Khai Phi's Website

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương VI Sinh Ly_Khai Phi Hạnh Nguyên

**************************************************

CHƯƠNG VI
Sinh Ly

**************************************************

Tôi bỗng lại nhớ tới câu nói của Khoa: Tính cẩn thận của mày rất hay trong việc đưa Lan về nhà nhưng trở thành nhút nhát trong việc “đổ bộ tiệm may”. Hắn nói đúng và tôi đã nhút nhát thêm một lần nữa khi lo ngại rằng Dì Ba cảm thấy lẻ loi vì hai cô gái cùng Khoa và tôi càng ngày càng thân nhau.
Lần này tôi sắp bảo hắn vài chuyện chẳng biết hắn có nghĩ rằng tôi nhút nhát không.
Khoa đã chỉ cho tôi bảy bí quyết dựa vào đó mà làm cho người khác nghe theo lời mình.
Thứ nhất phải biết người ta thích cái gì.
Thứ hai phải biết người ta muốn cái gì.
Thứ ba phải biết người ta cần cái gì.
Thứ tư phải biết người ta ghét cái gì.
Thứ năm phải biết người ta sợ cái gì.
Thứ sáu phải biết tình trạng nội tâm của người ta lúc mình nói với họ: vui (hỷ), giận (nộ), yêu (ái), ghét (ố), buồn (ai), sợ (cụ), muốn (dục).
Thứ bảy nên “Tiên hạ thủ vi cường” nghĩa là ra tay trước lấy thế mạnh.
Trong một bữa ăn vặt, khi Khoa uống hết nửa chai Larue, tôi nói với hắn:
_Dì Ba một lần đã nói những đường liên tỉnh an ninh về vấn đề trộm cướp nhưng khi trời tối là nơi Việt Cộng hoạt động. Vậy từ nay mình sẽ khởi hành đi Mỹ Tho khi trời vừa hết tối và về tới Sài Gòn khi trời sắp tối.
_Mày nhắc tao mới nhớ, làm như thế đi. Khoa nói.
_Còn nữa, tôi nói tiếp, bỏ luôn việc mua bia để sẵn trong tiệm may vì như thế Dì Ba có thể thành nghiện rượu. Chỉ mua bia đủ uống trong ngày Chủ Nhật và mua thức ăn đầy đủ luôn cho ngày Thứ Hai là cùng vì thức ăn để lâu thành không ngon. Tao không tiếc tiền đâu mà chỉ cân nhắc lợi hại thôi.
Khoa suy nghĩ và đồng ý:
_Phải đó, như thế tốt hơn.
Rồi hắn nhìn tôi và cười hỏi:
_Hôm nay tại sao mày lại nghĩ ra được mấy điều hay như vậy?
Tôi im không trả lời vì không biết tại sao.
Tôi vẫn còn lo ngại Dì Ba cảm thấy le loi, Dì có thể thành nghiện rượu . Ngoài ra, Dì không muốn chúng tôi tốn tiền nhiều vô ích nên đã cản tôi gọi năm ly cà phê sữa đá sau khi ăn hủ tíu. Dì nói:
_Uống trà được rồi, về nhà uống cà phê thoải mái hơn.
Những gì ba người đàn bà Tiệm May Như Ý làm, những gì họ không làm và cách kiếm ăn của họ hấp dẫn đối với tôi làm tôi cảm động rồi dần dần mến thương họ mặc dầu dưới mắt người đời họ chỉ là một bà chủ tiệm may nhỏ và hai cô thợ may. Tôi sau này kiếm ăn chắc chắn sẽ không lương thiện như Tiệm May Như Ý. Một thí dụ nhỏ nhất: tôi sẽ phải kê vào đơn thuốc ít nhất một thứ thuốc hiệu thuốc tây chỉ được phép bán nếu có đơn của bác sĩ. Như thế để bệnh nhân mỗi khi đau ốm phải trở lại phòng khám bệnh của tôi trong khi bệnh của họ nhiều trường hợp chỉ cần dùng những thứ thuốc ai cũng được phép mua. Ôi, nói về lương thiện tôi sẽ kém xa Dì Ba, Hường và Lan. Những người quyền hành, giàu sang, họ như thế nào tôi xin miễn nói đến vì tôi không muốn làm đổ nồi cơm của bất cứ ai.
Tình yêu của tôi đối với Lan có lẽ khác tình yêu của Khoa đối với Hường. Tôi cảm động khi mới gặp Lan, mến thương rồi mới yêu nàng.
Khoa gặp Hường có lẽ yêu Hường ngay rồi sau đó thương yêu nàng.
