TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương IV Mỹ Tho_Khai Phi Hạnh Nguyên
**************************************************
CHƯƠNG IV
Mỹ Tho
**************************************************
Con tầu hỏa làm như hết sức hú lên một tiếng thật dài, rồi thở phì phì, từ từ ngừng tại Ga Mỹ Tho.
_Mình xuống đây đi, tới nơi rồi. Anh Tám bảo Khoa và tôi.
Rời tầu, chúng tôi đi tới một chỗ đất rộng sạch, rồi đặt hành lý xuống đứng nghỉ.
Tôi hỏi:
_Nhà chắc gần đây phải không anh?
_Khoảng một cây số thôi em à. Nói xong, Anh Tám giơ tay xem đồng hồ, rồi lấy ra một điếu thuốc, châm lửa hút. Anh nhìn hai chiều đường, có vẻ tìm xe.
Tôi bàn:
_Nếu vậy mình có thể đi bộ khoảng mười lăm phút là tới nhà. Khoa và em mặc đồ thường thoải mái sẽ thay phiên nhau xách va ly của anh, hành lý bọn em nhẹ chỉ cần đeo lưng.
Khoa phụ họa:
_Đúng rồi, mình làm như vậy tiện nhất. Nói xong, hắn nhấc liền chiếc va ly về chỗ hắn
Tôi cười làm như chuyện đã rồi không cần Anh Tám quyết định:
_Vậy lần này anh về làng oai hơn trước nhiều, mặc bộ com lê mốt (9) lại thêm người tháp tùng.
Anh Tám sặc khói thuốc vì cười:
_Cám ơn hai em. Thằng Khánh nói chuyện vui thật.
Đường chiều Mỹ Tho nắng nhạt dần và khi trời gần hoàng hôn, chúng tôi đến trước cổng nhà Anh Tám, một ngôi nhà gạch hai tầng, mái ngói tây, có sân gạch rộng đằng trước. Hai bên sân là hai giải đất trồng hoa viền gạch đỏ. Quanh nhà có hàng rào tường thấp phia trên cắm cọc sắt nhọn.
Anh Tám bấm chuông, một con chó to đen, lông mượt, bốn bàn chân màu trắng, chạy ra sủa.
Nghe chủ gọi: “Lu, im ngay, người nhà”, con vật ngưng tiếng, rồi vẫy đuôi, chồm hai chân trước lên khe song cổng sắt. Anh Tám xoè tay đỡ lấy bàn chân của nó thò ra.
Một người đàn bà khoảng năm mươi tuổi, bới đầu, ăn mặc gọn ghẽ, từ trong nhà đi vội ra.
_Thầy Tám mới về.
_Bà Tư, ở nhà vẫn bình thường chớ?
_Dạ mọi việc vẫn thường. Bà Tư vừa trả lời vừa mở khóa cổng.
Nghe câu chào chủ của Bà Tư, tôi hiểu thêm Anh Tám vừa tên là Huỳnh Văn Tám vừa là người con thứ tám.
Khi chúng tôi vào đến hành lang thì đèn bật sáng, của từ từ mở. Đi ra với đứa bé trai khoảng bốn năm tuổi là một người đàn bà rất đẹp, uốn tóc, mặc đồ bộ màu tím hoa cà, chân mang dép. Tôi đoán ngay đó là vợ Anh Tám.
_Anh mới về.
_Em. Anh Tám đáp lời vợ xong cúi xuống ẵm con lên nựng, rồi quay liền về phía Khoa, giới thiệu:
_Em à, đây là Khoa, con anh Hoàng làm cùng sở với anh đó.
_Còn đây là Khánh, bạn học của Khoa. Hai đứa là khách của mình một tuần, rồi trở về Sài Gòn thi Ô Ran Bắc Đơ (10).
Khoa hơi cúi đầu:
_Em xin chào Chị Tám, hân hạnh được biết chị.
Tôi cũng làm y như hắn.
Chị Tám nhìn chúng tôi, thong thả lên tiếng:
_Chào hai em. Đi đường mệt không?
