Khai Phi's Website

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương III Chuyến Tàu Hỏa_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG III
Chuyến Tầu Hỏa

**************************************************

Tôi đến nhà Khoa rồi chúng tôi cùng nhau đi bộ sớm ra ga xe lửa Đường Lê Lai vì Khoa ở Đường Lê Thánh Tôn gần đó. Chúng tôi sẽ gặp Anh Tám tại chỗ bán vé. Trong khi ngồi chờ, Khoa cho biết Anh Tám họ Huỳnh chữ đệm Văn là một công chức khá cao cấp, tính tốt, hay giúp đỡ và rộng rãi. Ngoài ra, Anh Tám thích biết về người ta và địa phương. Tôi đồng ý, bàn thêm:
_Tao đoán Anh Tám mua vé hạng nhì. Diện như anh ấy không ngồi hạng ba như mình đâu. Mày chưa đi xe lửa chắc không biết, tao đã một năm nay từ Sài Gòn về Nha Trang thăm nhà vài lần. Hạng ba là hạng bét ngồi chung với khách đi tầu bình dân và các bà buôn hàng chuyến nên ồn ào và xô bồ.
Anh Tám đến rất đúng giờ và cả ba chúng tôi xách hành lý lên tầu. Anh ngồi toa hạng nhì đúng như tôi nói.
Chúng tôi ngồi trên tầu được một lúc thì Anh Tám từ toa trên xuống hỏi han rồi rủ lên toa restaurant (3) đãi chúng tôi. Chúng tôi cám ơn nhưng từ chối nói rằng đã ăn uống đầy đủ ở nhà, ngoài ra chẳng bao lâu sẽ tới Mỹ Tho.
Thấy Anh Tám đứng nói chuyện hơi lâu, tôi lên tiếng:
_Anh lên toa trên nghỉ đi. Ở đây lâu bộ com lê Orlon của anh có thể bị thủng lỗ bởi những đốm lửa than bay vào vì toa này rất gần đầu máy, em đi tầu ngồi đây vài lần rồi.
_Vậy hả, cám ơn em nghe. Nói xong, Anh Tám cười, trở về toa trên.
Tôi nhìn theo anh trong bộ com lê bốn túi Hồng Kông, hàng Orlon màu trắng, trên đôi giầy hai màu nâu trắng mới đánh kem (4) và xi (5) bóng loáng.

(3) Toa restaurant: toa quán ăn.
(4) Kem: kem trắng để đánh giầy trắng.
(5) Xi: cirage nâu, đen, hoặc trong không màu để đánh giầy, còn gọi là xi ra.

Tầu chạy một hồi lâu, tôi cảm thấy hơi mệt, nhưng không ngủ ngồi được, đành dựa lưng nghỉ. Bên cạnh tôi, Khoa đã ngủ từ bao giờ.
Tôi suy nghĩ miên man và cảm thấy hơi ngượng ngập trong cuộc đi chơi này vì mới quen người lạ chớp nhoáng mà được ngay một đặc ân. Tôi sẽ phải làm gì đây để được tự nhiên và xứng đáng với lòng tốt của Anh Tám khi sống miễn phí một tuần lễ trong gia đình anh. Tôi băn khoăn một lúc rồi bỗng nghĩ ra … Đúng rồi, tôi sẽ làm như thế …
Khoa đã nói cho tôi biết Anh Tám có vợ một con tại Mỹ Tho trong tương lai sẽ bán nhà ở đó và dọn lên Sài Gòn. Hiện mỗi tuần trưa Thứ Bảy Anh Tám lái Vespa về Mỹ Tho thăm gia đình rồi chiều Chủ Nhật lái về Sài Gòn để sáng Thứ Hai đi làm. Mỗi năm anh được nghỉ phép hai lần về ở Mỹ Tho với vợ con. Lần này vì dắt Khoa và tôi về chơi quê anh nên anh phải đi xe lửa với chúng tôi. Khoa nói thêm Anh Tám sẽ dắt bọn tôi giới thiệu với bà con và người quen của gia đình rồi để chúng tôi tự do đi chơi vùng quê. Mục đích chính của anh là cho chúng tôi một cơ hội để hiểu biết về thôn quê Nam Việt. Anh Tám đỗ Cử Nhân Luật Khoa Tiếng Pháp tại Hà Nội.
Tôi lơ đãng nhìn quanh toa tầu và bỗng ngừng lại trước đôi mắt thân thiện của một bà buôn hàng chuyến ngồi gần trước mặt. Tôi khẽ gật đầu mỉm cười:
_Chào bà. Bà làm ơn giúp cho. Khi nào còn mười lăm phút tới Mỹ Tho, xin bà nói cho tôi biết.
_ Được, dễ mà, chừng đó tôi sẽ cho cậu hay. Đi xe lửa Mỹ Tho lần đầu à, đi theo thầy bận đồ trắng hồi nãy phải không?
_Dạ phải.
Tôi tính lúc đó sẽ rủ Khoa lên toa hạng nhì gặp Anh Tám rồi cùng anh xuống tầu. Như vậy không bị lạc và không làm phiền anh phải xuống tìm bọn tôi.