Có lẽ không ai có thể nói tình yêu của mình sâu đậm tới bao nhiêu mà phải để thời gian trả lời. Tôi bỗng mỉm cười, thầm đổi câu “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng người có nhân” thành “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng ai thương nhiều”.
Bây giờ Khoa và tôi giống như con cháu trong Tiệm May Như Ý. Chúng tôi tự nhiên mở tủ lạnh rót nước sôi để nguội uống, chỉ khi uống gì khác hoặc ăn gì mới mời mọi người cùng uống cùng ăn. Chúng tôi tự động làm sạch gọn trong nhà, nhưng không bao giờ lên lầu nếu không ai bảo lên hoặc gọi lên. Chúng tôi chăm sóc chiếc Mobylette màu beige và nếu có thể sửa chữa những gì cần trong nhà.
Lại một mùa Hè trôi qua, Khoa lên Năm Thứ Hai Trường Luật, tôi lên Năm Thứ Nhất Trường Y Khoa, đóng lon Chuẩn Úy Sinh Viên Quân Y.
Khoa vẫn kiếm nhiều tiền dạy học còn tôi chỉ kiếm được vừa đủ như cũ vì ít rảnh.
Mùa Đông đến, Hường đan cho Khoa một chiếc áo len chui hở cổ sát nách rất đẹp và vừa vặn. Áo màu cà phê đậm, hợp với mái tóc màu nắng úa của hắn. Lan cũng đan cho tôi một chiếc áo len cùng kiểu, cũng rất đẹp và vừa vặn. Áo màu xám hợp với màu đen tóc tôi.
Dì Ba cho mỗi đứa tôi một đôi giầy Bata thứ tốt. Giầy của Khoa màu nâu đậm, của tôi màu xám.
Chúng tôi biếu Dì Ba một nồi cơm điện National lớn và một cái lẩu điện lớn thứ tốt.
Hai đứa tôi tặng Hường và Lan mỗi người một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Seiko mạ vàng thứ đắt tiền.
Những khi học trò được nghỉ lễ lâu và ngày Tết, Khoa và tôi cách một ngày lái xe đi Mỹ Tho.
Chúng tôi không bao giờ ngủ đêm tại tiệm may. Mỗi đứa tôi không bao giờ chở Hường hoặc Lan đi đâu một mình. Hai tình trạng này được duy trì một cách tự nhiên một phần vì Khoa và tôi chưa thấy mong muốn gì hơn, một phần cũng vì thì giờ eo hẹp. Nhưng tôi bỗng thấy hai lý do này không đứng vững khi nhớ ra tôi chỉ làm giống theo ý của Khoa. Hắn đã nêu ra vấn đề trách nhiệm và bảo rằng nếu vì một lý do nào đó hắn không kết hôn được với Hường thì mọi người vẫn hiểu rằng Hường còn trăm phần trăm là một cô gái. Phải chăng đây là trường hợp khi yêu, người ta tránh hết sức làm những gì có thể có hại cho người mình yêu? Hay vì chúng tôi bị ảnh hưởng của hai câu Tiếng Anh và Tiếng Pháp chúng tôi rất ưa thích “Bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn miễn là bạn không làm cho người khác đau khổ hoặc tức giận” (87) và “Con người là kẻ yêu thích những gì tốt và biết ghét những gì xấu” (88). Dù vì lý do gì, chúng tôi cứ thế đối xử với hai cô gái một cách tự nhiên và vui vẻ. Tôi cũng nghĩ không có gì gấp gáp cần phải tỏ tình yêu và xin kết hôn với Lan, tôi mới mười chín tuổi và nàng mười tám. Tôi tự hỏi nếu Khoa và tôi không kết hôn được với Hường và Lan thì hai cô gái này sẽ ra sao. Có lẽ hai nàng không thiệt hại gì mà có thể được tiếng tốt đã là bạn khá lâu với hai sinh viên trên Sài Gòn và mặc dầu không đi đến hôn nhân nhưng vẫn còn là con gái không ai có thể nói xấu điều gì. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng Khoa và tôi chắc chắn sẽ cưới Hường và Lan. Tôi giữ chiếc áo len rất sạch và chỉ mặc đi Mỹ Tho khi trời lạnh, dọc đường tôi bận thêm một chiếc sơ mi rộng bỏ ngoài quần để che bụi.