_Dạ không. Chúng tôi cùng đáp một lượt.
Chị Tám nói tiếp, vẫn rõ ràng thong thả:
_Bây giờ hai em đi theo Bà Tư về phòng nghỉ. Khoảng nửa giờ nữa tới phòng ăn dùng cơm kịp không?
_Cám ơn chị, nửa giờ sau chúng em sẽ có mặt. Tôi trả lời, rồi cùng Khoa theo gót Bà Tư sau khi bà cất chiếc va ly của Anh Tám.
Bà Tư mở cửa, chỉ căn phòng chúng tôi ở chung, rồi hỏi chúng tôi có cần gì không.
_Không, tất cả tốt quá rồi, cám ơn Bà Tư nhiều. Khoa trả lời.
Nửa giờ sau, Khoa và tôi đến.
Phòng ăn rộng sáng rõ trong ánh đèn vàng của mấy bóng đèn điện tròn trắng đục. Anh Chị Tám ngồi hai đầu bàn. Chị Tám chỉ Khoa và tôi ngồi hai bên bàn đối diện nhau. Chiếc bàn hình chữ nhật khổ 4 x 6 nhưng rộng, Khoa và tôi ngồi không chạm chân nhau, vậy là loại bàn lớn ăn tiệc nhiều người tôi đoán đã được dồn ngắn lại. Anh Tám thoải mái trong bộ py da ma màu xám nhạt, Chị Tám vẫn mặc đồ bộ vừa rồi.
Thấy Khoa và tôi mỗi đứa còn bận sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần kaki, Chị Tám nói:
_Trong nhà hai em có thể bận như Anh Tám cho thoải mái.
Khoa nói:
_Dạ, để lần sau.
Tôi nghĩ vậy là tôi phải để dành py da ma sạch còn nếp để mặc ngồi ăn vì đang ở trong một gia đình trí thức giàu có và nền nếp. Tôi sẽ cho Khoa biết điều này.
Thấy Bà Tư đã bày xong món ăn lên bàn, Anh Tám hỏi:
_Hai em uống la de nhé.
Chúng tôi cám ơn nhưng từ chối nói không biết uống rượu, Anh Tám bảo Bà Tư:
_Lấy la de cho tôi thôi, Bà Tư.
Rót la de xong, Anh Tám cầm đũa lên nói:
_Nào, mời mọi người. Rồi anh nâng ly uống và bắt đầu gắp.
Tôi cầm đũa, nhìn trên bàn.
Hai liễn (11) đựng cơm nóng được đề gần hai góc bàn phía tay trái Anh Chị Tám nhưng không vướng tay ai vì bàn rộng.
Món ăn gồm có tôm khô củ kiệu để uống la de, canh chua cá, gà rô ti nước dừa, xà lách cà chua hành tây trộn dầu dấm muối đường tiêu bột và hai món làm tôi hơi ngạc nhiên là rau muống xào thịt bò và đậu tẩm.
Hai món này thường chỉ phổ thông ở Miền Bắc nhất là Hà Nội.
Đậu tẩm là tầu hủ chiên sơ lấy ra nhúng liền vào nước mắm đường hành xanh sắt nhỏ pha loãng với chút nước sôi để nguội.
Có lẽ thấy tôi nhìn hai đĩa rau muống xào thịt bò và đậu tẩm hơi lâu, Chị Tám cười nói:
_Anh Tám ra Hà Nội học Luật mấy năm, ăn rau muống xào thịt bò và đậu tẩm, rồi về dây nói chị làm hai món này.
Khoa và tôi cùng cười vui, Chị Tám nói tiếp
_Hai em dùng tự nhiên nhé. Món ăn đã được đề dành đầy đủ cho Bà Tư và trong bếp còn rất nhiều. Vì không muốn ăn thức ăn dư trên bàn nên ăn tới đâu múc tới đó vậy thôi.
Ăn được mươi phút Chị Tám hỏi:
_Hai em ăn vừa miệng không?