Khoa vẫn còn ngủ. Nhìn tấm thân lâu lâu cựa quậy theo cái miệng chép chép của hắn tôi thấy buồn cười, khẽ lắc đầu. Tôi phải công nhận dễ ngủ như hắn sướng thật.
Chúng tôi quen nhau từ khi tôi mười hai tuổi, hắn mười lăm.
Khi Khoa được bảy tuổi và đứa em trai một tuổi thì mẹ mất vì lao phổi thời đó không có thuốc chữa.
Mẹ tôi cũng bị bệnh này và mất lúc đứa con đầu lòng là tôi được hơn hai năm.
Chúng tôi không muốn bạn phải tốn công, tốn của cho mình khi không cần thiết và chúng tôi sẵn sàng giúp nhau dù bị thiệt thòi.
Khoa và tôi có lẽ không thể thiếu nhau.
Hắn với tôi có khi tranh cãi nhưng không giận nhau và cuối cùng thường đồng ý.
Tranh cãi dường như ít đi và đồng ý nhiều hơn sau khi chúng tôi gặp một thầy bói Tầu già.

Vào một buổi trưa hè nóng nực tại Sài Gòn, sau khi lĩnh lương dạy học tư gia, Khoa và tôi ngồi uống cà phê đá trong nhà, nhìn ra đường. Hắn bỗng đứng dậy đi ra cửa, vẫy tay hô lớn:
_Ông ơi, ông ơi … vô đây!
Bên kia đường, một ông già mù mặc y phục Tầu, cổ như deo vài cái mai rùa, một tay khua gậy, một tay được đứa con gái khoảng mười hai tuổi nắm dắt xuống đường. Cô gái nhỏ này tay kia thỉnh thoảng lắc chuông.
_ A thì ra Khoa gọi thầy bói vào xem. Tôi tự nhủ và lấy làm lạ vì hắn không khi nào tin bói toán.
Hắn thường nói: “Bói cái gì, có thầy bói nào biết được người ta bao giờ chết đâu”.
Bài làm Luận Đề Luân Lý (Dissertation Morale, Essay) Aide-toi, le ciel t’aidera (Ngươi hãy tự giúp ngươi rồi Trời sẽ giúp ngươi) khi xưa của hắn được nhiều điểm nhất lớp và được đọc lên cho mọi người nghe.
Tôi lên tiếng:
_ Mày mới quen được em nào đẹp nên muốn xem bói phải không?
_Không. Khoa trả lời gọn lỏn.
Tôi liền đoán có lẽ hắn vì chạnh lòng, nhất là khi thấy đứa con gái nhỏ dắt ông thầy bói già mù.
Khoa chỉ hai chiếc ghế trống trước mặt rồi bảo ông già và đứa con gái:
_Ngồi xuống đi ông, ngồi xuống em. Ông xem bói lấy bao nhiêu đây.
Ông già trả lời ba chục đồng. Tôi tính ra số tiền này mua được sáu tô phở, sáu tô mì, hoặc sáu tô hủ tíu.
_Được rồi, tôi trả ông ba chục. Uống chút nước rồi hãy bói. Nói xong, Khoa vào nhà trong lấy ra hai cái ly lớn đầy nước đá cục, hai chai xá xị, một ổ bánh mì lớn và một nải chuối.
Tôi hiểu rồi, hắn chỉ muốn cho ông già và đứa con gái một số tiền và chút gì để ăn uống.
Thấy ông già cầm ly lên còn ngại ngùng suy nghĩ chưa uống, tôi nói rõ:
_Nước ngọt, bánh mì và chuối đãi ông đó. Chúng tôi mỗi người vẫn trả ông ba chục đồng. Ông bói hay sẽ được thêm tiền thưởng.
Quay sang đứa con gái, tôi hỏi:
_Em bao nhiêu tuổi?
_Em mười một.
_Ông đây là gì của em?
_Ông Ngoại.
_Mẹ em làm gì?
_Chết rồi.
Tôi đây, Khoa lắc đầu lên tiếng cắt ngang:
_Thôi mày.