(87) Bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn miễn là bạn không làm cho người khác đau khổ hoặc tức giận: You can do whatever you want provided that you do not hurt anyone.
(88) Con người là kẻ yêu thích những gì tốt và biết ghét những gì xấu: Un homme est celui qui aime le bien et sait haïr le mal.

Ba đưa một tờ giấy cho Lan rồi nói:
_Vậy ăn xong, con về nhà liền đi.
Lan đưa tờ giấy cho tôi xem. Thì ra là một cái điện tín Dì Ba trả lại cho Lan. Tôi đọc: “Lan về gấp, mẹ đau nặng”.
Tôi đưa Khoa tờ điện tín để hắn đọc rồi truyền đi cho Hường.
Lan nhận lại điện tín Hường đưa, mặt không vui và lo.
Mọi người ăn trưa chậm lại, nói chuyện ít đi và nhỏ hơn.
Sau khi Khoa và tôi cùng hai cô gái dọn dẹp xong bữa cơm trưa, tôi đưa Lan ra bến xe. Xe Khoa chở Hường chạy trước, xe tôi và Lan chạy sau như thường lệ. Tôi có trong túi ba nghìn rưởi đồng, mượn Khoa được ba nghìn đồng. Tôi đưa Lan chiếc phong bì dán kín đựng sáu nghìn đồng:

(89) Một tô phở, một tô mì, hoặc một tô hủ tíu giá 5 đồng.

_Cô Lan, cô bỏ bóp ngay chiếc phong bì này kẻo rớt xuống đường.
Thấy Lan còn lưỡng lự, tôi nói tiếp:
_Đó là sáu nghìn đồng tôi tặng cô để chữa bệnh cho bác gái.
_Anh cho em nhiều tiền quá, em cám ơn anh. Nói xong Lan bật khóc.
Tôi chưa kịp vui vì giúp được Lan, bỗng buồn khi thấy đôi mắt đầm lệ của nàng trong kính xe chiếu hậu. Tôi đằng hắng nói:
_Cũng may là tôi đang kiếm được nhiều tiền. Có hãy dùng hết số tiền để chữa bệnh cho bác gái.
Trên đường về Sài Gòn, khi xe Khoa và xe tôi chạy song song, hắn hỏi:
_Khánh, mày nghĩ sao về bệnh của Má của Lan.
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
_Từ trước đến nay không nghe nói Má của Lan có bệnh gì. Vậy tình trạng bây giờ là bệnh mới có phát nặng. Má của Lan chắc cũng chỉ ba mươi chín hoặc bốn mươi tuổi như Dì Ba, nghĩa là còn trẻ nên sức chống bệnh mạnh mẽ. Tao nghĩ bác sĩ ở Bến Tre sẽ chữa hết bệnh cho bà ấy.
_Tao cũng tin như vậy. Khoa đưa ý kiến rồi nói tiếp:
_Bến Tre là tỉnh có nhiều người giỏi. Nhiều Người Bến Tre làm lớn kể cả bên quốc gia lẫn Việt Cộng. Vậy bác sĩ Người Bến Tre ít nhất cũng phải lành nghề.
Tôi vui lên nhưng chẳng bao lâu thấy không yên tâm khi nhớ tới lúc Lan khóc trên đường ra bến xe. Nàng khóc vì cảm động khi nhận tiền tôi tặng hay vì cái điện tín? Có lẽ vì cả hai.
Tôi lái chiếc Lambretta của tôi chậm lại để xe Khoa đi trước, rồi chúng tôi phóng nhanh về Sài Gòn.
Nắng chiều bắt đầu yếu dần hai bên ruộng. 