_Ngon quá! Khoa vừa nuốt xong trả lời liền.
Có lẽ thích câu nói của Khoa, Chị Tám cười nhẹ quay sang tôi:
_Còn em ăn được không?
Tôi nghỉ một giây đồng hồ rồi đáp một tràng :
_Ngon thật đó chị. Hôm nay em mới ăn gà rô ti nước dừa. Gà ướp rất thấm, da ròn ngon, thịt vừa chín tới. Đường và nước dừa bỏ đúng quá. Chắc có gia vị gì thêm và cách rô ti gì đặc biệt.
Món rau muống xào thịt bò và đậu tẩm một chín một mười Hà Nội.
Em thấy hình như cá lóc Mỹ Tho khác cá lóc bán ở Sài Gòn vì ăn béo ngon hơn và nhất là không xảm.
Vợ chồng Anh Tám cùng cười, Chị Tám nói:
_Cá lóc Mỹ Tho cũng như mọi nơi thôi. Mình đang ăn canh chua cá bông lau.
Rồi chị nhắc lại:
_Hai em ăn nhiều đi nghe.
Khoa đáp:
_Ăn nhiều vì thức ăn ngon và nhiều.
Chị Tám cười:
_Vậy món ăn ít ăn ít.
Tôi xen vào:
_Chuyện đó không có ở đây.
Anh Tám lắc đầu cười:
_Hai đứa này nói chuyện vui thật, uống chút la de nghe.
Khoa lên tiếng:
_Bọn em đã thử rồi, uống vào mệt người, ăn không ngon.
Anh Tám nhìn bọn tôi hơi lâu rồi lắc đầu cười nữa, bắt sang chuyện khác:
_Em à, Khoa và Khánh học khá lắm, thi đậu liền. Khoa đậu măng xông (12) chắc xin buộc (13) được.
Khoa cải chính:
_Em không được đâu anh vì em hai mươi mốt, quá tuổi, Khánh nó mười tám nếu xin thì được.
Chị Tám hỏi:
_Đậu Ô Ran xong các em tính học gì?
Khoa nói học Luật, tôi đáp sẽ thi vào Quân Y vì không có tiền học Đại Học.
_À Khánh, nhà em ở đường nào trên Sài Gòn, Ba Má khỏe chứ hả? Chị Tám hỏi tiếp.
Tôi trả lời tôi ở Đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, Ba tôi khỏe, Má tôi mất lâu rồi.
Bữa cơm tối kéo dài hơn nửa giờ, xong Chị Tám nói mọi người ra phòng khách ngồi cho thoải mái ăn tráng miệng.
Tại bàn phòng khách có chuối, cam và bánh bía (14).
Anh Tám uống cà phê ăn bánh bía. Khoa và tôi cũng ăn bánh bía nhưng uống nước đá đường chanh muối. Chị Tám chỉ uống nước trà và ăn cam.
Tráng miệng mất khoảng hơn mười phút, sau đó chúng tôi cám ơn Anh Chị Tám rồi về phòng nghỉ.
(9) Mốt: mode: thời trang.
(10) Thi Ô Ran Bắc Đơ: Thi Vấn Đáp Tú Tài II.
(11) Liễn: hũ dầy lớn có nắp thường bằng sành tráng men dùng để đựng cơm nóng.
(12) Đậu măng xông (mention): đậu hạng cao.
(13) Buộc (bourse): học bổng.
(14) Bánh bía: bánh nướng nhân đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, sầu riêng, vân vân, có rất nhiều lớp bột mỏng bao ngoài.
Phòng có hai giường một người nằm kê song song, đầu gần sát tường; một cái dọc theo gần cửa sổ trông ra hành lang chạy dài suốt nhà. Khoa bảo tôi nằm cái giường kia gần tường.
_Mày sợ lạnh thì nằm cái giường này, xa cửa sổ. Hắn nói và tôi không phản đối. Hắn quen vừa như chỉ huy vừa như chăm sóc cho tôi.