Tôi im và ông thầy Tầu già bắt đầu bói.
Ông hỏi ngày và giờ sinh của Khoa, rồi đặt bốn đồng trinh vào giữa một cái đĩa sành trũng, tráng men, vừa đủ lớn và có hình vẽ màu xanh. Một cái mai rùa được úp lên đĩa, phủ kín các đồng trinh. Ông thầy bói cầm đĩa lên, kẹp chắc vào mai rùa, lắc kỹ, sau đó mở đĩa, cầm sờ cẩn thận các mặt đồng trinh ngửa lên. Ông bấm đốt ngón tay, miệng lẩm bẩm, rồi đằng hắng cất tiếng.
Ông bảo Khoa Tuổi Đinh Sửu, cầm tinh con trâu, Mệnh Giản Hạ Thủy. Khoa hỏi Giản Hạ Thủy là gì và được trả lời là nước dưới rạch.
_ Nước dưới rạch chảy bên đường đó mà . Ông cắt nghĩa bằng Tiếng Việt lơ lớ.
Cái vẻ cẩn thận nghĩ rồi mới nói của ông khác hẳn những thầy bói nam hoặc nữ ăn diện bảnh bao hoặc lộng lẫy, thao thao bất tuyệt làm như tài giỏi, nhìn khách hàng bằng đôi mắt ranh mãnh cố đọc tư tưởng của họ mà nói cho vừa lòng, còn chuyện tương lai thì nói chung chung hoặc đầy hy vọng.
Ôi, ông thầy bói Tầu già mù này có khác chi những văn thi nhạc sĩ đầy khả năng, cặm cụi say mê sáng tác, chẳng để ý đến độc giả, khán thính giả thích gì để rồi phải sống một cuộc đời có khi nghèo khổ.
Tôi bỗng để ý đến ông hơn. Trong cái vẻ già nua nghèo khổ, dung mạo ông còn đẹp, nhất là hàm răng còn đủ, đều đặn vừa phải, không móm không hô (6). Ở đứa cháu gái lem luốc của ông, nụ cười đẹp hơn vì tuổi trẻ.
Thấy cô gái nhỏ dốc ly nước đá cục đã hết xá xị lên uống, rồi đặt xuống, nhìn ổ bánh mì, tôi vào nhà trong lấy thêm một chai xá xị, một cái đĩa và con dao. Tôi rót xá xị vào ly của nó, rồi cắt một khoanh bánh mì để vào đĩa bên cạnh một quả chuối tôi mới bẻ khỏi nải. Tôi nói:
_Ăn đi em. Ăn bánh mì với chuối cũng ngon lắm đó.
Đứa con gái nhìn tôi rồi ăn. Có lẽ nó chưa bao giờ ăn bánh mì lò điện đắt tiền hơn bánh mì thường.
Theo lời bói toán, Khoa Tuổi Sửu sinh sáng sớm nên cuộc đời vất vả, nhưng Khoa đứng Chữ Đinh thành rất tốt.
_Đàn ông đứng Chữ Đinh là tốt nhất đó mà.
Ông thầy bói nói.
Khoa hỏi tốt nhất là tốt làm sao và được trả lời ngay:
_Là học cao, làm lớn, có tài, có tiền đó. Nghe tới đây, Khoa phì cười, tôi đoán có lẽ hắn vừa thích vừa không tin lắm. Hắn có vẻ thích hơn và trầm ngâm khi nghe hắn Mệnh Giản Hạ Thủy là người có tình, nghĩa là người thương người khác và được người khác thương lại.
Tôi nhắp ly cà phê đá, nhìn ra đường. Trời nắng to hừng hực. Tôi dựa lưng vào ghế, nghe tiếng nói đều đều của ông thầy bói như nghe tiếng giảng đạo trong nhà thờ hoặc trong chùa. Tôi chẳng có đạo gì, chỉ theo bạn đi nhà thờ và đi chùa.
_Đến lượt mày kìa Khánh. Xem hay không thì bảo. Khoa lên tiếng.
Tôi trả lời sau khi nhìn đứa cháu gái nhỏ của ông thầy bói già mù Người Tầu:
_Xem thì xem.