Sáng sớm trước khi lên đường đi Mỹ Tho, tôi mua hai mươi cái bánh rán (90) còn nóng để uống trà hoặc uống cà phê – Lan và Dì Ba rất thích.

(90) Bánh rán: bánh “cam” Hà Nội.

Khi Khoa và tôi tới Tiệm May Như Ý, chỉ có một mình Hưởng ngồi may. Chào nhanh Hường, tôi đi thẳng vào nhà trong, đặt gọi bánh xuống bàn ăn. Rồi khát nước, tôi lấy một cái ly, tiến tới tủ lạnh.
Bỗng Khoa gọi giật tôi lại rồi nói:
_Hường mới cho biết Má của Lan mất rồi.
Tôi lắp bắp hỏi:
_Thật không? Tại sao lại mất rồi? Bệnh gì mà mất rồi?
Khoa hạ thấp giọng:
_Bà đã treo cổ tự tử sau khi bị tên xã trưởng hãm hiếp.
Tôi bỗng hoa mắt, toàn thân run lên rồi tuột tay đánh rơi chiếc ly một cái “xoảng” trên sàn nhà gạch bông.
Hường vội chạy vào mặt buồn bã quét dọn các mảnh vỡ thủy tinh cho tôi.
Dì Ba trên lầu đi xuống.
_Thưa Dì Ba. Tôi và Khoa cùng cất tiếng chào.
_Chào hai con. Mới tới phải không. Dì Ba run giọng nói rồi làm như trả lại một tờ giấy cho Hường.
Đó là lá thư của Lan tôi được Hường cho xem như sau:
“Thưa Dì Ba,
Con xin phép Dì Ba cho con nghỉ làm việc ít ngày để lo xong chuyện nhà.
Kính mến,
Lan”
Tôi bỗng nói như la lên:
_Cô Hường, cô làm ơn viết ra giấy cho tôi địa chỉ của Lan và đường đi từ đây tới Bến Tre. Tôi phải gặp Lan ngay bây giờ.
Hường đưa mắt nhìn Khoa hỏi ý kiến, Khoa lắc đầu.
Dì Ba khuyên tôi:
_Khánh à, theo thư của Lan, sau ít ngày lo xong chuyện nhà, Lan sẽ trở lại tiệm may làm việc và con sẽ gặp nó. Nếu con có gì gấp muốn nói với Lan thì viết ra giấy Dì sẽ đem tới bưu điện đánh điện tín cho Lan ngay bây giờ. Bến Tre có nhiều Việt Cộng nằm vùng để gián điệp, tuyên truyền kiếm đảng viên mới và khủng bố. Việt Cộng không ưa người di cư, con có thể là mục tiêu của đảng viên cộng sản quá khích.
Tôi thở dài, tìm giấy bút rồi gieo mình ngồi xuống ghế viết:
“Cô Lan, cô hãy tìm ngay luật sư để truy tố tên xã trưởng đó ra tòa. Tôi sẽ trả hết tiền luật sư.
Khánh”.
Chở Dì Ba ra bưu điện, tôi thỉnh thoảng nhìn kính xe chiếu hậu thấy Dì lấy khăn tay lau nước mắt. Tôi buồn, buồn hơn lúc thấy đôi mắt đẫm lệ của Lan.
Tới nơi, Dì Ba bảo tôi:
_ Con đứng đây chờ Dì vô trong gởi điện tín.
_Dạ. Tôi nói và làm theo vì biết Hường và Dì Ba không ai muốn cho tôi địa chỉ của Lan.
Bầu không khí có vẻ trở lại gần như bình thường tại tiệm may. Khoa và tôi pha cà phê và sửa soạn bánh rán để đem ra cho Dì Ba và Hường đang ngồi may. Bốn ly cà phê nóng trên bốn cái đĩa và bốn cái bánh rán đựng trong bốn cái đĩa ny lông lớn để hứng vụn bánh rơi xuống khi ăn.
Dì Ba nói:
_Có cà phê và bánh đây rồi. Giỏi thiệt, cám ơn hai con nghen.
Khoa cười toe miệng, tôi cười gượng. 