Đèn tắt, phòng tối om, tôi nhìn ra cửa sổ chỉ thấy lờ mờ cây cối và nghe tiếng côn trùng bởi đây là miền quê. Tôi chưa ngủ được vì mới chín giờ tối, tôi thường ngủ từ mười hoặc mười một giờ tối đến sáu giờ sáng.
Tôi hình dung lại căn phòng với hai cái bục gỗ khá rộng dùng để hành lý, đặt tại hai góc dưới mỗi chân giường. Giữa hai bục là một cái khung treo mắc áo i nốc xy đáp (15) bóng loáng trông như khung gôn túc cầu nhỏ, dưới có bốn bánh xe để có thể xê dịch một cách trơn tru trên sàn đá hoa. Cây treo quần áo to và chắc không thể quằn xuống, trên có móc nhiều mắc áo đủ loại. Một cái quạt trần ở giữa phòng dưới có gắn một bóng đèn trắng đục có lẽ một trăm oắt (16) vì tỏa ra ánh sáng đầy đủ để đọc sách. Nút điện bật tắt quạt và đèn ở trên tường giữa hai giường. Mỗi đầu giường có một cái táp đờ nuy (17) có đèn và hộc để đựng sách báo.
Một cái bàn nhỏ hình chữ nhật kê giữa hai giường với hai chiếc ghế đệm ở hai đầu và một cái đèn ở giữa. Như vậy, về khuya một người muốn đọc sách báo hoặc viết lách không làm phiền người kia bởi vì ba cái đèn đều có a ba giua (18) dầy và đậm màu nên ánh sáng chỉ đủ cho người dùng và không chói mắt người kia. Đi ra khỏi phòng dùng cái cửa phía chân giường tôi. Cửa có tới ba bản lề để khỏi bị xệ và có thể mở ra sát tường, cách cái bục gỗ khoảng mười phân.
Nằm ngửa thoải mái trên chiếc giường nệm trắng tinh, tôi cảm thấy thích thú vô cùng và tiếp tục suy nghĩ về những gì thật bất ngờ xảy đến cho tôi trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ vừa qua. Khăn trải giường trắng tinh để bảo đảm sạch sẽ tuyệt đối, điều nầy quan trọng đối với khách phụ nữ. Ghế bọc đệm để ngồi khỏi bị chai mông, điều này cũng quan trọng đối với khách phụ nữ. Bàn ăn bề ngang thật rộng để bày món ăn ở giữa dọc theo chiều dài, với muỗng lớn, nĩa và kẹp gắp sẵn sàng để thực khách lấy thức ăn vào bát hoặc đĩa của mình. Bàn ăn bề ngang thật rộng cũng để nữ thực khách không bị … đụng chân một cách vô tình hay cố ý, đây mới là điều tế nhị nhất.
Hôm nay tôi học được những gì Người Pháp gọi là sự đơn giản lịch sự và tế nhị. Ai ghét người giàu sang, tôi không có ý kiến. Riêng tôi, nói chung tôi ngưỡng mộ sự nền nếp và tế nhị trong cuộc sống gia đình của hạng người này.
Tôi suy nghĩ lung tung như vậy rồi ngủ lúc nào không hay.
Khi tôi rửa mặt đánh răng xong trở về phòng, Khoa nói Bà Tư mới đến cho biết là tám giờ rưỡi dùng điểm tâm với Anh Chị Tám.
Tôi đáp:
_Bây giờ mới bảy giờ, còn sớm chán.
Tôi lục táp đờ nuy tìm ra được hai Tạp Chí Phổ Thông và Se’lection du Reader’s Digest (19). Tôi lược qua các mục lục để chọn bài đọc.
Ngồi bàn tôi thấy ánh bình minh rọi chéo vào cửa sổ, từ trái sang phải. Vậy là nhà Anh Tám Hướng Đông Nam.