Cũng như đối với Khoa, sau khi hỏi ngày và giờ sinh của tôi, rồi gieo quẻ, bấm đốt ngón tay tính quẻ, ông thầy bói bảo tôi Tuổi Canh Thìn, cầm tinh còn rồng, Mệnh Bạch Lạp Kim.
Tôi hỏi và được ông giải nghĩa Bạch Lạp Kim là vàng của cây đèn bạch lạp.
Ông nói tôi sinh trễ trong năm Thìn nên cầm tinh nguyên con rồng. Mệnh Kim nguyên con rồng thường suy nghĩ nhiều hơn yêu ghét nên thích chính xác công bằng. Là vàng của cây đèn bạch lạp nên cuộc đời tôi quanh quẩn với những người giàu có, địa vị. Vì có hai điều này nên tôi được người giỏi, người tốt ưa thích.
_Nguyên con rồng Bạch Lạp Kim thì nước da trắng, đào hoa nữa đó. Ông thầy bói cười ròn.
Khoa bỗng cắt ngang:
_Ông ăn bánh mì với chuối nhé. Bánh mì lò điện đó.
Ông già bị ngưng nói chưa kịp trả lời, Khoa quay sang đứa con gái:
_Em cắt bánh mì, bẻ chuối cho ông Ngoại ăn đi.
Rồi hắn cười với tôi:
_Khoái tỉ chưa mày. Dân Bắc Mát (7) vừa được ca tụng vừa được cắt nghĩa không mê sao được. Mày trả thêm tiền thưởng đấy nhé.
Tôi cười, lắc đầu.
Ông già vừa thong thả ăn bánh mì với chuối, vừa bói tiếp:
_Cái này không được tốt, đứng chữ Canh thì mồ côi sớm, hay là dù cuộc đời có tốt đến đâu cũng không được vui hoàn toàn, có khi bị luôn hai thứ đó mà.
Ông ăn hết chỗ bánh mì chuối trên tay, cuộn tròn gọn ghẽ vỏ chuối, cẩn thận đặt xuống bàn, im lặng một lúc rồi nói:
_Hai nị có hỏi gì không?
Khoa lên tiếng:
_Tuổi Đinh Sửu và Tuổi Canh Thìn là bạn với nhau có tốt không?
_Tốt chứ, Kim sinh Thủy, Đinh Sửu nhờ Canh Thìn. Nhưng hai tuổi xung nhau, hay cãi nhau đó mà, cãi nhau trung bình thôi. Thìn Tuất Sửu Mùi tứ hành xung, Thìn cách Tuất rồi mới tới Sửu, cãi nhau không nhiều đâu.
Tôi hỏi làm thế nào khỏi xung tuổi.
Ông Tầu cười lắc đầu:
_Phải chịu thôi. Nhịn nhau một chút thôi đó mà.
Khoa gói bánh mì trong bao gọn lại rồi đẩy tới cạnh nải chuối, bảo đứa con gái cất vào bị.
Hắn móc ra ba chục đồng bỏ lên đĩa, tôi cũng để vào ba chục đồng.
_Trả ông sáu chục đồng tiền quẻ trên đĩa rồi đó. Khoa kết luận.
Chờ ông già thầy bói mù cầm tiền lên, sờ sờ kiểm soát xong, tôi lên tiếng:
_Tôi thưởng ông hai chục đồng này. Rồi tôi dúi tiền vào bàn tay ông.
Ông Tầu xô ghế đứng dậy, bàn tay phải nắm nhẹ lại ngang ngực, lòng bàn tay trái úp lên rồi nói: “Cám ơn, cám ơn, tó chẻ, tó chẻ” (8). Đứa con gái cúi đầu nói theo: “Cám ơn hai anh”.
Chúng tôi chia tay.
Khoa có vẻ cảm động bảo tôi:
_Gặp mấy bà, mấy cô hàng xóm hỏi coi bói hay không, mày nói hay nghe chưa, cho ông già có khách.

Đó là lần xem bói chung duy nhất của Khoa và tôi, lần xem bói có thể nói là lịch sử vì sau đó chúng tôi nhịn nhau. Phần tôi, tôi vương vấn suốt đối với chữ Canh …

(6) Hô là vẩu.
(7) Bắc Mát là Tú Tài Toán.
(8) Tó chẻ là cám ơn.

%d