Hường hỏi Khoa:
_Anh đưa em gói gì đây?
_Hai con vịt quay và hai mươi cái bánh bía Khánh và tôi mua sáng nay ở Sài Gòn. Khoa đáp.
Quay sang tôi Hường nói:
_Anh Khánh, Dì Hai của Lan trên Sài Gòn đã xuống Bến Tre gặp Lan.
Nhà vườn Má của Lan ở một nửa là của Dì Hai.
Tôi hỏi:
_Lan đã tìm được luật sư chưa?
Hường đáp:
_Chuyện này em không rõ nhưng nghe Dì Hai nói người dân thấp cổ bé miệng thưa kiện viên chức chánh phủ khó mà thắng lắm. Má của Lan đã được mai táng nên lại càng khó hơn.
Đã hai Chủ Nhật không gặp Lan, tôi hơi bồn chồn. Nghe Hường cho biết tin về Lan, tôi thấy yên tâm nhưng vẫn tức giận về tai nạn xảy ra cho Má của Lan. Nghe kể chuyện Dì Hai nói về dân thấp cổ bé miệng và viên chức chính phủ, tôi phừng lên và muốn nổi điên. Tôi thầm tự nói “Thảo nào cộng sản nổi lên khắp nơi và Nước Pháp đã rút khỏi Việt Nam một cách mất mặt tại bờ Sông Sài Gòn, cuốn cờ về nước một cách thê thảm và gần như phần đông người tiễn đưa là các bà lấy chồng Pháp. Tình trạng bây giờ không biết sẽ ra sao đây?” Tôi muốn uống một chút bia để phừng lên tối đa mà vỗ tay xuống bàn nhưng nể sợ Dì Ba và ngại Hường nên chỉ tới tủ lạnh lấy nước sôi để nguội uống và thở dài.
Mưa đâu bỗng rơi xuống làm tôi dịu lại nhưng buồn thêm khi nghĩ tới Lan.
Tôi cố gắng tìm hiểu thật đúng tâm trạng của Lan bây giờ bằng cách dùng phân tâm học (psychanalyse, psychanalysis) (91). Lan thuộc loại người thích can thiệp (interventionniste, interventionist): nàng đã tình nguyện dẫn đường cho tôi và Khoa (xem Chương V Gặp Gỡ, trang 25). Ngoài ra, Lan còn có tính ăn thua đủ, nghĩa là theo “Luật một là tối đa hai là không có gì cả” (Loi du tout ou rien, law of all or nothing) khi nàng nói “Tên dân vệ mà còn sống đem giết nó cho rồi” (xem Chương V Gặp Gỡ, trang 84). Vậy thì Lan hiện đang hận thù và căm hờn muốn giết tên xã trưởng.
Nhưng cũng có thể tôi nghĩ không đúng về Lan mà chính tôi mới là kẻ muốn giết tên xã trưởng và tôi đang bị “projection” (92) (“sự suy bụng ta ra bụng người”).
Có lẽ đúng ra là cả Lan và tôi đều đang muốn giết tên xã trưởng.

(91) Psyche (âme, soul) nghĩa là tâm hồn, analyse (analysis) nghĩa là phân tích; psychanalyse (psychanalysis) nghĩa là phân tích tâm hồn, nói một cách dễ hiểu là phân tích tâm lý tức là phân tâm học (môn học về phân tích tâm lý).
(92) Projection nghĩa đen là sự phóng ra đằng trước, nghĩa bóng trong phân tâm học là “sự suy bụng ta ra bụng người”.