Thời chạy loạn sau 1945, tôi ở với người bác ruột tại quê nhà cách Hà Nội mười tám cây số. Tôi thường nghe người lớn ngồi nói chuyện khen nhà Hướng Đông Nam. Thấy nhà bác tôi Hướng Nam, tôi hỏi:
_Bác ơi, nhà Hướng Đông Nam tốt tại sao nhà mình lại chọn Hướng Nam.
Ông nghĩ một chút rồi thong thả đáp:
_Nhà Hướng Đông Nam buổi sáng nắng chiếu chéo vào hai mái nhà, tường bên trái và tường trước. Buổi chiều mặt trời chiếu chéo ngược vào hai mái, chiếu chéo vào tường bên phải và tường sau. Như vậy suốt ngày nắng chiếu chéo vào mọi chỗ bên ngoài nhà, nên mùa Hè đỡ nóng và mùa Đông đỡ lạnh. Ngoài ra người ở trong nhà không bị chói mắt vì ánh nắng không rọi ngay mặt như nhà Hướng Đông hoặc Hướng Tây.
Thấy bác tôi không nói tiếp, tôi nhắc:
_Nhưng sao nhà mình lại chọn Hướng Nam?
_Lấy cho tao một cái đóm đã. Ông trả lời sau khi nhắp một ngụm nước trà.
Tôi nhanh nhẹn xuống nhà ngang là nhà xay lúa và dễ dàng tìm được một cái đóm thật tốt. Đóm khô, đủ dầy và là khúc giữa của lóng tre nên không có mắt. Như vậy ngọn lửa châm sẽ to ngay, cháy đều và từ từ khi người ta dùng đóm hút thuốc lào. Nhả hết khói thuốc, bác tôi cắt nghĩa:
_Nhà mình làm mùa nên phải Hướng Nam để mặt trời buổi sáng từ bên trái mọc lên, chiếu vào sân trước nhà và đứng bóng lúc trưa. Rồi mặt trời xuống và lặn về bên phải là Hướng Tây. Như vậy suốt ngày sân được nóng nhiều, tốt cho việc phơi lúa và phơi rơm rạ cùng các thứ khác.
_Ơ thì ra như vậy. Tôi nói rồi bỏ đi chỗ khác.
_Khoan đã. Bác tôi vẫy tay gọi giật tôi lại rồi ông tiếp tục:
_Sắp sửa lên Hà Nội học rồi. Phải chăm học nghe chưa.
_Vâng. Tôi đáp.
Ông nhấn mạnh:
_Tất cả ở trong quyển sách. Ô tô nhà lầu vợ đẹp con khôn đều ở trong quyển sách, nhớ chưa.
_Dạ nhớ. Tôi lí nhí trả lời vì ngượng quá khi nghe bốn chữ “vợ đẹp con khôn”.
Sau đó đi học tôi xem sách thấy Người Pháp cũng thích nhà Hướng Đông Nam. Họ cũng giải thích như bác tôi, một người nhà quê mù chữ, không biết đọc. Nhưng họ nói thêm rằng nhà Hướng Đông Nam mặt ngoài ít bị vi trùng và rêu mốc vì được nắng trong ngày chiếu mọi chỗ. Giáo dục của Người Pháp là Giáo Dục Tú Tài Quốc Tế (Baccalaure’at International – International Baccalaureate), ngoài việc đào tạo một công dân tốt, còn đào tạo một con người tốt có khả năng, vì vậy luôn luôn cắt nghĩa, tránh học thuộc lòng, và rất kỵ đem những gì sai, không có bằng chứng vào đầu óc, mà họ gọi một cách khinh bỉ là rác rưởi.
Bữa ăn sáng tại nhà Anh Chị Tám gồm có bánh mì, trứng gà ốp la (oeufs au plat), chuối và cà phê.
_Hai cậu dùng mấy trứng. Bà Tư hỏi hai đứa tôi.
_Cho tôi ba, Bà Tư. Khoa nói.
_Tôi cũng ba, cám ơn Bà Tư. Tôi nói theo.
Anh Tám ăn ba hột gà, Chị Tám hai.
