nên Dương không phải vào Trại Tập Trung. Tôi đoán trong khi tôi bị tù, Dương đã trở lại nhà Cúc thăm nàng rồi hai người và Bé Hiền cùng lên một chiếc tầu vượt biên.
Nhưng tại sao Cúc lại bỏ tôi lấy Dương làm chồng. Cũng dễ hiểu: Cúc không muốn chờ tôi vì tôi có thể giống như truyện Bác Sĩ Zivago bị Cộng Sản Nga giam giữ sau khi họ cướp chính quyền, hơn nữa tôi có thể chết trong tủ. Cúc là người suy nghĩ mọi chuyện đến cùng và không muốn mạo hiểm, vì vậy nàng đã thoát được mưu toan hãm hiếp của tên cán bộ Việt Cộng.
Tôi ngồi dậy, đi ra khỏi giường lấy một chai nước lạnh rồi ngồi xuống chiếc ghế bành rót uống. Tôi kết luận Cúc trước sau không có lỗi gì đối với tôi, vì vậy tôi vẫn thương yêu và quý trọng nàng. Mất nàng, tôi chỉ hơi buồn và tiếc. Tôi nhớ con vô cùng.

Bệnh Vô Cảm

Bài Văn 9,5 Điểm Về “Bệnh Vô Cảm” Gây Xúc Động Sâu Sắc.
Những câu văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với người đọc không chỉ bởi đề tài em lựa chọn mà còn bởi cách hành văn rất tinh tế và sắc sảo. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét: “Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

Đề Bài :

Trình Bầy Suy Nghĩ Của Em Về Một Sự Việc Hoặc Hiện Tượng Ở Địa Phuơng Hoặc Trưởng, Lớp …

(Đặt Nhan Đề Cho Bài Viết)

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

Bệnh Vô Cảm

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?

Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai ?

Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện. Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy. Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người “không dại gì” và cũng chính “nhờ” những người “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.

Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi ? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải ? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả những điều vô lương tâm ấy đề xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.

Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao ? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.

Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm “không còn đất sống” là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình.

“Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội ./.

Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội

Sưu tầm bởi
“‘Dong Duong’ via Dongfriends” <dongfriends@googlegroups.com>

Tsunami_Lụt Biển

Thí dụ
Núi lửa dưới đáy biển ở Tonga nổ gây lụt biển (tsunami) tại đó làm mặt biển dâng cao 3m (3m tsunami in Tonga) và lụt biển này truyền tới Okinawa. Tại đây lụt biển làm mặt biển dâng cao 1m (1m tsunami in Okinawa).

Example
There was undersea volcanic eruption in Tonga that caused a sea flood (tsunami) of 3m height_3m tsunami in Tonga. This sea flood ran to Okinawa to cause here a sea flood of 1m height_1m tsunami in Okinawa.

Khai Phi