Tôi bỗng giật mình vì thấy vấn đề đã trở thành quá lớn một cách ghê sợ nên vội tới tủ lạnh rót uống một ly nước sôi để nguội thật lớn.
Tôi thở dài nằm xuống chiếc sofa (93) và nhắm mắt lại.

(93) Sofa: ghế đệm dài ba người ngồi.

Tôi nghĩ trước hết tôi phải tìm gặp Lan và giúp nàng kiếm luật sư thật giỏi để truy tố tên xã trưởng ra tòa.

Tôi hỏi Hường được biết nhà của Dì Hai là Tiệm May Thời Trang ở Đường Trần Quang Khải (Paul Bert cũ) trên Sài Gòn do Chị Tâm, con gái một của Dì Hai, làm chủ.
Dì Ba cũng nói như vậy và còn cho biết thêm số nhà.
Tôi đậu xe trước Tiệm May Thời Trang rồi đi vào, cúi đầu chào hỏi người đàn bà khoảng ba mươi tuổi đang ngồi may:

_Em xin chào chị, xin hỏi đây có phải là nhà của Chị Tâm không? Em là Khánh, bạn của Lan Tiệm May Như Ý dưới Mỹ Tho. Em xin được gặp Dì Hai.
_Chào cậu, tôi là Tâm con của Dì Hai đây. Nghe nói về cậu nhiều nay mới gặp. Người đàn bà trả lời rồi nhìn tôi như e ngại không biết tôi có thật là Khánh không.
Thấy vậy, tôi đưa tấm Thẻ Sinh Viên Y Khoa có dán ảnh của tôi ra:
_Đây là Thẻ Sinh Viên Y Khoa của em để chị xem.
Xem thẻ xong, Chị Tâm bảo tôi:
_Má tôi có nhà, cậu theo tôi lên lầu gặp bả.
_Má, cậu này là Khánh, bạn của Lan dưới Mỹ Tho, muốn gặp Má. Chị Tâm giới thiệu.
_Con xin chào Dì Hai. Con tới đây để hỏi thăm về cô Lan. Con muốn gặp cô ấy để đưa tiền mướn luật sư truy tố tên xã trưởng ra tòa.
_Truy tố tên xã truởng ra tòa? Dì Hai nói, rồi lắc đầu rơi nước mắt, nắm lấy tay tôi:
_Cám ơn con có lòng tốt. Những hiện nay Dì không biết Lan ở đâu. Nói xong, Dì Hai khóc, ôm lấy tôi.
Tôi sững sờ, bối rối, thất vọng cáo từ ra về.

Tôi đau buồn nằm suy nghĩ liên miên.
Lan đã bị tên xã truởng hãm hiếp và thủ tiêu? Thủ tiêu để làm gì cho rắc rối, hãm hiếp xong, tên xã truởng lơ luôn như đã từng làm là thượng sách. Vậy chuyện này không thể xảy ra.
Lan đã bị tên xã trưởng hãm hiếp và nàng đã bỏ đi lánh mặt một thời gian vì quá đau đớn không muốn gặp mặt họ hàng bè bạn. Nếu thế thì sau này, khi nàng trở về Tiệm May Như Ý hoặc nhà Dì Hai, tôi sẽ cưới nàng liền để nàng biết rằng đối với tôi chuyện nàng bị hãm hiếp chỉ là tai nạn, nàng hoàn toàn không có lỗi gì đối với tôi, mặc dầu tôi đau đớn, buồn tiếc. Tôi sẽ tìm cách giết chết tên xã truởng. Tôi đã học mấy khóa quân sự và tôi bắn súng rất trúng và nhanh. Nhưng dù cho ám sát hắn xong, tôi vẫn không thoát tội được vì sẽ là kẻ bị tình nghi số một. Tôi sẽ bị tra hỏi khi xảy ra vụ ám sát tôi ở đâu, làm gì lúc đó. Vậy tôi sẽ giết tên xã trưởng sau khi có bằng bác sĩ rồi tập sự trong bệnh viện để có khả năng chuyên về giải phẫu và sau khi Lan có bằng y tá. Việc này cần vài năm và hy vọng tên xã truởng còn sống. Khi đó tôi và Lan sẽ theo cộng sản vào bưng. Tôi sẽ tập luyện về ám sát để lập thành tích dâng đảng. Việc này tôi nghĩ sẽ chắc chắn làm được và sau đó Lan cùng tôi sẽ sống bên nhau trong bưng, hành nghề y khoa giải phẫu là thứ cộng sản rất cần.