Tới cữ cà phê, tôi định uống cà phê đường để xem cà phê nhà Anh Tám ngon tới chừng nào. Nhưng khi thấy hộp cà phê tan liền cùng một thứ như cà phê gia đình tôi dùng, tôi đổi ý uống cà phê sữa, ngon hơn mặc dầu vị cà phê không thấy rõ rệt như trong cà phê đường.
Ăn xong chúng tôi về phòng thay quần áo để Anh Tám dắt đi thăm bà con và người quen của anh.
Cuộc thăm viếng mất khoảng hai tiếng đồng hồ.
Tôi thấy sự thật là Anh Tám nghỉ phép thường niên về quê ở lâu nên tới thăm bà con và người quen, tiện dịp dắt hai đứa chúng tôi đi theo cho vui và cũng để cho chúng tôi biết về người miền quê Nam Việt, chứ không phải như Khoa đã nói rằng Anh Tám đem chúng tôi đi giới thiệu. Chúng tôi là cái gì mà phải đem đi giới thiệu và giới thiệu để làm gì, nghĩ tới đây tôi thấy buồn cười.
Rõ ràng các chủ nhà và Anh Tám ưa thích nhau. Họ cười nói vui vẻ tự nhiên. Ngoài ra, tôi thấy Anh Tám được trọng nể thật sự, nhất là đối với người quen của anh, họ dạ thưa luôn miệng, một điều Thầy Tám, hai điều Thầy Tám, một cách vui vẻ làm như Anh Tám tới thăm là một điều vinh dự.
Tôi thấy vui quá và lại càng vui thêm khi biết hai đứa tôi được để ý vì là hai Bắc Đơ (20) từ Sài Gòn xuống và có giọng nói lạ. Chúng tôi được gọi bằng “Cậu” nhưng sau khi chúng tôi gọi những người lớn tuổi là “Bác”, “Chú”, “Dì” và xưng “Cháu”, các người này đổi liền sang “Cháu Khoa”, “Cháu Khánh”. Họ hỏi thăm về gia đình và gia quyến chúng tôi, họ hỏi về khí hậu ở Hà Nội. Có người lại hỏi tôi về những nơi như Đồ Sơn, Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, vân vân ngày xưa họ đã du lịch bây giờ ra sao. Sau cùng họ hỏi chúng tôi thấy Sài Gòn thế nào, có thích xem cải lương không, nghe Người Sài Gòn nói có hiểu hết không.
Tôi chậm rãi trả lời gia đình Ba tôi, mẹ kế tôi và các em tôi sống ở Nha Trang, tôi vào Sài Gòn trọ học được một năm, mẹ tôi mất khi tôi gần ba tuổi. Tôi chỉ biết Hà Nội và quê tôi cách Hà Nội mười tám cây số, tôi chưa đi Đồ Sơn, Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn bao giờ. Tôi nói Hà Nội đông người hơn Sài Gòn. Tôi không thích mùa Đông ở Hà Nội vì sợ lạnh. Sài Gòn ban ngày đỡ nóng hơn Hà Nội mùa Hè, ban đêm rất dễ chịu vì mát, cùng lắm tôi chỉ cần đắp một cái mền khăn lông là ngủ rất ngon. Sài Gòn các thứ rẻ hơn Hà Nội. Tôi chưa xem hát cải lương. Bây giờ Người Sài Gòn nói gì tôi cũng hiểu. Trả lời câu hỏi tôi có bạn Người Sài Gòn không, tôi nói có chứ vì tôi học Lớp Tú Tài II Trường Pe’trus Ký nên có nhiều bạn Người Sài Gòn, đặc biệt là tôi thường đến nhà một người bạn học ở cùng xóm để học chung. Khi được hỏi tôi thấy Trường Pe’trus Ký thế nào, tôi đáp Trường Pe’trus Ký khá lớn, đẹp, yên tĩnh và kỷ luật nghiêm. Tôi kể một lần tôi đi học trễ bị thầy giám thị dắt tôi vào văn phòng nhận giấy cảnh cáo. Một lần khác đang đứng chờ vào lớp, tôi bị quất một thước kẻ ngay cánh tay phải, tôi giật mình nhìn sang thấy thầy giám thị. Ông hạ cây thước xuống, nói: “Trò đứng ra ngoài hàng, đứng vô cho ngay”. Người hỏi tôi nhiều câu từ nãy tới giờ là một ông đứng tuổi, bà con anh Tám. Ông lắc đầu cười, hàm răng trắng đẹp, hỏi tiếp: “Cháu có ghét ông giám thị này không?”