Khai Phi's Website

Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Huế

Trong hai năm (1968-1970), tôi làm Y Sĩ Trưởng Trung Đoàn 3 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Hậu Cứ Trung Đoàn ở gần Huế và có một Bệnh Xá. Tại đây, tôi điều trị ngoại chẩn và cấp cứu rồi nếu cần để bệnh nhân tại Bệnh Xá điều trị tiếp hoặc tản thương hay di chuyển bệnh nhân đến Quân Y Viện hay Bệnh Viện. Tôi còn phải làm việc ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đóng tại một Căn Cứ Hỏa Lực (căn cứ có Pháo Binh). Tại đây, tại Bệnh Xá cũng như tại bốn Tiểu Đoàn Hành Quân của Trung Đoàn, tôi có những nam y tá quân nhân. Tôi còn có bốn Sĩ Quan Trợ Y cấp bậc Thiếu Ủy và Trung Úy làm việc y tế tại bốn Tiểu Đoàn. Tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, tôi điều trị ngoại chẩn và cấp cứu rồi nếu cần tản thương hay di chuyển bệnh nhân đến Quân Y Viện. Tôi còn bị gọi đến các Tiểu Đoàn Hành Quân khi có vấn đề y tế cần Bác Sĩ giải quyết, tôi đi trực thăng Mỹ đến đó.

Đa số quân nhân quanh tôi là người Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Điều này dễ hiểu vì ở Huế thì người Huế nhiều, kế đến là người Quảng Trị và Quảng Nam vì Huế bắc giáp Quảng Trị, nam giáp Quảng Nam.

Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân đến vua Trần Anh Tông của Đại Việt. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô và Lý mà Chế Mân đã dâng làm vật sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu (Quảng Trị), và châu Lý làm Hoá Châu (Huế).

Ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định Việt Nam chiếm của người Chàm-người Chăm Pa (gồm người Chiêm Thành).

Khi có cãi vã giữa người Quảng Nam và người tỉnh khác, thường có Hạ Sĩ Quan hoặc Binh Lính người Huế lắc đầu cười nhìn tôi mà nói giỡn: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định co ro, Thừa Thiên (Huế) ních hết”.

Trong hai mươi mốt năm (1954-1975) học hành và làm việc tại Việt Nam Cộng Hòa, tôi thấy đa số người Quảng Nam học giỏi và hay tranh luận. Ngoài ra, đa số người Quảng Nam thẳng thắn, bằng chứng là tập thể Việt Kiều Quảng Nam đăng lên Internet rằng người Quảng Nam gốc ở miền Bắc Việt Nam di cư hoặc bị đầy đến đất Quảng Nam.

Anh em Tây Sơn ở Bình Định nổi dậy đánh dẹp và tàn sát Chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh dòng dõi Chúa Nguyễn chạy thoát và được người Pháp đưa ra đảo Phú Quốc ẩn náu qua sự trung gian của những nhà truyền đạo Thiên Chúa người Pháp tại Việt Nam. Nguyễn Ánh gửi con là Nguyễn Cảnh sang Pháp làm con tin để xin cầu viện. Nhờ súng đạn của Pháp, Nguyễn Ánh đánh thắng anh em Tây Sơn và lên làm vua. Vì vậy dân Bình Định bị Nhà Nguyễn không ưa và nghi kỵ nên trở thành nhút nhát (co ro) đối với vua quan Triều Nguyễn.

Tôi đã không tìm ra tại sao người Quảng Ngãi hay lo cho đến khi cách đây khoảng mười năm, một bà bạn người Quảng Ngãi đã buột miệng nói với tôi: “Đất Quảng Ngãi cầy lên sỏi đá, đa số dân Quảng Ngãi sống bằng nghề đi biển đánh cá”. Vì bà buột miệng nói ra nên là nói thật. Ngoài ra, tôi thấy đôi mắt bà cảm động, tội nghiệp cho người đồng hương mặc dầu bà là con một đông y sĩ giàu có ở Quảng Ngãi. Tôi bỗng nhớ tới bài thơ Oceano Nox của Victor Hugo mà tôi đã dịch sang văn xuôi Việt Nam. Khi có người nhà đi biển đánh cá, gia đình nào cũng không khỏi lo lắng.

Ôi, hiểu được câu nói “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Binh Định co ro, Thừa Thiên (Huế) ních hết” đối với tôi thật không phải là dễ.

Khai Phi

%d