Nhưng hỡi ơi, sau vài tháng vắng mặt, Lan đã giết chết tên xã truởng.
Nàng đã cùng với một gã cộng sản ám sát tên xã truởng và đang bị truy nã rất gắt. Theo lời khai của gã hộ vệ tên xã truởng thì cả hai đều bị trúng đạn súng lục một cách bất ngờ khi vừa quẹo quanh một rặng cây rậm rạp và bị thương nặng không phản ứng được. Một người đàn ông bắn tên hộ vệ và một cô gái bắn tên xã truởng. Cô gái tiến tới tên xã truởng và bắn tiếp một phát vào giữa trán hắn.
Nghe Hường thuật lại như vậy, tôi vui mừng được vài giây đồng hồ, rồi bỗng hoa mắt, bủn rủn tay chân và ngã xuống vì biết tôi đã mãi mãi mất Lan.
_Anh Khánh xỉu! Anh Khánh xỉu! Hường kêu lên thật lớn.
Khoa vội chạy tới vực tôi lên chiếc sofa.
Dì Ba cạo gió cho tôi.
Tôi nói:
_Con cám ơn Dì Ba. Con khỏe lên rồi, con sẽ lái xe về Sài Gòn như thường.
Tôi bỗng tê tái hiểu ra chuyện: gia đình Dì Hai theo cộng sản và đã giúp Lan ra bưng để rồi trở lại ám sát tên xã trưởng theo ý muốn của nàng. Tôi đã bị Chị Tâm nghi ngờ là một kẻ lạ đến để dò la về gia đình chị, Dì Hai đã nói dối tôi Dì không biết Lan ở đâu nhưng rồi cảm động òa khóc, ôm lấy tôi. Anh Lực, chồng Chị Tâm làm chủ một chiếc xe vận tải lớn và cũng là tài xế lái xe này khứ hồi đường Sài Gòn Bến Tre. Anh vừa chở khách và hàng kiếm tiền vừa tiếp tế tiền cộng sản kinh tài cũng như thực phẩm và thuốc men cho họ trong bưng. Tài xế xe vận tải tiếp tế cho Việt Cộng ban đêm đậu tại nơi quốc gia không kiểm soát được, dựng nắp xe lên hoặc tháo bánh xe ra làm như xe đang bị hư hỏng. Việt Cộng sẽ ra nhận tiếp tế.
Tôi dấu kỹ chuyện hiểu ra này, không để cho bất cứ ai biết nhlà Dì Hai.
Tôi không còn biết làm gì hơn ngoài việc tìm cách gửi tiền, thuốc men và vải cho Lan vì nàng chắc chắn thiếu thốn những thứ này.

Một buổi tối, tôi lái xe trở lại nhà Dì Hai. Tôi biếu Dì một gói cà phê lớn thử đắt tiền và mười hộp sữa Nestle’, rồi kể chuyện về Lan y như Hường đã nói cho tôi biết, làm như báo tin cho Dì Hai. Dì bỗng òa khóc.
_Dì Hai, con muốn gửi tiền, thuốc men và vải cho cô Lan những chưa làm được.
Dì Hai khóc lớn nói:
_Khánh, con tốt quá, nghe Lan nói về con nhiều bây giờ mới biết. Căn nhà trước kia mẹ của Lan ở một nửa là của Dì. Dì sẽ bán căn nhà này, một nửa số tiền bán được dùng để gởi cho Lan. Nếu cần, Dì sẽ dùng tất cả số tiền bán nhà gởi cho Lan.
Tôi nói liền:
_Vậy khi nào Dì gửi được cho con biết để con gửi ké. Chuyện này chỉ có Dì và con biết mà thôi. Con sẽ chịu mọi tiền cước phí.
Rồi mỗi tuần tôi đến thăm Dì Hai, biếu Dì bánh rán, hoặc heo quay, gà quay, vịt quay, giò lụa, chả lợn, chả quế, vân vân. Dì nhận, cám ơn tôi một cách vui vẻ nhưng rồi trầm ngâm nhìn tôi cho đến một hôm Dì lại khóc nắm lấy tay tôi:

