Khai Phi's Website

TÔI CÓ BA MỐI TÌNH_Chương IX Đoạn Kết_Khai Phi Hạnh Nguyên

Hường làm chủ Tiệm May Như Ý sau khi Dì Ba đi Pháp và Lan vắng mặt. Nàng mướn hai cô thợ may về làm việc. Tiệm may khá lên nhờ có thêm khách hàng là vợ cán bộ và vợ sĩ quan Việt Cộng. Sau khi thành gia đình liệt sĩ một thời gian, Lan trở lại tiệm may với đứa con. Hường không cho một cô thợ nghỉ việc vì nàng tội nghiệp, hơn nữa giữ cô ta lại, tiệm may cũng không thiệt hại gì nhiều. Hường đủ sức nuôi con và thăm nuôi Khoa trong Trại Tập Trung. Nàng vẫn liên lạc với Dì Ba ở Paris. Dì cho Hường ở nhà và mở tiệm may miễn phí.
Việt Cộng chiếm ngôi nhà của Anh Chị Tám ở Đường Chi Lăng dùng làm Phòng Khám Khu Vực, nhưng vẫn dành một phòng, nhà bếp và phòng tắm cầu tiêu cho Chị Tám ở. Chị Tám có thể nhờ con trai là Tân làm Kỹ Sư Điện tại Pháp bảo lãnh sang định cư bên đó nhưng chị không làm, chị ở lại Sài Gòn để thăm nuôi Anh Tám trong Trại Tập Trung.
Sau sáu năm ở Trại Tập Trung, Khoa và Anh Tám được thả.
Anh Chị Tám được con trai bảo lãnh sang Pháp rất nhanh.
Khoa và vợ con được sang Mỹ định cư giống như trường hợp tôi và ở cùng tiểu bang với gia đình tôi. Hường đã bán tiệm may đang đắt khách được hai chục ngàn dollars Mỹ. Nàng và Khoa đem số tiền sang Mỹ, bỏ vào ngân hàng rồi viết ngân phiếu gửi cho Dì Ba mỗi năm mười ngàn dollars. Dì Ba chỉ làm như vậy để Dì khỏi đóng thuế số tiền nhận được.  Dì nói theo luật định, mỗi người một năm chỉ được có tiền quà mười lăm ngàn dollars Mỹ trở xuống, nhiều hơn sẽ phải đóng thuế.
Nhà Khoa gần nhà tôi, cách nhau mười lăm phút lái ô tô. Bốn đứa con chúng tôi: Thanh, Mai, Hiền và Bé Trúc vui chơi với nhau. Gia đình chúng tôi hay tụ họp ăn uống ngày Thứ Bảy. Tôi bắt chước Anh Chị Tám mua một cái bàn ăn bề ngang rộng để thực khách ngồi không đụng chân nhau. Bàn có thể kéo dài ra đủ chỗ cho mười hai người ngồi ăn. Tôi thu bàn ngắn lại một nửa. Khoa cũng mua một cái bàn kiểu như vậy.
Người ta thường nói kẻ giết người có ánh mắt sắc và lạnh như đồng. Thỉnh thoảng tôi nhìn vào đôi mắt Lan và suy nghĩ xem có đúng vậy không.
_Anh nghĩ gì vậy. Nghĩ tới Cô Cúc phải không? Lan hỏi.
_Đâu có. Tôi cười trả lời rồi ôm lấy nàng.
Lan hơi chống cự:
_Buông ra.
Nhưng tôi ôm nàng chặt thêm và hôn…

Tôi nghĩ tên xã trưởng bị Lan bắn chết và tên cán bộ Việt Cộng gửi giấy đòi Cúc đến văn phòng hắn “làm việc” là Địa Ngục. Vậy Thiên Đường là gì? Thiên Đường là những gì người tốt làm cho nhau để được hạnh phúc. Địa Ngục là những gì kẻ xấu gây ra cho người khác. Chính quyền dung túng kẻ xấu cũng là Địa Ngục. Kẻ cầm đầu chính quyền dung túng kẻ xấu là Địa Ngục luôn.
Thiên Đường và Địa Ngục khác người ta nói tới đều không có vì không ai biết Thiên Đường và Địa Ngục đó ở đâu và như thế nào.

Khoa và tôi cùng với Hường và Lan sang thăm Dì Ba tại Paris. Khi đó tôi bốn mươi lăm tuổi, Dì sáu mươi lăm vì tôi nhớ Dì cũng như Má của Lan hơn tôi hai mươi tuổi.
Bác Si Jacques Tavernier và Dì Ba không có con. Ông qua đời năm bảy mươi lăm tuổi vì bệnh ung thư phổi (cancer du poumon).
Năm năm sau, Hường nhận được điện tín nói Dì Ba bị bệnh nặng vì ung thư tử cung (cancer ute’rin). Hường và Lan cùng Khoa và tôi sang thăm Dì trong bệnh viện. Hai nàng tới giường ôm lấy Dì rồi khóc. Khoa và tôi mỗi đứa một bên đứng im, nắm lấy bàn chân Dì. Hường nhận được tờ di chúc Dì Ba trao. Di chúc nói nàng và Lan mỗi người được hưởng năm mươi phần trăm tiền ngân hàng của Dì và ngôi nhà Dì đang ở. Tính ra tổng cộng mỗi người được một trăm năm mươi ngàn euros trị giá hai trăm hai mươi lăm ngàn dollars Mỹ. Số tiền này lúc bấy giờ mua được một ngôi nhà lớn tiện nghi tại tiểu bang tôi ở.
Ba hôm sau, Dì Ba hấp hối, mỗi bên giường có Hường cùng Khoa và Lan cùng tôi đứng.
Hường và Lan mỗi người nắm lấy bàn tay Dì òa khóc kể lể rằng ngày xưa Dì hay nói giỡn Dì là mẹ nuôi không nuôi của hai người, có ngờ đâu nay Dì là mẹ nuôi thật.
_Trời ơi là Trời! Hường và Lan vừa khóc lớn vừa kêu lên.
Tôi mắt đẫm lệ, tay run run nắm lấy bàn chân lạnh dần của Dì Ba. Dì mất năm bảy mươi lăm tuổi./.

Ngày 27 tháng 1 năm 2022

%d