. Tôi đáp: “Cháu thấy các thầy dạy học, các thầy giám học và giám thị đều là những người có bằng cấp, phải thi đậu công cua (21) mới được nhận vào học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, rồi tốt nghiệp sau nhiều năm học tập. Các thầy có khi tức giận học trò nhưng chỉ một lúc, vì học trò lười học hoặc phạm kỷ luật. Các thầy không bao giờ ghét học trò nên cháu không bao giờ ghét các thầy”. Ông cười thành tiếng rồi xoè tay ra chờ trước mặt tôi mà nói: “Bác xưa cũng học trường Pe’trus Ký”. Tôi cười bắt tay ông: “Ơ vậy bác cũng đã học ở đó” Ông đứng dậy vào nhà trong lấy thêm nước ngọt cho tôi và Khoa. Lúc này tôi biết tại sao ông đã hỏi tôi những câu tự nhiên và hay như vậy.
Có thanh niên bằng hoặc hơn tôi một hai tuổi nói chuyện với tôi một cách tự nhiên nhưng có sự nể nang thấy rõ và tự động xưng “em”. Tôi ngại ngùng, hơi cảm động và nhận ra cái Bắc Đơ thật là to lớn. Chính phủ tuyên truyền nói rằng Việt Nam Cộng Hòa mười bảy triệu người, nhưng giáo sư địa lý lớp tôi nói Miền Nam mười triệu dân trong khi tôi thấy thí sinh thi Tú Tài II “toàn quốc” chỉ có khoảng năm nghìn người.
Các cô trạc tuổi tôi có vẻ hiếu kỳ khi thấy hai đứa tôi. Chúng tôi chào hỏi trước, điều này là bắt buộc đối với phái nữ. Vài người đẹp còn quanh quẩn đôi ba phút chỗ chúng tôi nói chuyện với mọi người. Tôi đi tới chào hỏi, các nàng cười tươi bắt chuyện những hơi thẹn thùng và có vẻ e dè.
Tôi tự hỏi các cô gái này tại sao lại phải e dè với hai đứa tôi. Chúng tôi có ăn thịt ăn cá gì các cô đâu, chúng tôi được Thầy Tám dắt về, chúng tôi là dân ăn học.
Rồi tôi được biết sự e dè đây là sự dè đặt về mối tình cảm của các cô cho trai trên Sài Gòn, trai giàu có và trai địa vị. Các cô nghĩ rằng trai trên Sài Gòn và trai giàu có thường không trung thành với vợ; và bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, luật sư nói chung muốn vợ vừa đẹp hoặc hạp nhãn lại vừa giàu.
Sau cuộc viếng thăm, anh Tám nói chúng tôi tự do đi chơi trong vùng quê Mỹ Tho và chúc chúng tôi nhiều vui, may mắn.
(15) I nốc xy đáp: inoxydable: kim loại không rỉ sét.
(16) Oắt: watt: đơn vị công suất của bóng đèn điện, bóng điện càng nhiều watts càng sáng nhiều.
(17) Táp đờ nuy: table de nuit: bàn vuông nhỏ để cạnh đầu giường có đèn với chụp đèn và có hộc đựng sách báo.
(18) A ba giua: abat-jour: cái chụp đèn.
(19) Se’lection du Reader’s Digest: tạp chí tiếng Pháp gồm những bài dịch ra tiếng Pháp từ các bài chọn lọc trong tạp chí Mỹ Reader’s Digest.
(20) Bắc Đơ: Tú Tài II.
(21) Công cua: concours: thi tuyển.