_Dì đã tìm được chỗ gởi tiền cho Lan. Con có thể gởi tiếp tế cho nó được rồi. Việc này rất nguy hiểm vậy chỉ hai Dì con mình biết thôi nghen.
Tôi nghĩ Dì Hai phải tối đa cẩn thận về việc Dì tiếp tế cho cộng sản. Việc này tự nó đã nguy hiểm nên ngoài gia đình, Dì không thể để cho ai biết được. Tôi cố gắng làm như không biết gì trong khi nhờ cậy Dì giúp tôi tiếp tế cho Lan.
Tôi vui mừng lên một chút, có ý định sau khi tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu tổng quát, tôi sẽ trốn vào bưng theo Lan. Nghĩ vậy nên khi Khoa rủ tôi theo hắn mỗi tuần đi Mỹ Tho như trước, tôi đồng ý.
Tai Tiệm May Như Ý, thỉnh thoảng Dì Ba bỏ đi vào trong bếp. Tôi nghĩ có lẽ Dì sắp rơi lệ, rơi lệ vì thương Lan, thương cho mối tình của chúng tôi, hay thương tôi; Dì thương cả ba và thương Lan nhất. Tôi cũng vào nhà tắm dùng bàn tay sạch hứng nước lạnh trong vòi cho chảy qua đôi mắt lấy bình tĩnh.
Sau mỗi lần tiếp tế, tôi đều nhận được một miếng giấy nhỏ bằng bàn tay Dì Hai đưa, nói là của Lan gửi cho tôi. Trên miếng giấy chỉ có ghi chú chi tiêu tiền chợ. Tôi nhận ra chữ của Lan và suy nghĩ xem nàng muốn nói gì. Tôi cộng tất cả chi phí tiền chợ lại được một con số bỏ dấu phẩy đi thì bằng số tiền tôi đã gửi.

Ít lâu sau Dì Ba bị bệnh phụ khoa nhờ tôi đưa lên Sài Gòn chữa. Dì bị ung thư cổ tử cung tại chỗ (cancer du col utérin in situ). Bác Sĩ Jacques Tavernier giải phẫu cho Dì và một năm sau kết hôn với Dì. Ông đã ly dị vợ và không có con. Khi hết giao kèo làm việc, ông về Pháp, Dì Ba đi theo sống tại Paris.
Tiệm May Như Ý do Hưởng làm chủ. Nàng mướn thêm hai cô thợ may về làm việc.

May mắn đến với Dì Ba và Hường thì xui xẻo nhất xảy ra cho tôi.
Khi còn hai năm nữa thành Bác Sĩ Giải Phẫu Tổng Quát, tôi được Dì Hai cho biết là mất tin tức của Lan và không biết nàng ra sao. Tôi đau đớn sắp ngã nhưng gượng lết được tới chiếc sofa và nằm xuống nghỉ. Sau khi được Dì Hai cạo gió, tôi run run lái xe về nhà.
Hai điều đã có thể xảy ra. Một là Lan chết, suy nghĩ như vậy đã làm tôi sắp ngã xuống. Hai là Lan đã lấy chồng có lẽ là anh chàng cộng sản đã bắn tên hộ vệ bị thương nặng; vì vậy nàng không muốn nhận tiếp tế của tôi nữa. Tôi không muốn Lan chết vì như vậy tôi đau đớn hơn.

Hai năm sau, tôi thành Bác Sĩ Giải Phẫu Tổng Quát và nỗi đau đớn của tôi thành một vết sẹo trong hồn. Tôi không nghĩ tới đàn bà con gái nữa và xem họ giống như đàn ông.

%d