Ngôn Ngữ Bất Đồng
Thầy rằng đằng hắng xem sao.
Bệnh nghe dạng háng giường cao lên nằm.
Thầy Tầu bảo bệnh Việt Nam:
Bà đau (1) muốn chết còn ham cái gì ?
Một bác sĩ Trung Hoa mở phòng mạch (2) tại Sài Gòn, bệnh nhân gồm cả Hoa lẫn Việt. Một hôm, một bà Việt Nam bị ho khá nặng tới chữa bệnh.
Ho có đàm thì kê thuốc vừa cầm ho vừa long đàm, còn ho khan thì cho thuốc cầm ho mạnh, nhưng không long đàm.
Vì vậy, bác sĩ hỏi: “Cái nị (3) hôô có làm khôông ?” (“Cái nị ho có đàm không ?”).
Bà bệnh nhân không hiểu lấy làm lạ, cái gì mà hô với làm, mình có hô răng (4) đâu và có muốn làm gì đâu.
Thấy bệnh nhân có vẻ ngơ ngác, bác sĩ lanh trí bảo: “Cái nị tàng háng côôi” (“Cái nị đằng hắng coi”). Bà bệnh nhân nghe nói cũng hơi thắc mắc, cái gì mà dạng háng. Những vì đã nghe không hiểu một lần, hơn nữa thấy bác sĩ mặt mày nghiêm trang, y phục chỉnh tề, nên không dám chậm trễ, bà vội rời ghế lên giường nằm dang hai chân ra. Tuy nhiên hơi mắc cỡ (5), nữ bệnh nhân không dám mở mắt nhìn mà chỉ lim dim. Bác sĩ thấy vậy liền lắc đầu nói: “Khôông lược, khôông lược. Ngồi dại li. Pịng muốn chết mà còn pậy pạ” (“Không được, không được. Ngồi dậy đi. Bịnh muốn chết mà còn bậy bạ”).
Khai Phi Hạnh Nguyên
(1) Đau: ốm.
(2) Phòng mạch: phòng khám bệnh.
(3) Cái nị: bà.
(4) Hô răng: răng vẩu.
(5) Mắc cỡ: thẹn, ngượng.